Hiển thị các bài đăng có nhãn Kon Tum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kon Tum. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Xôi măng, món ăn lạ miệng ở vùng núi rừng Kon Tum ai cũng muốn thử

Món ăn được chế biến từ những vị rất quen thuộc như xôi, măng, cá... nhưng khi kết hợp với nhau lại mang đến một hương vị lạ, gây sự tò mò cho người thưởng thức.

Xôi măng, món ăn lạ miệng ở vùng núi rừng Kon Tum ai cũng muốn thử

Đặc sản núi rừng Kon Tum


Nhiều du khách đến với vùng núi rừng Kon Tum thường được người dân bản địa giới thiệu cho món xôi măng. Đây là món ăn vừa lạ vừa quen với du khách.

Từ những nguyên liệu quen thuộc


Quen bởi món ăn này gồm những nguyên liệu hết sức quen thuộc như xôi, măng, cá, hay đậu hũ...Lạ bởi sự kết hợp giữa những nguyên liệu này mang đến một hương vị lạ: cá, măng, đậu hũ được kho chung cùng với nhiều ớt bột, ăn kèm với xôi nếp dẻo thơm. Vì vậy, du khách đến đây đều muốn thưởng thức món ăn này. 

Tuy đơn giản nhưng lại được chế biến rất kỳ công


Để chế biến xôi măng, hai nguyên liệu không thể thiếu được đó là xôi và măng. Nghe thì đơn giản như vậy nhưng để chế biến món ăn này rất kỳ công.

Măng rừng


Ở vùng núi rừng Kon Tum, măng nhiều vô kể. Măng rừng sau khi mang về sẽ được chế biến, luộc sơ qua cho bớt hăng và đắng, dư lại vị ngọt, sau đó người chế biến sẽ xắt từng lát nhỏ, vừa ăn. Măng được xào sơ qua cùng một chút gia vị cho đậm đà.

Gạo nếp nấu xôi được ngâm với bột nghệ


Gạo nếp để nấu xôi phải là loại hạt tròn, ngâm với bột nghệ để có màu vàng ươm đẹp mắt. Gạo sau khi ngâm nước qua đêm được thêm chút bột nghệ để tạo màu vàng đẹp mắt. Cá ăn kèm thường là cá nục, được kho đậm. Khi chế biến, đầu bếp cũng nấu bằng bếp củi nên món ăn phảng phất một chút hương vị của làng quê. Người Kon Tum hay ăn cay nên măng lúc nào cũng phải có vị chua cay vừa đủ. Có khi còn cho thêm cả ớt vào món xôi măng nữa.

Sự kết hợp kỳ lạ mà hấp dẫn


Nhiều người lần đầu tiên thưởng thức đều vô cùng ngạc nhiên vì thường xôi không ăn với măng. Nhưng đến khi đã thưởng thức món ăn này rồi, thì lại muốn ăn mãi không thôi. 

Thức quà núi rừng mộc mạc vạn người mê


Mỗi phần xôi măng khi mang ra cho khách được gói trong lá chuối, bao gồm xôi, măng le rừng tươi và cá, có nơi còn có thêm một miếng đậu hũ, tất cả kho chung cùng với nhiều ớt bột. Cái thức quà giản dị, mộc mạc nhìn đơn giản thế thôi nhưng lại khiến "vạn người mê".


Nguồn: tổng hợp

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Món ngon nổi tiếng vùng đại ngàn Tây Nguyên

Ẩm thực Tây Nguyên phản ánh đời sống gần gũi với thiên nhiên của đại đa số đồng bào dân tộc nơi đây. Rau hái từ rừng, cá đánh bắt từ sông, gà nuôi thả vườn… Chính từ nguyên liệu đơn giản đó cùng cách chế biến tài tình, đã tạo ra những món ăn mang âm hưởng đại ngàn cao nguyên.



Tây Nguyên giờ đây không còn là vùng đất hoang sơ, đầy nắng và gió với những con đường đất đỏ bazan bụi mịt mù. Tây Nguyên giờ đây mang một vẻ ngoài gần gũi với khách du lịch hơn nhưng vẫn giữ cho riêng mình những điều thú vị, hấp dẫn. Những ngọn đồi, những con sông, những dòng thác nằm yên bình trên cao nguyên đại ngàn. Một nét ấn tượng mà Tây Nguyên đem đến cho khách du lịch ắt hẳn là bởi hương vị ẩm thực đậm chất dân dã và độc đáo.


Gà nướng Bản Đôn 


Đến thăm Bản Đôn bạn hãy thưởng thức món gà nướng ngon tuyệt này. Để có những con gà nướng ngon, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và tạo ra một công thức tẩm ướp gia vị rất riêng.

Gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Gà để nguyên con, có thể đè cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng.  Để ăn gà nướng đúng chất Bản Đôn thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả, nhưng phải sử dụng muối hạt giã với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.


Gỏi lá Tây Nguyên 


Gỏi lá một trong những món ăn lọt vào danh sách 10 đặc sản Việt Nam với giá trị ẩm thực sâu sắc. Được lựa chọn bởi 40 loại lá khác nhau, dùng các lá cuốn thành hình phễu và gắp thức ăn vào ( có thể ăn kèm với thịt ba chỉ, da heo thái mỏng, tôm rang) chấm với nước chấm sền sệt.

Để lưu lại hương vị món gỏi đặc biệt này,hãy uống thêm một ngụm rượu cây ủ lâu năm. Bạn ắt hẳn sẽ cực kì muốn thưởng thức món ăn đặc biệt này phải không?


Dế chiên Kon Tum 


Có dịp nếu đến Kon Tum bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản dế chiên này. Món ăn từ dế khá xa lạ với nhiều người, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, các món ăn chế biến từ dế đã trở nên quen thuộc, rất được ưa thích. Có rất nhiều loại dế nhưng dế cơm là ngon nhất.

Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến. Dế chiên có cái giòn tan của phần chân, đầu và vị béo ngầy ngậy của mình dế. Hương vị của dế càng đặc biệt hơn bởi mùi thơm của lá sả, lá chanh và vài ba hạt đậu rang đi kèm.

Các món nướng trong ống lồ ô


Với những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum chế biến thành những món ăn nướng trong ống lồ ô, nhìn lạ mắt và độc đáo.

Sau khi rửa sạch các loại rau, cá sông, cá suối và các loại thịt gia súc, gia cầm băm nhỏ hoặc xắt thành sợi trộn với các loaị gia vị tùy vào từng món. Ống lồ ô chặt từng khúc nhỏ, rồi để lên lửa than nướng cho đến chín thơm phức. Ống lồ ô để lên lửa than cây rừng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được.

Bò một nắng chấm muối kiến vàng


Bò một nắng hay ở Gia Lai còn gọi là bò một nắng hai sương. Điểm đặc biệt của món này là ở chỗ nó được chấm với muối kiến vàng. Đây thực sự là loại muối độc nhất vô nhị, được làm từ kiến của rừng Ayun Pa, Krong Pa. Người dân ở khu vực này phải vào rừng sâu để bắt loài kiến này, đem về rang, giã với ớt thật cay, trộn với một vài loại lá rừng, muối hột và dùng để chấm thịt nướng.

Muối kiến vàng rất ngon và được nhiều khách du lịch yêu thích, mua về để ăn dần hoặc làm quà cho gia đình, người thân.

Lẩu lá rừng Đak Lak 


Lẩu này dùng khoảng 10 loại lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc.

Hình ảnh: Internet
Nguồn: Tổng hợp 


Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tạc tượng gỗ dân gian - nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên

Tạc tượng gỗ dân gian là một loại hình nghệ thuật độc đáo, lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một.
Xem thêm: Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng
 
Tỉnh Kon Tum có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%. Trong kho tàng văn hóa của người dân nơi đây, ngoài cồng chiêng, không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian.

Tượng gỗ dân gian ở Kon Tum là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, nhưng cũng rất dung dị. Hầu hết các bức tượng gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần…

Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc.


Nếu các nghệ nhân ở huyện Đăk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên… thì các nghệ nhân ở huyện Sa Thầy lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng; trong khi đó, các nghệ nhân ở huyện Đắk Glei lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.

Nghệ nhân A Đếch, tổ trưởng tổ nghệ thuật dân gian huyện Đắk Glei chia sẻ, ông học hỏi từ cha mình nghề tạc tượng gỗ. Hình mẫu ông hướng đến là phụ nữ, bởi theo ông, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cũng theo nghệ nhân A Đếch, tạc tượng gỗ không chỉ nhằm lưu lại nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn giúp đồng bào có những niềm vui sau những ngày lên nương làm việc mệt nhọc.

Nghệ nhân A Nếp, sinh sống tại huyện Đắk Glei, cho biết, tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Nguyên nhân chính là do ngày nay lớp trẻ bận rộn làm kinh tế, cộng với ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nên rất ít người theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 
Trước thực trạng này, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian như: tổ chức vinh danh các nghệ nhân tạc tượng; thường niên tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

Trong các hoạt động đó thì liên hoan tạc tượng gỗ dân gian là một hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nghệ nhân cũng như của người dân.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, qua đó góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Bài đăng phổ biến