Một ngày thôi, với quần đảo còn nguyên nếp sống của một vạn chài với những con người chất phác hòa trộn nét hồn hậu của người dân Tây Nam bộ, để thấy Nam Du xa xôi gần gũi đến nhường nào. Xem thêm: Nhum nướng mỡ hành - đặc sản của biển Nam Du
Quần đảo Nam Du nằm ngoài khơi vịnh Thái Lan, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, nổi lên những năm gần đây như một điểm đến mới còn giữ được vẻ
đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng dài ôm ấp hàng dừa xanh trong tiếng
rì rào của biển xanh màu lục bảo.
Nhưng bên cạnh bức tranh của biển là một góc khác, mộc mạc mà gần gũi hơn: cuộc sống và con người Nam Du.
Nhưng bên cạnh bức tranh của biển là một góc khác, mộc mạc mà gần gũi hơn: cuộc sống và con người Nam Du.
Những phên cá xương xanh trên bờ kè cảng - Ảnh: Minh Đức
Bình minh vừa hé rạng cũng là lúc bến cảng lại rộn ràng, tấp nập với những con thuyền đầy ắp cá và hải sản. Tiếng còi tàu hú vang, những chủ nhà nghỉ, quán ăn lại chộn rộn, nhìn tới nhìn lui điện thoại chờ cuộc gọi của những vị khách phương xa.
Mùi đảo xa
Một buổi sáng có lẽ như bao ngày với người dân Nam Du. Bên cạnh khách du lịch tay xách nách mang là những khoang hàng từ đất liền gửi ra đảo.Nhưng dường như sự hiện diện của du khách cũng không làm xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây.
Rời bến cảng, tôi theo anh chủ nhà trọ về phòng cất đồ, vừa đi vừa mải mê quan sát quang cảnh xung quanh mà không để ý xem anh nói gì. Cất xong đống đồ lỉnh kỉnh, tôi nhanh chóng trở lại bến cảng để “đi lại” một vòng quanh xóm nhỏ.
Trên hòn đảo này, người ta chẳng trồng được gì hay sản xuất được gì đáng kể, ngoài hải sản đánh bắt. Nhưng chỉ lác đác vài nhà chuyển qua kinh doanh phòng trọ hay hàng ăn, còn lại vẫn bám biển, bám với nghề cá lâu đời.
Dọc cầu cảng là những xe hàng bán đủ loại đồ ăn vặt, tuy không nhiều như trong đất liền nhưng cũng được cho là khá phong phú với dân đảo.
Một hàng trái cây với nhiều loại hoa quả đặc trưng miền Tây. Gần đó là một hàng bánh mà tôi không biết tên. Những thanh âm, lời mời của người bán hàng rong vẫn còn bên tai nhưng mùi thơm của trái cây, của bánh mới ra lò đều bị át đi bởi thứ mùi đặc trưng ở đây: mùi cá xương xanh khô.
Sạp cá khô bên bờ biển - Ảnh: Minh Đức
Những quầy hàng với cơ man là cá khô, mực khô - Ảnh: Minh Đức
Những xe hàng bán trái cây trên cầu cảng đảo Củ Tron - Ảnh: Minh Đức
Ở đảo nhỏ này, đi đâu cũng thấy cá xương xanh. Cá xương xanh có phần xương màu xanh ngọc và phần thịt trắng. Khi phơi người ta cho thêm ít ớt để cá có vị cay nhẹ.
Những tấm phên phơi đầy cá xương xanh bên bờ kè, chiếm một phần con đường khu xóm cảng. Không kể đàn ông hay phụ nữ, những bóng người thoăn thoắt xếp cá, phơi cá và thỉnh thoảng lại ra đảo cá cho nắng khô đều.
Bữa trưa của chúng tôi cũng không thể thiếu món cá này, chỉ khác là thay vì sử dụng cá khô, tôi được thưởng thức những con cá xương xanh còn tươi sống, thơm mùi biển.
Nhà hàng nhìn ra biển, mọi người đặt bàn luôn trên vỉa hè và lặng nhìn dòng người qua lại. Cả cái xóm đảo chỉ có con đường cạnh biển là tấp nập nhất. Hàng quán xen lẫn nhau, phục vụ cả khách du lịch và dân đảo.
