Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch Yên Tử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch Yên Tử. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Tự túc du lịch Yên Tử một ngày

Lễ hội chùa Yên Tử còn kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch và du khách hoàn toàn có thể khám phá phong cảnh, di tích lịch sử cũng như vãn cảnh chùa ở đây trong một ngày.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử

Núi Yên Tử cao 1.068 m so với mực nước biển trong dãy núi Đông Triều, vùng đông bắc Việt Nam, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6.000 m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi... Tuy hai tuyến cáp treo đã đi vào sử dụng, phục vụ du khách tham quan và đi lễ chùa, nhiều người vẫn muốn thử thách mình bằng hành trình leo bộ.

Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.

Thời gian du lịch

Thời gian hợp lý là một ngày một đêm. Đi vào dịp lễ hội sẽ đông (nhất là những ngày tháng 1), còn những ngày khác Yên Tử vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái.

Quang cảnh trên đường leo Yên Tử. Ảnh: Trần Việt Anh

Đường đi

Bạn có thể đi du lịch Yên Tử bằng xe máy, ô tô (riêng) và cả xe buýt. Với các bạn từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh đi Yên Tử bằng xe máy thuận tiện nhất.

Từ hướng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định bạn chỉ cần đi tới Uông Bí (đoạn ngã ba giao quốc lộ 10 và quốc lộ 8 rồi rẽ trái là tới đền Trình, sau đó rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử).

Từ hướng Hà Nội bạn đi Bắc Ninh tới quốc lộ 18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử.

Du khách đi từ Hà Nội thường thuê theo đoàn, mua tour du lịch Yên Tử một ngày hoặc đi xe khách. Bạn bắt xe khách đi Cẩm Phả, Móng Cái… ở Hà Nội đều được, tới đền Trình ở quốc lộ 18 bảo lái xe cho xuống. Sau đó bắt tiếp xe bus 16 chỗ của công ty Tùng Lâm ở ngay quốc lộ 18 vào đến chân núi Yên Tử (10 km) giá vé 20.000 đồng/ người. Hoặc bạn đi buýt thường giá vé 10.000 đồng/ người/ lượt.

Vật dụng cần mang

Tiền: Bạn mang theo số tiền đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông.

Giày: Bạn không nên đi giày công sở, hãy đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt. Đường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn và du khách có thể gửi giày, thuê dép ở chân núi.

Ba lô: Vì chỉ đi trong ngày nên bạn mang theo một ba lô nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống.

Quần áo: Khi đi chỉ cần bạn mặc trang phục gọn nhẹ, đủ ấm, nên mang áo khoác nhẹ để khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc cho vào ba lô.

Nước: Bạn nên mua trước 2 chai 500 ml hoặc một chai 1,5 lít mang theo uống dọc đường, vì nước trên núi bán đắt gấp nhiều lần.

Đồ ăn: Một số loại đồ ăn bạn có thể mang để ăn trưa như bánh mì sữa, bánh mì giò, xôi... Ngoài ra, bạn có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá cao hơn bình thường.

Gậy: Nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5.000 đồng. Có cây gậy này bạn leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống sẽ không bị đau khớp gối.

Quang cảnh đường leo Yên Tử vào mùa lễ hội 2016. Ảnh: Trần Việt Anh

Điểm tham quan ở Yên Tử

Chùa Trình/ đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.

Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.

Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần tại Nam Định.

Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa chùa Hoa Yên là nơi Phật Hoàng giảng đạo.

Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát.

Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn

Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ

An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn.

Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi

Lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.

Tượng Phật hoàng bằng đồng rất lớn trên núi Yên Tử. Ảnh: Trần Việt Anh

Giá vé các dịch vụ ở Yên Tử

Giá vé buýt 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử: 20.000 đồng/ lượt

Giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/ lượt

Phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000 đồng/ phòng.

Phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 đồng/ giường

Dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000 đồng/ suất ăn (có cả ăn chay và ăn thường).

Giá vé cáp treo Yên Tử

Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200 m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt.

Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người

Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người

Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000 đồng/ tuyến/ người – Khứ hồi: 280.000/ người

Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).

