Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Món ngon Bắc Kạn, một lần ăn nhiều ngày luyến

Ngoài cảnh đẹp non nước hữu tình của hồ Ba Bể thu hút khách du lịch, Bắc Kạn còn có những đặc sản khiến bước chân lữ khách phải lưu luyến.

Món ngon Bắc Kạn, một lần ăn nhiều ngày luyến

Bánh pẻng phạ

Bánh pẻng phạ

Bánh pẻng phạ thường xuất hiện trong dịp người Tày vùng Ba Bể đón mừng năm mới hay lễ hội xuống đồng. Hình dáng chiếc bánh không có gì đặc biệt, viên bánh tròn tròn cỡ trái nhãn lồng.

Bên ngoài có lớp bột trắng che lớp bột nâu bên trong. Bánh pẻng phạ là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Tày để dâng trời đất.

Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nếp được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng cho dậy mùi.

Măng vầu

Măng vầu

Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai… nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Theo kinh nghiệm của những người đi hái măng, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị hơi hơi hơi đắng, còn từ sau tháng 2 Âm lịch, măng lại chuyển sang vị đắng gắt hơn.

Bắc Kạn, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món ngon nhưng hấp dẫn hơn cả có lẽ là măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này. Cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần khi nhai kỹ, thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.

Bánh ngải

Bánh ngải

Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng.

Phở chua

Phở chua

Nhắc đến phở chua Bắc Kạn, rất nhiều người tò mò về nguyên liệu cũng như hương vị của món ăn. Nguyên liệu và cách chế biến của món phở chua rất đơn giản gồm có bánh phở được phơi nắng cho se lại, miến dong chao qua mỡ, thịt ba chỉ, hành phi, đậu phộng rang, các loại rau thơm, dưa chuột, giấm, đường…

Cách chế biến cũng cực kỳ đơn giản. Sau khi chuẩn bị xong hết những nguyên liệu khô, người dân sẽ chuẩn bị phần nước sốt với tỏi băm, giấm, đường, nước mỡ. Nước sốt nấu cho sệt lại và đem trộn với những nguyên liệu đã chuẩn bị trước. Món phở chau vừa ngon, vừ mát, giải ngấy, đây chính là nét riêng trong văn hóa ẩm thực của người dân Bắc Kạn và cũng là điều khiến thực khách mê mẩn.

Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến, một loại đặc sản quý của ẩm thực dân tộc Tày. Người Tày truyền miệng rằng, bánh ra đời từ câu chuyện kén rể của một gia đình Tày xa xưa, có cô con gái rất xinh đẹp và kén rể bằng một loại bánh ngon, lạ. Rất nhiều chàng trai mang các loại bánh ngon, làm từ sơn hào hải vị đến ra mắt, nhưng không vừa lòng gia đình. Còn chàng trai nghèo không có tiền mua cao lương, mỹ vị để làm bánh thì lại nghĩ ra món bánh làm từ trứng của kiến và bột gạo. Món bánh hết sức bình dân đó lại được lòng mọi người, chàng trai đã lấy được cô gái. Từ đó, người Tày làm bánh trứng kiến trong những dịp lễ quan trọng. Vì vậy, không phải lúc nào cũng có thể được ăn bánh trứng kiến mà phải tin dịp lễ hoặc nhà có khách quý.

Để làm ra những chiếc bánh, đòi hỏi rất nhiều công phu. Bà con người Tày phải lên nương, lên núi để lượm trứng kiến, có khi cả mất cả ngày trời chỉ lượm được một, hai bát nhỏ, vì giờ kiến không nhiều nữa. Trứng kiến là trứng của kiến lành, làm tổ trên thân cây rừng. Trứng to bằng hạt gạo tẻ, có màu trắng sữa, căng mọng. Sau khi rửa qua, trứng kiến được rang chín, trộn gia vị, thịt băm, lạc rang và vừng để làm nhân bánh. Bột bánh làm từ gạo nếp pha thêm chút gạo tẻ, xay nhuyễn, nhào dẻo, dát mỏng, nhồi nhân, rồi nặn thành hình vuông, bọc vào lá vả, đem hấp chín. Lá bọc bánh chỉ dùng lá vả, lấy lá bánh tẻ, bỏ phần gân và cuống lá đi, gói bên ngoài bánh.

Khi ăn bánh, người ta ăn cả phần lá vả kèm với bánh. Bánh có vị rất lạ, dẻo mềm, thơm của gạo nếp nương hòa với vị thanh mát, hơi ngái của lá vả, vị béo ngậy đậm đà của trứng kiến, tạo nên hương vị tuyệt vời.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến