Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Kinh nghiệm lái xe bên Mỹ

Hầu hết các tiểu bang ở Mỹ đều cho phép mọi người trên 18 tuổi khi đi du lịch tại Mỹ được quyền lái xe.

Họ có thể sử dụng bằng lái nơi quốc gia họ cư ngụ mà không cần phải đổi bằng lái (thường thì 30 ngày trở lại). Khi bạn có công việc làm ăn tại Mỹ và có giấy tờ chứng minh, thì bạn có thể lái xe từ 6 tháng hay hơn với bằng lái của nước bạn cấp (Nếu bạn muốn lái xe với thời hạn lâu hơn thì nên tìm hiểu luật tại tiểu bang mà bạn thường xuyên lái xe và xin cấp bằng lái tạm thời).

- Tốt nhất là bạn dịch bằng lái của bạn sang tiếng Anh và có công chứng. (Không nhất thiết phải đổi qua bằng lái quốc tế International Drivers License).

- Trước khi lái xe ra đường, bạn kiểm tra có đem theo giấy tờ tùy thân như: Visa du lịch, giấy công tác tại Mỹ và bằng lái xe của bạn.

- Nếu được, bạn nên mướn xe và mua bảo hiểm xe.

- Nên đọc "sổ tay hướng dẫn lái xe" của tiểu bang nơi bạn sẽ lái xe. Trên Google search, gõ chữ driver handbook với tên tiểu bang, thì bạn sẽ có được thông tin về "sổ tay hướng dẫn lái xe" tại tiểu bang đó, ví dụ gõ chữ "California driver handbook" chẳng hạn. Đừng coi thường điều này, khi bạn cho rằng luật và bảng chỉ dẫn tại Mỹ không khác mấy tại Việt Nam, tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới.

- Nên có người ngồi bên cạnh bạn khi bạn chưa quen đường và bảng chỉ dẫn đường xá ở bên Mỹ.

- Nếu bạn không có việc gì cần thiết, thì nên lái xe vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 3h chiều (khoảng thời gian này tương đối ít xe di chuyển trên đường phố).

- Không nên uống rượu mà lái xe.

- Trời có tuyết rơi hay đường bị đóng băng thì tốt nhất là ở nhà.

- Thắt dây an toàn và khóa cửa xe trước khi bạn lái xe đi đâu.

- Khi mà bạn đậu xe ngay ngã tư chờ đèn xanh để đi, nếu lúc đó có xe cảnh sát, xe cứu thương, hay xe chữa cháy hụ còi phía sau bạn thì bạn quan sát cẩn thận phía bên phải hoặc trái có chỗ trống thì bạn dời xe qua, hoặc bạn có thể vượt đèn đỏ nhưng phải hết sức thận trọng, vì khi xảy ra tai nạn bạn là người có lỗi.

Cảnh sát hay phạt khi nào?


- Những ngày cuối tháng thì cảnh sát hay dùng súng bắn tốc độ hơn là những ngày khác trong tháng (nghe nói rằng họ cần đạt chỉ tiêu biên phạt trong một tháng).

- Cảnh sát thường hay bắt những người lái xe quá tốc độ ngoài xa lộ, nếu bạn chạy nhanh trên tốc độ cho phép 10 mileage (hơn 16 cây số trở lên).

- Chạy xe nhanh hơn tốc độ cho phép ở khu vực trường học thì dễ bị cảnh sát bắt, cho dù bạn chạy nhanh hơn chỉ có 1-5 mileage (hơn 2 cây số trở lên). Trường hợp này áp dụng vào buổi sáng lúc học sinh đi học và buổi chiều lúc học sinh tan trường.

- Vào mỗi buổi sáng và chiều, khi xe Shool Bus chở học sinh dừng lại, có chớp đèn báo hiệu và có giương ra một bản STOP phía bên tài xế, thì bạn phải dừng xe của bạn lại, cho dù xe chở học sinh đậu bên kia đường. Đây là luật bất di bất dịch hàng mấy chục năm qua. Để cho an toàn bạn nhớ bật đèn chớp nháy xe của bạn trước khi bạn dừng hẳn xe lại, làm như vậy người lái xe từ phía sau xe của bạn sẽ để ý mà chậm lại. Chờ khi bảng STOP được xếp vào và đèn báo hiệu tắt thì bạn mới được quyền đi tiếp. Bạn sẽ đóng tiền phạt rất cao nếu bạn phạm luật này, lên đến $1000 tại bang Cali. Riêng tôi đã bị phạt $250 đô cách đây 20 năm về trước tại bang Maryland, chính vì tôi không đọc quyển "sổ tay hướng dẫn lái xe" nên không hiểu hết luật (vì lúc đó chỉ học tủ những câu hỏi cần thiết để thi lấy bằng lái mà thôi).

- Khi đèn đỏ mà bạn muốn quẹo phải thì bạn phải ngừng hẳn xe lại, nếu cảnh sát tình cờ thấy bạn không ngừng hẳn thì bạn sẽ bị phạt. Có chỗ bạn không được phép quẹo phải khi đèn đỏ hoặc bạn chỉ được phép quẹo phải khi đèn mũi tên hiện lên để quẹo phải.

