Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

6 vị cứu tinh giấu mặt trên chặng đường du lịch

Nếu gặp trục trặc, quanh bạn vẫn có rất nhiều 'anh hùng' sẵn sàng trợ giúp như tài xế taxi, nhân viên khách sạn hay những du khách xa lạ.
Xem thêm: Du lịch theo tour nhưng vẫn tự do
 
Khi đi du lịch tự túc, trục trặc là chuyện không thể tránh khỏi. Nếu ngay cả smartphone cũng không cứu được bạn thì đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của những "chuyên gia" đặc biệt dưới dây:

Tài xế taxi

Ai cũng phải thừa nhận rằng, lái taxi là một trong những chuyên gia đường sá, biết mọi ngóc ngách trong thành phố. Ngoại trừ một số tài xế "chặt chém" khách thì đa phần những người làm nghề này đều rất thân thiện và dễ chia sẻ. Bạn có thể hỏi họ bất cứ điều gì về thành phố, về những quán xá hay ho, khu vui chơi thú vị, về tình hình giao thông và cả những điều cấm kỵ nữa. Thậm chí, bạn có thể biết được lối sống, những thói quen đặc biệt của cộng đồng địa phương mà chưa từng đọc qua ở bất cứ đâu. Bạn chỉ phải trả đúng số tiền taxi nhưng thu lại được khá nhiều những kiến thức du lịch rất bổ ích.

Nhân viên cửa hàng tiện ích

Cửa hàng tiện ích rất phổ biến ở nước ngoài, hành khách có thể bắt gặp ở bất cứ con đường nào và vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì thế, những nhân viên ở đây cũng nằm trong danh sách "nhân viên cứu hộ" đặc biệt khi bạn gặp những tình huống cấp bách, ví dụ như lạc đường. Nếu ngại khi chỉ hỏi suông thì bạn có thể tiện mua một vài vật dụng cần thiết cho chuyến đi, sau đó mới bắt đầu những câu hỏi của mình, họ chắc chắn sẽ niềm nở trả lời giúp bạn.
Nếu gặp trục trặc, quanh bạn vẫn có rất nhiều "anh hùng" sẵn sàng trợ giúp. Ảnh: Travelstart

Nhân viên khách sạn/chủ nhà trọ

Những người sống xung quanh nơi ở của bạn cũng không nằm ngoài danh sách này, thậm chí họ còn là những chuyên gia rất đắc lực trong chuyến đi. Nhân viên khách sạn thường khá đông, nhưng không phải ai cũng nói được tiếng Anh, vì thế lựa chọn tốt nhất là nhân viên lễ tân.

Đối với những ai sử dụng các dịch vụ thuê nhà cá nhân thì chủ nhà trọ lại là một vị cứu tinh đặc biệt hơn cả. Thông thường, các chủ nhà sẽ thân thiện hơn là nhân viên khách sạn. Nhiều vị khách còn được chủ nhà giúp đỡ, giới thiệu bạn bè, thậm chí có người còn vui vẻ dẫn đường cho những ai còn bỡ ngờ. Không ít tình bạn không biên giới hình thành trên quan hệ chủ - khách kiểu này.

Phục vụ bàn

Những nhân viên phục vụ bàn tại các nhà hàng thường nói tiếng Anh ở mức khá và có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày nên họ được coi là từ điển sống về ăn chơi. Vì thế, khi muốn biết bất kỳ thông tin nào bên ngoài những cuốn cẩm nang du lịch, hãy lịch sự hỏi họ (đương nhiên là khi họ rảnh), rất nhiều du khách đã biết được nhiều điểm vui chơi đặc sắc hay những quán ăn ở hang cùng ngõ hẻm do các chuyên gia này tư vấn.
Ảnh: Sogou

Bartender

Do môi trường làm việc có nhiều người nước ngoài ở các quán bar nên bartender thường cũng nói được tiếng Anh. Cũng giống như nhân viên phục vụ bàn, mỗi ngày họ gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều người nên không có thông tin ăn chơi nào có thể qua được mắt. Môi trường tại các quán bar khá cởi mở và thân thiện nên việc bắt chuyện với bartender để hỏi han, nhờ tư vấn không quá khó khăn.

Những vị khách du lịch xa lạ

Trong tiếng Anh, có một sự khác biệt giữa khách du lịch (tourist) và những người du lịch bụi (traveller). Cách dễ dàng nhất để biến bản thân từ khách du lịch sang phượt thủ, đó chính là hãy niềm nở nói xin chào và bắt chuyện với một vị khách bạn tình cờ gặp trên đường hay trên cùng chuyến bay.

Nếu không thử nói chuyện một lần, bạn sẽ không biết được rằng đa phần những người này đều cực kỳ thân thiện, ẩn dưới vẻ mặt lạnh lùng, mệt mỏi. Họ thực sự là một chuyên gia rất thần thánh có thể chỉ cho bạn những kinh nghiệm du lịch, câu chuyện từ năm châu bốn bể, khiến chuyến đi trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.

Nếu không, khi họ cũng là một kẻ "gà mờ" như bạn thì biết đâu, chúng ta sẽ có thêm một bạn đồng hành trong chuyến đi thì sao.

Hà Nguyên (Theo Allwomenstalk)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến