Quảng Bình không chỉ có bờ biển Nhật Lệ tuyệt đẹp, những hang động có một không hai mà còn có những món ăn níu chân người lữ khách.
Bánh xèo Quảng Hòa
Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.
Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.
Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.
Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.
Khoai deo
Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên “sâm đất”.
Cháo canh
Có lẽ cũng như phở với người Hà Nội, cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Chỉ có điều nếu phở thưởng thức cả ngày lẫn đêm thì cháo canh chỉ bán một buổi. Món này cũng không bày bán nhan nhản như phở Hà Nội bây giờ (từ Bắc vào Nam, từ vỉa hè đến cửa hiệu) mà được chọn lọc bởi những cửa hiệu uy tín hay những thực khách sành sỏi.
Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc… Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.
Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.
Lẩu cá khoai
Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.
Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.
Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.
Bánh lọc bột sắn, tôm sông
Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.
Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.
Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.
Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
Bánh khoái
Thoạt nhìn bánh khoái có nhiều nét giống với bánh xèo miền nam. Chỉ khác là bánh to hơn, giòn hơn, chế biến cầu kỳ hơn và đặc biệt bát nước chấm (người dân địa phương thường gọi là nước lèo) mang nhiều hương vị.
Bột để làm bánh phải chọn được loại gạo ngon, xay nhuyễn, hòa với nước thành hỗn hợp lỏng. Để bánh khi chiên được giòn, người ta hòa thêm một ít bột ngô, thêm trứng gà hoặc vịt, ít bột nghệ để bánh có màu sắc đẹp và nhiều dinh dưỡng hơn.
Nhân bánh bao gồm thịt nạc heo băm nhỏ đã ướp gia vị, tôm bóc vỏ sơ chế qua, “khuyến mãi” chút giá sống. Khi chiên bánh khoái phải chú ý đến độ nóng của lửa để bánh được giòn và vàng. Nước chấm phải có hương vị đặc trưng, mùi thơm béo ngậy. Để làm được bát nước chấm như thế cần phải có thịt nạc, cà chua, dứa, bánh quy, lạc rang…
Hình ảnh: Internet
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét