Hiển thị các bài đăng có nhãn Pleiku. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Pleiku. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Du lịch Pleiku check in những điểm đến gần gũi thiên nhiên

Biển Hồ Chè, hồ T'Nưng, núi lửa Chư Đăng Ya là địa điểm du khách có thể mang về những bức ảnh xanh bắt mắt.

Du lịch Pleiku check in những điểm đến gần gũi thiên nhiên
Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc Tonkin.

Biển Hồ Chè

Biển Hồ Chè
Ảnh: tingialai

Đồi chè nằm bờ bắc Biển Hồ cách thành phố Pleiku khoảng 13km. Cái tên Biển Hồ Chè xuất phát từ sự kết hợp giữa hồ nước thuỷ điện và nương chè bạt ngàn. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành vào thế kỷ 20. Khi đến với đồi chè, du khách có thể đi giữa những con đường mòn nhỏ, hai bên là những hàng chè tầng tầng lớp lớp, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những rặn cúc vàng mọc dại hay người dân đi làm rẫy, đám trẻ con dắt tay nhau đi học đi chơi... 

Chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành
Ảnh: Paha1205

Chùa Minh Thành toạ lạc ở số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, cách thành phố Pleiku tầm 2km. Ngôi chùa được xậy dựng bởi lối kiến trúc kết hợp từ chùa Trung Quốc và những ngôi đến Nhật Bản. Kiến trúc của chùa được xây dựng theo hình thức mạn – đà – la. Những hoa văn hoạ tiết được chạm khắc ở đây đều dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Chính nhờ điểm đặc biệt này, chùa Minh Thành không chỉ là nơi dâng hương của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan hút khách trong nước lẫn nước ngoài khi đến với Pleiku. 

Hồ T'Nưng

Hồ T'Nưng
 Ảnh: Phan Nguyên

Hồ T'Nưng (Biển Hồ) như một biểu tượng của Pleiku. Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km theo hướng tây bắc, cái tên T'Nưng hay còn được gọi là Tơ Nuêng, có nghĩa là "biển trên núi", khi có gió to, mặt hồ thường tạo sóng nên mới gọi là Biển Hồ. Nơi đây từng là miệng núi lửa, nước hồ có màu xanh thẳm bao quanh là rừng thông bạt ngàn. Con đường dẫn lên hồ T'Nưng với những rặng thông già hai bên, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Biển Hồ đẹp vào mọi thời điểm trong ngày, nhưng đẹp nhất là khoảnh khắc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống.

Núi lửa Chư Đăng Ya

Núi lửa Chư Đăng Ya

Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya lại thu hút du khách bởi nét đẹp hoang sơ. Theo tiếng đồng bào J'rai, Chư Đăng Ya có nghĩa là củ gừng dại. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử. Vào tháng 11, hoa dã quỳ sẽ phủ vàng ngọn núi. Đây cũng là thời điểm khách du lịch ghé thăm Chư Đăng Ya nhiều nhất. 

Xem thêm: Bật mí 6 địa điểm du lịch ở Pleiku đẹp như tranh vẽ

Theo VnExpress


Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Những đồi chè được các bạn trẻ check in nhiều nhất hiện nay

Những đồi chè xanh ngút ngàn từ Bắc tới Nam, từ lâu đã làm mê đắm bao khách du lịch, là nguồn cảm hứng cho nhiều bức ảnh đẹp. Thế bạn còn chần chờ điều gì mà không nhanh lên lịch và triển thôi nào.

Những đồi chè được các bạn trẻ check in nhiều nhất hiện nay
Ảnh: "@da.little318, @pursuitofpeacee"

Đồi chè Cầu Đất, Lâm Đồng

Đồi chè Cầu Đất, Lâm Đồng
Ảnh: "VnExpress"

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 23 km về hướng Đông Nam, đồi chè Cầu Đất đã trở thành địa điểm check-in được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Đồi chè xanh trải dài tít tắp, những ngôi nhà nhỏ xinh theo lối kiến trúc Pháp và nhiều quán cà phê thơ mộng là điểm thu hút bậc nhất của nơi này.

