Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàng Châu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàng Châu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Những điểm đến không nên bỏ lỡ khi tháng 3 về

Hàng Châu thơ mộng, Washington lãng mạn, Myanmar cổ kính là những điểm dừng chân lý tưởng trong tháng 3.
Tháng 3 - tháng cuối cùng của mùa xuân, khí hậu trở nên ấm áp hơn trên khắp các vùng miền trên thế giới, khiến các hoạt động vui chơi, du lịch cũng nhộn nhịp hơn.

Hàng Châu - Trung Quốc

Được mệnh danh là thiên đường hạ giới, chính vì vậy nếu bạn băn khoăn về điểm đến cho chuyến du lịch thì Hàng Châu chính là sự lựa chọn hoàn hảo vào tháng 3. Lúc này, khí hậu ấm áp, là thời điểm lý tưởng để du khách đến tham quan và tận hưởng vẻ đẹp trữ tình không đâu sánh được nơi đây. Ngoài Tây Hồ là điểm đến nhất định phải tới, cuối tháng 3 là mùa hoa đào, vì vậy du khách cũng không nên bỏ lỡ cơ hội đắm chìm trong sắc hoa đào nở rộ ở đây.

Ảnh: Travel and Leisure

Các hòn đảo Thái Lan

Tháng 3 là một trong những tháng đón lượng khách đông đảo nhất ở Thái Lan bởi thời tiết vẫn còn ấm áp, khô ráo, trong khi đa phần những quốc gia có vị trí ở vĩ tuyến cao hơn vẫn đang trong tình trạng mưa ẩm của mùa xuân. Nhiệt độ trung bình là khoảng 25 đến 30 độ C, thuận lợi cho tất cả các hoạt động ngoài trời từ tắm biển, vui chơi, thể thao... Thái Lan cũng nổi tiếng với nhiều hòn đảo đẹp, không quá ồn ào nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch.

Myanmar

Đây là thời điểm Myanmar đón lượng khách du lịch đông nhất trong năm. Thời tiết thuận lợi kéo du khách tới thăm các địa điểm tâm linh như các ngôi chùa, tháp cổ hay các di tích lịch sử ở đất nước cổ kính này. Nhiệt độ sẽ trên 30 độ vào ban ngày và vẫn hơi lạnh vào buổi tối, du khách cần chuẩn bị đầy đủ các loại kem chống nắng, khăn mũ để đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi.
 

Campuchia

Nhiệt độ trên toàn đất nước Campuchia trong tháng 3 khá ổn định, khoảng 30 độ C, thuận lợi cho bạn khi tham quan, khám phá đền Angkor và những di tích cổ kính ở đất nước láng giềng. Bờ biển phía Nam sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch và luôn trong tình trạng quá tải, trong đó một phần không nhỏ là khách đến từ Việt Nam. Nhiều bạn trẻ có thể du lịch bụi, khởi hành từ TP HCM với chi phí rẻ, di chuyển khá thuận tiện.

Washington D.C - Mỹ

Washington DC được coi là một điểm du lịch "hot" hơn là thủ đô, trung tâm chính trị, lịch sử của Hoa Kỳ. Ở đây có những nhà hàng rất đáng để trải nghiệm như Filipino - American fare hay Rose's Luxury - nhà hàng được Tạp chí Bon Appetit bình chọn là nhà hàng tốt nhất nước Mỹ (không có dịch vụ đặt trước và thực khách phải xếp hàng dài để có cơ hội vào ăn).

Tuy nhiên, nếu đến thăm nơi đây vào tháng 3, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào lễ hội hoa anh đào thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới chiêm ngưỡng. Chính vì vậy, bạn sẽ không phải hối tiếc nếu đưa Washington vào danh sách những điểm dừng chân tiếp theo trong tháng 3 này. 


Ảnh: Everfest

SuZi tổng hợp

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Gợi ý ăn chơi nơi 'thiên đàng dưới hạ giới' Hàng Châu

Ở Hàng Châu, người ta có thể xem, ăn, chơi thỏa thích. Nhu cầu nào cũng được đáp ứng trọn vẹn, hơn nữa, đều để lại ấn tượng khó quên.

Xem thêm: Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Vùng Giang Nam từ lâu đã nổi tiếng trong thi ca, hội họa Trung Quốc. Người xưa có câu: "Trên có thiên đàng/ Dưới có Tô Hàng" (ý chỉ Hàng Châu, Tô Châu) nhằm ca ngợi cảnh đẹp của của vùng đất thơ mộng, lãng mạn bậc nhất đất nước tỷ dân.

Gợi ý đi lại, lưu trú

Để tới Hàng Châu, thông thường, du khách Việt sẽ xuất phát từ Thượng Hải, có thể lựa chọn đi xe ôtô hoặc tàu hỏa. Tàu hỏa cũng có 2 loại, tàu chậm và tàu cao tốc, với thời gian di chuyển ngắn nhất chỉ khoảng một giờ đồng hồ. Trong đó, tàu cao tốc là tiện lợi nhất, chi phí hợp lý, có nhiều chuyến trong ngày, chạy liên tục.

Hàng Châu là thành phố du lịch nên dễ dàng để thuê được một phòng đôi sạch sẽ, tiện nghi ở trung tâm, với giá từ 500.000 đồng một triệu đồng, ngay gần Tây Hồ. Đường Zhong Shan Zhong là nơi được nhiều khách du lịch lựa chọn, đây là phố đi bộ, lát đá, cổ kính, yên tĩnh dù có nhiều cửa hàng cửa hiệu, lại khá gần ga Hàng Châu.

Thành phố rộng, có nhiều địa điểm để chơi nên ít nhất bạn nên ở lại đây 2 ngày.

Dân gian Trung Quốc có câu: "Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu", trong đó, cuộc sống ở Hàng Châu là thư thái, dễ chịu bậc nhất. Ảnh: Nguyên Chi

Gợi ý ăn chơi ở Hàng Châu

Đạp xe vòng quanh Tây Hồ

Tây Hồ không chỉ được coi là tâm điểm của thành phố Hàng Châu nói riêng mà còn là "hòn ngọc" của danh thắng vùng Giang Nam nói chung, thậm chí là còn của toàn đất nước Trung Hoa phong kiến. Hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng ở Hàng Châu đều nằm xung quanh Tây Hồ. Bản thân nơi này cũng có trên dưới 10 điểm cần tham quan.

Để tham quan hết thắng cảnh này, nếu không đi theo tour, du khách thường thuê xe điện. Mỗi xe chở khoảng 5-7 người, đi một vòng hồ. Tuy nhiên, nếu không ngại vận động thì đạp xe mới là lựa chọn số một để tham quan Tây Hồ. Giá thuê xe rất rẻ, có nhiều loại với các mức giá khác nhau, xe càng xịn thì giá càng đắt, giá thấp nhất khoảng 100.000 đồng cho 4 tiếng.

Với chu vi không quá rộng lớn, tầm 15 km, bạn hoàn toàn có thể dành ra một buổi chiều để chậm rãi đạp xe vòng quanh hồ. Bằng phương tiện này, bạn có thể thư thái đạp xe ở vòng ngoài của hồ, giữa những tán cây xanh rợp, đi qua những cây cầu đá nhỏ trong ánh chiều tà - điều mà không thể tìm thấy ở những tour du lịch.
Xe đạp có thể thuê được ở bất cứ đâu quanh Tây Hồ. Ảnh: Nguyên Chi

Leo tháp Lôi Phong

Tháp Lôi Phong là một trong những thắng cảnh ven Tây Hồ. Tháp cao 5 tầng, xây hình bát giác, tuy có tuổi đời lâu năm nhưng tháp đã sụp đổ cách đây vài thập kỷ. Tháp hiện tại xây dựng trên nền móng cũ.

Du khách sẽ mua vé để lên tầng tháp cao nhất và ngắm toàn cảnh Tây Hồ với góc nhìn không bị giới hạn. Thực tế, kể cả khi không có đủ thời gian để tham quan hết các điểm chính quanh hồ thì bạn vẫn nên dành thời gian để leo lên tháp Lôi Phong.

Ngắm hoàng hôn trên cầu Đoạn, cầu Trường

Giống như tháp Lôi Phong, cầu Đoạn, cầu Trường cũng là những điểm nhấn không thể bỏ qua ở Tây Hồ. Trong văn hóa Trung Quốc, Tây Hồ được ví như nơi văn hóa và lịch sử hội tụ, có không ít truyền thuyết, giai thoại có ý nghĩa quan trọng với văn hóa quốc gia hình thành từ danh thắng này.
Đoạn Kiều - biểu tượng của thành Hàng Châu. Ảnh: Nguyên Chi

Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài từng lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ người đọc, người xem.

Ngồi bên hồ trong nắng chiều hoàng hôn rực rỡ, cạnh hàng liễu rủ, sen phủ từng vạt xanh mát, bạn thực sự cảm nhận được vì sao dân gian Trung Quốc lại có câu: "Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu". Đây thực sự là thành phố rất đáng sống và phù hợp để nghỉ dưỡng.

Đi chùa Linh Ấn

Linh Ấn Tự cách Tây Hồ không xa, chỉ mất khoảng 15 phút đi taxi, có tuyến xe buýt tiện lợi đến chân chùa. Chùa được xây dựng cách đây gần 2.000 năm và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Chùa rất rộng lớn và rất đẹp, kể cả ngày thường cũng có rất đông khách du lịch viếng thăm.
Linh Ấn Tự rất rộng lớn, nhiều công trình đồ sộ, lâu đời. Ảnh: Nguyên Chi

Du khách sẽ mua vé vào cửa và được phát tờ hướng dẫn tham quan rất chi tiết, dễ hiểu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng từng hạng mục của chùa lại được chia nhỏ để bán vé, vé vào cửa không bao gồm vé vào các phần còn lại của chùa.

Ăn thịt Đông Pha

Thịt Đông Pha không chỉ nổi tiếng mà còn thực sự chinh phục được những thực khách khó ăn nhất, đến từ nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới. Đây là phiên bản "chính tông" của món thịt kho Tàu của Việt Nam.

Trong sử sách Trung Quốc, Tô Đông Pha vốn là một nhân vật rất đặc biệt, xung quanh ông có rất nhiều giai thoại ly kỳ. Tô Đông Pha làm quan dưới thời nhà Tống, đồng thời cũng là một nhà thơ, họa sĩ rất nổi tiếng.

Miếng thịt nâu đỏ óng ả, nạc mỡ cân bằng, cắt miếng vuông chằn chặn, thắt nút bằng cọng hành tươi, đựng trong tô đất nung, bốc khói nghi ngút khiến ít ai có thể cầm lòng. Vị mặn ngọt hài hòa ở tỷ lệ hoàn hảo, khi ăn cũng không cần cầu kỳ, chỉ ăn với cơm trắng, thường thêm chút rau cải chíp luộc là đủ.
Thịt Đông Pha có thể tìm được ở bất cứ nhà hàng nào ở Hàng Châu. Ảnh: Nguyên Chi

Bạn có thể ăn món này ở tất cả các nhà hàng ở Hàng Châu từ lớn đến nhỏ, bởi chẳng có du khách nào đến đây mà không từng nếm qua.

Uống trà Long Tỉnh

Trung Quốc nổi tiếng vì trà, và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc chính là loại trà Long Tỉnh ngon thượng hạng. Làng trà Long Tỉnh cũng nằm khá gần Tây Hồ, du khách muốn tham quan có thể bắt xe bus, taxi hoặc mua tour tham quan.

Trà Long Tỉnh từng được các đời vua phong kiến rất ưa chuộng. Vua Khang Hy thậm chí còn phong loại trà này là "hoàng trà", đại diện cho nhà vua. Chế biến trà Long Tỉnh rất cầu kỳ, đảm bảo vị ngon hảo hạng.

Tuy nhiên, trà được xếp loại tới 7 bậc: trà cao cấp, trà đặc biệt, trà loại 1 đến loại 5. Du khách "gà mờ" rất khó mua được loại trà ngon nhất, mà thường chỉ mua mang về các loại trà đóng gói sẵn, hoặc trà thường.

Xem show "Tống Thành thiên cổ tình"

Show diễn Tống thành thiên cổ tình công phu, đẹp mắt với dàn diễn viên số lượng khổng lồ. Ảnh: Trí Tín

Khu du lịch Tống Thành cách khá xa Tây Hồ, thường bạn sẽ mất khoảng 120 tệ cho cả chiều đi và về. Đây là điểm du lịch nhân tạo, tái hiện lại không gian cổ trang thời nhà Tống với các quán trà, quán ăn, gian nhà cổ cùng nhiều nhân viên trong trang phục thời xưa đi qua đi lại, khiến du khách như lạc vào quá khứ.

