Bề dày lịch sử, kho tàng giá trị văn hóa, nghệ thuật cùng số lượng du khách tham quan nhiều nhất năm 2014 đưa Angkor Wat đứng đầu trong danh sách 500 điểm đến của trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia
Angkor Wat là một công trình kiến trúc của đế quốc Khmer, cai trị trong khoảng thế kỷ 9 - 13. Khu đền đài của Campuchia này còn là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Khoảng hơn hai triệu du khách tham quan Angkor Wat vào năm 2014.
Toàn bộ khu Angkor Wat có diện tích khoảng 200 ha. Các đền Angkor đều nằm bên trong Công viên khảo cổ Angkor, nơi quy tụ nhiều công trình tôn giáo khác của người Khmer xây dựng trong thời gian thế kỷ 9 - 15.
Không chỉ là trung tâm tôn giáo, Angkor Wat còn là "ngôi nhà chung" của nhiều dân địa phương vì một số làng mạc vẫn nằm trong Công viên khảo cổ. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông.
Mỗi đền đều có những kiểu thiết kế thờ riêng nhưng vẫn tập trung vào đời sống thường ngày. Ví dụ như đền Bayon, có những chi tiết đặc tả hình ảnh gia đình làm cơm tối, đàn ông uống rượu, phụ nữ lao động. Bayon có 37 ngọn tháp trang trí bằng 216 khuôn mặt khác nhau.
Ta Prohm là một trong những đền thuộc Angkor Wat được du khách và nhiếp ảnh gia săn hình nhiều nhất. Ngôi đền gần như bị nuốt chửng bởi rừng già, những cây lớn bao phủ lên đền bằng lớp rễ khổng lồ tạo nên một vẻ đẹp đầy bí ẩn và kỳ lạ.
Ban đầu, Angkor Wat được xây dựng để thờ Vishnu, một vị thần Hindu. Sự rộng lớn của công trình còn được nhiều người mô tả như thiên đường nơi hạ giới. Mặc dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng những ngôi đền trong quần thể vẫn gìn giữ được vẻ đẹp và thường xuyên có người đến thờ cúng.
Tổng cộng trong quần thể Angkor Wat có hơn 3.000 bức chạm khắc Asaparas - một nữ thần Hindu có 37 kiểu dáng khác nhau.
Angkor Thom là một công trình kiến trúc đồ sộ khác với diện tích khoảng 10 km2 và có tường thành bao bọc. Nơi đây từng được biết là thành phố lớn nhất thế giới vào thế kỷ 12.
Không ai rõ vì sao một khu tôn giáo lớn như Angkor Wat lại từng bị lãng quên. Có giả thuyết cho rằng do sự chuyển đổi tôn giáo từ Hindu sang đạo Phật vào khoảng thế kỷ 13, 14. Số khác lại nghĩ các nguồn và hệ thống nước công phu ở đây bị hỏng dẫn tới con người phải di chuyển đến những vùng đất khác.
Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ phương Tây mới lại tìm hiểu về quần thể đền đài này và đưa vào khôi phục trong khoảng các năm 1907 - 1970. UNESCO công nhận Angkor Wat là di sản văn hóa thế giới năm 1992.
Hương Chi (theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét