Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Kinh nghiệm một lần du lịch Hà Nội

Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến luôn cuốn hút du khách bởi nét cổ kính, yên bình lạ kỳ. Một chuyến tham quan quanh Hà Nội sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm khó quên về 36 khu phố nghề cổ kính của Hà Nội xưa, Văn miếu Quốc Tử Giám – biểu trưng của một thủ đô giàu truyền thống hiếu học, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn – trái tim của Tràng An Hà Nội, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Q. Tây Hồ – nơi an nghỉ ngàn thu của Bác Hồ kính yêu…

Hà nội đẹp nên thơ vào mùa thu

Khí hậu

Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho vùng Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều; mùa đông lạnh, ít mưa. Ở Hà Nội, từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa. Từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa đông thời tiết khô ráo. Giữa hai mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng.

Thời gian du lịch

Thời gian tuyệt nhất để du lịch ở Hà Nội là từ tháng 9 đến tháng 11 hay từ tháng 3 đến tháng 4 lúc thời tiết êm dịu và ấm áp. Từ tháng 11 đến tháng 3 ít mưa hơn nhưng thời tiết có khi rét đậm rét hại, nhất là vào buổi tối. Còn từ tháng 5 đến tháng 9, tiết trời oi bức, thỉnh thoảng có mưa lớn.

Di chuyển

Từ TP.HCM, bạn có thể đi ra Hà Nội bằng tàu hỏa, ô tô hoặc máy bay.
Đặt vé tàu từ TP.HCM ra Hà Nội tại ga Sài Gòn: 01 Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TPHCM, ĐT: 08. 39 318 952. Hiện nay có nhiều loại vé cho bạn chọn (ghế cứng, ghế mềm, giường nằm có máy lạnh…), giá từ khoảng 782.000VND/vé/người trở lên. Tàu dừng tại ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn.

Nếu đi ô tô, bạn có thể chọn các hãng như Hoàng Long (ĐT: 0988 259 568), xe Mai Linh (08 39292929), xe Tân Đạt ((08) 218.1056 – 090.66.88.567)… Xe khởi hành từ bến xe Miền Đông, ghế ngồi và giường nằm giá từ 550.000VND/vé, đã bao gồm thức ăn và nước uống. Thời gian đi ô tô khoảng dưới 60 giờ do xe phải dừng lại vào các bữa ăn nên sẽ lâu hơn tàu hỏa.

Máy bay là phương tiện di chuyển nhanh nhất ra Hà Nội đồng thời giá cũng cao nhất. Thời gian bay là 1h45 phút, thời gian chờ đợi làm thủ tục khoảng 2 giờ, tổng thời gian bạn di chuyển từ TP.HCM đến trung tâm Hà Nội khoảng 5 tiếng đồng hồ. Giá vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội có nhiều mức, dao động từ 1,2 triệu đồng/vé/người trở lên.

Cách di chuyển từ sân bay về trung tâm Hà Nội

1. Đi bằng xe ô tô của sân bay

- Xe ô tô khách của sân bay có giá 35.000VND/người xe về đến số 1 phố Quang Trung, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội (xe của sân bay Nội Bài hoặc xe hãng đỗ tại đó – mình ko nhớ tên).

- Nếu bạn đi Jestar, hãng này có ô tô đưa về đến số 204 Trần Quang Khải, giá cũng 30.000 – 35.000VND/người

Từ 2 điểm trên bạn có thể bắt xe taxi hoặc xe ôm để về địa điểm mong muốn. Nhớ hỏi kỹ giá cả ngay từ đầu.

2. Đi bằng xe taxi


Ra khỏi sân bay rẽ tay phải là có rất nhiều xe taxi đỗ ở đó, bạn nên chọn hãng có tên biển gắn tại chỗ dành cho xe taxi. Trước khi lên xe, hãy hỏi giá và yêu cầu trả trọn gói từ sân bay về đến địa điểm bạn mong muốn. Về đến trung tâm Hà Nội thì hiện nay giá khoảng 300.000VND.

3. Đi bằng xe buýt

- Bạn ra đường lớn bắt xe buýt sỗ 7 về bãi chung chuyển Cầu Giấy hết khoảng 4.000VND. Tiếp đó bắt xe 32 hoặc 25 từ đây về bến xe Giáp Bát hết khoảng 4.000VND nữa.

- Bạn cũng có thể bắt xe số 17 từ sân bay Nội Bài về Long Biên giá khoảng 4.000 – 6.000VND.

Đi xe buýt có ưu điểm là giá rẻ nhưng phải chờ đợi, hên xui là lâu hoặc nhanh nhé! Ngoài ra nếu mà nhiều hành lý thì cũng không tiện lắm đâu.

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Xe máy là phương tiện di chuyển thuận lợi nhất ở Hà Nội

Đi lại tham quan ở Hà Nội

Các điểm tham quan ở Hà Nội không quá xa nhau nên bạn có thể thuê xe máy và tự lái đi tham quan. Muốn thuê được xe bạn phải đặt chứng minh thư và từ 4 – 10 triệu đồng (tùy xe). Giá thuê từ 10.000 – 15.000 VND/giờ và 60.000 – 100.000 VND/ngày. Một số địa chỉ: Số 5 Đinh liệt, 53 Trần Hưng Đạo, 23 E Hai Bà Trưng…

Tất nhiên bạn cũng có thể chọn phương tiện khác là xe ôm hay taxi. Mẹo nhỏ cho bạn là nên hỏi giá và trả giá trước khi đi bất cứ đâu.

Khách sạn

Số lượng khách sạn ở Hà Nội trên iVIVU là gần 300. Bên cạnh những khách sạn 5 sao sang trọng với giá phòng lên đến vài triệu đồng/đêm cũng có rất nhiều khách sạn 1 và 2 sao giá rẻ – giá thấp nhất từ 92.000 VND/phòng/đêm. Khu vực phố cổ tập trung mật độ khách sạn dày đặc, rất tiện cho bạn nghỉ ngơi và lên lịch trình thăm thú tất cả những địa danh nổi bật tại Hà Nội.

Một số điểm tham quan thú vị khi đến Hà Nội

Một số địa danh chỉ cách trung tâm Hà Nội một vài km như: Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà hát lớn Hà Nội, di tích nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long

Cổng vào làng cổ Đường Lâm

Xa hơn thì có bảo tàng dân tộc học Việt Nam, làng cổ Đường Lâm (thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km), làng lụa Vạn Phúc (thuộc P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 10 km), làng gốm Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km), thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương (cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), Chùa Hương (quần thể nhiều ngôi chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km), Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km)…

Các khu mua sắm

1. Phố Hàng Bạc

Là một trong những con phố lâu đời nhất ở thủ đô Hà Nội có truyền thống làm bạc từ thế kỷ XIII khi các miếng bạc được mang tới đây từ các ngôi làng nông thôn theo sắc lệnh của vua Lê Thánh Tông. Các hàng hóa làm bằng bạc vẫn còn được sản xuất ở đây với các công nghệ chế tạo bí mật được truyền từ nhiều thế hệ. Đây là một con phố quyến rũ có bề dày lịch sử và văn hóa để du khách khám phá về kim hoàn Việt Nam. Thời gian mở cửa: 10:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

2. Phố Hàng Gai


Hay còn được gọi là phố tơ lụa, nhiều sản phẩm được dệt nên bởi bàn tay những thợ thủ công tài hoa. Kinh nghiệm khi mua là nên bắt đầu trả giá khoảng 50% so với mức giá người bán đưa ra và trả tiền không quá 70% giá ban đầu. Đây cũng là con phố tuyệt vời để mua các sản phẩm làm bằng giấy như tranh vẽ, quyển sổ, đèn…Thời gian mở cửa: 09:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

3. Chợ Đồng Xuân


Là ngôi chợ lớn nhất ở Hà Nội và luôn nằm trong danh sách các điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến đây. Chợ thường bán đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc quần áo… Chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt thứ 7 còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ đặc sắc. Suốt dọc tuyến phố đi bộ Hàng Đào và chợ đêm Đồng Xuân, du khách có thể khám phá một phố cổ Hà Nội lung linh trong ánh đèn và mua sắm những hàng lưu niệm. Thời gian mở cửa: 07:00 – 21:00 giờ. Địa điểm: Số 1 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 900m về hướng Bắc. Chợ đêm Hà Nội họp từ: 7h00 – 12h00, tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Địa điểm: Dọc phố Hàng Đào và quanh chợ Đồng Xuân

Món ngon Hà Nội


Ẩm thực Hà Nội đặc trưng bởi vị thanh, ngọt, nhẹ nhàng như phong thái người Tràng An xưa nay. Song cùng với sự phát triển về mọi mặt, ẩm thực Hà Nội cũng du nhập những tinh hoa của nhiều vùng miền trên cả nước, biến đổi theo phong cách riêng. Những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất ở Hà Nội gồm có: Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, nộm bò khô, các món ăn từ vịt, kem Tràng Tiền, ốc luộc, chân gà nướng, bún ốc, nem tai Bà Hồng…

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Bánh tôm Hồ Tây


Ngoài ra, một số món ăn ít phổ biến hơn nhưng cũng rất đặc trưng cho ẩm thực thủ đô gồm: Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh dày Quán Gánh, Bánh Tôm Hồ Tây, bún thang, bún mọc, đậu phụ Mơ, giò chả Ước Lễ, bún đậu mắm tôm…

Xem thêm: 10 món ngon không thể bỏ qua ở Hà Nội

Mua quà Hà Nội cho bạn bè và người thân

Cốm làng Vòng


Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng. Cốm thường có vào đầu mùa thu. Nếu được bạn nên nhờ người quen ở Hà Nội mua dùm để mua đúng loại cốm ngon, giá hợp lý.

Cốm làng Vòng

Ô mai Hàng Đường


Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như: mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít… Trên phố hàng Đường có nhiều hiệu ô mai lâu đời và nổi tiếng như: Tiến Thịnh (số 21 Hàng Đường), Gia Lợi (16 Hàng Đường), Gia Thịnh (13 Hàng Đường), Hồng Lam (11 Hàng Đường). Ngoài ra, hiệu ô mai Vạn Lợi ở 38A phố Hàng Da (Q. Hoàn Kiếm) cũng rất nổi tiếng. Giá ô mai các loại dao động từ 7.000 – 12.000 VND/lạng, bạn có thể mua theo lạng hoặc mua các hộp đã đóng sẵn.

Bánh cốm Hàng Than


Để có một chiếc bánh cốm thơm ngon tinh khiết, người làm bánh phải chọn những hạt cốm đuợc làm từ hạt thóc nếp già, cho ra loại cốm già loại một, cốm đều, mịn màng, thơm, tinh khiết, không mốc, không chua. Cốm được làm ra cho vào hũ tránh mốc, ẩm để có thể làm bánh được quanh năm. Tuy nhiên, bánh cốm ngon nhất vẫn là bánh được làm vào mùa thu, mùa cốm. Bánh cốm nổi tiếng nhất Hà Nội được bày bán trên phố Hàng Than, nổi tiếng nhất là cửa hàng Nguyên Ninh số 11 dốc Hàng Than. Hiện nay giá bánh từ 5.000 – 6.000 VND/chiếc.

Lụa Hàng Gai, lụa làng Vạn Phúc


Một số cửa hàng bán lụa có uy tín ở phố Hàng Gai gồm: Khai silk, Công Silk, Hà Đông silk, Thao Silk, Lê Minh, Tân Mỹ. Tại mỗi cửa hàng đều niêm yết giá, giá ở đây nhỉnh hơn so với tại làng lụa Vạn Phúc.

Khăn lụa Vạn Phúc

Ở làng Vạn Phúc, bạn có thể trả giá để giảm từ 20%-30%. Tuy nhiên, một số cửa hiệu lớn trong làng đã niêm yết giá nên bạn khó lòng được giảm. Cửa hàng lụa nổi tiếng nhất tại làng lụa Vạn Phúc là Dung Từ. Có thể đến tận xưởng để mua lụa xịn, khổ rộng, giá khoảng 100 – 200.000 VND/mét.

Tại Hàng Gai cũng như làng Vạn Phúc cũng có nhiều cửa hàng bán lụa giá rẻ nhưng chất lượng khó bảo đảm. Mẹo kiểm tra lụa là thử kéo mạnh mép vải, lụa không bị xô hoặc rút sợi lụa xịn ra đốt sẽ có than rơi lả tả, chứ không còn nguyên hình sợi vải.


Bài đăng phổ biến