Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đà Lạt thu nhỏ ở vùng Tây Bắc

Vùng đất cao nhất của huyện Mường La có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt và nổi tiếng với nguồn nước khoáng nóng.

Xem thêm: Hồng Ngài - bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Mường La - Ngọc Chiến là một cung đường đẹp cho những ai ưa khám phá sự tĩnh lặng và hoang sơ Tây Bắc.

Nằm cách TP Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc và công trình thủy điện Sơn La khoảng 40 km, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800 m so với mực nước biển. Đây được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La.


Điều đặc biệt trên cung đường này là những đoạn đường đất nhỏ men theo các bản làng Thái đen và Mông, thung lũng ruộng bậc thang trải dài.


Khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.


Từ TP Sơn La, bạn đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc đến thị trấn Ít Ong. Vượt qua con đèo Sam Síp ở độ cao hơn 2.000 m, dài khoảng 40 km quanh co luồn trong mây ngàn, bạn sẽ thấy một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu. Đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.


Đến đây, du khách sẽ được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo...


Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã phối hợp với người dân xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân dựng bằng gỗ pơ mu.

Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…


Trên cánh đồng Ngọc Chiến vào những ngày mùa, lúa vàng rực. Bên cánh đồng là những bản làng của người Thái sống đan xen với các dân tộc khác.


Người Ngọc Chiến cũng giỏi dựng nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu thơm phức. Theo người dân, buổi tối khi ngủ không phải mắc màn bởi mùi gỗ pơ mu tỏa ra thứ hương thơm dịu không chỉ xua đuổi muỗi, mà còn mang lại sức khỏe cho chủ nhà.


Những nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu gần như còn nguyên sơ nếp nhà sàn Tây Bắc, tuy đã ngả màu rêu phong nhưng mái nhà không bị mối mọt.

 
Một căn nhà sàn dân tộc người Thái đen.

Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến