Xem thêm: 20 sai lầm người du lịch thường mắc phải
Say nắng
Du lịch vào mùa hè nắng nóng, cộng với các hoạt động ngoài trời kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị mất nước do ra quá nhiều mồ hôi, dẫn đến say nắng. Lúc này nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, tới 39 - 40 độ C, da khô, môi và lưỡi khô rộp, có thể tụt huyết áp, tiểu ít. Nặng hơn có thể bị ngất và lên cơn co giật.
Dùng khăn dấp nước mát đắp lên trán để hạ nhiệt cho người bị say nắng. Ảnh: wisegeek
Khi người say nắng tỉnh, bạn nên cho uống nước có pha muối loãng (4 - 5g muối ăn trong 1 lít nước) hoặc dung dịch oresol cho tới khi hết khát. Trong trường hợp người bị say nắng không tỉnh và mê, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi tiếp tục chườm lạnh và bù dịch.
Rắn cắn
Leo núi, đi bộ đường rừng, nhất là trong đêm tối có thể khiến bạn gặp tai nạn rắn cắn bất cứ lúc nào. Thay vì hoảng loạn, bạn nên bình tĩnh và nhanh chóng xác định xem đó là rắn lành hay rắn độc. Trong khi rắn lành thường để lại cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung thì vết thương tại nơi bị rắn độc cắn lại có hai vết răng nanh cách nhau 5 mm.
Hãy cẩn thận khi đi rừng bởi sự ngụy trang hoàn hảo của nhiều loài rắn độc. Ảnh: Nationalgeographic
Ong đốt
Ngoài nguy cơ bị rắn cắn, bạn cũng không nên chủ quan với trường hợp bị ong đốt, đặc biệt là ong vò vẽ. Chúng có thể gây phù mặt, khó thở, đau buốt, thậm chí liệt thần kinh, suy gan thận.Vì vậy, ngay khi phát hiện bị ong đốt, vết cắn cần được rửa xà phòng rồi chườm lạnh, sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để gắp vòi ong, nặng sẽ phải lọc máu ngoài thận để cứu sinh mạng và bảo đảm không để lại di chứng về sau.
Ong vò vẽ là loài ong độc thường gặp khi đi rừng. Ảnh: wiki
- Loại nhỏ: Thân màu đen, vàng xen kẽ, bụng có một khoanh vàng rộng; làm tổ cao, thích sống gần hơi ấm của con người và gia súc. Độc tính của nọc ong này khá cao; nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.
- Loại to: Làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc. Chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt. Chúng thường làm tổ ở các gò, đồi, mô đất cao hơi yên tĩnh, thường xa nhà và nơi thả gia súc.
Muỗi cắn
Muỗi rừng sống hoang dã, thường gần gũi và rất ưa thích đốt máu người, hoạt động mạnh khi trời tắt nắng. Muỗi có thể gây nên bệnh sốt rét nguy hiểm đến tính mạng.Hiện trên thị trường có bán nhiều loại thuốc phòng ngừa muỗi đốt mà bạn nên thoa lên da trước khi đi vào rừng. Nếu không có, bạn có thể thoa chanh lên các vùng da lộ hoặc mang theo chút sả, những hương liệu này có tác dụng xua muỗi tránh xa khỏi bạn một chút.
Muối và chanh rất quan trọng khi đi rừng, không chỉ dùng nấu ăn mà còn có tác dụng trong nhiều việc.
Uống thuốc B1 trước khi đi du lịch, da bạn sẽ tiết ra mùi thuốc khiến nhiều loại côn trùng lảng tránh. Thuốc tẩy quần áo (chlorine) thường tiết ra mùi làm cho các côn trùng không dám đến gần. Nếu bạn ngâm mình 15 phút trong bồn nước có pha khoảng nửa lon sữa bò thuốc tẩy thì côn trùng sẽ không dám tấn công bạn trong nhiều giờ.
