Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực châu Á. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực châu Á. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Các món ăn cổ truyền vào dịp năm mới của các nước Châu Á

Vào mỗi dịp năm mới, người dân các nước châu Á đều chế biến các món ăn độc đáo, công phu để mừng năm mới, hy vọng một năm tốt đẹp, rực rỡ.

Các món ăn cổ truyền vào dịp năm mới của các nước Châu Á

Nhật Bản


Những món ăn đặc biệt dành riêng cho ngày Tết người Nhật gọi là Osechi bao gồm xúp Ozoni (được nấu khá công phu với các thành phần: bánh gạo tẻ, tảo biển, hải sản hoặc thịt gà), mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi tẩm đường và tương rán giòn), Ie Sebi (tôm rán vàng), bánh dày… được xếp trong một hộp hình khối chữ nhật trong đỏ ngoài đen.

Sáng mùng một Tết, cả gia đình làm lễ đón mừng Năm Mới. Lần lượt từng người bắt đầu từ người ít tuổi nhất quay mặt về hướng Đông và uống rượu sake. Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tiếp đó là ăn các món Osechi sau khi cúng thần năm mới.

Hàn Quốc


Đến Hàn Quốc mỗi dịp năm mới, bạn sẽ được nghe đến những cái tên như ttok kuk, gakkimchi, rượu Gui Balki, hay các món ăn khác: bánh bao, bánh pin-dae-ttok (bánh tráng kếp đậu xanh) và su-jong-gwa (chè quế) hay shikhye, một loại rượu pân nấu bằng gạo. Người Hàn Quốc cho rằng, ngày Tết ăn ttok kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Ttok kuk còn có tên khác là Cheomsebyeong. Cheom có nghĩa là thêm tuổi. Ăn một bát Ttok kuk vào ngày đầu tiên của năm mới có nghĩa là thêm một tuổi nữa.

Trung Quốc


Nước Trung Quốc tập trung nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc gìn giữ những phong tục, món Tết riêng. Trên mâm cỗ ngày Tết, người Hoa ở Quảng Đông thường chuẩn bị các món như: Bánh tổ tượng trưng cho “niên niên cao thăng” (năm mới tốt hơn năm cũ), giò heo trước nấu đậu phộng hay còn gọi là món “hoàng chòi chầu xẩu” với mong muốn tiền của hoạch tài chỉ giơ tay ra là nắm được, món tôm lăn bột tượng trưng cho niềm vui và tiếng cười sẽ rộn rã khắp nơi, món gà ngậm hành với mong muốn sang năm mới mọi việc đều tốt đẹp…

Malaysia


Món ăn phổ biến vào dịp Tết của Malaysia có tên là Otak – Otak, hay còn có tên là Otah – Otah. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp món ăn này ở bất cứ nơi đâu, tại các trung tâm ăn uống của thành phố, các nhà hàng lớn hay trong những bữa ăn gia đình. Người ta có thể ăn bất cứ món ăn này vào mọi thời điểm buổi sáng, buổi trưa hay trong bữa tối.

Indonesia


Người Indonesia theo đạo Hồi đón Tết Tahun Baru Hijriah, họ thường ăn món bánh gần giống như bánh tét của miền Nam. Gạo thơm được gói trong lá dừa rồi đem hấp chín. Nói chung, các món ăn của người Indonesia thường khá cay và nồng, đặc biệt, cũng như Việt Nam, cơm là thực phẩm chính không thể thiếu tại đảo quốc này.


Ấn Độ


Trong ngày Tết (ngày Lễ hội ánh sáng – Diwali diễn ra khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm), món ăn không thể thiếu là sữa nóng, bánh xốp, bánh ngọt và bánh sôcôla. Các món bánh ăn trong ngày Tết thường không có chất béo và không làm từ trứng. Ngoài ra, người Ấn Độ thích ăn các loại trái cây đắng trong ngày Tết để cầu may mắn vì họ tin tưởng rằng, ăn món này sẽ đuổi được nhiều ma quỷ quấy phá việc làm ăn.

