Hiển thị các bài đăng có nhãn Ban Mê Thuột. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ban Mê Thuột. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

24 giờ không chán ở Ban Mê Thuột

'Check in' ở cây long não huyền thoại, vào làng cà phê chụp ảnh, ăn gà đồng bào hay ra quảng trường hóng gió sẽ khiến một ngày du lịch thêm thú vị.
Xem thêm: 8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Nếu chỉ có một ngày ở trung tâm thành phố Ban Mê Thuột, bạn cũng sẽ có được những trải nghiệm vừa mang đặc trưng của địa phương vừa trẻ trung, sôi nổi của thành phố hiện đại, chẳng kém gì Sài Gòn hay Hà Nội.

Ăn sáng, uống cà phê

Người ở Ban Mê Thuột dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày mới. Và bao giờ việc ăn sáng cũng sẽ gắn liền với việc uống cà phê như một "thủ tục" không thể thiếu. Ẩm thực ở phố núi rất đa dạng và phong phú nên bạn có thể tìm thấy rất nhiều món ăn có xuất xứ từ khắp nơi trên cả nước, từ món Bắc, món Trung rồi món Nam đều chẳng thiếu món nào.

Bạn có thể thử: bánh canh cua biển, miến cua biển ở Hà Huy Tập, rất ngon nhưng hơi đắt, tầm 35.000 đồng đến 40.000 đồng một bát. Xôi: góc Phan Đình Giót - Lê Hồng Phong, bán từ 6 đến 9h giá 5.000 - 10.000 đồng các loại. Bánh mỳ chảo: 16-18 Y Ngông giá 25.000 đồng một suất. Miến lươn: 67 Trần Quang Khải. Hủ tiếu khô: 160B Hoàng Diệu giá 20.000 đồng. Bánh cuốn vị Bắc: 84 Mạc Thị Bưởi, 20.000 - 35.000 đồng...
Xem thêm: 8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

Nằm ngay trong trung tâm thành phố Ban Mê Thuột, bảo tàng là địa chỉ luôn được khách nơi xa ghé chân khi tới đây. Bảo tàng được xây dựng hiện đại với các khu vực trưng bày riêng biệt từ văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái... có hướng dẫn viên thuyết minh cặn kẽ, cụ thể, có vực trải nhiệm chơi đàn t'rưng, ngửi hạt cà phê, hồ tiêu...

Bên cạnh đó, bảo tàng còn là một không gian xanh rộng lớn chẳng kém gì công viên với nhiều cây cổ thụ, thảm cỏ dài - là nơi nhiều người dân chọn làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát, tập thể dục hàng ngày. Thông với Bảo tàng là Biệt điện Bảo Đại, là nơi ở khi ở Buôn Mê Thuột của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Bạn đừng quên chụp ảnh check in ở 2 cây long não nổi tiếng nhất ở phố núi, được công nhận là cây di sản của Việt Nam với chiều cao 30'm, nhiều nhánh lớn, tuổi đời gần 100 năm tuổi.

Trung tâm Thương mại Ban Mê Thuột

Cái nắng buổi trưa ở Ban Mê Thuột không quá gay gắt nhưng cũng không mấy dễ chịu. Vì thế, sau khi tham quan bảo tàng, bạn có thể "trốn" vào Trung tâm Thương mại Vincom để tránh nóng, đồng thời cũng để ăn trưa, tham gia một số trò chơi hoặc xem phim tùy thích.

Những người ở xa có lẽ ít biết rằng ở tòa nhà này vừa mới khai trương ở Buôn Mê Thuột, với đầy đủ tiện nghi mua sắm, ăn uống, vui chơi dù ở quy mô nhỏ hơn các thành phố lớn như TP HCM hay Hà Nội. Trong đó, tầng 6 có một quán ăn với cửa kính lớn trong suốt, có thể nhìn xuống bao quát cả thành phố, được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Làng cà phê Trung Nguyên

Buổi chiều, sau khi ăn uống no say, bạn có thể ghé qua Làng cà phê Trung Nguyên, một địa chỉ không thể không ghé qua khi tới thành phố cao nguyên. Đây không chỉ là địa chỉ mua cà phê nổi tiếng mà còn được thiết kế như một công viên thu nhỏ. Bạn có thể không cần mua bất cứ sản phẩm nào, không cần uống nước trong quán mà vẫn có thể tham quan quần thể này một cách miễn phí.

