Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Những món ngon quên sầu miền Tây mùa nước nổi

Miền Tây bước vào mùa nước nổi với những cơn mưa rả rích kéo dài suốt đêm ngày và sau những đợt mưa ấy nước lại đổ trắng cả miền quê chân chất. Đến với miền Tây những ngày này các bạn sẽ được khám phá và trải nghiệm đời sống thiên nhiên hoang sơ, quyến rũ miền sông nước Cửu Long. Đặc biệt về miền Tây những ngày này, đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã, đồng quê nhưng đậm đà đến khó quên.

Những món ngon quên sầu miền Tây mùa nước nổi

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui cũng là món ăn dân dã nổi tiếng xứ Nam kỳ bởi các chế biến nhanh gọn nhưng lại giúp con cá ngọt thịt nhất và thơm nhất. Nướng trui tức nướng mà không tẩm ướp gia vị. Cá lóc còn sống được đâm một cây trúc từ miệng xuống tận đuôi rồi cắm thẳng đứng xuống đất, sau đó dùng rơm để đốt. Khi mùi thơm theo khói toả ra cũng là lúc cá chín tới.

Cá sau khi nướng trui trông đầy than nhưng sau khi được cạo bỏ lớp da dính than, thịt cá lại rất ngọt và thơm nức. Cá lóc nướng trui có thể dùng để cuốn bánh tráng, rau rừng chấm nước mắm đồng hay chấm cùng muối ớt (loại muối hột). Tuy nhiên có loại nước mắm me được nhiều người ưa thích, bạn chỉ cần gỡ thịt chấm vào để cảm nhận hết vị vừa mặn vừa ngọt, vừa cay thơm.

Gà ta nướng

Gà ta nướng

Gà ta nướng mọi là ngon khó cưỡng của khách đến thăm miền Tây. Gà đang chạy trong vườn, đuổi bắt rồi cắt cổ nhổ lông. Sau khi làm sạch, chặt miếng to rồi nướng trên vỉ than hồng. Gà nướng mọi không tẩm gia vị, sau khi nướng chín vàng thơm phức, chỉ cần chấm muối ớt đã có thể gặm luôn tận xương.

Canh điên điển nấu cá rô đồng

Canh điên điển nấu cá rô đồng

Canh điên điển nấu cá rô đồng - cái tên gợi nhớ miền Tây từ những ngày tháng 8 âm lịch kéo dài cho đến hết tháng Chạp. Mỗi năm cứ vào dịp này, điên điển trổ bông vàng đồng, hái về bắc nồi canh cá rô, nêm tí muối tí me, nước sôi bùng thì cho bông điên điển và mớ giá đậu xanh vào. Canh điên điển ăn với cá kho, cá chiên hay chỉ cần chén nước mắm đồng vớt cá canh ra chấm đã đủ khiến bạn mê mẩn. 

Chuột đồng nướng chao

Chuột đồng nướng chao

Những con chuột đồng béo ngậy được làm sạch bỏ đầu và ruột  rồi tẩm ướp chút bột ngọt, nước mắm, hạt tiêu, tỏi, chao, sa tế, ớt tươi, ớt khô, dầu hào khoảng 20 phút cho ngấm đều rồi nướng trên bếp than được đốt cháy lên đỏ hồng.

Thịt chuột được đảo đều tay, khi nào thấy thịt chuột hơi tái màu, ta có thể phết thêm chao cho thấm và nướng tiếp, khi thấy thịt có mùi thơm và cháy sem sém rìa là thịt đã chín. Nếu nướng chuột bằng bếp than, khi ra lò, thịt chuột sẽ dai, thơm, thấm đều vị beo béo của chao, một chút cay của sa tế và mùi thơm của than củi.

Trên tấm lá chuối đã được rửa sạch hoặc đĩa sứ, bày khế chua, dưa chuột, cà chua thái miếng, rau răm, rau thơm và bày chuột nướng chao vào giữa rồi từ từ thưởng thức. Đây là món ăn đậm hương vị của miền Tây mà có lẽ bạn sẽ khó lòng quên được.


Nguồn: tổng hợp

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Khoảng 200 món ăn tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đang diễn ra tại TP Cần Thơ, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và thưởng thức các món ăn ngon mỗi ngày.


Đây là lễ hội lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 5-9/4 tại khuôn viên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (số 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Năm 2017, Vietravel Cần Thơ đánh dấu 5 năm đồng hành cùng Lễ hội, góp phần tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ tới du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 sẽ có nhiều điểm mới và được cải tiến so với 5 lần tổ chức trước đây. Lễ hội có quy mô khoảng 200 gian hàng, trong đó có 100 gian hàng bánh dân gian Nam Bộ và 100 gian hàng đặc sản các vùng miền khác trong cả nước. 


Bánh xèo ở miền Tây được nhiều du khách ưa thích. "Bánh xèo ăn rất ngon khi dùng tay bốc bột chiên gói với rau sống, rồi chấm nước mắm chua ngọt", một khách du lịch nói.


"Bánh gói bằng lá dừa, bên trong là nếp, đậu trắng, một ít cơm dừa. Người Kinh gọi là bánh trái lựu. Mỗi chiếc bánh giá 1.000 đồng"


Cốm dẹp trộn với đường và dừa là món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.


Bánh tét nhân thập cẩm của Cần Thơ, giá cao nhất là 70.000 đồng một đòn.


Bánh đúc nước dừa


Một trong những loại bánh dân gian Nam Bộ là bánh hỏi, thường được dùng để gói rau sống với thịt heo quay, chấm nước mắm chua ngọt.


Không chỉ thưởng thức các loại bánh dân gian Nam Bộ, du khách còn được ăn cá lóc nướng trui, hải sản nướng...


... Và thịt heo nướng, ốc nướng tiêu dân dã.


Bún nước lèo có tôm, thịt heo quay và cá lóc là món ăn đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Các gian hàng bánh dân gian Nam bộ sẽ được ưu tiên trưng bày ở khu chính nhằm nêu bật giá trị văn hóa bánh dân gian Nam bộ qua ba yếu tố được thể hiện xuyên suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội: Văn hóa làm bánh - văn hóa bán bánh - văn hóa thưởng thức bánh. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có sự tái hiện bộ sưu tập dụng cụ làm bánh truyền thống tại khu trưng bày làm bánh.



Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều chương trình hoạt động phong phú đa dạng hấp dẫn thu hút du khách như biểu diễn đờn ca tài tử, biểu diễn múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian các nước ASEAN, các trò chơi dân gian, hoạt động quảng bá du lịch - ẩm thực Cần Thơ…

 Xem thêm : Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực, muốn thưởng thức các loại bánh thì hãy lên kế hoạch ngay cho mình đến với  Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2017 nhé . 





Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Những món ngon níu chân du khách ở Sóc Trăng

Những món ăn đậm hồn quê, dân dã như bún nước lèo, bánh ống, bún gỏi dà hay bánh cóng luôn níu chân du khách phương xa mỗi lần ghé qua miền đất Sóc Trăng.

Mì sụa

Có nguồn gốc từ món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa, món ăn này dần trở nên phổ biến và được nhiều người ưa thích.

Bạn có thể chọn loại mặn và không mặn tùy theo khẩu vị. Mỗi loại cũng có cách chế biến khác nhau. Sợi mì sụa được chế biến từ đậu nành dai mềm, loại ngọt dùng để nấu chè, còn loại mặn để làm các món xào và ăn kèm với mắm chanh ớt hay tương ớt.


Thực khách sẽ khó cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn này

Mì sụa mặn thường xào chung với hải sản, thịt heo, nấm, thịt gà và chan cùng với nước tương. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dai của sợi mì, vị béo ngọt của thịt, cùng với vị mặn cay, chua của nước tương, ớt, chanh. Tô mì xào thường được ăn kèm với bát nước dùng cho đỡ ngấy.
Xem thêm: Mì sụa - món ăn của người Hoa ở Sóc Trăng

Bún gỏi dà

Bún gỏi dà là một món ăn xưa của miền Nam hấp dẫn nhiều thực khách với sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt thịt heo và tôm bạc của sông nước Nam Bộ. Theo những người sành ăn, xuất phát điểm của món bún này là gỏi cuốn, với các thành phần như tôm, bún, rau, giá... Về sau người ta biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn.

Sự pha trộn nhiều thành phần với vị ngon từ chính nước dùng có vị ngọt thanh của xương heo, chua nhẹ của nước me và thoang thoảng hương thơm của tương hạt không bao giờ mang lại cảm giác ngán.

Bún gỏi dà được trình bày rất đẹp mắt

Bún thường được ăn kèm với giá sống, rau muống bào và xà lách. Phần nguyên liệu chính là thịt ba chỉ khìa mặn cùng với các con tôm luộc ngọt tươi đã lột sạch vỏ. Từng sợi bún trắng mềm dai ngập ngụa trong nước dùng màu nâu hòa cùng với thịt tôm béo và thịt heo mặn mặn tạo hương vị lạ miệng, vô cùng hấp dẫn những thực khách phương xa.

Bánh cóng

Đây là món bánh phổ biến ở khắp các tỉnh miền Tây nhưng ít ai biết rằng nó chính là đặc sản của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Bánh được làm từ thịt heo bằm nhuyễn với bột gạo, đậu xanh hột chấm với nước mắm chua ngọt.

Từng chiếc bánh vàng ruộm được kẹp đều trong rau sống gồm xà lách, rau thơm, tía tô, diếp cá... và chấm trong chén nước mắm cà rốt chua ngọt tạo nên món ăn khó cưỡng và đậm đà hương vị vùng quê sông nước.

Bánh cóng đặc sản Sóc Trăng

Gạo và đậu xanh để làm bánh cóng đều phải chọn loại ngon, ngâm nước từ sáu giờ cho nở đều và xay gạo thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh đậm được đậm đà.

Ăn bánh cóng ngon một phần nhờ rau xanh và cách pha nước chấm. Chọn nước mắm ngon pha thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi, rau cà rốt, đu đủ muối chua. Rau ăn kèm xà lách, rau thơm, có thể thêm khế chua, chuối xanh, dưa chuột tùy thích cho đủ vị cay nồng.

Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận vị giòn rụm quyện hương thơm bùi béo của đậu xanh với nước chấm chua ngọt nơi đầu lưỡi.

Bánh ống

Món bánh ống được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn trộn với lá dứa, nước đường, cốt dừa. Sau đó dồn vào ống tre hoặc ống nhôm và mang hấp cách thủy. Bánh ống tròn, dài béo béo giòn và thơm mùi cốt dừa lẫn mùi lá dừa. Đây là món ăn chơi thú vị vào các buổi chợ sáng và các buổi xế chiều.

Bánh ống với màu sắc bắt mắt

Du khách du lịch Sóc Trăng sẽ bị hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi những chiếc bánh ống màu xanh và hấp dẫn, ăn rất thú vị.

Bún nước lèo

Món ăn này có thể tìm ở nhiều nơi ở vùng Nam Bộ nhưng phải ăn ở Sóc Trăng mới cảm nhận vị ngon đặc trưng mà hiếm vùng nào có được. Nước lèo được nấu từ nước dừa, sả và một số loại mắm của người Khmer tạo nên vị đậm đà.

Bún nước lèo rất hấp dẫn, quyến rũ thực khách

Bún nước lèo nhìn thơm ngon và hấp dẫn hơn cả thì phải có khá nhiều loại rau sống ăn kèm, từ rau muống bào sợi đến giá sống, bắp chuối thái nhỏ, rau thơm, rau đắng... Trên bát bún trắng tinh sẽ là thịt lợn, tôm và màu xanh mướt của các loại rau sống.

Húp xì xụp từng muỗng nước lèo đậm vị và nhẩn nha sợi bún dài trắng tinh, bạn sẽ cảm thấy vị ngon ngọt tan dần trong miệng.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

15 món ngon đậm đà hương vị miền Tây

Du lịch miền Tây luôn khiến các du khách phải ấn tượng với một nền ẩm thực phong phú, đặc trưng của vùng sông nước. Đến đây và thưởng thức dù chỉ một lần nhưng hương vị chắc chắn sẽ còn nhớ mãi.
Xem thêm: Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Cá linh kho tiêu


Cá linh là loại cá nước ngọt có nhiều ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt tại những vùng An Giang, Long An, Đồng Tháp là những nơi có cá linh ngon nổi tiếng. Đầu mùa nước nổi là thời điểm cá linh ngon nhất, xương chưa cứng, thịt mềm non và bụng cá vẫn nhiều mỡ nên ăn rất béo.

Cá linh kho tiêu ăn với cơm nóng sẽ rất ngon. Khi ăn kèm thêm bông súng, bắp chuối bào, hoa điên điển ngâm chua, rau muống ngâm chua ngọt… khiến hương vị thêm đậm đà.

Canh chua cá lóc


Đây là món ăn quen thuộc đối với tất cả người miền Tây, đã về nơi đây, bát canh chua cá lóc ở đâu cũng ngon, ở đâu cũng nhớ.

Tô canh chua cá lóc ngon thì thịt cá có màu trắng, màu vàng của thơm, màu đỏ của cà và màu xanh của ngò gai, hành lá. Vị canh chua chua ngọt ngọt là hương vị đặc trưng của mỗi bữa cơm vùng sông nước nơi đây.

Gỏi củ hũ dừa Bến Tre


Củ hũ dừa là phần búp non nhất nằm giữa ngọn cây dừa. Gỏi củ hũ dừa đúng điệu thường có đủ tôm sú nõn bóc, thịt ba chỉ, tai heo luộc thái mỏng, củ hũ dừa bào mỏng, rau răm, hành tây, đậu phộng rang giòn… Tất cả trộn đều lên cùng các loại gia vị chua cay ngọt tạo thành một đĩa gỏi đầy màu sắc, đậm đà hương vị miền Tây.

Từ xưa đến nay, Bến Tre nổi tiếng được người ta gọi bằng cái tên thiên đường của dừa. Chính vì vậy những món ăn từ dừa của nơi đây luôn để lại một ấn tượng trong lòng người thưởng thức.

Bánh xèo ốc gạo


Nếu có dịp ghé thăm Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, các bạn đừng quên một lần thử nếm món bánh xèo nhân ốc gạo nổi tiếng.

Không giống với các món bánh xèo khác, bánh xèo ở đây có nhân được làm từ ốc gạo. Sau khi ốc gạo được luộc chín, người ta lấy thịt bên trong ra rồi xào thơm với hành tây và hẹ thái mỏng, vì vậy nhân bánh ở đây có mùi vị rất lạ miệng và hấp dẫn.

Lẩu cháo cua đồng


Lẩu cháo cua đồng được biết đến là một món ăn bồi bổ tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt và hạ đường huyết. Đây là món ăn phổ biến tại các tỉnh miền Tây nhưng phổ biến nhất vẫn là hai vùng An Giang và Bến Tre.

Hủ tiếu Mỹ Tho – đặc sản Tiền Giang


Hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc có vị khác hẳn hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu của người Hoa. Hủ tiếu Mỹ Tho không ăn với xà lách mà dùng giá sống, chanh ớt, nước tương. Đặc biệt sợi hủ tiếu ở đây phải được làm từ gạo đất Tiền Giang chính gốc. Nước lèo truyền thống được pha có vị ngọt thanh, hầm chung với nước xương heo, mực sống và những loại rau củ như củ cải, cà rốt cho đậm đà và sắc màu.

Cá lóc kho tộ


Các lóc kho tộ là món ăn dân dã của người miền Tây. Cũng giống như các loại cá kho khác nhưng nếu nếm thử bạn vẫn sẽ thấy cá lóc có hương vị khác biệt.

Muốn kho khô thì cho tiêu thật nhiều, còn kho nước có thể cho thêm vào đó vài trái ớt sừng trâu. Ăn kèm với các loại rau, dưa leo, chuối chát hay xoài xanh băm vào nước mắm chấm vị càng ngon.

Nem nướng Cái Răng – Cần Thơ


Nem nướng Cái Răng được làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Ăn kèm với rau thơm, chuối chát, dưa leo và khế. Đặc biệt nem nướng thường chấm với nước tương, loại tương xay mịn, ngọt, thơm, rắc thêm chút đậu phộng rang và ớt băm nhỏ.

Bánh tầm bì – Cần Thơ


Những sợi bánh tầm bì được làm từ bột gạo và bột nếp có độ dai vừa đủ, luôn được hấp trong những cái xững trên bếp than. Một đĩa bánh ngon sẽ có những sợi bánh tằm trắng đều, được phủ lên trên một lớp bì heo xắt nhuyễn, thêm chút màu xanh của rau thơm, giá sống, dưa chua và mỡ hành.

Bún bò cay Bạc Liêu

Bún bò cay là một trong những đặc sản Bạc Liêu nổi tiếng. Đúng như tên gọi của món ăn, bún được được nấu với rất nhiều ớt sừng trâu tươi chín làm cho nước bún có màu đỏ tự nhiên, rất kích thích vị giác và bắt mắt.

Được chế biến khá cầu kì bởi công đoạn nấu nước phải qua một vài lần nêm cho chuẩn tỷ lệ gia vị mới có được tô bún ngon như ý.

Bánh pía Sóc Trăng


Là loại bánh hương thơm của trứng muối, đậu xanh và sầu riêng, được bao bọc bởi rất nhiều lớp vỏ mỏng bên ngoài. Bánh pía nổi tiếng ở rất nhiều vùng của miền Tây nhưng riêng hương vị ở Sóc Trăng thì không có nơi nào sánh được.

Bún kèn Hà Tiên – Kiên Giang


Bún kèn là món ăn rất riêng của ẩm thực Hà Tiên với cách chế biến cầu kì nhiều công đoạn. Tô bún kèn hấp dẫn thường rất bắt mắt với một lớp tép khô giã nhuyễn rắc lên trên cùng nhiều loại rau thơm.

Nem Lai Vung – Đồng Tháp


Lai Vung là làng nghề làm nem nổi tiếng của Đồng Tháp. Nem được làm từ thịt và bì heo, các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt.

Cháo tống – Cà Mau


Đây là món ăn đậm chất vùng quên được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất – loại rau không thể thiếu trong những món ăn Nam Bộ như lẩu mắm, lẩu cá.

Khi mới ăn sẽ cảm thấy vị đắng trong cháo từ rau đắng, nhưng khi càng nhai, rồi nuốt qua cổ họng bạn sẽ càng cảm nhận được một vị ngọt thanh mát từ từ.
Xem thêm: Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Bánh hỏi – heo quay Phong Điền, Cần Thơ


Bánh hỏi được là từ bột gạo, ăn kèm với thịt heo quay, rau thơm, chấm với nước mắm hay nước tương cay chua ngọt.

Đến với xứ Tây Đô, nếu ghé qua Phong Điền đừng quên ghé nhà vườn Minh Cảnh để thưởng thức món bánh hỏi heo quay do chính nhà vườn chế biến.
Xem thêm: 7 đặc sản miền Tây mùa nào cũng có
(Theo Lao động)

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

10 món ngon Trà Vinh hút hồn du khách

Cháo ám, bún suông, bánh canh Bến Có hay chù ụ rang me... là những món ăn làm say lòng du khách khi đến với "xứ dừa" Trà Vinh.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Ẩm thực Trà Vinh mang hương vị đặc trưng của 3 dân tộc Kinh, Khơ me và Hoa.

Cháo ám: Cá lớn, mập, cắt ra từng khứa, đem luộc. Thịt được thái từng miếng cỡ bằng ngón tay rồi đem xào với mỡ hành. Sau đó, nước luộc cá được dùng để nấu cháo sao cho thật nhừ trong nồi đất lớn. Cháo phải thêm một củ hành nướng, tôm khô và khô mực nướng để nước ngọt và thơm. Cháo chín có thể cho cá vào. Trứng cá để riêng, được làm nhuyễn rồi mới đổ vào nồi. Bát cháo ám ăn đúng điệu không thể thiếu được các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên. Giá một tô cháo ám từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Bún suông: Món ăn này làm từ bún, chả tôm tươi. Nước lèo dùng để nấu bún suông được hầm từ xương heo, thêm mắm muối phù hợp để tạo vị ngon đậm đà. Một số người còn cho thêm tôm khô hay mực khô để tăng thêm hương vị cho nồi nước lèo. Ăn kèm với món bún này là bắp cải trắng bào xợi, hành, ngò, nước chấm tương xay, chanh, ớt,…Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng.

Bún suông Trà Vinh đậm đà hương vị của tôm. Ảnh: Xembao.

Bánh canh Bến Có: Giống như những món bánh canh khác, thành phần sợi bánh và nước súp quyết định mùi vị, độ ngon của món ăn. Sợi bánh được làm từ bột gạo để làm bánh trong, dai và hạn chế bị nở khi ngâm trong nước. Nước súp cũng không quá cầu kỳ khi được nấu từ xương heo. Người dùng có thể kết hợp bánh canh với giò heo, thịt nạc, thịt bắp, móng hay lòng... Ăn kèm là chén nước mắm chanh ớt. Chính vị đậm đà của nước chấm nguyên chất như cộng hưởng với các nguyên liệu làm cho món ăn dân dã này trở nên thơm ngon, đậm đà hơn.

Bún nước lèo: Món ăn gồm cá lóc, thịt heo quay, tôm và đặc biệt là mắm bò hóc cho vị mặn nồng và hương thơm nức mũi. Bún được làm từ lúa mùa nên rất dai và ngọt. Để tô bún đạt yêu cầu thì phải có rau ghép gồm giá sống, hẹ, bắp chuối. Một tô có mức giá phải chăng từ 20.000 đến 25.000 đồng.
Xem thêm: Đặc sản không thể bỏ qua ở miền đất mũi Cà Mau

Chù ụ rang me: Chù ụ được bắt về làm sạch, bỏ lên chảo dầu, hành, tỏi đập dập, cho nước cốt me vào và nêm nếm sao cho có vị chua ngọt vừa ăn. Thịt chù ụ rất chắc, vỏ giòn ngon chứa nhiều canxi, nếu du khách "mê" mùi vị của biển thì đây là món ăn lý tưởng và thú vị. Ngoài ra, chù ụ còn được chế biến bằng nhiều cách khác như hấp, luộc,…Một đĩa chù ụ rang me dành cho 2 người ăn khoảng 6, 7 con với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng.

Chù ụ rang me có vị chua ngọt vừa ăn là món khoái khẩu của nhiều người

Tôm khô Vinh Kim: Món này được làm từ con tôm bạc đất vùng ven biển, nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô vùng khác, nổi bật nhất là có màu đỏ hồng, thịt chắc có vị ngọt đậm. Tôm khô được chọn, luộc vừa lửa, phơi đúng cách và vừa nắng. Để có được một kg tôm khô thành phẩm cần đến 10 kg tôm tươi; giá hiện tại trên thị trường giao động 600.000 đến 1,2 triệu đồng một kg tùy loại.

Dừa sáp Cầu Kè: Đây là loại dừa đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa trong veo như sương sa. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường. Dừa sáp được dùng để chế biến: nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, cơm dừa, thạch, mứt, kem, rượu vang, cơm dừa sấy khô,….Mỗi trái dừa sáp có giá từ 130.000 đến 240.000 đồng tùy chất lượng và cỡ lớn, nhỏ.

 Dừa sáp Cầu Kè cùi dày, nước trong veo.

Rượu Xuân Thạnh: Cùng với bí quyết gia truyền hàng trăm, rượu được sản xuất cầu kỳ từ gạo nếp và lên men bởi 36 vị thuốc Bắc. Nếp được nấu chín, để nguội và trộn với men, ủ kín trong 3 ngày. Tiếp theo cho nước với hàm lượng vừa đủ vào hũ cơm rượu đã ủ men và để tiếp 3 ngày nữa, sau đó đem chưng cất. Rượu Xuân Thạnh khoảng 60 độ, hương vị nồng nàn, hấp dẫn, không gây khó chịu cho người vui quá chén. Giá mỗi chai rượu 500 ml từ 38.000 đến 47.000 đồng.

Bánh tét Trà Cuôn: Món ăn này được làm từ gạo nếp, thịt, mỡ bao quanh bằng lá chuối. Gạo nếp phải vo sạch và để ráo, sau đó trộn đều với nước ép rau ngót để tạo màu và tạo mùi. Bánh được buộc vừa đủ chặt, đun lửa phải đều trong nhiều giờ liền…Giá của mỗi đòn bánh Tét Trà Cuôn từ 40.000 đến 50.000 đồng loại 900gr.

Bánh tét Trà Cuôn mỗi đòn có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng. Ảnh:Dacsanmientay.

Nước mắm rươi: Loại mắm này chỉ cần rươi, muối và nước sạch với tỉ lệ 5:1:4, sau đó đem ủ từ 10 đến 15 ngày. Nước mắm rươi thường dùng để chấm các loại như rau, tôm, thịt luộc, cháo trắng…Mắm có màu vàng xanh, không thơm mạnh bằng mắm của Phú Yên hay Phú Quốc nhưng lại vượt trội về độ ngọt dịu. Giá cho một lít dao động từ 20.000 đến 32.000 đồng tùy vào độ đạm.

(Theo VnExpress)

Món bún suông - đặc sản đất Trà Vinh

Từng miếng chả tôm thon dài, suông đuột trông lạ mắt như quấn lấy sợi bún trắng tinh, ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức.
Xem thêm: Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Trà Vinh là một tỉnh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách ghé qua vùng đất này còn dễ bị say lòng bởi món bún suông.

Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa những con tôm tươi và mập mạp. Tôm được đem về rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc vỏ.
Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng

Tỏi, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn sẽ được cho cùng tôm vào máy xay, đến khi tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp sánh mịn. Lấy phần tôm trên vào tô, thêm vào hạt tiêu, muối, bột năng, bột nêm và màu dầu điều để tạo sắc vàng bắt mắt.

Món chả muốn dai nhuyễn đòi hỏi người nấu phải kỳ công quết lại nhiều lần, cuối cùng cho tất cả vào túi nilon sạch, cắt đầu bao. Phần nước dùng được ninh bởi xương heo trong nhiều giờ cho béo ngọt, khi đã nêm nếm gia vị bao gồm dầu hạt điều, muối, tiêu, bột nêm.... thì cứ thế mà nắn từ từ hỗn hợp tôm vào.

Vị nước dùng của bún suông cũng khá đặc biệt, nó không trong như các loại bún khác mà có màu ngả hơi nâu do có cho thêm me và tương hột tạo nên vị chua thanh, lại thoang thoảng mùi thơm.

Phần chả tôm dài hay ngắn là tùy theo sở thích của người nấu. Khi chả tôm đã thả hết vào nồi, sẽ được đun thêm 5 – 10 phút cho đến khi nổi trên bề mặt nước và chuyển màu vàng ươm, ấy cũng là lúc đã chín hẳn.

Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Du lịch Trà Vinh bạn có thể tìm gặp quán bún suông chỉ chuyên bán vào các buổi chiều tối trên đường Điện Biên Phủ hoặc quán trên đường Hùng Vương.

(Theo VnExpress)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Về Mỹ Tho ăn hủ tiếu, ghé Cần Thơ ăn bánh cóng, tiện dừng chân ở Bạc Liêu chén cơm ba khía muối rồi mua chút bánh pía làm quà ở Sóc Trăng.
Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về".

Cá lóc nướng trui Vĩnh Long

Cá lóc nướng cuốn với bánh tráng là món ăn tuyệt hảo

Ngoài đặc sản trái cây bốn mùa, cá lóc nướng trui đậm vị đồng quê là món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi về Vĩnh Long. Cá lóc nướng trui được nướng theo kiểu "rừng rú" nhưng ăn một lần là ghiền bởi phải khéo tay và nướng đúng điệu thì cá ăn mới thơm, thịt mới ngọt.

Dùng một que tre tươi chuốt nhọn đầu rồi đâm xuyên từ miệng đến đuôi cá. Sau đó cắm que xuống đất, phủ rơm lên và đốt. Thoạt tiên trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng nướng được cá ngon mà không bị khét hoặc sống. Phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống, khi ăn có mùi tanh còn rơm nhiều quá cá khét thì ăn bị đắng.

Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Cá lóc nướng trui thường dùng với bánh tráng, rau thơm, khế, húng lủi, giá sống, chuối chát, dưa leo... và chấm kèm với nước mắm tỏi ớt, me.
Hủ tiếu khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long, song hủ tiếu Mỹ Tho là danh bất hư truyền, bởi dù chỉ ăn một lần cũng làm người ta nhớ mãi. Món ăn được nấu từ sợi hủ tiếu khô cùng với nước lèo từ thịt bằm nhỏ, lòng và xương tủy heo. Hủ tiếu Mỹ Tho được ăn kèm với giá, hẹ, xà lách và một số loại rau sống khác. Nước chấm đi kèm là nước tương tỏi ớt pha chút giấm đường, giúp tô hủ tiếu thêm thơm ngon, bắt mắt.

Một tô hủ tiếu ngon thì sợi hủ tiếu phải trong và dai, không bị bở hay mềm. Hủ tiếu Mỹ Tho ngày nay có mặt khắp mọi nơi ở miền Tây, song về Tiền Giang thì phải ăn món này mới đúng điệu.
Xem thêm: Lịch trình ba ngày du ngoạn Tiền Giang dịp năm mới

Canh chua cá linh bông điên điển Đồng Tháp

Lẩu cá linh ăn cùng bông điên điển là món ăn yêu thích của du khách

Bông điên điển là loài cây mọc hoang đặc trưng ở miền Tây. Bông hoa nhỏ, màu vàng, thường được chế biến theo kiểu luộc hay xào tỏi. Nhưng bông điên điển ngon nhất vẫn là khi được nấu món canh chua với cá linh mùa nước nổi. Cá linh bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng. Từ khoảng tháng 11 âm lịch, nước rút, lúc này cá về nhiều ăn không hết, ngoài nấu canh chua, người dân tích trữ, ủ thành nước mắm ăn dần.

Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm, giòn và bùi của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Kẹo dừa Bến Tre


Kẹo dừa Bến Tre vốn nổi tiếng từ lâu bởi nơi đây được mệnh danh là xứ dừa với những cánh đồng dừa bạt ngàn bất tận. Về Bến Tre không những được uống nước dừa thả ga, du khách còn có dịp thưởng thức món kẹo dừa thơm ngon, béo ngậy.

Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa là cơm dừa khô, nếp, đường và đậu phộng. Ngày nay kẹo dừa phong phú về chủng loại bởi đã được người dân sáng tạo ra nhiều hương vị như kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa cacao... để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống ăn kèm rau cải, xà lách

Cái tên lạ tai của loại bánh này xuất phát từ hình dáng như cái cống sâu. Bánh cống là một món ăn dân dã của người Cần Thơ với nguyên liệu chính từ bột, thịt băm, đậu xanh và tôm tươi.

Khi chế biến, bột bánh trộn đều với đậu xanh, thịt băm (đã được xào chín trước đó) và cho vào khuôn, để tôm tươi lên trên, sau đó đem cho vào chảo dầu nóng chiên đến khi chín thì vớt ra. Bánh cống ăn nóng để giữ độ giòn và thơm, thường ăn kèm với rau sống như cải xanh, xà lách, diếp cá... và chấm nước mắm tỏi ớt.
Xem thêm: Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Rượu đế Gò Đen, Long An

Rượu đế Gò Đen là đặc sản nổi tiếng của Long An nói riêng và của miền Tây nói chung. Tên gọi Gò Đen của loại rượu này xuất phát từ địa danh ba 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức. Đây là địa danh tập trung nhiều lò nấu rượu nhất từ hơn 100 năm trước.

Rượu đế Gò Đen được nấu 100% từ nếp nguyên chất và men gia truyền để đảm bảo không cồn và vị thơm, ngon, ngọt khi uống. Bí quyết để rượu thơm ngon và chất lượng nằm ở khâu chọn nếp, thường là nếp cái, nếp mỡ hay nếp than được trồng tại địa phương. Vì thế, rượu đế Gò Đen là loại thức uống mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch về Long An.
Xem thêm: Một ngày lang thang ở làng nổi Tân Lập

Ba khía muối Bạc Liêu

Không phải ngẫu nhiên mà loài ba khía đi vào âm nhạc với bài hát Anh ba khía. Bởi lẽ loài ba khía là thực phẩm dân dã, hình dáng không đẹp nhưng thịt thì ngon ngọt, đặc trưng cho ẩm thực miền Tây.

Đặc biệt, món ba khía muối là món ăn không thể bỏ qua khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu. Ba khía muối mua ở chợ về đem gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh. Đợi ba khía ngấm gia vị tầm 30 phút là có thể ăn được. Dân sành ăn thường trộn ba khía sẵn để hôm sau mới ăn cho thấm hết gia vị, ăn sẽ đậm đà hơn. Ba khía muối ăn với cơm là hết sảy, nước ba khía mằn mặn ứa ra hòa trộn với vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt rất thú vị.
Theo Ngoisao

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

7 đặc sản miền Tây mùa nào cũng có

Không cần phải là mùa nước nổi, những món ngon dân dã hóa đặc sản của miền Tây như bánh xèo, bún cá, lẩu mắm… luôn níu chân du khách bằng hương vị đậm đà khó quên.
Xem thêm: Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Cá lóc nướng trui


Về Bến Tre, Tiền Giang hay An Giang… vào bất kỳ tháng nào, bạn cũng sẽ được người miền Tây hiếu khách mời món ăn dân dã này. Cá lóc vừa bắt dưới ao, rửa sạch, xuyên que tre từ miệng tới đuôi, sau đó cắm xuống đất và ém rơm khô xung quanh để nướng. Người nướng phải ước chừng được lượng rơm vừa đủ để cá chín tới, chín đều. Rơm tàn, cá được cạo lớp vảy bên ngoài bằng một bó rơm khô nhưng mềm mại đủ để không bị tróc da cá. Cá lóc nướng được ăn cùng rau sống, cuốn bánh tráng, sẽ thấy thịt cá chín mềm, vị thơm nồng của các loại rau. Ảnh: Má Lúm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Bánh xèo


Bánh xèo thường được đổ trong chảo lớn và có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm... Nước chấm đóng vai trò quan trọng với vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường... Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm. Bạn có thể ghé bất cứ chợ nào ở các tỉnh miền Tây để ăn bánh xèo với giá 8.000 - 10.000 đồng một cái. Ảnh: Má Lúm.

Bún cá


Đây là món ăn không thể bỏ qua với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng... Không giống bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Nước dùng chính là thành phần tốn nhiều thời gian nhất trong việc chế biến món ăn này. Để nấu nước dùng, người dân thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước trong và có vị ngọt. Ảnh: Khánh Bằng.

Cháo cá lóc rau đắng


Nguyên liệu để chế biến món ăn này chính là cá lóc đồng. Cá lóc to, được làm sạch, ướp gia vị, hấp chín, lọc hết xương, tách thịt cá ra riêng đĩa. Rau đắng đất mọc tự nhiên trong vườn nhà. Cháo được nấu bằng gạo tẻ nở bung hết hạt, ninh thật kỹ. Tô cháo gồm thịt cá lóc, chút nấm rơm, một ít tương, lạc, giá, rắc một ít tiêu, hành, rau thơm thái nhỏ, gừng tươi, ớt, chanh. Đĩa rau đắng xanh tươi, mới ăn thì thấy rất đắng, sau cùng lại thấy vị ngọt nơi cổ họng, làm tô cháo cá lóc dân dã thật khó quên. Ảnh: Lam Linh.

Lẩu mắm

Nồi lẩu mắm được nấu khá cầu kỳ. Nước lẩu được nấu từ mắm sặc, mắm trèn và mắm linh với nước dừa hoặc nước hầm xương heo. Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ... Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát. Món lẩu mắm Cần Thơ là đặc sản trứ danh bạn nên thử khi về xứ này, ghé các quán ăn ở khu vực Bãi Cát, chợ Mới, đường Nguyễn Văn Cừ… Ảnh: Thanh Viên.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Bánh tằm bì


Bánh tằm bì gồm những sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo, được cho vào một chiếc đĩa, sau đó cho bì thái sợi, thịt heo xắt mỏng, ít rau thơm, dưa leo, giá sống, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho khách. Phần bì giòn bùi, thịt heo nướng thơm ngon, nước cốt dừa vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Khi ăn món này, trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng có thể chan thêm ít nước mắm ngọt. Ảnh: Khánh Hòa.

Gà hấp lá trúc


Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang, có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp CampuchiaTịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Gà sau khi làm sạch, ướp với gia vị thì “nhồi bụng” bằng nấm mèo, hành lá, bún… và hấp cùng lớp lá trúc. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Ảnh: Vĩnh Hy.

Má Lúm (VnExpress)

Bài đăng phổ biến