Mặc quần áo dài tay và bịt kín các vùng hở như cổ. Khi hạ trại nghỉ ngơi, tránh các chỗ ẩm ướt, gỗ mục vì đó là nơi trú ngụ ưa thích của muỗi và nhiều loại côn trùng.
Xử lý vết cắn
Khi bị muỗi cắn bạn nên thoa ngay chút nước muối hoặc chút vỏ chanh để sát trùng. Không dùng tay gãi làm xước vết cắn. Chỉ nên xoa nhẹ. Vết muỗi cắn sẽ rất ngứa. Một chút kem đánh răng sẽ làm dịu bớt vết rát ngứa.Aspirin luôn được cất cẩn thận trong túi của những người đi rừng lâu ngày vì nó là thuốc để chống lại căn bệnh sốt rét cực kỳ nguy hiểm.
Vắt cắn
Vắt thường đi tìm mồi từ 5 đến 8h sáng hoặc 17 đến 19h tối. Chùng thường chọn nơi có nhiệt độ ấm như sau gối, đùi, bẹn, lưng, nách, cổ…để hút máu. Vắt có khả năng leo trèo trên giày, quần áo để tìm những nơi không bôi thuốc và nơi có thể chui vào cơ thể người.Các vết cắn nên được rửa bằng nước sát khuẩn hoặc nước muối loãng để tránh nhiễm trùng.
Bôi thuốc chống vắt bên trong: cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách. Bôi thuốc chống vắt bên ngoài: các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ. Bên ngoài bạn có thể dùng xịt muỗi cho dễ thao tác.
Phòng chống vắt cắn.
Cho ống quần vào trong tất. Dùng tất chống vắt bán ở các cửa hàng phục trang du lịch và mặc quần áo dày và dài tay, đeo găng, tránh để hở vùng cổ, tai là những điểm ấm trên cơ thể rất dễ bị vắt chui vào cắn. Chú ý phát hiện những con vắt bò trên quần, áo để búng đi ngay vì chúng sẽ chui vào người qua thắt lưng, nẹp áo của bạn.Không ngồi nghỉ nơi rậm rạp, trên mặt đất, lá mục. Không đứng, ngồi lâu tại khu vực nhiều vắt. Nên chọn chỗ thoáng và mỏm đá để ngồi. Xua đuổi vắt khỏi một khu vực bằng cách quét hết lá mục, xịt thuốc muỗi, hoặc rắc muối lên mặt đất, đốt lửa-xông khói.
Trước khi hạ trại, chú ý dọn sạch và làm quang đãng xung quanh.
Xử lý vắt cắn
Dùng đầu ngón tay miết sát da và gạt đầu nhỏ (đầu hút máu) của vắt, sau đó gạt tiếp đầu kia của vắt, rồi vẩy nó đi trước khi nó bám lại vào ngón tay bạn. Hoặc lấy vài hạt muối xoa thẳng vào chỗ vắt đang cắn, vắt sẽ lập tức nhả ra. Dùng bật lửa đốt, dùng cao bôi vào con vắt cũng khiến chúng nhả ngay.Rửa vết thương, dùng ngón cái ấn vào miệng vết thương cho máu tạm ngưng chảy, dính băng vào vết cắn. Sau 15 phút kiểm tra vết thương, nếu cần thay băng mới. Bật lửa và muối phải có trong túi người đi rừng.
Đuối nước
Mùa hè nóng nực, không có gì thích thú hơn là được bơi lội trong làn nước mát của suối, hồ và biển cả. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nguy cơ bị đuối nước do chuột rút, khởi động chưa kỹ hay gặp phải sóng lớn hoặc vùng nước xoáy.
Xứ lý đuối nước cần nhanh chóng, bình tĩnh và chính xác. Ảnh: connorcares
Xem thêm: Những mẹo nhỏ giúp bạn tự tin du lịch khắp thế giới
Vy An - vnexpress