Show diễn "Tống Thành thiên cổ tình" có slogan rất nổi tiếng rằng: "Hãy cho tôi một ngày/Tôi sẽ trả lại bạn một ngàn năm", ý chỉ sẽ tái hiện lịch sử vùng đất Giang Nam từ cổ chí kim bằng những kỹ xảo sân khấu hoành tráng và gây xúc động mạnh cho người xem. Đây là một trong những show diễn đặc biệt được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng để thúc đẩy du lịch nước này.

Giá vé khá cao, khoảng một triệu đồng, diễn ra trong hơn một tiếng, nhưng rất đáng mở hầu bao.

Mua lụa

Lụa Hàng Châu từ xa xưa đã nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia lân cận, như Việt Nam. Trước đây, loại lụa Hàng Châu số một chỉ ưu tiên dành cho vua chúa, với kỹ thuật dệt đạt đến độ hoàn mỹ về chất liệu, tinh xảo về hoa văn.

Tuy nhiên, cũng giống như các sản vật khác, du khách không thạo rất khó mua được lụa loại cao cấp, mà chỉ mua được loại thường, hoặc bị trà trộn. Vì thế, bạn chỉ nên mua khăn lụa với giá thành vừa phải để tránh rủi ro. Hoa văn, họa tiết và màu sắc của lụa Hàng Châu quả thật là "danh bất hư truyền".

Hà Nguyên

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Cây cầu Trường nằm tại phía đông nam Tây Hồ, Hàng Châu là minh chứng cho câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Đến Tây Hồ tại Hàng Châu, Trung Quốc, du khách sẽ không thể bỏ qua 3 cây cầu gắn với các chuyện tình nổi tiếng. Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, cầu Tây Lãnh ẩn chứa nỗi lòng bi thương của kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cầu Trường tại Tây Hồ thuộc Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: itinerary.

Chuyện kể rằng, vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ thứ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ mang tên Chúc Anh Đài thông minh, hiếu học. Vì muốn được học tập thơ văn, nàng cải trang thành nam nhi, đến xin học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu.

Trên quãng đường đến Nghi Sơn, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết thành huynh đệ, trở thành đồng môn thân thiết. Anh Đài dần thầm yêu Sơn Bá, nhưng nàng không thể nói ra vì vẫn đang mang phận gái giả trai. Còn Sơn Bá, dù học chung trường, ngủ chung phòng nhưng cũng không hề phát hiện tình cảm cũng như phận nữ nhi của Anh Đài.

Ba năm nhanh chóng qua đi, cha Chúc Anh Đài đổ bệnh nên nàng phải quay về nhà. Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài nói với Sơn Bá rằng sẽ thu xếp cho chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Sau đấy không lâu, Lương Sơn Bá tìm đến Chúc gia. Tại đây, chàng mới nhận ra thân phận nữ nhi của người bạn đồng môn, và rằng người em gái 16 tuổi không có thật. Từ đấy, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm say đắm.
Bức tranh minh họa câu chuyện tình ngang trái của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ảnh: globallovemuseum.

Bi kịch đến với đôi uyên ương trẻ khi Chúc gia hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài – cũng là bạn đồng môn của nàng và là một thiếu gia giàu có. Sớm nhận ra Chúc Anh Đài là phận nữ, Văn Tài đem lòng yêu thương và muốn lấy nàng làm vợ. Tuy biết Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi tốt bụng, Chúc gia vẫn khước từ lời cầu hôn của chàng và định ngày thành thân giữa Anh Đài và Văn Tài.

Quá sầu muộn vì không thể ở bên Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện, Ninh Ba. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày kiệu hoa của Anh Đài đi về Mã gia, khi ngang qua mộ Sơn Bá, trời bỗng nổi trận cuồng phong lớn, khiến đoàn phải dừng lại.

Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đến bên than khóc và làm lễ cúng tế. Bỗng nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài gieo mình vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, người ta còn kịp nhìn thấy một đôi bướm quấn quýt vụt bay lên mặt đất.

Người xưa vẫn thường nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường”, tức cầu không dài nhưng tình nghĩa dài. Tương truyền, cây cầu Trường - có nghĩa "cây cầu dài" là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km.

Vân Giang

Bài đăng phổ biến