Đồi chè Đông Giang, Quảng Nam

Đồi chè Đông Giang, Quảng Nam
Ảnh: "Chudu43.com"

Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 100 km về phía Tây, đồi chè Đông Giang níu chân du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng, bát ngát cả một vùng trời. Nơi đây mùa nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất là từ tháng 8 đến tháng 10. Để có được bộ ảnh lung linh ảo diệu, bạn nên đến đây từ sáng sớm, đắm mình trong ánh mặt trời mọc và màn sương huyền ảo.

Đồi chè Pleiku, Gia Lai

Đồi chè Pleiku, Gia Lai
Ảnh: "@storyofthang"

Nơi đây chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước, và cho đến nay chưa lúc nào nó vơi bớt sự quyến rũ đối với hội cuồng chân. Đến đây, bạn tha hồ tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn những con kênh xanh và dõi theo bàn tay thoăn thoắt của những người hái chè. Tất cả sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống như đang trôi thật chậm, thư thái và dễ chịu hơn.

Đồi chè Mộc Châu, Sơn La

Đồi chè Mộc Châu, Sơn La
Ảnh: "Internet"

Mộc Châu nổi tiếng với nhiều đồi chè xanh ngút ngàn. Trong đó, đồi chè trái tim là địa điểm được giới trẻ check-in nhiều nhất. Mùa chè ở Mộc Châu thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong sắc xanh của những đồi chè uốn lượn, tận hưởng không gian trong lành với mùi chè thơm mát. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội diện lên mình những bộ đồ tuyệt đẹp y hệt các cô gái dân tộc vùng bản.

Đồi chè Thanh Chương, Nghệ An

 Đồi chè Thanh Chương, Nghệ An
Ảnh: "@bon.lyk"

Được bao phủ bởi đập Cây Cau nước trong xanh, đồi chè Thanh Chương được gọi với cái tên “Ốc đảo chè” độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đến đây, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi tại các túp lều quanh đồi chè và thưởng thức những ly chè thơm ngon từ người dân địa phương. Và đặc biệt là sẽ có được những tấm ảnh cùng đồi chè lung linh nhất.

Tổng hợp


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Món ngon nổi tiếng vùng đại ngàn Tây Nguyên

Ẩm thực Tây Nguyên phản ánh đời sống gần gũi với thiên nhiên của đại đa số đồng bào dân tộc nơi đây. Rau hái từ rừng, cá đánh bắt từ sông, gà nuôi thả vườn… Chính từ nguyên liệu đơn giản đó cùng cách chế biến tài tình, đã tạo ra những món ăn mang âm hưởng đại ngàn cao nguyên.



Tây Nguyên giờ đây không còn là vùng đất hoang sơ, đầy nắng và gió với những con đường đất đỏ bazan bụi mịt mù. Tây Nguyên giờ đây mang một vẻ ngoài gần gũi với khách du lịch hơn nhưng vẫn giữ cho riêng mình những điều thú vị, hấp dẫn. Những ngọn đồi, những con sông, những dòng thác nằm yên bình trên cao nguyên đại ngàn. Một nét ấn tượng mà Tây Nguyên đem đến cho khách du lịch ắt hẳn là bởi hương vị ẩm thực đậm chất dân dã và độc đáo.


Gà nướng Bản Đôn 


Đến thăm Bản Đôn bạn hãy thưởng thức món gà nướng ngon tuyệt này. Để có những con gà nướng ngon, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và tạo ra một công thức tẩm ướp gia vị rất riêng.

Gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Gà để nguyên con, có thể đè cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng.  Để ăn gà nướng đúng chất Bản Đôn thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả, nhưng phải sử dụng muối hạt giã với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.


Gỏi lá Tây Nguyên 


Gỏi lá một trong những món ăn lọt vào danh sách 10 đặc sản Việt Nam với giá trị ẩm thực sâu sắc. Được lựa chọn bởi 40 loại lá khác nhau, dùng các lá cuốn thành hình phễu và gắp thức ăn vào ( có thể ăn kèm với thịt ba chỉ, da heo thái mỏng, tôm rang) chấm với nước chấm sền sệt.

Để lưu lại hương vị món gỏi đặc biệt này,hãy uống thêm một ngụm rượu cây ủ lâu năm. Bạn ắt hẳn sẽ cực kì muốn thưởng thức món ăn đặc biệt này phải không?


Dế chiên Kon Tum 


Có dịp nếu đến Kon Tum bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản dế chiên này. Món ăn từ dế khá xa lạ với nhiều người, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, các món ăn chế biến từ dế đã trở nên quen thuộc, rất được ưa thích. Có rất nhiều loại dế nhưng dế cơm là ngon nhất.

Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến. Dế chiên có cái giòn tan của phần chân, đầu và vị béo ngầy ngậy của mình dế. Hương vị của dế càng đặc biệt hơn bởi mùi thơm của lá sả, lá chanh và vài ba hạt đậu rang đi kèm.

Các món nướng trong ống lồ ô


Với những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum chế biến thành những món ăn nướng trong ống lồ ô, nhìn lạ mắt và độc đáo.

Sau khi rửa sạch các loại rau, cá sông, cá suối và các loại thịt gia súc, gia cầm băm nhỏ hoặc xắt thành sợi trộn với các loaị gia vị tùy vào từng món. Ống lồ ô chặt từng khúc nhỏ, rồi để lên lửa than nướng cho đến chín thơm phức. Ống lồ ô để lên lửa than cây rừng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được.

Bò một nắng chấm muối kiến vàng


Bò một nắng hay ở Gia Lai còn gọi là bò một nắng hai sương. Điểm đặc biệt của món này là ở chỗ nó được chấm với muối kiến vàng. Đây thực sự là loại muối độc nhất vô nhị, được làm từ kiến của rừng Ayun Pa, Krong Pa. Người dân ở khu vực này phải vào rừng sâu để bắt loài kiến này, đem về rang, giã với ớt thật cay, trộn với một vài loại lá rừng, muối hột và dùng để chấm thịt nướng.

Muối kiến vàng rất ngon và được nhiều khách du lịch yêu thích, mua về để ăn dần hoặc làm quà cho gia đình, người thân.

Lẩu lá rừng Đak Lak 


Lẩu này dùng khoảng 10 loại lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc.

Hình ảnh: Internet
Nguồn: Tổng hợp 


Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Ba món dân dã trên đường rong ruổi phố núi Pleiku

Miếng thịt bò khô có vị đặc trưng khác lạ hay cơm lam dẻo thơm ăn cùng gà nướng vàng óng là món bạn nên thử khi đến Pleiku, Gia Lai.
Xem thêm: Phở khô ngon trứ danh ở phố núi Pleiku

Một lần du lịchTây Nguyên, ngoài việc băng qua những đường đèo ngoạn mục, tản bộ trên các con phố ngoằn ngoèo lên xuống để ngắm hoa cà phê nở trắng trời hay ghé thăm những di tích nổi tiếng thì bạn nên tìm thưởng thức những món ăn địa phương bình dị đã làm nên hương vị đặc trưng, trứ danh ở phố núi.

Bò khô muối kiến

Một món ăn mà nhắc đến Gia Lai, mọi người thường nhớ đến là miếng thịt bò chấm cùng với muối kiến vàng, loại gia vị độc đáo làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Thịt được thái thành từng miếng to cỡ bằng bàn tay rồi tẩm ướp gia vị. Đây là khâu quan trọng quyết định đến độ ngon của thịt bò vì nếu đậm hay nhạt quá khi nướng sẽ không ngon và không bảo quản được lâu.

Những miếng thịt bò thơm, ngọt và dai chấm cùng thứ muối kiến vàng với vị chua độc đáo đã làm nên thương hiệu cho món ăn này ở vùng đất Gia Lai.. Ảnh: Lê Việt Nguyên.

Khi ăn, người ta sẽ lấy từng miếng thịt đã được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh cho lên bếp than hồng nướng đến khi rám vàng hai mặt rồi mang ra cho thực khách. Khâu nướng thịt bò phải rất khéo léo để thịt không quá cháy, vẫn giữ được độ ngọt, dai và không bị khô. Món ăn này sẽ tròn vị nếu bạn chấm cùng với muối được chế biến từ loại kiến vàng sống trên cây rừng hay ở các vườn.

Nhấm nháp một miếng thịt bò cùng với muối kiến vàng, cảm nhận vị thơm, ngọt của thịt bò quyện cùng vị chua đặc trưng của muối, khiến bạn muốn ăn mãi không thôi. Bạn cũng có thể mua về làm quà tặng bạn bè, người thân, giá một kg thịt bò khoảng 500.000 đồng.

Gà nướng cơm lam

Ngoài thịt bò chấm muối kiến, cơm lam gà nướng là một trong những món ăn mà bạn không thể bỏ qua. Cơm được nấu trong những ống tre, có mùi thơm của gạo quyện lẫn mùi ngai ngái của tre nứa mang lại hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.

Cơm lam ở đây được nấu bằng loại gạo nếp nương có hạt nhỏ, thon dài. Sau khi ống tre được nướng xong, bóc từng miếng tre nứa bên ngoài bạn sẽ gặp phần cơm trắng nõn, dẻo và có mùi thơm phức.

Cơm lam ăn với gà nướng là món ăn hấp dẫn bất kỳ du khách nào khi đến Tây Nguyên. Ảnh: Lê Việt Nguyên.

Cơm lam sẽ ngon hơn nếu ăn chung với gà nướng sả ớt. Những con gà được thả vườn nên có thịt dai, chắc. Gà được ướp cùng với chút muối cho đậm đà, ớt, sả và một chút mật ong rồi kẹp vào thanh tre, đem nướng trên bếp lửa hồng. Người làm phải khéo léo trở gà đều để không bị cháy. Gà chín có một màu vàng ruộm, mỡ màng.

Vị ngọt, thơm của mật ong thấm vào miếng thịt ngọt, kèm theo vị cay của ớt kích thích vị giác khiến bạn ăn nhiều mà không thấy ngán. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại các quán được nhiều người biết đến ở đường Phạm Ngọc Thạch, Hàn Thuyên với giá khoảng 250.000 đồng.

Bò núi nướng que

Bò nướng bằng que tre tuy đơn giản nhưng lại rất độc đáo với hương vị thơm ngon khó diễn tả. Thành phần chính của món ăn là thịt bò, được làm chín bằng cách nướng nhưng lại không có mùi khói, thay vào đó là vị ngọt của thịt bò cùng hương thơm quyến rủ của các loại rau rừng trong món ăn.

Bò nướng ống vừa thơm mùi nứa non, vừa thoang thoảng hương vị thơm ngon của các loại rau rừng. Ảnh: Lê Việt Nguyên

Thịt bò sau khi ướp được xỏ bằng những que tre và được nướng trên bếp than hồng. Khi màu thịt bên ngoài chuyển sang vàng cháy xém, hương thơm thoang thoảng lan tỏa là có thể dùng được.

Món ăn được dọn ra cho thực khách vẫn còn nằm trong chiếc que tre. Khi ăn, bạn phải tự tay tháo ra. Để tăng thêm mùi vị, thịt bò được ăn kèm với rau húng quế. Miếng thịt bò mềm, nhưng có độ dai nhất định, vị mặn vừa phải kèm theo hương thơm xộc thẳng vào mũi khiến bạn sẽ thích thú.

Bên ánh lửa bập bùng trong cái se lạnh của phố núi Pleiku, ngồi thưởng thức miếng thịt bò núi nướng bằng que tre cùng ché rượu cần sẽ là những trải nghiệm khó quên trong hành trình của bạn.

(Theo VnExpress)

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Phở khô ngon trứ danh ở phố núi Pleiku

Du khách không thể bỏ qua món phở khô Gia Lai giống tìm phở bò, bún thang Hà Nội, đến Huế phải ăn bún bò giò heo và ở miền Nam phải thưởng thức hủ tiếu.
Xem thêm: 12 điều bạn sẽ nhớ sau chuyến du lịch Buôn Ma Thuột

Có lẽ với người Pleiku (Gia Lai) phở khô không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn là niềm tự hào. Đến Pleiku, bạn dễ dàng tìm thấy các cửa hàng phở khô trên khắp phố phường.