Các khu tiểu cảnh được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng như các thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ, nhà sàn... luôn thu hút đông khách du lịch ra vào tấp nập. Khu vực này không bán vé nên bạn thoải mái ra vào chụp ảnh, vui chơi.


Ngoài Làng cà phê Trung Nguyên, nếu còn thời gian, bạn cũng có thể ghé qua Thiên đường Cafe Mehyco cũng tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn một chút.

Tượng đài Chiến thắng Ban Mê Thuột

Tượng đài nằm ở chính giữa vòng xoay Ngã Sáu, với mô hình xe tăng cắm cờ để kỷ niệm chiến thắng Buôn Mê Thuột, cũng là biểu tượng thiêng liêng của người dân thành phố. Dù ai đi đâu ở đâu thì chỉ cần nhìn thấy biểu tượng Ngã Sáu là như nhìn thấy nhà mình. 


Con đường Nguyễn Tất Thành hay Lê Duẩn chạy thẳng đến tượng đài rất rộng, thoáng, vỉa hè lớn, thích hợp cho việc tản bộ, dạo mát trong buổi chiều. Thời điểm này, khu vực tượng đài cũng chưa quá đông nên bạn cũng không phải đợi lâu để chụp ảnh lưu niệm như buổi tối.

Ăn chiều

Có một món ăn bạn cũng nhất định phải thử ở Ban Mê Thuột, đó là món bún đỏ, món ăn thường chỉ bán vào buổi chiều và tập trung đông nhất ở đường Phan Đình Giót. Chỉ đoạn đường 100 m mà có tới hơn 10 quán bún đỏ.

Những nguyên liệu chính để chế biến món ăn này được làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Bát bún có màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ tươi của miếng cà chua cắt hình múi cau ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn và nhất là trứng cút luộc.

Ngoài ra, các món như bún cá dầm ở đường Hai Bà Trưng, bánh ướt thịt nường 45 Trần Nhật Duật, cháo sườn óc heo, bánh cay gà đường Y Jut... cũng rất ngon.
Xem thêm: Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Các quán cà phê tuổi teen


Ngoài các quán cà phê truyền thống, bán loại cà phê hảo hạng làm nên tên tuổi của vùng đất Ban Mê thì giới trẻ Buôn Mê Thuột còn có rất nhiều sự lựa chọn khác, trẻ trung, thiết kế hiện đại, cập nhật theo xu hướng giống ở TP HCM hay Hà Nội như lát gạch hoa, tường trắng, viết slogan nghệ thuật trên tường hay quán kiểu vintage hoài cổ.

Bạn có thể ghé qua quán Bolero (sô 75 Y Moan) vừa khai trương có thiết kế khá đẹp, Ngọc cafe(số 1 Nguyễn Văn Trỗi) hay Thị cafe (71 Lý Thường Kiệt) với phong cách xưa cũ, Lavie's Coffee (36 Đào Tấn), Holiat (44 Đặng Thai Mai), Life Coffee (7 Trần Hữu Dực), Hippo Town (20A Ngô Quyền), Casa Coffee (10 Nguyễn Sơn)...

Quảng trường 10/3

Quảng trường 10/3 nằm ở trung tâm thành phố Ban Mê Thuột, rất thoáng rộng và ít bị xâm lấn bởi các hàng quán xung quanh. Các em nhỏ thường tới đây vui chơi, thả diều, đạp xe đạp đôi, thuê xích lô, trượt patin... vào các buổi chiều mát mẻ. Đến tối, khu vực này mới thực sự đông đúc. Các hàng quán ăn uống, giải khát nhộn nhịp, tưng bừng. Nhiều người dân còn mang theo báo, chiếu để trải xuống quảng trường để nghỉ ngơi, ăn uống...

Ăn tối

Như đã nói ở trên, ẩm thực Ban Mê Thuột rất phong phú và đa dạng, bạn có thể tìm thấy rất nhiều hàng quán bán hầu như tất cả các món ăn từ khắp mọi miền. Nhưng một trong những món ngon rất ở đây bạn nên thử qua là thịt gà đồng bào do đồng bào dân tộc nuôi. Thịt gà thơm, ngon, chắc, ngọt thịt, đặc biệt là giá rất rẻ (địa chỉ tham khảo: quán Sinh Đôi 84 Ngô Quyền hay gà hấp lá chanh đường Trương Công Định).


Ngoài ra, một số món ăn no khác bạn có thể tham khảo như cơm lam gà sa lửa, bò nhúng mê Lê Thánh Tông, canh lá người Êđê, lẩu cá lăng 143 Ngô Quyền...

Ngồi beerclub

Quanh khu vực quảng trường 10/3, có khá nhiều quán beer được thiết kế dưới dạng beerclub khá vui vẻ, sôi động, không gian thoải mái, thân thiện, rất thích hợp để ngồi lai rai, hóng gió trước khi về.

Bài và ảnh: Nguyên Chi

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Điểm danh các món ăn đặc sản của núi rừng Tây Nguyên

Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn đặc sản của núi rừng nơi đây.
Xem thêm: 12 điều bạn sẽ nhớ sau chuyến du lịch Buôn Ma Thuột

Gà nướng Bản Đôn

Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng.


Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng.

Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.

Lẩu lá rừng

Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc.


Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.

Cà đắng

Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh, màu xanh. Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó.


Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn trong bữa cơm người dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc v..v... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.

Thịt nai Đăk - Lăk

Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được.


Các nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Ban Mê Thuột - TP trung tâm của tỉnh Đắk Lắk đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bữa thường, bữa tiệc... bằng các món nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.

Bò một nắng nướng

Bò một nắng nướng vốn là đặc sản của thị trấn Củng Sơn, Phú Yên nhưng ngày nay trở nên phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên. Tên gọi của bò một nắng bắt nguồn từ cách chế biến. Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó, bò được đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.

Bò một nắng nướng thường được ăn cùng với Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) sau khi được rang lên và giã nhuyễn với lá then len(tên gọi một loại lá rừng) Xé miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau, bạn sẽ cảm nhận được thịt bò mềm hòa cùng vị ngọt, chua của muối kiến.

Cơm Lam Tây Nguyên

Cơm lam được coi là món ăn đặc trưng nhất của núi rừng bởi chắt lọc từ vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Món ăn này được hình thành từ những chuyến đi làm rẫy, đi rừng dài ngày của người đàn ông Tây Nguyên khi xưa. Hiện nay, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản làm say lòng du khách.


Khi thưởng thức chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, cắt khúc và bạn đã có món cơm lam dẻo, thơm hấp dẫn. Người Tây Nguyên thường dùng cơm lam với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng.

Nước suối trong vắt của núi rừng cùng với vị ngọt của ống nứa nơi đầu non đầu non đã tạo nên món cơm lam có hương vị đặc biệt, làm say lòng bất cứ ai nếu đã từng thưởng thức.

Phở khô Gia Lai

Người Gia Lai xem món phở khô như một món ăn không thể thiếu trong thực đơn các món ăn của mình. Hương vị của phở khô Gia Lai khác hẳn với các loại phở khác, nước dùng của món ăn này cũng rất khác với món phở bắc truyền thống.

Ngoài phở là nguyên liệu chính thì những miếng thịt heo và thịt bò, các loại rau sống, tương xay và sa tế cũng góp phần tạo nên vị phở thơm ngon, độc đáo mà không nơi nào có được.


Khi thưởng thức món phở khô độc đáo này, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt bò mềm, thịt heo, vị đậm đà của nước dùng hòa quyện cùng hương thơm của các loại rau sống vô cùng hấp dẫn.
Xem thêm: Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng

Tổng hợp

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng

Tháng 3 về báo hiệu sự bung nở trắng muốt của những đồi hoa cà phê và lễ hội đua voi rộn ràng trên vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ví như trái tim Tây Nguyên kiêu hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến thăm các buôn làng – cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi vang vọng tiếng di sản văn hóa cồng chiêng, nhịp nhàng điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài…

Về với trái tim Tây Nguyên kiêu hùng để đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài.

1. Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km, Buôn Đôn được biết đến là nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á. Đến với Buôn Đôn, bạn sẽ được khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… một cách khác biệt khi ngồi trên lưng các chú voi. Một con voi có thể chở 2 - 3 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Sêrêpôk.

Du khách sẽ có cơ hội xem Lễ hội đua voi sôi động ở Buôn Đôn.

