Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Nơi ra đời câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh'

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
 
Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh".

Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo.

Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót.

Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh.

Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.


Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.

Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.


Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa.


Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa.

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa.
 
Phong Vinh (VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến