Hội An giữ chân khách không chỉ bởi vẻ đẹp trầm mặc của phố cổ mà còn vì những món ăn chỉ ở đây mới ngon.
Hội An nhỏ bé, xinh xắn và gợi cảm. Cuộc sống chậm rãi tưởng như hững hờ nhưng chứa đựng dòng chảy bền bỉ thuần khiết bên trong khiến ai đã đến Hội An không thể nào không lưu luyến khi rời đi.
Mọi người thường nói, Hội An đi một vòng là hết. Nhưng nếu bạn chậm rãi hơn thì sẽ thấy nhiều điều để ngắm nghía và suy ngẫm về thành phố này. Không chỉ những ngôi nhà cổ, màu sắc chợ đêm phố cổ, những cửa hàng quần áo, giày dép may lấy ngay trong ngày mà Hội An còn khiến khách du lịch say mê bởi những món ăn không đâu ngon như ở thành phố này.
Xem thêm: 15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An
Gà sau khi luộc chín, vớt ra để nguội rồi lọc xương ninh tiếp để nước dùng ngọt đậm. Thịt gà xé vừa miếng bóp hành tây, muối tiêu và rau răm rồi để riêng ra. Đổ nước luộc gà đã ninh kỹ vào gạo và thả thêm vài miếng mỡ gà để cơm chín vừa tơi mềm, óng mỡ căng tròn hạt và thơm phưng phức mùi gà.
1. Cơm gà
Nổi tiếng nhất Hội An chắc phải nói tới cơm gà. Gạo để nấu cơm phải là gạo ngon, mềm và dẻo ngâm cùng nghệ để khi nấu hạt gạo có màu vàng óng, còn gà nhất định phải là gà thả vườn đẻ qua một đến hai lứa, thơm và chắc thịt.Gà sau khi luộc chín, vớt ra để nguội rồi lọc xương ninh tiếp để nước dùng ngọt đậm. Thịt gà xé vừa miếng bóp hành tây, muối tiêu và rau răm rồi để riêng ra. Đổ nước luộc gà đã ninh kỹ vào gạo và thả thêm vài miếng mỡ gà để cơm chín vừa tơi mềm, óng mỡ căng tròn hạt và thơm phưng phức mùi gà.
Một đĩa cơm gà thường có giá bán khoảng 35.000 đồng, tùy theo sở thích mà khách hàng tự cho tương ớt Hội An trộn vào cùng cơm
Khi dọn cơm gà cho khách ăn, người bán xúc cơm ra đĩa rồi cho gà xé lên trên, tiếp nữa là đu đủ nạo sợi muối chua dịu, rau thơm Trà Quế, và nước tương. Người dùng còn được khuyến mại thêm một chén súp nước canh gà để ăn kèm cho đỡ khô. Nếu muốn ăn thêm thịt gà, bạn có thể gọi riêng một đĩa gà trộn, nhiều quán đặt luôn miếng xương đùi vẫn còn dính một phần thịt gà vào đĩa gà trộn, khiến khách mới chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thòm thèm.
2. Cao lầu
Theo nhiều người kể lại, món Cao lầu có mặt ở Hội An từ lâu lắm rồi, khi cảng Hội An mở cửa cho thuyền thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc ghé vào buôn bán, thông thương từ những năm thế kỷ thứ 17. Chính vì thế mà món cao lầu có gì đó gợi nhớ đến mì Udon của người Nhật và hương vị hơi giống ẩm thực của mảnh đất Trung Hoa, nhưng vẫn rất đặc trưng của vùng đất phố Hội.
Cao lầu Hội An bán ở rất nhiều nơi, từ các gánh lề đường đến nhà hàng sang trọng, nhưng ngon nhất phải kể tới quán Cao lầu trên đường Trần Phú đã có trên 100 năm tuổi
Cao lầu thực chất là sợi phở khô màu vàng nhạt, luộc lên giống sợi mỳ, ăn dai dai, sần sật. Khi ăn, người ta trụng giá sống rồi xếp vào tô, sau đó mới cho mỳ lên, thêm vài miếng thịt xá xít thái lát mỏng, vài miếng da heo hoặc tóp mỡ chiên giòn, bánh tráng, nước tương, rau thơm Trà Quế và ớt xanh cho người thích ăn cay.