Thời gian phục vụ cáp treo

Mùa lễ hội (từ tháng1 đến tháng 3 Âm lịch): từ 5h đến 20h hàng ngày.

Ngoài mùa lễ hội (từ tháng 4 đến tháng 12 Âm lịch): Từ 7h đến 18h hàng ngày.

Trần Việt Anh (VnExpress)

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Tết về với xứ hoa phương Bắc

Mỗi độ Xuân về, núi rừng phương Bắc lại như một vùng tiên cảnh đẹp đến say đắm lòng lữ khách. Trong hơi sương giá, núi đồi được bao phủ trong muôn sắc hoa huyền ảo. Không chỉ có hoa đào lộng lẫy mà còn có mơ phai, mận trắng, những cánh ban mảnh mai, trập trùng đỗ quyên cùng những đồi chè mướt xanh. Nghìn sắc hoa phương Bắc đang e ấp đóa hàm tiếu chờ mãn khai Nguyên đán, đợi bước chân lữ khách ghé qua…

Những mùa hoa Tây Bắc


Tây Bắc, người ta không tính thời gian theo tuần theo tháng mà thường tính theo mùa hoa. Khi những bông mận trắng đầu tiên bung nở cũng là lúc nàng Xuân ghé qua Tây Bắc. Vừa chiều qua đấy thôi những nụ hoa còn e ấp, chúm chím nét duyên trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai)… mà sáng xuân nay đã mênh mông đất trời một màu trắng bồng bềnh. Chỉ qua một khắc mà gạch nối hai mùa Đông - Xuân bỗng trở thành gần gũi. Dọc quốc lộ 6, từ Mai Châu lên Mộc Châu, đẹp nhất là thị xã Loóng Luông, rừng mận trắng xóa tưng bừng đón xuân. Hoa mận bỗng chốc như bức thiệp tinh khôi thơm mới, loan báo cho núi rừng chuyển mình đón xuân. 
Đối với lữ khách, Tây Bắc là miền đất mơ bởi nơi đây có những mùa hoa nối tiếp nhau xoay tròn theo vòng quay của đất trời. Những mùa hoa đẹp và có sức lôi cuốn kỳ lạ. Nếu không kịp đến đây vào mùa thu ngắm tam giác mạch và cải trắng miên man, người ta lại hẹn nhau về vào độ xuân sang, khi ấy núi rừng lộng lẫy muôn sắc đào phai yêu kiều, khoe sắc tinh khôi trong nắng vàng dịu nhẹ. Người trót đắm say loài hoa này, không chỉ nâng niu cánh lụa, còn ưng chuộng vẻ đẹp tương phản của cành nâu khẳng khiu mà bật nụ thanh xuân phơi phới. Những gốc đào già xù xì, thi thoảng phủ lớp địa y hoặc rêu mướt, như minh chứng tuổi tác lưu niên. Trên cành, chỉ có vài phiến lá ôm ấp nhau vừa đủ điểm xuyết thêm màu tươi mát. Đến độ mãn khai, lá vẫn không thêm sum suê mà nhường cho nghìn cánh hoa chen đua sắc đẹp, bung nở rực rỡ, nhấn chìm cả miền Tây Bắc trong không gian hồng đào mơ mộng. Từ Quản Bạ, Yên Minh, đến Đồng Văn, Mèo Vạc xứ Hà Giang  đều sẽ là miền thiên đường cho đào phai bung nở. 
Mỗi dịp Tết về, người Hà Nội mong ngóng những cành đào rừng chở từ xứ thượng đổ về vùng đồng bằng. Người đô thành mua chút sắc đào núi rừng để trưng bày những ngày Tết trong khuôn viên hạn hẹp của lòng nhà. Những cành đào hoang dã ép mình trong góc phố thị không thể đẹp như hoa được nở ở xứ hoa, căng tràn nhựa sống khi được thở trong sương giá núi rừng. Phải bước chân lên miền đất tiên ấy, người ta mới trọn vẹn thưởng thức được sắc thắm của đào phương Bắc trong thiên nhiên tuyệt bích. 
Nghiêng nước nghiêng thành với đào hoa phải kể đến những đóa mai tinh khôi sắc trắng, chẳng khác nào nàng Thúy Vân trâm anh bên nàng Kiều lộng lẫy. Khác với hoa mận cánh đơn, hoa mai cánh trắng muốt tinh khiết, xếp lên nhau tầng tầng lớp lớp. Ngay giữa tâm của đóa hoa trắng như mặt trăng điểm xuyết những sợi nhị mảnh điểm vàng sang trọng, nhuần nhị tỏa sáng trên nền lộc xanh biêng biếc. Mai hoa như bậc tiểu thư kiêu sa nhón gót, thả nhẹ bước hài trên núi rừng lô xô đá tai mèo sắc nhọn. Trên những con đường đất nâu dẫn về bản, những cành hoa mai sáng ngời kiêu sa, tô điểm Tây Bắc đẹp chẳng thua kém những thành đô phồn hội. 
Nếu như hoa đào với hoa mai được mệnh danh là những mỹ nhân của mùa xuân, thì hoa ban lại được coi là hoa của tình yêu, của người con gái sơn cước kiều mị. Thiên nhiên khéo léo tạo ra loài hoa mỏng manh, sắc hoa đổi từ trắng tinh sang tím hồng lưu luyến. Những cánh hoa dịu dàng như người con gái e ấp ngượng ngùng, lấp ló giữa những phiến lá hình tim hai nửa. Không có loại hoa nào xứng đáng để ví như thiếu nữ Thái bằng hoa ban, nhờ vẻ đẹp mộc mạc, hương thơm thanh tao. Vào Hội hái hoa ban, trai gái trao nhau câu hát hò hẹn:
Hoa ban nở, hoa ban tàn
Tình ta đẹp như hoa ban
Còn dài lâu thì như hoa nào 
Hỡi người ta yêu...

Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở
Không thấy ngày ban tàn
Mãi mãi như mùa ban bắt đầu, ngày ta yêu nhau

Trăm năm ngắm ban nở vẫn còn ngắm mãi
Mỗi mùa ban lại thêm trẻ, không già
(Dân ca Thái)

Đẹp lắm mùa hoa xuân Đông Bắc


Ngày Xuân, cung đường Đông Bắc non xanh căng tràn nhựa sống, nhộn nhịp chợ Đông Kinh, người Tày - Nùng chờ đón những phiên chợ xuân cùng những lễ hội đầy sắc màu. Xuân Đông Bắc mướt một màu xanh, xanh núi xanh non, xanh của làn nước Ba Bể bao la, xanh một màu cây rừng dưới thác Bản Giốc hùng vĩ. 
Vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thác Bản Giốc
Những cánh đồng hoa sáng rực trong tiết trời se se lạnh ngày Xuân phương Bắc
Núi ngàn miền Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn, đam mê và quyến rũ, nhưng mùa  Xuân vẫn là mùa hoa đẹp nhất với ngàn loài hoa rừng có tên và không tên khoe sắc. Mỗi sắc màu, mỗi hương thơm như thấm đẫm, tan hòa trong thiên nhiên, trong mỗi bản mường. Khắp núi ngàn như được dát bằng một tấm thảm nhung gấm sắc màu và ngây ngất hương thơm, hôi hổi một sức sống diệu kỳ bất tận. Trên muôn sắc thổ cẩm hoa rừng thêu dệt, thiếu nữ má đào hây hây ngồi bên cụ già nụ cười hồn hậu, trẻ nhỏ ánh mắt trong vắt ngây thơ. Đơn sơ mộc mạc thế thôi nhưng xứ sở ấy say đắm lạ kỳ. 

Cùng Vietravel đi qua mùa xuân núi rừng phương Bắc, tận hưởng những tháng ngày đắm trong mùa hoa lộng lẫy nhất!

Tham khảo chùm tour Đông Bắc và Tây Bắc 
Giá từ : 10,290,000đ (Đã giảm 3 triệu). Khởi hành: Thứ ba hàng tuần
Giá từ : 9,990,000 (Đã giảm 3,5 triệu). Khởi hành: Thứ năm hàng tuần
Giá từ : 9,590,000 (Đã giảm 3,5 triệu). Khởi hành: Thứ ba, thứ sáu hàng tuần
Giá : 9,390,000 (Đã giảm 3,6 triệu). Khởi hành: Thứ ba hàng tuần

Liên hệ:
Công ty Du lịch Vietravel
190 Pasteur, P.6, Q.3, TP. HCM
ĐT: (08) 38228898 
Hotline0938 301 399 (Du lịch Trong nước); 0938 301 388 (Du lịch Nước ngoài

Đăng ký mua tour Tết trực tuyến tại www.travel.com.vn

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử

Yên Tử là một địa danh nổi tiếng ở Quảng Ninh, nơi gắn liền với tín ngưỡng Phật Giáo Việt Nam, khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Núi Yên Tử tu hành, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngày nay nói tới Yên Tử là ta lại nghĩ ngay tới lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên Du lịch núi Yên Tử lại diễn ra quanh năm, việc đi Cáp Treo cũng giúp ngắn khoảng cách và thời gian cho du khách. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để thưởng lãm Phong Cảnh đẹp tuyệt vời của Núi Non mây trời Yên Tử. Đặc biệt vào những ngày quang mây, từ đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy Biển Hạ Long.

Thời gian đi Yên Tử

Hàng năm lễ hội Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi trong cả nước đổ về trẩy hội. Đi vào mùa lễ hội nhất là những ngày đầu khai hội sẽ rất đông. Nếu mục đích là đi Lễ thì bạn nên chọn sang tháng 2 âm đi cho đỡ đông. Còn mục đích đi vãn cảnh thì bạn có thể đi bất kỳ thời điểm nào trong năm. Một số lưu ý khi đi vào mùa lễ hội, bạn xem ở phía cuối bài.

Đi đến Yên Tử

Hàng ngày đều có các chuyến xe đi Hạ Long từ bến xe Mỹ Đình, các xe này đều chạy qua Yên Tử. Các bạn rất dễ dàng tới Yên Tử bằng các xe khách như Kumho Viet Thanh, Đức Phúc, Ka Long và nhiều nhà xe khác, xe đi Hạ Long, Móng Cái chạy liên tục cứ khoảng 30 phút lại có 1 chuyến. Giá vé khoảng 90k/người.

Đường đi, từ Hà Nội bạn đi Bắc Ninh rồi rẽ vào đường 18 đi Cẩm Phả, Chí Linh, Đông Triều, Uông Bí, tới đền Trình Yên Tử vào thắp hương rồi rẽ đi Yên Tử. Nếu đi xe khách thì bạn cứ nhắc lái xe cho xuống đền Trình để vào khu Yên Tử.

Từ Hải Phòng đi Yên Tử bạn sẽ đi đường qua thị trấn Núi Đèo, vào đường 10 rồi rẽ trái đi ngược lại đường 18 khoảng 2km là tới đoạn rẽ vào Yên Tử.

Từ đền Trình vào Yên Tử bạn có thể đi xe ôm giá khoảng 35k/người, hoặc đi taxi vào.

Ngoài các xe khách chạy hàng ngày đi tuyến Hạ Long, bạn có thể đi xe khách thẳng vào Yên Tử của công ty Vận Tải Hà Nội. Xe chạy hàng ngày vào dịp lễ hội, ngoài thời gian lễ hội họ chỉ chạy vào ngày chủ nhật, bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi về thời gian xe chạy.

Hành trình leo núi

Dưới chân núi có một khu dịch vụ lớn cung cấp đầy đủ các dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, bãi đỗ xe. Từ đây nếu bạn đi bộ thì có thể dễ dàng thấy một dốc cao với bậc thang đi lên núi. Nếu đi cáp treo thì bạn phải đi xe điện hoặc tiết kiệm thì tự đi bộ vào khoảng 1,5km để tới Ga cáp treo.

Thời gian thăm núi Yên Tử phụ thuộc vào bạn đi cáp treo hay đi bộ leo núi. Nếu đi Cáp Treo bạn có thể đi trong 1 ngày, còn đi Bộ thì thường là đi 2 ngày. Hoặc kết hợp 1 chiều lên đi bộ và chiều xuống đi cáp treo, hoặc ngược lại.

Lịch trình du lịch Yên Tử

Đi Yên Tử trong ngày

Nếu đi trong ngày các bạn nên đi sớm từ Hà Nội, với khoảng cách khoảng 120km Hà Nội đi Yên Tử, mât khoảng 2,5 giờ đi ô tô. Bạn nên xuất phát từ HN lúc 5h30 hoặc 6h, đến chân núi và đi cáp treo lúc 8h30. Đi 2 lần cáp treo và đi bộ xen giữa các điểm cáp treo lên tới Chùa Đồng lúc trưa. Tại đây bạn có thể nghỉ ngơi ăn trưa với đồ ăn mang theo.

Thăm quan nghỉ ngơi, lễ bái và chụp ảnh xong bạn lại xuống núi, khoảng 15h bạn bắt đầu xuống. Về lại Hà Nội khoảng 19h30.

Đi 1 ngày thì nên đi sớm và đi Cáp treo, nên ăn tự túc để chủ động thời gian. Nếu bạn đi muộn thì có thể ăn trưa tại Hoa Yên, tuy nhiên sẽ về lại HN rất muộn.

Đi Yên Tử 2 ngày

Có nhiều phương án, bạn có thể kết hợp đi Yên Tử và Hạ Long trong 2 ngày 1 đêm. Ngày 1 xuất phát từ Hà Nội đi Hạ Long, chiều tham quan Hạ Long và ngủ lại tại Bãi Cháy hoặc Tuần Châu. Tối bạn có thể vui chơi, xem nhạc nước, biểu diễn cá Heo tại khu du lịch Tuần Châu.

Ngày 2 bạn nên đi sớm, vì dành cả ngày cho Yên Tử, đi cáp treo cả 2 chiều lên và về. Có thể mang đồ ăn trưa đi cùng, hoặc ăn trưa tại mấy quán ăn ở Hoa Yên. Chiều khoảng 16h xuất phát về lại Hà Nội.

Ngoài ra bạn có thể leo núi bằng đường bộ, sẽ khá mệt và bạn cần thời gian. Nên tới Yên Tử vào chiều ngày 1, leo lên Hoa Yên rồi nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau leo sớm, và về trong ngày 2. Đi bộ 2 ngày thì sẽ đỡ mệt hơn nhiều vì có thời gian nghỉ đêm tại đó. Còn nếu đi bộ trong 1 ngày thì sẽ rất vất vả, và đau chân.

Một số lưu ý khi đi Yên Tử


  • Nên đi giày mềm, giày phù hợp cho việc đi bộ leo núi.
  • Quần áo thì tùy vào mùa. Nhưng tốt nhất là nên mang theo 1 hoặc 2 áo dự phòng, vì leo núi ra nhiều mồ hôi, nếu đi vào mùa lạnh thì cần thay áo, vì mặc áo ướt lại cảm lạnh. Mùa Lạnh thì vẫn phải mang áo ấm mặc ngoài, khi lạnh thì cởi ra mang theo, lúc đi cáp treo lạnh lại mặc vào.
  • Nếu đi vào dịp lễ Hội nên mua vé Cáp treo 2 chiều luôn nếu có dự định đi cáp Lượt về. Vì mùa Hội du khách đông, sẽ phải đợi mua vé cáp lượt về rất lâu.
  • Nên vãn cảnh chùa lúc lượt về đi xuống, sẽ thư thả và thoải mái, lúc đi lên mệt chả có thời gian mà ngắm ngía.
  • Không nên mua linh tinh dọc đường, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, thuốc v.v.v đều có bảo kê, mua bán hay bị bịp bợm và gian lận.
  • Những chỗ đông người như khu vực đợi cáp treo, chùa Đồng, phải cảnh giác ví tiền và đồ dùng cá nhân. Rất nhiều vụ móc ví đã xẩy ra.
  • Lưu ý giữ vệ sinh chung, dọc đường có nhiều thùng rác, bạn nên bỏ rác đúng nơi qui định.

Tour núi Yên Tử thuộc chương trình du lịch Hạ Long, mời bạn tham khảo các chương trình tour mới nhất tại website travel.com.vn

Bài đăng phổ biến