Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa ứng xử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa ứng xử. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ

Khám phá về đất nước, con người nơi đây sẽ đem đến thật nhiều trải nghiệm cho du khách. Khám phá những nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ để hiểu rõ hơn về lối sống và văn hóa giao tiếp ứng xử của người dân qua bài viết dưới đây!

Xem thêm: Du lịch Mỹ - “Mua sắm mệt nghỉ” mùa cuối năm

Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, giàu có với nhiều phong cảnh đẹp nên thơ và nhiều điều bí ẩn đang chờ đợi được khám phá, nhắc đến Hoa Kỳ chắc hẳn không ai không một lần mơ ước đặt chân đến chốn thiên đường này. Hãy khám phá những nét đẹp về văn hóa, lối sống của người dân sẽ giúp chuyến đi du lịch của bạn trở nên thú vị hơn bao giờ hết!

1. Văn hóa giao tiếp, chào hỏi

Người Mỹ có một nét văn hóa đặc trưng khi giao tiếp đó chính là văn hóa bắt tay khi chào hỏi. Bạn có thể bắt tay cả đàn ông và phụ nữ ở những lần gặp nhau đầu tiên hoặc sau đó. Người Mỹ có thói quen bắt tay chặt dùng cả bàn tay chứ không phải chỉ ngón tay (không có nghĩa là bóp chặt đến mức làm đau tay người khác) để thể hiện sự thân thiện và nhiệt tình.

Văn hóa bắt tay khi chào hỏi ở Mỹ
 
Thỉnh thoảng bạn có thể thấy đàn ông với đàn bà hoặc đàn bà với đàn bà chào nhau bằng cách ôm, và thậm chí cọ má vào nhau hoặc hôn nhẹ lên má nhau. Hình thức chào này thường chỉ dành cho những người là bạn bè lâu, hoặc ít nhất cũng đã quen nhau. Ngoài ra, người Mỹ rất ít đụng chạm vào nhau.
Một nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ trong giao tiếp nữa không thể không nhắc đến đó là không nên hỏi tuổi hoặc thu nhập của người Mỹ. Tôn giáo, chính trị, và tình dục cũng là những lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ. Tốt nhất là bạn nên tránh những chủ đề này trừ phi với những người bạn thân.

Văn hóa tiền boa (tipping) là điều bắt buộc. Các nhà hàng ở Mỹ không tính tiền dịch vụ (chỉ một ít nhà hàng tính luôn tiền phí dịch vụ vào hóa đơn) do đó các khách hàng đều phải để lại tiền boa cho người phục vụ. Thông thường người ta thường để lại tiền tip khoảng 15% tổng số tiền thanh toán của hóa đơn, hoặc 20% nếu thấy dịch vụ ở nhà hàng đó tốt.

Văn hóa tiền tip ở Mỹ

2. Văn hóa ứng xử nơi công cộng

Nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ còn thể hiện ở tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt...
- Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại.
- Khi vào cửa bất cứ nơi nào, người đi trước đứng lại giữ cửa cho những người đi sau bước vào xong mới đến phiên mình và người đi sau luôn nói tiếng cám ơn người đã giữ cánh cửa cho mình đi vào.
- Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận, mọi người luôn nhường nhịn nhau trong giao tiếp, nhất là xếp hàng theo thứ tự không bao giờ chen lấn giành chỗ cho dù bạn là ai.

3. Văn hoá ứng xử với người tàn tật, người ăn xin

Tất cả xe buýt công cộng đều thiết kế bộ phận nâng và hạ người ngồi trên xe lăng lên xuống xe buýt và được mọi người nhường cho đi lên hay xuống trước, trên xe có chỗ dành riêng cho họ. Tại các bãi đậu xe đều có nơi đậu xe hơi riêng của người tàn tật. Các siêu thị có loại xe đặc biệt giúp họ di chuyển lựa chọn hàng hóa trong siêu thị, đây cũng được coi là một nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ. Trong thiết kế đường xá ở Mỹ các vỉa hè đều có độ dốc thoai thoải với mặt đường tại các giao lộ ngã ba hay ngã tư, để người tàn tật ngồi xe lăn tự mình điều khiển lên xuống vỉa hè dễ dàng. Do đó họ có thể đi dạo phố một mình như người bình thường. Nhìn chung người tàn tật ở Mỹ được xã hội quan tâm giúp đỡ và hoà nhập tốt với cộng đồng.

Ô tô điện cho người khuyết tật ở Mỹ

Người ăn xin ở Mỹ cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin, họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường. Thỉnh thoảng họ thường đứng ở ngã tư có đèn giao thông xe cộ hay dừng lại và cầm tấm bản nhỏ ghi chữ "cần giúp đỡ" hay ngồi một chỗ xin nơi có đông người qua lại mà không làm phiền ai cả ( thường họ là những người không làm việc và nát rượu). Người qua đường có thể tùy khả năng mà sẽ giúp đỡ họ. Có thể nói người ăn xin ở Mỹ cũng mang một nét văn hóa đặc biệt!

4. Văn hóa ứng xử với thiên nhiên, động vật

Nét văn hóa đặc biệt của người Mỹ thể hiện khá thân thiện với môi trường, với động vật và có ý thức bảo vệ môi trường. Khi đi chơi trên núi, bạn có thể gặp những đàn nai, dê núi bình thản ngậm cỏ trên vách núi gần đường xe chạy qua mà không hề sợ sệt vì chúng không bị ai săn bắt cả. Điều này xuất phát từ công tác tuyên truyền giáo dục từ chính phủ, các tổ chức xã hội, trong nhà trường và có những chế tài để người dân ý thức hơn đối với môi trường. Phần lớn người già, những người độc thân đều nuôi một con vật như chó, mèo trong nhà, họ chăm sóc động vật và nói chuyện như những người bạn thực sự. Nếu bạn có hành động "bạo lực" ngay cả với động vật cũng bị đánh giá rất thấp. Tại nơi công cộng bạn thường phải có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng chỗ, đúng nơi, và đúng chỗ quy định.