Nằm ngay bên bờ sông Sêrêpôk, khu mộ cổ của các Gru (dũng sĩ săn voi) Buôn Đôn xưa là nơi bạn không thể bỏ qua. Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của vua săn voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn.

Một điểm du lịch thu hút khách tham quan khác của Buôn Đôn là cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Cầu bắt đầu từ bên bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và bắc qua một đảo nổi giữa dòng sông. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho du khách.

Ghé thăm nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào ở Buôn Đôn.

Nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào cũng là điểm du lịch đặc sắc nhất ở Buôn Đôn. Được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883, ngôi nhà do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Căn nhà gồm 3 gian, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp đặc trưng của hai nước Lào – Thái với mái hình chóp nhọn, đặc biệt toàn bộ căn nhà đều được làm bằng gỗ, cả phần mái cũng được lợp bằng gỗ cà chít vô cùng công phu, tỉ mỉ. Sàn nhà lại được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của chùa tháp Lào, hoạ tiết và hoa văn cũng được trang trí theo tín ngưỡng người Lào…

2. Buôn Ako Dhong

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km, buôn Ako Dhong hay vẫn thường gọi là Cô Thôn quyến rũ du khách bởi những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê được bảo lưu gần như nguyên vẹn và khung cảnh vườn cà phê trắng muốt thơ mộng vào mỗi dịp tháng 3 xen lẫn với màu xanh rì của những vườn cây ăn trái, khu rừng nguyên sinh cuối buôn giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất Tây Nguyên. Người ta vẫn rỉ tai nhau đến Ako Dhong để nghe về câu chuyện chàng trai Ama Hrin của hơn 60 năm trước đã bắt tay vào công cuộc biến buôn làng Ê đê này trở thành buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên như thế nào.

Kiến trúc nhà dài cổ độc đáo của người Ê đê ở Buôn Ako Dhong

Phải nói không ngoa rằng đặt chân đến buôn Ako Dhong, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào khung cảnh trong bức danh họa nào đó. Trong buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê có vài chục năm tuổi làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt xen lẫn với những ngôi biệt thự mái ngói đỏ tươi mô phỏng theo nếp nhà dài của tổ tiên truyền lại. Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng.

Thưởng thức những buổi diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan làm từ một thân cây trong nhà dài cổ

Nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Cứ mỗi lần gia đình có con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài. Dựa vào các thanh đòn tay được đẽo thủ công từ những thân gỗ nguyên cây dài cả chục mét, người ta có thể biết ngôi nhà đó đã được nối dài bao nhiêu lần và có bao nhiêu người con gái đã đi lấy chồng.

Những người phụ nữ Ê đê ở buôn Ako Dhong vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống để dệt nên những trang phục, túi xách với hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc

Trước cửa ngôi nhà dài có 2 cầu thang đi lên, một câu thang đực dành cho con trai trông thô ráp, một cầu thang dành cho mẹ, con gái và khách gọi là thang cái được điêu khắc kỳ công với biểu tượng đôi bầu vú căng tròn mang hàm ý ca ngợi sự trường tồn của giống nòi cộng đồng người Ê đê. Số bậc thang thường là 5 hoặc 7 vì người Ê đê quan niệm số lẻ mang lại nhiều may mắn hơn.

Vẻ đẹp “nghẹt thở” ở Thác Vợ (Dray Nur) có gốc từ thượng nguồn sông Sêrêpôk

Tại phòng tiếp khách Gah của những ngôi nhà dài này, hàng đêm sẽ có các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan to khỏe dài đến 10 – 12 mét từ một thân cây lớn nhuốm màu thời gian, bên chiếc trống lớn Hgơr, những chiêng núm Mdu và Ana, những chiêng bằng Char, Knati, Hlliang, Khớc, Hluê liang, Mdu khớc diết,… Bên cửa sổ những ngôi nhà dài, những người phụ nữ Ê đê đang mải miết bên khung cửi, dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa thoi, kéo sợi, từng họa tiết hoa văn sống động. Tất cả như tái hiện lại chất huyền thoại hoành tráng trong sử thi Đam San xa xưa với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng.

Chùa Khải Đoan lớn nhất thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến
 
(Theo DanTri)

Bài đăng phổ biến