Lý giải tại sao không nơi nào có món Cao lầu ngon như Hội An, người ta cho rằng vì các quán bán Cao lầu tại đây thường dành tầng trên cao cho khách ngồi ăn. Vừa thưởng thức vị thơm, giòn, ngọt, cay của bát Cao lầu, vừa ngắm sắc màu của phố cổ khi lên đèn ở dưới mới ra đúng được kiểu ăn và vị ngon của món.
3. Hoành thánh
Hoành thánh là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã gắn bó thân thiết với đời sống người dân Hội An nên đã trở thành món ăn truyền thống của vùng đất này
Nguyên liệu quan trọng nhất làm nên món hoành thánh ngon chính là mỳ sợi làm từ bột mỳ, trứng cán nhuyễn càng mỏng càng tốt và cắt thành từng miếng vuông nhỏ rồi tùy theo khách ăn tôm, gà hay heo mà xào nhân bỏ nhân vào giữa, dùng tay túm đều 4 góc bóp nhẹ cho miệng khít lại sau đó mới tiếp tục chế biến thành hoành thánh chiên, hoành thánh nước hay hoành thánh mỳ.
Hoành thánh nước là bát hoành thành gồm 5, 7 miếng hoành thánh được trụng nước sôi cho chín rồi đặt vào bát, chan nước dùng ninh từ xương heo, cà chua, hành tây xay nhỏ với dầu ăn, bắp su, dứa chín. Hoành thánh chiên hấp dẫn với đĩa bánh chiên vàng rộm rưới nước sốt cà chua khoai tây lên bề mặt. Còn hoành thánh mỳ thì ăn kèm mỳ, khá giống với với mỳ vằn thắn thông thường. Dù ăn kiểu nào, đây vẫn là món ăn không thể không thử khi đến với Hội An.
4. Chè
Một cốc chè ở đây chỉ có giá 8 nghìn đồng. Nếu bạn mua ở các gánh hàng rong thì chỉ có 6 nghìn một cốc mà chất lượng ngon không kém gì chè bán trong quán
Một trong những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đi du lịch Hội An đó chính là các món chè ngon có tiếng ở đây. Chè phố Hội đa dạng về chủng loại nhưng nổi tiếng nhất phải là chè bắp Cẩm Nam, chè thưng Cẩm Châu, chè hạt sen và chè đậu ván.
Mỗi loại có một vị ngon riêng, nếu ở lâu bạn nên thử hết các loại chè để cảm nhận từng nét đặc trưng riêng của món ăn bình dị, dân dã nhưng không kém phần quyến rũ này. Đặc biệt khi lang thang ngắm nhìn và mua sắm ở phố cổ vào buổi tối đã mỏi chân, bạn có thể dừng nghỉ tại rất nhiều quán chè ven sông Hoài để nhấm nháp vị ngọt ngào của đất phố Hội.
5. Bánh đập hến xào
Nhắc đến món bánh đập hến xào Hội An chắc hẳn ai đã từng đến vùng đất này đều nhớ. Đây là món ăn kết hợp giữa cái mềm mại của bánh ướt, cái giòn tan của bánh tráng và mùi ngọt ngon hấp dẫn của hến xào ở Cồn Hến được bán rất nhiều ở các gánh hàng rong trong phố.
Buổi chiều nhập nhoạng tối trời, ngồi ăn bánh đập của các bà hàng rong dưới chân cầu sẽ để lại những dư âm về Hội An không thể nào quên trong lòng mỗi du khách.
Hến xúc ở Cồn Hến là điều tạo nên sự khác lạ cho món ăn này. Hến nhỏ đều con, được xào qua để vừa chín tới vẫn giữ độ ngọt của hến, sau đó cho thêm chút xíu gia vị, đậu phộng rang, hành phi, sa tế, rau răm thái nhỏ rồi trút món hến xào ra đĩa, dọn thêm vào chiếc bánh đập để du khách thưởng thức. Khi ăn, khách xúc một chút hến cho vào bánh, rưới thêm nước chấm, ớt chưng, nước tương rồi cắn từng miếng nhỏ để cảm nhận vị ngon không ở đâu có của món ăn rất Hội An này.
(Theo Công luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét