Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh nghiệm leo núi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh nghiệm leo núi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Kinh nghiệm leo núi Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử hay Kỳ Quan San là một trong những đỉnh núi cao và đẹp bậc nhất của vùng Tây Bắc. Kể từ khi đỉnh Fansipan có cáp treo, Bạch Mộc Lương Tử đã trở thành địa điểm chinh phục được nhiều người lựa chọn. Không quá khó để lên đỉnh ngắm nhìn sự kỳ vĩ của đất trời nhưng điều này cũng chưa bao giờ là dễ dàng với bất kì ai.

Xem thêm: Chinh phục vẻ đẹp hùng vỹ Bạch Mộc Lương Tử 

Thông tin cơ bản về Bạch Mộc Lương Tử 


Với độ cao 3.046m, hiện tại Bạch Mộc Lương Tử – Kỳ Quan San được xem là đỉnh núi cao thứ 4 tại Việt Nam, nằm ở ramh giới của 2 tỉnh Lào Cai và Lại Châu. Trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam hiện nay thì Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi được quan tâm & thu hút nhiều người đến leo núi, chinh phục nhất .

Đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh kín, bị bao bọc bởi nhiều cây cối nên khi lên đỉnh thường sẽ không nhìn được xung quanh và với độ cao trên 3000m, đỉnh núi thường xuyên có sương mù bao phủ.

Di chuyển đến Bạch Mộc Lương Tử


Để đến Bạch Mộc Lương Tử thì bạn có thể đi máy bay từ TP.HCM đến Hà Nội, rồi tiếp tục bắt xe khách đến Lai Châu hoặc Lào Cai.

Để đi từ Lào Cai, bạn sẽ mất 2 tiếng từ Sapa để vào xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát) đây cũng là con đường được nhiều người lựa chọn vì đường đi không quá dốc và dễ đi. Bạn cũng có thể chọn đường từ Lai Châu (Từ bản Dền Sung, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ). Hoặc có thể đi theo hướng Sàng Ma Sáo – Bạch Mộc Lương Tử – Sin Súi Hồ.

Leo núi Bạch Mộc Lương Tử hết bao lâu?


Tuỳ sức khỏe từng đoàn leo núi, thời tiết, số lượng thành viên trong đoàn bạn sẽ mất khoảng 1-3 ngày để có thể chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử. Thông thường các đoàn sẽ lựa chọn lịch trình 3 ngày để thoải mái thời gian và đảm bảo sức khoẻ. Cần lên kế hoạch chi tiết và cụ thể để bảo đảm thể lực. 

Thời điểm thích hợp để chinh phục đỉnh núi? 


Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi đẹp, và nếu may mắn bạn có thể gặp được biển mây rất đẹp. Thời điểm thích hợp nhất để leo là khoảng cuối tháng 8 – tháng 4 năm sau. Cuối năm mưa nhiều và lạnh nên việc leo núi sẽ khó khăn hơn, nhưng đó cũng là một cảm giác thử thách rất thú vị.

Xem thêm: Lịch trình du ngoạn Hà Giang cho từng phương tiện

Đường lên núi Bạch Mộc Lương Tử 


Đường leo núi Bạch Mộc Lương Tử từ Lào Cai có độ dốc thoai thoải, vượt qua nhiều ruộng ngô, bãi chăn trâu bò của người dân tộc Mông bản địa. Những đoạn lên núi cũng không có nhiều cây cối, nắng khá gắt vào mùa hè nên dễ mất sức với những người chưa có kinh nghiệm leo núi. 

Dọc đường có nhiều điểm lấy nước nên không cần mang quá nhiều nước theo hành lý, vì như vậy sẽ khiến bạn mệt hơn. Khó khăn và dốc cao nhất của cung đường này có lẽ là đoạn đường từ Núi Muối lên đỉnh, con dốc cao và với những con đường dọc sống núi đá đầy cheo leo. 

Chuẩn bị đồ đạc để leo núi 


So với nhiều cung leo núi khác, việc chuẩn bị đồ đạc cho việc leo núi Bạch Mộc Lương Tử sẽ nhẹ nhàng hơn khá nhiều, khi chỉ cần chuẩn bị đồ ăn các bữa (thịt sống, gạo, rau… bạn có thể mua tại chợ Mường Hum), đồ tiếp năng lượng, quần áo, đèn pin… chứ không phải mang theo lều hay túi ngủ nữa mà có thể thuê lán với giá chỉ 70k/người cho 1 đêm trên núi. Bạn sẽ được cung cấp 1 tấm cách nhiệt, 1 gối và chăn dùng chung (2 người 1 chăn), có cả điện để sạc pin và 3G sống ảo.

Khu vực núi Muối (2100-2200m), porter người Mông đã đầu tư xây dựng khá nhiều lán trại để các nhóm leo núi có thể nghỉ đêm trên núi. Ở đây có nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp và khu vực ngủ nghỉ khá tươm tất, có bán nước uống, bia, tăng lực giá từ 15-25k/lon.

Thuê người dẫn đường 


Đường leo núi Bạch Mộc Lương Tử hiện nay đã có trên bản đồ, tuy nhiên, để đi Bạch Mộc Lương Tử tiết kiệm & an toàn, bạn có thể liên hệ các anh em porter người dân tộc dẫn đường. Vừa an toàn lại vừa giúp đồng bào phát triển kinh tế, có thêm thu  nhập.

Nguồn ảnh: Internet
Tổng hợp 

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Kinh nghiệm leo núi cho người mới đi lần đầu

Leo núi là một trong những hoạt động vừa rèn luyện được sức khỏe, vừa rèn dũa được ý chí của bản thân. Với những người mới đi lần đầu, chưa có kinh nghiệm thì việc chuẩn bị trước chuyến đi là vô cùng quan trọng. 
Leo núi không phải môn thể thao mà ai cũng có thể tham gia, còn khi đã quyết định dấn thân, bạn cần phải có ý thức về bản thân và gạt bỏ đi sự hời hợt. Nếu chỉ vì quá ham vui mà bỏ qua những nguyên tắc an toàn hoặc không chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể nguy hiểm đến tính mạng.



1. Mới đi lần đầu, hãy leo núi theo nhóm  


Hãy đi một nhóm ít nhất có 2 người, bạn và một người có kinh nghiệm leo núi để hướng dẫn bạn. Đừng làm liều mà đi một mình, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể sẽ bị lạc đường mà không tìm được đường ra. Lập một nhóm có cùng sở thích và cùng nhau trải nghiệm những chặng đường thú vị nào. 

2. Luyện tập thể lực trước thời gian leo núi 


Bạn không thể leo núi với một thể trạng yếu ớt, không có sức khỏe. Lên kế hoạch tập luyện thể lực trước thời gian leo núi là điều vô cùng cần thiết. Các bài tập chạy bộ, tập sức bền rất quan trọng cho chuyến đi của bạn. 

3. Lên danh sách những vật dụng cần thiết



Khi thu dọn đồ đạc, nhiều lúc bạn có thể nhớ, có thể quên những vật dụng cần thiết. Vậy nên, trước khi lên đường, bạn cần ghi chú những thứ cần mua và dùng để kiểm tra hành lý lại một lần cuối.
Không nên ôm đồm quá nhiều thứ, điều đó chỉ làm balo của bạn nặng hơn, và bạn sẽ vất vả hơn trong chặng đường sắp tới. 

Những vật dụng mà bất cứ nhà leo núi nào cũng đem theo như: bản đồ, la bàn, nước, túi ngủ, lều, giày có độ bám tốt, đèn pin, một ít thực phẩm nhẹ, quần áo giữ ấm cơ thể, bộ cứu thương cơ bản... 

4. Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi leo núi

 

Để có cái nhìn tổng quan hơn về việc sắp xếp số lượng quần áo, vật dụng cần mang đi thì tham khảo dự báo thời tiết sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. 