Thích nhất là những hàng đồ khô bày la liệt những thứ quà của biển: cá xương xanh, mực khô, cá cơm, tôm chua... Nếu sẵn tay máy, bạn có thể gom vào ống kính bức tranh đa sắc của cơ man đồ khô, tạo nên những khung hình ấn tượng.
Những ngư dân mò cầu gai với mẻ thu hoạch - Ảnh: Minh Đức
Phơi cá sau chuyến biển - Ảnh: Minh Đức
Bình yên giữa trùng khơi
Chúng tôi rời cảng đi thăm những đảo nhỏ xung quanh. Không tấp nập ghe thuyền đánh cá, quần đảo Nam Du trầm mặc hơn nhiều ngư trường khác. Thỉnh thoảng lại thấy vài con tàu nhỏ đang đánh bắt cầu gai gần các bãi đá.Đầu mùa, những con cầu gai mà người dân gọi là nhum biển có hương vị thơm ngon hơn hẳn.
Cập bờ vào hòn Mấu, một trong những đảo nhỏ đẹp nhất quần đảo Nam Du, ai cũng bị hút mắt vào bãi biển xanh trong, khung cảnh đẹp đến xao lòng.
Tôi men theo con đường nhỏ tới làng chài nằm sát biển. Có lẽ do 21 năm rồi không có bão lớn nên người dân mới “yên tâm” sống sát bờ biển như vậy. Khung cảnh làng chài đẹp như một bức tranh, vẻ đẹp của cuộc sống lao động.
Một bên là bãi biển với những cây bàng, cây dừa rợp bóng, nơi lũ trẻ đang tranh thủ chạy chơi trước khi bị mẹ bắt về nhà. Bên còn lại là những ngôi nhà muôn hình vạn trạng, nằm trầm mặc trong tiếng sóng và tiếng gió.
Bên hiên nhà, những người phụ nữ đan lưới cho vụ mới - Ảnh: Minh Đức
Chiếc ghe nhỏ chở đồ đạc từ đảo lớn về hòn Mấu - Ảnh: Minh Đức
Bữa tối với các món nướng trên đảo Củ Tron - Ảnh: Minh Đức
Khung cảnh hiện lên quá đỗi bình yên: những người phụ nữ đan lưới bên hiên nhà, những người đàn ông xẻ gỗ, đóng đồ đạc cạnh biển. Trên bến nhỏ là những con thuyền chở hàng hóa qua lại các đảo.
Đảo Củ Tron đã khó, hòn Mấu còn cách trở hơn nhiều lần. Học sinh ở đây muốn tới trường phải đi ghe sang đảo Củ Tron. Không gian biển đẹp mà cứ gợi buồn, gợi thương.
Chúng tôi rời hòn Mấu lúc màn đêm buông dần trên quần đảo Nam Du. Đảo Củ Tron chìm trong bóng tối, chừa lại ánh lửa rực hồng của những hàng đồ nướng. Vài con nhum nướng mỡ hành, dăm ba con ngao, sò là đã có bữa tối ngon lành.
Đêm trên đảo Nam Du tĩnh mịch, cả nền trời dệt bằng những ánh sao lấp lánh. Nhìn trời, chúng tôi biết ngày mai lại là thêm một ngày nắng.
Lại một ngày mới
Bình minh lại lên và ngày mới bắt đầu trên quần đảo Nam Du. Trước khi ra cảng lên tàu về đất liền, chúng tôi ghé qua cổng Trường tiểu học An Sơn và tấp vào một hàng quà sáng của bọn trẻ.Sự có mặt của khách du lịch cũng không làm bọn trẻ hiếu kỳ hơn. Vẫn những quầy bán đồ chơi như hồi tôi còn nhỏ, vài hàng ăn sáng và đám trẻ xúm quanh. Lao xao, chộn rộn...
Tiếng trống trường vừa điểm, học trò rối rít gọi nhau về lớp, trả lại khoảng không gian yên ắng cho cổng trường.
Lũ trẻ ăn sáng trước khi vào giờ học - Ảnh: Minh Đức
Chúng tôi tranh thủ nói chuyện vài ba câu với một bác cao tuổi đang ngồi ăn sáng rồi đi bộ ra cảng. Chuyến tàu mới vừa cập bến, chúng tôi lên tàu, đảo Củ Tron lùi dần trong ánh nắng của ngày mới.
(Theo TuoiTre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét