Ananda được xem là một trong những ngôi đền nổi tiếng và đẹp nhất ở Bagan. Đây là một trong những ngôi đền lớn đầu tiên được xây dựng tại đây với các tên gọi khác nhau như Ananda Pahto hay Ananda Phaya. Ngôi đền bị phá hủy một phần trong trận động đất vào năm 1975 nhưng sau đó được khôi phục lại gần như nguyên bản.
Đặc điểm nổi bật nhất của ngôi đền là ngọn tháp chính được mạ vàng giúp sự phản chiếu ánh sáng có thể được nhìn thấy từ cách đó rất xa, giữa vùng đồng bằng của Bagan. Đặc biệt, vào buổi tối những ánh đèn được thắp lên tạo nên một bầu không gian huyền bí bao quanh ngôi đền.
Truyền thuyết về sự hình thành ngôi đền Ananda gắn liền với 8 nhà sư từ Ấn Độ tới Bagan vào cuối thế kỷ thứ 11 sau Công nguyên. Họ đã gặp vị vua Kyanzittha và nói về ngôi đền “huyền thoại” ở dãy núi Himalaya mà họ đang tu.
Vua Kyanzittha đã bị thuyết phục và quyết định xây dựng một ngôi đền có kiến trúc tương tự như thế ở Bagan. Ananda chính thức được khởi công và mất hơn 15 năm mới hoàn thành (từ năm 1090 tới năm 1105). Sau khi hoàn thiện, các nhà sư đã bị vua giết để đảm bảo ngôi đền Ananda là duy nhất.
Ananda là một cấu trúc cân xứng đến hoàn hảo theo kiểu chữ thập Hy Lạp (Greek cross), được xem là ngôi đền tuyệt mĩ nhất ở Bagan. Điểm nhấn ấn tượng nhất chính là “Sikhara” (nghĩa đen theo tiếng Phạn là đỉnh núi) được mạ vàng đặt ở trung tâm của ngôi đền.
Cấu trúc này giống như ở các tòa tháp miền Bắc Ấn Độ cho thấy ảnh hưởng của lối kiến trúc này tới Ananda. Có tới 5 bậc khác nhau tương ứng với 5 sikhara và kết thúc ở một đỉnh tháp to lớn nhất gọi là hti cao khoảng 51m, trên đó là các viên đá quý, kim cương, hồng ngọc như hầu hết các chùa khác ở Myanmar (Shwedagon, Shwezigon…).
Phần lõi của ngôi đền Ananda là khối lập phương có 4 tượng Phật lớn mạ vàng quay về 4 mặt khác nhau tương ứng 4 lối vào đền, trong đó lối chính có dãy hành lang dài. Cảnh câu chuyện cuộc đời của Đức Phật được dập nổi trên hàng trăm viên gạch đất nung ở trong ngôi đền. Trên mỗi bậc tháp của Ananda đều có các Chinthes – những thụy thú giống như sư tử để bảo vệ các ngôi chùa trên khắp đất nước Miến Điện.
Khuôn viên của Ananda chừng 90m cho mỗi chiều, có hàng rào bao quanh, ngoài khu đền chính, trong sân còn có các đền nhỏ, cây bồ đề và đặc biệt là tu viện có tên là Ananda Oak Kyaung hoặc tu viện gạch Ananda. Tu viện được xây dựng vào khoảng năm 1137 bằng gạch đỏ, bức tường có hình vẽ mô tả cuộc đời của Đức Phật.
Một điều khá thú vị là ngôi đền Ananda nằm rất gần với cổng Tharabha là cổng duy nhất còn sót lại của thành phố cổ Bagan (trước đây gọi là Pagan). Tharabha là một trong 12 cổng vào Bagan được xây dựng bởi vua Pyinbya, vào năm 849 sau Công nguyên, nhiều hình khắc vẫn còn trên cánh cổng này mà bạn có thể nhìn thấy ngay khi bước ra khỏi ngôi đền Ananda.
Ananda cũng là ngôi đền không có bậc thang lên đỉnh tháp, tại căn phòng trung tâm có 4 bức tượng Phật cao hơn 9m mạ vàng đại diện cho 4 vị Phật đã đạt tới niết bàn, cụ thể Phật Kassapa ở phía Nam, Phật Kakusandha ở phía Bắc, Phật Konagamana ở phía Đông và Phật Gautama ở phía Tây.
Phía trước hình ảnh của Phật Gautama là hai bức tượng sơn mài. Một là của vua Kyanzittha – người đã cho xây dựng Ananda và một là Shin Arahan – nhà sư từ vương quốc Thaton đã biến vua Anawrahta thành Phật giáo Theravada.
Cũng như các ngôi đền/chùa khác ở Bagan, bạn phải để toàn bộ giày dép ở ngoài và chỉ được đi chân trần vào bên trong (không được mang tất/vớ). Bạn nên mặc quần áo kín đáo, không nên quần cộc áo ba lỗ hoặc váy đối với nữ giới vì có thể bị từ chối không cho vào đền tham quan.
Thời điểm thích hợp nhất để du lịch Bagan nói chung là khoảng từ tháng 10 – 2 hàng năm vì không khí mát mẻ, ít mưa, có thể bay khinh khí cầu. Ananda được xem là một trong 4 ngôi đền bắt buộc phải tới thăm khi bạn đến Bagan cùng với đền Shwezigon, Dhammayangyi và Shwesandaw.
Nguồn: Internet