Hiển thị các bài đăng có nhãn Dân dã món bánh miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Dân dã món bánh miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Dân dã món bánh miền Tây

Miền Tây được xem là xứ sở của rất nhiều món ăn giản dị nhưng lại mang một nét đặc trưng rất riêng. Ngoài những món được chế biến từ đặc sản vốn có của vùng sông nước, người dân nơi đây còn sáng tạo ra những món ăn vặt dân dã, dễ đi vào lòng người với cái tên gọi cũng giản dị như chính cách mà họ chế biến: bánh cam, bánh còng, bánh lá…

Dân dã món bánh miền Tây

Bánh lá

Bánh lá là một loại bánh cực kì dân dã của người miền Tây được ông bà xưa làm ra trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh và thiếu thốn. Bánh lá có 2 loại là bánh lá mít và bánh lá mơ.

Bánh lá
Bánh lá mít

Bánh lá phổ biến nhất xưa kia là bánh lá mít. Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá mít, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khiến mọi người ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.

Khác với bánh lá mít một chút về nguyên liệu là có thêm lá rau mơ tạo màu xanh đậm và khi hấp chín sẽ cho màu nâu đất đặc trưng, và hình dáng cũng đa dạng hơn tùy theo cách nắn bột của người làm: miếng tròn dẹt hay những sợi ngắn, xoăn lại như hình con nui...

Bánh lá
Bánh lá mơ

Bánh lá mơ là loại bánh có tính mát vì được làm từ lá mơ có tác dụng nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn… dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Ăn bánh lá mơ với nước cốt dừa trắng sẽ tạo cho người ăn cảm giác rất lạ, beo béo của nước cốt dừa hòa quyện chút ngọt ngọt của đường và thơm vị đậu phộng rang (hoặc mè rang), kết hợp với cái hương thơm ngai ngái mùi lá mơ rất đặc biệt.

Bánh cam, bánh còng

Bánh cam, bánh còng

Chính cái tên gọi cũng có thể để bạn hình dung được được phần nào loại bánh được trẻ con vùng quê yêu thích. Bánh cam và bánh còng có điểm chung là đều làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nên ăn không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Ở giữa bánh có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát vàng. Và chỉ khác nhau mỗi cái hình dáng. Bánh cam thì có hình dáng tròn tròn như quả cam, bánh còng thì như cái còng (giống như cái vòng tay). Sau khi được tạo hình và đem chiên lên thì có màu vàng cam rất đẹp mắt. 

Bánh cam, bánh còng
Bánh cam mặn

Người miền tây còn biến tấu loại bánh cam trên thành một loại bánh khác với cái tên gọi là bánh cam mặn. Bởi phần nhân bên trong không làm từ đậu xanh mà là củ sắn xào với thịt băm. Khi ăn người ta thường bổ một đường dọc theo chiếc bánh và cho vào đó 1 ít dưa chua làm từ củ cải trắng, củ cải đỏ bào sợi, rồi cho vào một chút nước tương để thưởng thức.

Bánh tai yến 

Bánh tai yến

Với hình dáng giống như tổ chim yến, bánh tai yến có công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa trộn chung và ủ khoảng 4 giờ. Từng thìa bột được cho vào chảo dầu nóng. Khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược thì vớt ra, xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa. Bánh ngon nhất là khi còn nóng, cái vị giòn giòn, ngọt ngọt như tan trên đầu lưỡi làm người ta ăn hết một cái rồi lại muốn ăn thêm cái nữa.

Nếu có dịp du lịch về các tỉnh miền Tây, bạn hãy tìm mua và thưởng thức những loại bánh này để cảm nhận cái dân dã, mộc mạc này nhé.


Tổng hợp

Bài đăng phổ biến