Văn hóa ứng xử với động vật của người Mỹ

Sưu tầm

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Văn hóa ứng xử khi du lịch Thái Lan

Khi đến Thái Lan, bạn tuyệt đối không được có những hành động khích bác hoặc thái độ bỡn cợt khi nói về nhà vua và Hoàng gia Thái Lan.
Xem thêm: Những điều cần biết trước khi tới Thái Lan

Thái Lan là đất nước phát triển mạnh về du lịch và hằng ngày thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Thái Lan cũng khá hiện đại nhưng cũng có nhiều phong tục truyền thống mà bạn cần lưu ý.
Thái Lan luôn là điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Nghi thức chào hỏi và cám ơn của người Thái

Điều đầu tiên khi nói đến việc giao tiếp đó chính là chào hỏi. Điểm đặc biệt ở nghi thức chào hỏi của người Thái là chắp tay và cúi đầu kèm theo câu: "Sawadee kha" nếu phía đối diện là người nữ và "Sawadee khab" nếu là nam. Ý nghĩa của câu nói này "Mong điều tốt lành đến với bạn". Cám ơn trong tiếng Thái là: "Khạp khun kha" (nữ) và "Khạp khun khab" (nam), cũng dùng chung nghi thức là chắp tay và cúi đầu.

Có thể khá lạ lẫm đối với bạn nhưng khi đến Thái mọi người đều chào nhau và cám ơn như vậy. Bạn có thể thấy một anh trai cơ bắp, xăm trổ đầy mình nhưng khi anh ta chào thì trông rất hiền và cực kỳ thân thiện. Nên nếu đến Thái Lan du lịch và bạn nhớ được cách chào và cám ơn thì bạn đã chiếm khá nhiều thiện cảm của người Thái rồi đấy, và đừng quên nở một nụ cười thật tươi chân thành khi chào nhé.

Khiếu hài hước, hiếu khách và cách làm du lịch giỏi của người Thái

Sẽ khá thoải mái và nhẹ nhàng cho khách du lịch tại Thái Lan. Vì người Thái vốn rất hiền hòa, hiếu khách, đặc biệt rất vui tính và đề cao khiếu hài hước. Nếu là khách du lịch và mua cùng một món hàng, nhưng khi bạn tỏ ra vui tính và nở một nụ cười thật tươi với người bán, họ có thể sẽ cho bạn một mức giá hữu nghị, có khi còn tặng thêm một vài món đồ lặt vặt.

Rất ý thức với việc làm du lịch

Vì bản thân mỗi cá nhân của họ đều tự ý thức được việc luôn phải dễ mến và làm hài lòng khách du lịch nhưng vẫn phải giữ hình ảnh quốc gia. Mình từng trò chuyện với một anh chàng tài xế Taxi. Phải khó khăn lắm anh chàng mới có thể chia sẻ hết những điều muốn nói vì khả năng Anh ngữ có hạn, nhưng anh rất nhiệt tình và muốn được nói. Qua lời chia sẻ, với vốn tiếng Anh chỉ đủ để đếm số và nói vài câu cơ bản nhưng phải mất đến 3 năm để học vì khả năng tiếp thu hạn chế. Thế nhưng nhận thấy một ngày phải gặp rất nhiều khách du lịch và thật mệt mỏi khi cứ phải dùng "Body language" (ngôn ngữ cơ thể) để giải thích và hiểu họ, điều đó đã thúc đẩy anh phải tự học.

Mình cũng từng đi trên một chiếc xe buýt và hỏi đường từ một phụ nữ tuổi trung niên, tuy không đối thoại nhiều với nhau nhưng trước khi xuống xe buýt, người phụ nữ này đã tặng cho mình một con chim bồ câu handmade bằng vải nỉ mà bà ấy nghĩ sẽ mang lại may mắn và nhiều niềm vui cho mình trong chuyến đi.

Luôn kính trọng và ngưỡng mộ nhà vua

Nhà vua luôn chiếm một vị trí quan trọng đối với tất cả người dân Thái Lan.

Khi đến Thái Lan, bạn tuyệt đối không được có những hành động khích bác hoặc thái độ bỡn cợt khi nói về nhà vua và Hoàng gia Thái Lan. Đây không chỉ là văn hóa mà nó còn liên quan đến luật pháp. Người Thái luôn cảm phục vị vua của mình. Nếu đặt chân đến đất Thái, bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh về của nhà vua và gia đình ngay cả khi ông còn bé, một số hình ảnh có mặt ở sân bay, trên các bảng quảng cáo lớn ở các tuyến đường cao tốc.

Thành kính với đức Phật

Người Thái rất tôn sùng đạo Phật, hơn 90% dân số Thái Lan theo Phật giáo. Cũng như Hoàng gia, bạn không nên có ý bỡn cợt với đức Phật và nhà sư, không nên chụp ảnh cạnh tượng Phật. Đối với các bạn nữ, nên cẩn thận tránh chạm vào cơ thể của các nhà sư ở những nơi công cộng.

Zoey Hoa

Bài đăng phổ biến