Hiển thị các bài đăng có nhãn Điện Biên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Điện Biên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Thưởng thức món ngon của vùng Điện Biên anh hùng

Chẳm chéo, bắp cải cuốn nhót xanh, pa pỉnh, măng đắng, rau hoa ban, gạo tám… là những món ngon không lẫn vào đâu được của vùng đất ghi dấu chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.

Thưởng thức món ngon của vùng đất Điện Biên anh hùng


Chéo (chẳm chéo)

Chéo (chẳm chéo)

Đây là tên một loại gia vị trở thành huyền thoại vùng Tây Bắc. Chéo làm từ loại quả của cây mắc khén. Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu.

Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng rồi được giã mịn trộn chung với ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tàu xắt nhỏ rang khô, (cũng được giã thành bột mịn) và sả.

Chéo thơm hăng hắc chứ không dễ chịu nhưng chính điều đó mới mang nét núi rừng khiến người ta đắm đuối. Chéo được dùng làm “nước chấm” cho các món: xôi nếp nương, bắp cải cuốn nhót xanh, thịt thú rừng… Ngoài ra còn được dùng để nướng cá… Mỗi món đều cho ra hương vị đặc biệt.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Bắp cải cuốn nhót xanh

Có lẽ người miền xuôi lên Điện Biên quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Cho nên cứ truyền tai nhau rằng lên Điện Biên phải tìm bằng được ăn món “chẳm chéo”. Tuyệt chiêu hút khách của món bắp cải cuốn nhót xanh chính là “chẳm chéo”.

Cách ăn của món này là lấy bắp cải cho nhót, gừng, mùi, lá tỏi vào cuốn rồi chấm với chẳm chéo. Miếng nào miếng ấy đều đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và thơm lừng dù không có thịt.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc ở Điện Biên. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. 

Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.

Pa pỉnh (cá nướng)

Pa pỉnh (cá nướng)

Với sự pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo, món cá nướng là món ăn mang đậm hương vị Tây Bắc. Để làm món cá nướng, người ta dùng các loại cá như cá chép, trôi, mè trắm, khoảng hơn 1kg được mổ ở dọc phía lưng, rồi rửa sạch để ráo nước, xoa một ít muối rang vào bên trong cá để thêm đậm đà. Hỗn hợp để tẩm ướp gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ...trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Sau đó, cá được gập đôi lại rồi dùng nẹp tre nẹp cá nướng lên than hồng.

Khi cá chín vàng, con cá được gỡ ra phải nguyên vẹn, không vỡ nát, dậy mùi gia vị bên trong, khi ăn cảm nhận được vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mắc khén, màu xanh của hành, rau thơm lẫn màu vàng của thịt da cá trông rất hấp dẫn.

Măng đắng

Măng đắng

Măng đắng là sản vật và là món ăn rất phổ biến của người Điện Biên. Với măng đắng, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, luộc, nướng, hầm xương. Đơn giản nhất là món măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái) khiến nhiều người mê mẩn.
Với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên.

Rau hoa ban

Rau hoa ban

Những du khách lên Điện Biên vào tháng 3 sẽ thấy ngập sắc ban trắng, ban đỏ, ban tím. Người Thái ở đây thường sử dựng loại hoa và lá ban non để chế biến thành các món ăn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như hoa ban xào thịt lợn rừng, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng... Các món ăn này đều rất ngon và rất dễ ăn, vị ngon ở từng món ăn cũng rất khác nhau, mang lại những hương vị đặc biệt.

Gạo tám Điện Biên

Gạo tám Điện Biên

Gạo Điện Biên nơi Mường Thanh mang vị thơm ngon khác lạ. Không biết có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào hay không mà gạo tám lại ngon đến thế. Gạo tám Điện Biên nhìn vào là thấy khác, đều, căng bóng, hạt nhỏ, màu đục chứ không trắng như gạo tám thường. Chưa cần nấu thành cơm đã thấy mùi vướng vất.

Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm… Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).

Bánh dày

Bánh dày

Cũng từ nếp nương, các công đoạn làm bánh yêu cầu phải làm thủ công nên rất mất thời gian. Nếp sau khi đồ là hương tỏa khắp buôn bản. Sau đó, phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới gói bằng lá dong rừng.