Thái Lan


Tom Yum Koong là một món ăn tuyệt vời đầy hấp dẫn của nền ẩm thực truyền thống của Thái Lan. Đây chính là món canh may mắn được để giữa mâm cơm mang đến những bữa ăn ngon, đầy hương vị. Nó cũng được xem là món ăn "linh hồn” của bữa cơm sẽ quyết định lên hương vị của các món khô còn lại. Tom Yum Koong chính là món súp tôm chua cay với dừa non mang nét đặc trưng của ẩm thực Thái.


Lào


Trong mâm cỗ Tết của người Lào nhất định phải có món lạp. Trong tiếng Lào, lạp có nghĩa là lộc. Lạp có thể làm bằng thịt lợn, gà, bò, chim, cá… Trong mỗi gia đình, món lạp thường được làm rất công phu bởi quan niệm lạp không ngon nghĩa là năm mới làm ăn xui xẻo. Lạp được xem là linh hồn của dân tộc Lào trong năm mới. Người ta có thể đem tặng nhau món lạp với hi vọng năm mới có nhiều lộc.

Campuchia


Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Bon Chol Chnam của người Campuchia là món cari. Trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cari thơm lừng.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

7 món tráng miệng 'phải thử' khi du lịch Đông Nam Á

Chè Việt Nam, xôi xoài Thái Lan và sandwich kem đều là những món ăn vặt mát lạnh giúp giảm bớt sự nóng nực của khu vực nhiệt đới khi vào hè.
Xem thêm: Những phép tắc trên bàn ăn của người châu Á

Việt Nam - Chè

 
Đây là tập hợp các món ngọt của Việt Nam, được xem như món tráng miệng phổ biến nhất. Chè được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, cách kết hợp tùy thuộc vào khẩu vị người ăn và luôn đi kèm một cốc đá lạnh. Loại thường thấy nhất là chè ba màu làm từ các loại đậu, chè hoa quả gồm nhiều loại quả.

Thái Lan - Xôi xoài


Xôi xoài có tên khác trong tiếng Thái Lan là "khao niaow ma muang". Món ăn gồm những lát xoài ngọt lịm, xôi và sốt từ nước cốt dừa. Tất cả tạo nên "chuyến diễu hành của hương vị". Một số nơi còn ăn xôi xoài với kem dừa thay vì dùng sốt nước cốt dừa làm cho món ăn thêm mát lạnh.

Malaysia - Cendol

Khi ăn cendol bạn sẽ thấy nước cốt dừa lạnh với nước đường phèn sẽ nhanh chóng trôi xuống cổ họng, để lại là hương vị của những sợi bột mềm dẻo và đậu đỏ ngọt bùi. Món này trở thành một loại giải nhiệt thích hợp cho những buổi chiều, phần nào giảm bớt cái nắng nóng của miền nhiệt đới Đông Nam Á.

Singapore - Sandwich kem

Hai chiếc bánh quy kẹp với nhân kem trông rất giống bánh mì sandwich này là món tráng miệng được yêu thích nhất ở Singapore. Phần bánh kem bên trong tràn đầy, đậm hương vị kem béo và mát lạnh sẽ làm bạn "tan chảy".

Campuchia, Thái Lan - Nom Krok

Nom krok là một món tráng miệng đồng thời là món ăn đường phố phổ biến ở Campuchia và Thái Lan. Nó được làm từ một chiếc chảo đặc biệt, cho phép tạo hình dạng với kích cỡ nhỏ như kiểu đồ ăn snack. Những chiếc bánh pancake dừa này có cả vị dừa lẫn phần nhân hành tươi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt và mặn cùng lúc.