Phở khô có phần bánh phở cùng nước dùng tách riêng để tùy vào khẩu vị của thực khách mà lựa chọn ăn khô hay ướt. Một phần phở khô bao gồm phở, nước dùng và nhiều loại rau ăn kèm. Về cơ bản, những nguyên liệu chính sẽ giống nhau, chỉ tùy vào các vùng mà có thể thay đổi loại rau và hương vị nước dùng. Món ăn này cũng phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên khác như Kon Tum, Đắk Lắk.

Gọi là phở nhưng sợi của phở khô không giống các món phở Bắc mà thiên về sợi mì hủ tiếu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sợi phở săn và dai hơn vì khi để trong bát, sợi không bị nát. Khi thực khách gọi món, người đầu bếp sẽ chần phở qua để món ăn không bị dai hay vón cục. Chọn được phở ngon và chần đúng cách đã quyết định một phần thành công của món ăn.

Phở khô gà là lựa chọn được nhiều thực khách yêu thích

Phở khô thường ăn với hai nguyên liệu chính là thịt gà và thịt bò. Bên cạnh đó, món ăn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu hành khô, rau sống và lạc. Khi ăn, bánh phở và các nguyên liệu sẽ được trộn đều lên với tương đen, xì dầu, tương ớt tùy thuộc vào khẩu vị của thực khách. Tương đen là gia vị không thể bỏ qua khi ăn phở khô, tuy có chút ngọt nhưng vẫn giữ được vị mặn của nước tương. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt hòa trong những hương vị riêng biệt của xà lách, ngò gai, giá đỗ tươi, húng quế tạo nên một bát phở khô kích thích cả vị giác, khứu giác và thị giác người ăn.

Quan trọng không kém bánh phở là nước dùng phải đảm bảo trong và có vị ngọt nhẹ từ nước hầm xương hay nước luộc thịt gà. Để bát nước dùng trong, người chế biến phải vớt bọt liên tục khi nấu. Nêm gia vị cho nước dùng cũng quyết định độ thành công của món ăn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng có những bí quyết riêng khiến cho nước dùng ngon đúng kiểu, không nhạt nhưng không mặn hay ngọt sắc. Người ăn có thể chan vào bánh phở hoặc để nguyên, vừa ăn phở vừa xì xụp nước dùng và tấm tắc khen.

Chính vì để riêng phở và nước nên phở khô ở Pleiku còn được biết đến với tên "phở khô hai tô". Dù món ăn đã được phổ biến rộng rãi và có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có ở Pleiku, Gia Lai thì bạn mới được ăn tô phở khô vừa đúng hương vị, vừa hợp không gian nhất. Một tô phở thường có giá 35.000 đồng.

(Theo VnExpress)

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Nếu có dịp đặt chân đến Tây Nguyên, du khách đừng quên chinh phục ngã ba Đông Dương, ngắm sao đêm ở Măng Đen hay xem biểu diễn cồng chiêng.
Xem thêm: Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Dưới đây là 8 điều làm cho chuyến đi Tây Nguyên của bạn thêm phần thú vị và đáng nhớ.

Ghé thăm "đôi mắt Pleiku"

Biển Hồ (hồ T’Nưng) là một trong những hồ nước tự nhiên thơ mộng nhất Tây Nguyên. Hồ nước này được hình thành từ một miệng núi lửa và rất rộng. Người ta ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai và người dân thành phố Pleiku.
Vẻ đẹp của Biển Hồ. Ảnh: Thuonghieuvn

Đứng trên bờ nhìn ra xa, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của nước biển. Hồ nằm trên núi, nên khi du khách đứng trên bờ, gió từ hồ nước với gió rừng sẽ tạo cảm giác mát lạnh. Đạp xe băng qua những cánh rừng là cách bạn nên làm để khám phá vẻ đẹp bí ẩn trong "đôi mắt Pleiku" ấy.

Xem một buổi biểu diễn cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc ở Tây Nguyên. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Tất cả lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… đều phải có tiếng cồng chiêng như thứ để nối kết mọi người trong cùng một cộng đồng.

Thưởng thức cà phê tại "thủ phủ cà phê"

Thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu được xem như là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam. Đến đây bạn không chỉ nhìn ngắm những đồn điền cà phê xanh ngút tầm mắt, mà còn được thưởng thức ly cà phê thơm ngon nhất. Ngồi uống một ly trong làng cà phê Trung Nguyên, vào một buổi chiều mưa, đó có thể là ly cà phê đáng nhớ nhất mà bạn từng thưởng thức.

Ngắm sao đêm ở Măng Đen

Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.200 m so với mặt nước biển, thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Đây được coi như dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, nhiệt độ thường dưới 22 độ C. Rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh và rừng thông cổ thụ rộng lớn nằm dọc theo quốc lộ 24. Ngoài ra Măng Đen còn có nhiều hồ thác, suối và cảnh quan đẹp.

Đặc biệt, Măng Đen được mệnh danh là một trong những địa điểm đẹp nhất để ngắm sao ở Việt Nam. Nếu bạn đến đây vào lúc trời khô và quang mây, hãy chọn cho mình một bãi cỏ hay ban công thoáng đãng để chìm vào khoảnh khắc lãng mạn của sao trời.

Chinh phục ngã ba Đông Dương

Cửa khẩu Bờ Y, nơi một con gà cất tiếng gáy cả ba nước cùng nghe là địa chỉ không thể bỏ qua nếu bạn có dịp đến Tây Nguyên. Là ngã ba biên giới giữa Việt Nam – LàoCampuchia, đây là cột mốc lãnh thổ quan trọng của quốc gia.
Không ít những bạn trẻ đên Tây Nguyên để thỏa chí chinh phục được ngã ba Đông Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn.

Có nhiều đường và phương tiện để đến với xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nếu từ phía bắc, bạn có thể đáp máy bay đến Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và tiếp tục tìm xe khách để đến Ngọc Hồi. Ngoài ra, xe khách chạy từ TP HCM, hay các tỉnh ở dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… đến Kon Tum rất nhiều.

Sau khi tham quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, theo con đường hơn 10 km vòng vèo quanh mấy ngọn đồi, từ đây leo những bậc thang để chạm đến cột mốc làm bằng đá hoa cương là bạn đã đặt chân tới ngã ba Đông Dương. Cột mốc nằm trên đỉnh núi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, ghi danh ba quốc gia.

Cưỡi voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn

Là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước, vườn quốc gia nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía tây bắc.

Du khách đến đây sẽ tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, xe đạp địa hình trong các cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, ban đêm, bạn có thể đi xem các loài thú hoang dã, ban ngày đi du thuyền độc mộc trên dòng Sêrêpok thơ mộng. Ngoài ra, tham quan buôn làng, thưởng thức rượu cần với nhiều món đặc sản hấp dẫn đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên cũng là ý tưởng hay.

Tham quan thác nước hùng vĩ Dray Sáp

Thác Dray Sáp hay thác Chồng, là thác nước có bề mặt trải dài hơn 500 m, cao gần 20 m chia làm 3 phần: thượng, trung và hạ. Mỗi năm vào đầu mùa mưa, dòng nước của con thác đổ ầm ầm, tung bọt nước trắng xóa, vì vậy người Ê-đê hay gọi là thác khói. Ngọn thác có địa hình nằm trong một khu vực nhiều hang động, cây rừng, dây leo chằng chịt, bốn bề vang động âm thanh, cộng thêm đường lên thác quanh co, gập ghềnh với nhiều tảng đá đầy rêu phong. Những điều đó khiến nơi đây trở thành một danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.

Khám phá Tây Nguyên những mùa hoa

Tháng 12 là thời điểm lý tưởng để du khách đến Tây Nguyên bởi diễn ra nhiều lễ hội và là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trên đất đỏ bazan.

Đầu tháng 1, cả Tây Nguyên chuyển mình trong màu lá của những cánh rừng cao su. Nhìn ngắm khung cảnh các hàng cây cao su trút lá, bạn sẽ thấy Tây Nguyên hiện lên thật khác lạ.

Tháng 3, những rẫy hoa cà phê trắng muốt bắt đầu nở vào mỗi dịp xuân về. Mỗi vụ hoa thường nở 2 – 3 đợt cho đến cuối mùa xuân.
Rừng cao su thay lá tuyệt đẹp ở Gia Lai. Ảnh: phuot

Theo Ivivu

Bài đăng phổ biến