Bánh dày có thể để được rất lâu, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đầu xuân. Bánh dày này có thể ăn cùng với chả, giò, hay chỉ nướng trên than hồng hoặc chấm với chút mật ong rừng đều mang vị khó quên.


Tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet 

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Kiêu sa hoa ban trắng ở Điện Biên anh hùng

Cứ mỗi dịp tháng 3 là người dân muôn nơi lại đổ về “chảo lửa” Điện Biên, nơi có những cánh ban trắng đang bung nở căng tràn sức sống trên nền vết tích của chiến thắng chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Đây cũng là dịp du khách được chứng kiến các hoạt động vui chơi, ca hát trao duyên rộn ràng của nam nữ thanh niên Thái Đen, Thái Trắng hay hòa mình vào “Lễ hội hoa ban năm 2016” hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc.

Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…

Đến Điện Biên vào tháng 3, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh khiết của hoa ban trắng

Ngày hội hoa Ban hay còn gọi là hội Xên bản, xên mường của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên được tổ chức long trọng hàng năm nhằm cầu phúc, cầu mưa cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, vui chơi, ca hát, trai gái giao duyên. Vào hội, các bế nhà sàn luôn sáng ánh lửa để đồ xôi, luộc gà, thái măng hay có nhà mổ lợn bày cỗ cùng từng vò rượu cần lớn, nhỏ để chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái trong trang phục chỉnh tề đổ ra khắp các nẻo đường có nhiều hoa ban để chọn ra những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất dành tặng người yêu và bố mẹ bởi đối với người Thái thì hoa Ban là loài hoa biểu tượng cho tình yêu, lòng hiếu thảo và biết ơn.

Hòa mình vào Ngày hội hoa ban của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên

Cũng trong ngày hội này, trai gái trên bản dưới mường thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo dưới trăng ánh trăng, trước hoa Ban trắng thanh khiết trên nền xanh thẫm của núi rừng Tây Bắc. Họ tặng nhau những tín vật định tình như tấm phà (mặt váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của suối rừng để hy vọng mối tình nên duyên chồng vợ. trên dòng sông Đà, sông Mã diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền.

Ký ức lịch sử oai hùng

Dù chiến tranh đã lùi xa gần 62 mùa hoa ban bung nở nhưng dường như mỗi tấc đất của thành phố “lòng chảo” Điện Biên vẫn toát lên niềm kiêu hãnh và tự hào về một trận chiến 56 ngày đêm được ví như “Đống Đa của thế kỷ XX, một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, để đến với vùng đất thành phố lòng chảo Điện Biên oai hùng

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo đất Việt, từng dòng người tấp nập đến với Điện Biện không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kiêu sa của loài hoa ban mà còn là để thăm lại chiến trường và tri ân những người con của đất nước đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, cho những cánh hoa ban sung mãn trên bầu trời Điện Biên rạng rỡ chiến công.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa

Nằm ở độ cao trên 1.000m trong một khu rừng nguyên sinh, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa. Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm.

Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...

Phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc ở Hồ Pá Khoang

Bên cạnh khu di tích là hồ Pá Khoang, nơi đây thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng bởi nó sở hữu phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc thay đổi theo mùa.

Nếu không đến với khu đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp và là nơi diễn ra trận chiến cam go và kéo dài nhất đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam, thì hẳn là ta chưa từng đến Điện Biên. Cũng chính tại nơi đây là nơi có dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc. Sở dĩ phải sử dụng kế sách này là bởi trên đỉnh đồi, trung tâm của cứ điểm có một hầm ngầm, là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát được bố trí nhiều ụ súng, hỏa lực mạnh nhằm ngăn chặn quân ta vượt qua đỉnh đồi. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng.

Hố bộc phá đánh dấu đòn quyết định đưa quân ta làm chủ hoàn toàn đồi A1

Ngày nay, du khách có thể thấy một số manơcanh lính Pháp được trưng bày trong hầm nhằm tái hiện lại khung cảnh năm xưa. Cùng với A1, căn hầm sẽ mãi là chứng tích rõ ràng nhất về “cuộc chiến 5 quả đồi” để mô tả sự ác liệt nhất là tại cứ điểm quan trọng này.

Nghĩa trang liệt sỹ A1, nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía nam, nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
 

(Theo DanTri)

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

7 thung lũng đẹp như tranh ở Việt Nam

Thung lũng Mường Hoa, Mai Châu, Bắc Sơn, Tình Yêu… là những điểm đến có non nước hữu tình rất lý tưởng cho hành trình du lịch khám phá.
Xem thêm: 8 đồi chè đẹp như tranh ở Việt Nam tha hồ chụp ảnh

1. Thung lũng Mường Hoa


Nằm về phía Đông Nam thị trấn Sapa, Mường Hoa là một trong những thung lũng tuyệt đẹp và tràn đầy sắc màu. Nếu có dịp ghé qua thung lũng này, du khách có thể tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, hữu tình nơi đây với vô vàn cây xanh cùng ruộng bậc thang bát ngát vô cùng tận.

Đến với Mường Hoa, du khách có dịp ngắm nhìn con suối Hoa xinh đẹp, hiền hòa uốn lượn qua các ruộng bậc thang với hơn 20 con suối nhỏ khác. Con suối dài 15 km, chảy qua nhiều xã khác nhau và mang theo dòng suối tươi mát, trong lành.

Ngoài suối Hoa, du khách còn được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ nhưng không kém phần hùng vĩ bởi bãi đá cổ kỳ bí. Những tảng đá to nhỏ khác nhau với những hình thú kỳ thú nằm xen giữa cây cối và các ruộng bậc thang mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Xem thêm: Cầu Mây Sapa điểm du lịch lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia

2. Thung lũng Mường Thanh


Một trong những thung lũng đẹp trên miền đất sơn cước phải kể đến là thung lũng Mường Thanh thuộc Điện Biên nên còn có tên gọi khác là thung lũng Điện Biên. Với diện tích rộng lớn, lên đến 150.000 ha và vô số các đồi núi nằm san sát nhau tạo nên cảnh tượng trùng điệp, hùng vĩ. Trải dài khắp thung lũng là cánh đồng rộng lớn xanh mướt đẹp như một thiên đường màu sắc. Vào mùa lúa chín màu xanh chuyển sang màu vàng tạo nên một khung cảnh nên thơ cùng hương lúa thơm dịu nhẹ theo gió mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn cho du khách.

Thung lũng Điện Biên một trong những minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc. Vì vậy đến đây du khách sẽ được chứng kiến và được kể lại những trận chiến oanh liệt của dân tộc ta một thời.
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

3. Thung lũng Mai Châu


Thung lũng Mai Châu thuộc Hòa Bình và cách thành phố Hà Nội khoảng 130km là nơi thu hút một lượng đông khách du lịch. Đây cũng là nơi nhiều cặp đôi lựa chọn để thực hiện những bộ ảnh cưới tuyệt đẹp, lãng mạn.

Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Mai Châu như một tấm thảm rộng lớn với màu xanh bao la, bát ngat. Cảnh sắc mây trời, ruộng nương, núi đơn hòa quyện với nhau cùng những mái nhà sàn lấp ló tạo nên một khung cảnh nên thơ như thiên đường.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên, du khách có thể khám phá đèo Thung Khe vô cùng tuyệt sắc cùng phiên chợ Tạm của người dân tộc Mường với đầy đủ các đồ mang bán như: ngô luộc, ngô sống, phong lan, chim thú,... Tiếp đó du khách có thể tìm thấy Dốc đá trắng với rất nhiều đá sỏi màu trắng vô cùng đẹp. Tại Dốc đá trắng du khách sẽ được tận hưởng một không gian vô cùng ấn tượng với một bên là núi, một bên là vực cùng mây mù phủ trắng xóa.

Đến với Mai Châu du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị và thưởng thức nhiều đặc sản nơi đây như rượu cần, cơm lam ...
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu sau Tết Nguyên đán

4. Thung lũng Bắc Sơn


Một trong những thung lũng đẹp như tranh mà chúng ta nên ghé vào dịp tết đó là thung lũng Bắc Sơn. Thung lũng này thuộc phía Tây Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách thủ đô Hà Nội khoảng 170 km theo quốc lộ 1B. Bắc Sơn hiện ra với màu xanh hiếm có bởi ở nơi đây lúa được trồng xen kẽ nhau: lúa chín có, lúa non có, lúa thì con gái có... Vì vậy tạo nên một bức thổ cẩm sắc màu tự nhiên vô cùng đặc sắc mà không phải thung lũng nào cũng có được.

Để ngắm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp này, du khách phải trải qua ngọn núi Nà Lay với độ cao khoảng 600m. Tại đây bạn có thể ngắm toàn bộ thung lũng Bắc Sơn thơ mộng, lạ, độc đáo cùng những tấm ảnh đẹp để đời.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

5. Thung lũng hoa Hồ Tây


Nằm ngay tại thủ đô Hà Nội, thung lũng Hoa Hồ Tây với vô vàn các loài hoa khác nhau đủ các sắc màu tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, thơ mộng như tiên cảnh. Vào dịp tết các loại hoa nhiều và lung linh nên các du khách dễ dàng có cho mình những bộ ảnh đẹp, như ý.

Những điểm nghỉ chân cũng vô cùng tuyệt vời: vừa để nghỉ ngơi vừa có thể tạo những bức ảnh sinh động, đẹp và nên thơ. Vào dịp tết, đây là một trong những địa điểm du xuân tuyệt vời cho du khách.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

6. Thung lũng Tình yêu


Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố tình yêu bởi những thiên đường hoa ngập tràn sắc màu. Và mệnh danh này càng được khẳng định hơn khi thung lũng tình yêu là một trong những thung lũng đẹp, mộng mơ của nước ta. Thung lũng hiện lên với màu xanh thiên nhiên hiền hòa cùng với cảnh sắc non nước hữu tình. Những cây xanh xen kẽ cùng ngọn đồi hoa với nhiều lối đi nhỏ giống như một mê cung tình yêu.

Đến thung lũng tình yêu vào ngày Valentine day – 14/2, bạn sẽ được tham gia lễ hội tình yêu với mỗi năm một trò chơi khác nhau. Công viên Hoa Hồng là một trong những nơi thiêng liêng dành cho các đôi yêu nhau trao gửi yêu thương. Công viên này vô cùng đẹp với một vườn hoa hồng đủ màu sắc, một hồ nước xanh trong và bức tượng tình yêu lung linh.

Du khách có thể tham gia nhiều trò chơi thú vị tại thung lũng Hoa Hồng như đạp thuyền, cano, giữ thăng bằng trên dây cáp, đu dây tự do...
Xem thêm: Những món ngon Đà Lạt níu chân du khách

7. Thung lũng A Sao


Thung lũng A Sao một trong những thung lũng mang vẻ đẹp hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Cách thành phố Huế về phía Tây và cách biên giới Việt - Lào về phía Đông Nam theo đường chim bay, thung lũng A Sao hiện lên với núi rừng trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ, được tô điểm thêm bởi dòng sông Rào Lao chảy quanh.

Thung lũng A Sao cũng là một trong những chứng nhân lịch sử của thời chống Mỹ cứu nước. Vì vậy đây là một trong những thung lũng đẹp mà du khách nên ghé qua vào dịp Tết để trải nghiệm nhiều điều tuyệt vời về thiên nhiên cũng như lịch sử.

Vĩnh Hy (NgoiSao)

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Đến Điện Biên, bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức món ăn truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Dù là các món thịt, cá ướp mắc khén nướng hay món cơm nếp, bánh dày dẻo thơm, rêu suối ngọt lừ… mỗi món ăn đều có vị đặc trưng rất đặc sắc.

Xem thêm: 7 điểm du lịch hấp dẫn ở Điện Biên

Đậm đà nếp nương

Kết tinh từ những mảnh đất màu mỡ của núi rừng Tây Bắc, lúa nếp nương Điện Biên mang trong mình vị dẻo và hương  thơm rất khó quên. Gạo nếp thơm từ khi lúa vừa trổ đòng, kết hạt cho đến lúc chín vàng trên nương. Thơm đến nỗi, chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ đưa mùi hương ấy bay xa, làm náo nức cả bản làng.

Xem thêm: Món ngon tại Sapa

Là đặc sản trứ danh của miền Tây Bắc, cây lúa nếp lớn lên từ những mạch nước ngầm ngọt lịm, hít trọn cái không khí tinh sạch nơi rẻo cao. Gạo nếp Điện Biên có hạt mẩy, dài, khi đồ xôi, tuy không kết dính và nở như các loại nếp thường nhưng lúc ăn vào, mới cảm nhận được vị ngọt, sự dẻo thơm trong hạt gạo.