Philippines - Bibingka

Là một loại bánh gạo, bibingka còn có vị ngọt đặc trưng của dừa vì dùng một lượng lớn nước cốt dừa khi chế biến. Món tráng miệng này thường được đi kèm với một mảnh lá chuối, bao bọc nó khi đã được nấu chín. Sẽ ngon hơn khi bạn ăn bibingka với cả bơ, phomat và dừa nạo. 

Indonesia - Kueh Lapis Legit

Bánh có tên khác là spekkoek, gồm nhiều lớp khác nhau và là một trong những món tráng miệng đặc biệt ở Indonesia về cả hình thức lẫn hương vị. Bánh làm từ hạt nhục đậu khấu, quế và bột bạch đậu khấu. Một chiếc bánh spekkoek thường có hơn 10 lớp riêng lẻ, từng lớp được xếp chồng lên nhau. Hiện nay, bánh có thêm nhiều hình dáng và cách trang trí phong phú hơn.

(Theo GoASEAN)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Những phép tắc trên bàn ăn của người châu Á

Các nước châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại có những quy tắc khác biệt.

Xem thêm: Điểm đến cho người sành ăn khắp thế giới

Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.

Ấn Độ

Người Ấn ăn bốc nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Indiaphile.

Dù nằm trong châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, dĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước châu Á là đũa. Họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.

Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn - đồ uống do đấng tối cao trao cho - phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm "vệ sinh" của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho "cái ác" gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho "cái thiện" với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.

Trung Quốc

Bàn tròn là kiểu bàn ăn phổ biến của gia đình đông người hoặc các nhà hàng lớn tại Trung Quốc. Ảnh:thechinesquest.

Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn. Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa theo kiểu bàn xoay.

Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.

Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc, bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện... Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào.

Nhật Bản

Người Nhật rất chú trọng tới hình thức của bữa ăn. Ảnh: goodfon.

So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.

Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời "Itadakimasu" trước khi ăn và "Gochiso sama deshita" sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng "không gian riêng" trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức "không gian chung".

Với món ăn "quốc hồn quốc túy" là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được tự ý nêm nếm gì thêm sau đó.

Hàn Quốc

Bàn thức ăn của người Hàn thường rất nhiều món ăn kèm và đầy màu sắc. Ảnh: hansangkorea.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn rất coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kinh trên nhường dưới".

Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.

Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước. Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam

Mâm cơm quen thuộc của người Việt. Ảnh: cookingclass.

Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài rất thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức... qua loa. Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, dĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.

Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quây quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.

Mimi tổng hợp

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Các quán ăn ngon ở cố đô Bagan, Myanmar

BBQ Harmony, Queen Restaurant, Golden Emperor... là những nhà hàng được khá nhiều khách du lịch yêu thích và dành nhiều lời khen ngợi khi đến Bagan, Myanmar.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Myanmar

Bagan là một trong những vùng đất mà bất kỳ khách du lịch nào khi đến Myanmar cũng ghé qua. Bagan cổ kính, ma mị, vừa thân quen lại vừa thật lạ lẫm và huyền bí. Đến Bagan, ngoài viếng thăm đền chùa, chụp ảnh hoàng hôn và bình minh... nhiều du khách không thể bỏ qua các món ăn đặc trưng.

BBQ Harmony

Món ăn tại BBQ Harmony.

Đối với BBQ Harmony, đúng như với tên gọi, nhà hàng này nổi tiếng nhất với các món nướng. Có rất nhiều loại xiên khác nhau để chọn bạn lựa chọn, bao gồm cả thịt lợn, bò, gà, cừu, cá, hải sản, rau củ quả… có giá từ 1.000 đến 3000 kyat.

Một điểm đặc biệt ở đây nữa là nhân viên phục vụ quán là các chàng trai trẻ, rất thân thiện và hóm hỉnh. Những xiên nướng sau khi khách chọn sẽ được quán nướng ngay tại chỗ, bạn có thể gọi cơm để ăn kèm, nước sốt chấm khá ngon và hợp khẩu vị người Việt.

Queen Restaurant

Queen Restaurant phục vụ khách với thực đơn có cả món Á - Âu như Trung Quốc, Italy, Thái Lan hay Myanmar. Các món ăn tại đây được chế biến khá nhanh, thức ăn ngon và nóng. Thực đơn của quán khá đa dạng với nhiều món ăn đặc trưng của các nước như Vịt quay Trung Quốc, mỳ và pizza, canh Tom Yum Thái Lan hay món nướng BBQ… Không gian quán rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ.

Giá một số món ăn tại đây bạn có thể tham khảo:

- Salat Tea Leaf truyền thống của Myanmar: 1.000 kyat
- Gà rán: 5.000 kyat
- Vịt quay: 5.500 kyat
- Pizza cà chua nấm phô mai: 5.500 kyat
- Mỳ ý Carbonara : 4.000 kyat
- Gà nướng theo miếng (5 miếng): 5.000 kyat
- Bò Bít tết : 6.500 kyat
- Nước hoa quả : 1.000 kyat
- Sinh tố: 1.500 – 2.000 kyat
- Bia Myanmar: 1.800 kyat
- Bear Tiger: 2.000 kyat

Golden Emperor

Các món ăn tại Golden Emperor.

Golden Emperor nằm ngay sát BBQ Harmony, cũng phục vụ các món ăn tương tự như Queen Restaurant, tuy nhiên có thêm các món ăn chay. Golden Emperor cũng là quán ăn được trang web du lịch toàn cầu TripAdvisor chứng nhận.

Giá một số món ăn tại đây bạn có thể tham khảo:

- Bia Myanmar: 1.200 kyat
- Bia Tiger: 1.200 kyat
- Salat Nga: 2.500 kyat
- Salat đặc biệt: 3.500 kyat
- Salat gà Myanmar: 3.500 kyat
- Súp kem (rau): 1.500 kyat
- Pizza Hawaiian: 5.000 kyat
- Mỳ carbonara, Bolognaise: 4.000 kyat
- Bánh Burger: 4.000 kyat
- Vịt quay Trung Quốc : 5.000 kyat
- Bít-tết: 7.000 kyat

Golden Myanmar (Myanmar Food House)

Quán ăn này ngay gần ngôi chùa nổi tiếng Ananda ở Bagan. Tại đây, bạn có thể thưởng thức loại hình buffet truyền thống của Myanmar với giá khoảng 3.000 kyat/người. Nước chanh có giá 1.500 kyat/cốc.

Một bữa ăn buffet của Myanmar có các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt bò, canh, salad và đều là những món ăn truyền thống của Myanmar. Đồ ăn ở Myanmar có vị gần giống với món ăn Việt, tuy nhiên hơi nhiều dầu mỡ và thường có mùi cà ri đặc trưng.

The Moon

Không gian quán của The Moon.

The Moon được Tripadvisor xếp hạng 2 trong danh sách các quán ăn tại cố đô Bagan, và được hầu hết các khách du lịch tìm đến, trong đó đa phần là khách đến từ phương Tây.

Món ăn ở đây chủ yếu là đồ chay, được chế biến khéo léo, hợp khẩu vị với nhiều người. Không gian quán là một khu vườn với những dàn cây leo rợp bóng mát, nên dù ngồi vào giữa buổi trưa bè bạn cũng không cảm thấy khó chịu. Nhớ tráng miệng bằng món kem được chế biến với công thức đặc biệt ở đây nhé. Quán nằm rất gần với ngôi chùa nổi tiếng Ananda và quán Golden Myanmar.

Ở Myanmar sử dụng hai loại tiền tệ là tiền kyat, đọc là chạt và USD. Tỷ giá ở sân bay 1 USD đổi được khoảng 980 Kyat.
Chu Anh

Bài đăng phổ biến