Kiểm tra dự báo thời tiết là cách để bạn có thể lên kế hoạch cho toàn chuyến đi của mình như nên đi đường nào, xuất phát lúc nào thì phù hợp, địa điểm đó nếu mưa có giảm độ an toàn hay không...v.v

5. Mang theo nhiều nước nhất có thể 



Việc bạn bị mất nước hoặc thiếu nước là nguyên nhân chính dẫn đến chóng mặt khi ở độ cao lớn. Độ cao càng lớn, áp suất không khí càng giảm, khiến tỉ lệ bay hơi qua da tăng, tỉ lệ bay hơi từ phổi cũng lớn hơn, đồng nghĩa với việc bạn mất nước nhanh hơn. Chính vì vậy, mọi người không cảm thấy khát khi ở độ cao lớn dù họ thực sự thiếu nước.

Bởi vậy, việc tạo một thói quen uống nhiều nước là rất quan trọng, ngoài nước có thể là các đồ uống khác như trà nóng hay đồ uống chống mất nước. Tối thiểu uống 3 đến 4 lít nước khi càng lên cao, cũng có thể uống nhiều hơn tùy theo thể trạng của mỗi người. 

 
 

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ

Mùa leo núi Phú Sĩ ở Nhật (từ tháng 7 đến tháng 8) là thời điểm mong chờ nhất của những người thích chinh phục đỉnh Phú Sĩ huyền thoại. Để có một chuyến đi an toàn, bạn nên lưu ý những điều sau.

Xem thêm: 10 'thiên đường hạ giới' của Nhật Bản khiến bạn ngây ngất

Hàng năm, núi Phú Sĩ được mở cửa trong vòng hai tháng: từ ngày 1 tháng 7 tiến hành nghi thức làm lễ mở cửa và kết thúc mọi hoạt động vào ngày 31 tháng 8. Ðây cũng là thời gian du khách tìm đến Phú Sĩ nhiều nhất để chinh phục đỉnh núi huyền thoại và ngắm bình minh trên núi.



Mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8

Núi Phú Sĩ có đến 10 trạm, để lên được đến đỉnh ngắm mặt trời mọc, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm sau:

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết



Nên có những bài tập vận động trước, tham khảo các trang web về kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ (có rất nhiều thứ tiếng)

Trước khi đi, nên kiểm tra lại mọi vật dụng cần thiết: Ba lô du lịch gọn nhẹ, đèn pin, chai nước (loại nước giúp bổ sung ion, các chất điện giải), cơm nắm gói trong rong biển (phòng khi không ăn được thức ăn của nhà hàng), điện thoại pin có độ trữ lâu và chống thấm nước, kính bảo vệ mắt, bình thở oxy loại dành cho người leo núi không chuyên…

Chọn trang phục phù hợpQuần áo ấm loại dành cho người leo núi, loại áo mưa mặc vào người - gồm quần và áo có mũ (Trạm trên núi có bán, nhưng giá cao hơn và không có nhiều để lựa chọn).

Giày leo núi có độ bám tốt.

Gậy chống để leo núi (rất hữu ích khi bạn lên và xuống).

Mang theo thuốc cảm


Khi leo núi, bạn có thể gặp mưa, để phòng bệnh nên mang theo thuốc cảm

Thời tiết ở núi Phú Sĩ rất khó đoán vì đây là vùng núi, chung quanh lại có hồ, nên có thể gặp mưa và không mưa. Nếu đi vào lúc trời mưa thì có thuận lợi là vắng người hơn ngày không mưa, leo lên rồi đi xuống không nóng bụi nhiều. Nhưng nếu quần áo không tốt, nước mưa thấm vào quần áo, bạn sẽ lạnh run và cảm sốt ngay. Vì thế lúc nào cũng cần có thuốc giảm sốt.

Đừng nên đi một mình


Đừng nên tách nhóm vì rất dễ bị lạc đường

Đoạn đường leo núi rất dài nên bạn đừng bao giờ quá tự tin để đi một mình, sẽ dễ bị nhầm đường. Dù đi khoảng 30 phút sẽ thấy một trạm dừng, thường là quán có bán thức ăn nước giải khát, đồ lưu niệm và các vật dụng cần thiết.

Ngay cả trạm cuối thứ 10 - nằm gần bên cạnh miệng núi lửa, cũng có hai quán phía đường đi lên, và phía đường đi xuống. Nhưng nếu bạn bị sốt, lạnh, chuột rút thì khó có thể cầu cứu nếu như đó là đêm khuya. Các quán sẽ đóng cửa, tắt đèn để ngủ.

Nên dùng xe vận chuyển đến tầng 5


Đoạn đường từ chân núi lên tới đỉnh Phú Sĩ được chia thành 10 tầng (hay 10 trạm). Xe ở trạm dưới chân núi sẽ đưa du khách lên tầng 5 - trạm dừng đầu của núi để bạn chuẩn bị mọi thứ trước khi leo bộ đến tầng 10.


Bạn nên đi xe đến tầng 5 và bắt đầu leo núi từ tầng 6 để tiết kiệm sức lực


Bạn không nên phá kỷ lục là đi từ chân núi lên vì vừa mất sức vừa mất thời gian (có nhóm đã mất một ngày khi quyết định đi bộ từ tầng 3 và kết quả là đuối sức khi chưa đến tầng 5). Đi xe để tiết tiệm sức lực, vì thực tế chặng đường leo núi từ tầng 5 trở lên rất khó khăn với những thử thách sau:

- Phải đối mặt với giá lạnh (cái lạnh từ gió, hơi ẩm, và mưa) rất không dễ chịu.

- Nam giới to khỏe có thể đi trong 5 đến 7 giờ. Nhưng nếu trong đoàn có nữ, các bạn nữ có thể sẽ phải dừng lại nghỉ. Nên bạn cứ thong thả đi chậm, hít thở và ngắm khung cảnh chung quanh. Đi quá nhanh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu oxy, lúc đó còn mất thời gian hơn.

- Từ tầng 5 lên tầng 6 là đoạn dễ đi nhất. Sang tầng 7 là vách đá dựng đứng. Đến tầng 8, 9, 10 thì khoảng cách giữa các trạm dừng chân ngày càng xa, bắt buộc bạn phải đi không ngừng vì sườn dốc không có chỗ ngồi lại để nghỉ. Nếu ngồi bạn sẽ lạnh cóng vì lúc đó thường là 2-3g sáng. Ngoài ra không khí rất loãng, bạn phải cần dùng đến bình thở oxy.

Một điều quan trọng là bạn phải luôn giữ ấm cơ thể. Mang theo cơm nắm trong hộp giữ ấm và nước uống có khoáng chất để giữ sức đi hết đoạn đường dài.
(Theo PNO)

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

7 bước chuẩn bị để có chuyến leo núi an toàn

Nghiên cứu kỹ điểm đến và rèn luyện thể lực mỗi ngày để có sức khỏe tốt, giúp nhanh chóng vượt qua mọi trở ngại là những bước đầu tiên cho kế hoạch leo núi.

Leo núi là bộ môn thể thao, đồng thời là hình thức du lịch hầu như dân phượt mạo hiểm nào cũng quan tâm. Mỗi năm, hàng nghìn người lại đổ về chinh phục những đỉnh núi trên khắp thế giới. Để bảo đảm cho chuyến leo núi an toàn, bạn có thể tham khảo các bước dưới đây.

Nghiên cứu tổng thể

Trước khi bắt đầu hành trình, bạn hãy nghiên cứu thật cụ thể, chi tiết về địa hình cũng như kỹ năng leo núi. Làm tốt khâu này, bạn sẽ biết rõ mình đang có những yếu điểm gì và cách khắc phục ra sao. Đọc sách hướng dẫn hay tìm kiếm thông tin từ internet là những nguồn tin hữu ích cho bạn. Trước mỗi chuyến đi, ít nhất bạn phải nắm được điều kiện thời tiết vùng núi đó ra sao hay thời điểm nào khởi hành là phù hợp nhất.

Xem thêm: Các bí quyết cho chuyến leo núi hoàn hảo

Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn cần ngiên cứu kỹ địa hình cũng như điều kiện thời tiết vùng núi định đến. Ảnh: Chinatrekking.com

Lựa chọn điểm đến

Nếu chưa từng leo núi, bạn nên bắt đầu “sự nghiệp” bằng những ngọn núi quen thuộc, vốn được đa số dân phượt chinh phục trước đó. Độ “dễ” của ngọn núi có thể khiến bạn không thỏa mãn nhưng chúng sẽ để lại nhiều kinh nghiệm, giúp bạn nắm được khả năng và lượng sức cho những chuyến leo núi khác.

Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử | Ngắm cảnh trên vách đá dựng đứng ở Na Uy

Lên dây cót tinh thần

Một trong những điều quan trọng bậc nhất với bất cứ ai leo núi là phải có tinh thần thép. Sẽ có những trường hợp bạn buộc phải ra quyết định nhanh mà đôi khi chỉ cần sai một ly, đi một dặm. Để luyện tập khâu này, bạn có thể tự đặt ra nhiều tình huống và tìm câu trả lời.

Rèn luyện thể lực

Leo núi cần sức bền tốt với yêu cầu quan trọng là một cơ thể khỏe mạnh. Bạn không thể mang bộ dạng như trong văn phòng cùng chiếc bụng phệ và trèo lên các đỉnh núi. Tập thể dục hàng ngày là biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể dần thích nghi với kế hoạch leo núi, đồng thời trở nên săn chắc. Những môn thường được khuyến khích gồm chạy bộ, đi bộ đường dài, nâng tạ, leo núi nhân tạo và thậm chí là cả trượt tuyết.
Quá trình tập luyện chạy bộ, đi bộ đường dài, leo núi nhân tạo và nâng tạ sẽ giúp bạn duy trì thể lực tốt. Ảnh: Chamonet.com

Chuẩn bị dụng cụ

Các dụng cụ leo núi như đai, găng tay, dây, móc, kính râm, kem chống nắng… có thể dễ dàng mua ở những cửa hàng chuyên dụng. Tốt nhất bạn nên mua hoặc đặt thuê trước chuyến đi ít nhất một tuần. Nhiều vật dụng tưởng chừng như vô ích nhưng bạn đừng nghĩ chúng thừa thãi bởi sẽ không ai biết những tình huống nào có thể xảy đến. Ngay cả khi tất cả số dụng cụ này là đồ đi thuê, vẫn có một vài món nhỏ bạn phải tự mua cho chính mình như giày bốt hay quần áo nhiều lớp.

Xem thêm: 10 vật bất ly thân trên hành trình du lịch

Trao đổi kinh nghiệm với bạn bè

Gia nhập các đoàn leo núi sẽ giúp bạn giảm những rủi ro đáng tiếc khi thực hiện chinh phục các đỉnh cao. Những mối quan hệ, sự hướng dẫn tận tình và cả niềm tin lẫn nhau giữa các thành viên làm bạn hiểu kỹ hơn về điểm đến, kinh nghiệm cũng như độ an toàn.

Mua bảo hiểm

Nếu không sống gần ngọn núi, bạn sẽ phải đặt vé, phòng khách sạn và thậm chí là cả xin visa. Một trong những bước quan trọng là đừng quên mua bảo hiểm. Nhiều quốc gia trên thế giới còn yêu cầu du khách phải có bảo hiểm du lịch mới đồng ý cấp visa. Chúng sẽ bảo đảm cho bạn mức bồi thường với nhiều trường hợp khác nhau, từ mất đồ đạc, chăm sóc y tế đến tình huống xấu nhất như tử vong.

Trần Hằng - VNExpress

Bài đăng phổ biến