Người Thái thường đồ xôi bằng chõ gỗ đặc biệt và phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay rồi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, cho xôi dẻo lâu. Từng vốc xôi căng mẩy, hạt đều tăm tắp mà khi xòe tay ra vẫn không bị dính. Hít hà cái hương thơm đặc trưng của núi rừng, rồi dùng kèm với thịt nướng, cá nướng… thực khách mới thưởng thức được đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Bánh dày dẻo thơm

Mang biểu tượng của quả đất tròn, bánh dày không thể thiếu trong những dịp trọng đại của người Mông ở Điện Biên. Đồng bào cẩn thận chọn loại nếp nương chính gốc, được gieo tại vùng cao mới có đủ độ dẻo thơm để làm bánh. Thứ nếp này được giã thủ công, phơi sấy vừa đủ nhiệt để vẫn giữ lớp màng mịn bên ngoài làm tăng hương thơm.

Xem thêm: Những món ăn nổi tiếng từ côn trùng ở Việt Nam


Nếp được đồ chín, khói vẫn bốc nghi ngút thì mang ra cối giã nhuyễn. Mỗi mẻ khoảng 10 kg cơm, do những thanh niên khỏe mạnh trong làng đảm nhiệm. Cối giã bánh làm bằng thân cây gỗ chắc, có mùi thơm và khoét rỗng ruột. Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, quyện lấy nhau. Những cuộn xôi mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được những người phụ nữ vo tròn, gói vào lá dong rừng đã rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn.


Màu trắng ngần của miếng bánh nổi bật nên nền màu xanh của lá thật khiến người ta phải thòm thèm. Bánh dày làm công phu nên để được lâu. Dù nướng trên than hồng, chấm với mật ong hoặc ăn cùng với chả đều rất ngon.

Đặc sắc các món nướng

Người Thái gọi chung các món nướng là “lam nhọ”, “lam” nghĩa nướng, còn “nhọ” là nhừ. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào, thường có mặt trong những bữa tiệc đãi khách hay bữa cơm ngày lễ Tết. Người ta thái miếng thịt, ướp các gia vị đặc trưng của núi rừng rồi dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng. Còn một cách khách nữa là băm nhỏ thịt, trộn chung với trứng, gói lại bằng lá chuối, lá dong, rồi nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng.

Cá nướng, hay còn gọi là ‘pỉnh tộp” lại dùng những con cá chép, trôi, trắm… mổ lưng, xoa muối rồi tẩm ớt tươi, mắc khén, để ngấm gia vị rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn bởi đã thấm đẫm các hạt gia vị độc đáo của núi rừng. Người Thái còn chế biến ra món cá hun khói... rất độc đáo. Họ thường để cá sấy trong bếp phòng khi có khách đến chỉ cần mang cá nướng lại là đã có mồi ngon để uống rượu trong khi chờ chế biến món tiếp theo.

Ngọt thanh rêu đá

Rêu có màu xanh lục, bám vào những tảng đá chìm trong khe suối. Để làm sạch rêu, đồng bào vừa đập vừa rũ rêu trong làn nước chảy sau đó mang về nhà dùng tươi hoặc phơi khô. Từng cọng rêu dài miên man, vừa mịn vừa mát ấy thường chỉ dành khoản đãi khách quý trong các đại tiệc.

Ngon nhất là món rêu nướng, trộn cùng hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén cùng ớt, tỏi, gừng, củ sả, lá chanh, rồi thêm ít thịt mỡ rồi bọc trong lá dong, mang đi vùi tro ấm. Khi nào lá dong cháy sém thì lấy ra hơ cả gói trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước rêu chảy ra thì bày ra đĩa. Mùi mắc khén, hạt sẻn và các gia vị bay lên ngào ngạt nhưng vẫn không át được cái vị thanh mát đặc trưng của rêu... Đây quả thực là món ăn  vô cùng đặc sắc của người Thái.

Món “cay pỉnh” cũng thú vị không kém khi gói rêu bằng lá chanh, lá lốt nướng giòn rồi rán lại lần nữa với mỡ. Rêu luộc lại có vị ngọt mát rất lạ. Bà con dân tộc còn rán rêu, làm bánh mọc với nhân là rêu suối hay đồ băm nhỏ rêu với thịt gà cho vào chõ đồ lên béo ngậy, thơm dịu. Theo người bản xứ, rêu giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt và chống cao huyết áp, sốt rét, sơn lam chướng khí…

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sapa

(Tổng hợp)

Bài đăng phổ biến