SGTT - Hà Giang – Tuyên Quang – Bắc Kạn đã được kéo lại gần nhau bằng đường thủy trên những dòng sông Đông Bắc. Những danh thắng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) trở nên mới mẻ, nên thơ khi được khám phá dưới góc nhìn từ dòng sông.
Rời Đồng Văn với đỉnh Lũng Cú điểm cực Bắc tổ quốc, hay còn được ví “nóc nhà Việt Nam”, những buổi chợ phiên đa sắc màu hoa văn thổ cẩm… đậm đà bản sắc giống như trăm năm về trước, chúng tôi tiếp tục đến Bắc Mê rồi lên thuyền cao tốc xuôi dòng sông Gâm hướng tới nhà máy thuỷ điện Na Hang – Tuyên Quang.
Thắng cảnh nhìn từ sông Gâm
Thác Đầu Đẳng - hồ Ba Bể
Mùa này nước kém, dòng sông Gâm chảy qua địa phận Hà Giang vì thế luôn đục ngầu màu gạch cua cho đến khi tiếp giáp khu vực lòng hồ nó bỗng thay màu xanh ngăn ngắt và càng lúc càng trải rộng mênh mông giữa đôi bờ là cánh rừng nguyên sinh, những dãy núi đá vôi gối lên nhau trùng điệp. Thỉnh thoảng lộ diện trên mặt nước những thân cây khô, như minh chứng một thời nơi đây từng là rừng rậm.
Đó cũng là một trong những đoạn có cảnh sắc khoáng đạt, quyến rũ nhất trên sông Gâm. Người ta kể: khắp sông suối phía Bắc nổi tiếng năm loại cá quý hiếm được ví là “ngũ quý hà thuỷ” gồm anh vũ, cá chiên, dầm xanh, cá lăng, cá bông thì hầu hết đều có mặt, sinh sản ở sông Gâm. Song ngày nay vì môi trường thay đổi và bị ngư dân khai thác ráo riết ngay còn trứng nước nên chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Riêng loại cá anh vũ, tương truyền xưa kia chỉ dành tiến vua, tuy vẫn tồn tại nhờ sống trong hang sâu, hốc đá dưới đáy sông nhưng số lượng chẳng còn là bao.
Cuộc “giang trình” không quá dài như tôi tưởng tượng bởi mất khoảng hai tiếng đồng hồ tính từ lúc khởi hành, thuyền đã tới Na Hang, nơi hội tụ của dòng sông Gâm và sông Năng đồng thời uốn quanh núi Pác Tạ, mang hình thù con voi quỳ phục. Nhìn về phía trước nổi bật trên bầu trời là toàn cảnh khu vực đập tràn và nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang, công trình lớn thứ nhì miền Bắc sau Hoà Bình đang vận hành ngày đêm với ba tổ máy.
Đến sơn cùng thuỷ tận
Bỏ lại sau lưng thị trấn Na Hang nhộn nhịp trên bến dưới thuyền trong một buổi trưa đầy nắng gió, chúng tôi rẽ sang phía tả ngạn sông Gâm, bắt đầu ngược dòng Năng chảy uốn khúc giữa hai bên bờ là những vách đá xù xì, dựng đứng, từng được thời gian, sóng nước bào mòn, tỉa tót qua hàng triệu năm. Thời tiết chợt chuyển sang mát lạnh khi thuyền chạy song song cánh rừng già ven bờ. Đâu đó vang vọng tiếng chim hót cùng tiếng cây rừng xào xạc giữa chốn sơn cùng thuỷ tận làm cho cảnh vật thêm hoang dã, tĩnh mịch.
Quá trình vận động kiến tạo, thiên nhiên khá hào phóng khi ban tặng cho vườn quốc gia Ba Bể nhiều danh thắng kết hợp giữa vẻ đẹp nên thơ, hữu tình sông hồ với sự ngoạn mục, hùng vĩ của núi đá vôi “các tơ” cổ, (một dạng đá vôi bị xâm thực thành hang động); đặc biệt là hệ thống 20 hang động, trong đó động Puôn được xem là đẹp nhất bởi có chiều dài 300m, trần động có chỗ cao đến 50m với nhiều chòm nhũ đá ngoạn mục và cũng là nơi trú ngụ của đàn dơi hơn 10.000 con. Đó là kết quả của dòng sông Năng xâm thực lòng núi Lũng Nham suốt hàng trăm triệu năm tạo thành.
Chúng tôi thăm Ba Bể khi trời đã quá chiều, dưới ghềnh đá dĩa ven hồ từng đàn thuỷ cầm đang lao xao ngụp lặn tìm mồi, chợt nghe động tức khắc chúng bay loáng thoáng trên mặt nước vài ba mét rồi tiếp tục sà xuống hồn nhiên bơi lội như trêu chọc những vị khách phương xa mãi dõi mắt nhìn theo. Giữa trời nước bao la, thoang thoảng hương thảo mộc, chúng tôi chỉ biết lặng yên và thả hồn theo cánh chim bay lượn lờ trên cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, những núi đá vôi lô nhô, thoắt ẩn thoắt hiện sau làn mây trắng mong manh như sương như khói.
Các tour “hành Đông Bắc – Việt Nam” vẫn luôn hấp dẫn nhất đối với khách phương Nam, bởi lẽ vùng đất này sở hữu hai danh thắng nổi tiếng: cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và hồ Ba Bể (Bắc Kạn) hiện đang được đề nghị UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
(Nguồn: SGTT)