Làm gì khi bạn lái xe tại Mỹ mà bị cảnh sát bắt?


Khi bạn thấy xe cảnh sát hú còi và chớp đèn phía sau xe của bạn, thì bạn nên chạy xe chậm lại, tìm chỗ an toàn bên lề phải mà dừng lại. Nếu bạn đang chạy ngoài xa lộ lúc ban đêm thì phải cẩn thận khi dừng lại, vì cũng có kẻ cướp chớp đèn pha, bắt bạn dừng lại chứ không hẳn là cảnh sát. Vì vậy bạn nên tìm cây xăng gần đó, hoặc chỗ có người qua lại mà đậu xe cho an toàn, rồi giải thích với cảnh sát tại sao bạn làm như vậy.

1. Khi dừng xe lại, bạn phải gạt cần số trở về vị trí đậu (P) và gài thắng phụ (parking brake).

2. Ngồi yên hoặc để hai tay trên vô lăng xe và chờ cảnh sát lại, khi cảnh sát ra hiệu thì bạn mới quay kính xe xuống một chừng một gang tay vừa đủ chỗ để nói chuyện. Cảnh sát sẽ yêu cầu bạn đưa bằng lái xe và giấy chủ quyền xe, bạn nên đưa bằng lái xe và giấy chủ quyền xe để cho cảnh sát kiểm tra, mặc dầu giấy chủ quyền xe đó thuộc về người khác (giấy chủ quyền xe thường để trong hộc trước của người ngồi bên cạnh tài xế). Nếu có đụng xe thì phải đưa thêm giấy bảo hiểm. Họ chỉ biên giấy phạt khi bạn phạm lỗi, nếu gặp cảnh sát hiền thì họ chỉ cảnh cáo thôi.

3. Bạn nên ký tên vào giấy tờ mặc dầu bạn không hiểu. Vì đây chỉ là biên lai cảnh cáo hay nộp phạt mà thôi, bởi vì cảnh sát Mỹ làm việc đúng luật và không bao giờ viết gì bậy bạ mà bắt bạn ký đâu nên bạn an tâm. Nếu bạn muốn phản đối gì thì bạn có thể ra toà, ra toà giao thông ở Mỹ là chuyện bình thường. Bạn có thể yêu cầu ngày ra toà hoặc bạn không đóng tiền phạt theo kỳ hạn, thì sau đó cơ quan giao thông sẽ gởi giấy mời bạn ra toà. Nếu như ra toà mà ngày hôm đó hên, không có người cảnh sát biên giấy phạt cho bạn ở đó, thì khi quan toà hỏi bạn có phạm luật không, thì bạn trả lời rằng không và quan tòa cũng không định tội bạn đâu. Bạn cũng không phải đóng một xu nào, mặc dù giấy phạt có ghi nộp phạt lên đến $200. Nhưng buồn thay, nếu cảnh sát biên giấy phạt cho bạn có ở đó thì bạn phải nói với quan tòa là bạn phạm luật, sau đó bạn trình bày sự việc như thế nào, nếu quan toà thấy bạn nói có lý, sẽ giảm tiền phạt xuống.

Đến Mỹ được mấy tháng và lấy bằng lái mới 12 ngày mà tôi đã bị phạt $250, vì không có dừng xe lại khi xe School Bus học sinh đã STOP. Tôi ra toà mà không cần luật sư, chỉ có người bạn theo làm thông dịch (vì lúc đó tiếng Anh của tôi chưa giỏi) tôi có chụp hình khúc đường tôi bị cảnh sát phạt, đưa cho quan toà xem và tôi tự biện hộ rằng đường quá lớn, mỗi bên có hai làn xe chạy rồi chính giữa có thêm làn xe để quẹo trái hay phải. Sau khi nghe tôi trình bày, quan tòa nói tôi phải cẩn thận khi có xe học sinh dừng lại, rồi giảm tiền phạt còn $40, cộng thêm phí tòa là $10, cả thảy tôi nộp phạt có $50 thay vì đóng phạt như biên lai ghi đến $250.

Cảnh sát giao thông bên Mỹ không có bao giờ nhận hối lộ (bởi vì không có ai đưa). Cảnh sát cũng không bao giờ câu lưu xe của bạn, khi bạn lỡ bỏ quên bằng lái ở nhà trong lúc bạn lái xe. Nhưng xe của bạn sẽ bị câu lưu nếu bạn uống rượu quá mức cho phép hoặc bị phát hiện có thuốc phiện trên đó, tất nhiên là bạn cũng bị còng tay và dẫn về đồn. Bạn làm theo yêu cầu của cảnh sát thì sẽ không có vấn đề gì.

Khi bạn bị đụng xe thì bạn phải làm gì?


- Điều đầu tiên là bạn phải bình tĩnh, lấy giấy và viết ghi số xe của đối phương, xe màu gì, hiệu gì, xe Mỹ hay xe Nhật... phòng khi họ bỏ chạy thì cảnh sát dễ tìm. Phần bạn lỡ có đụng xe thì không được bỏ chạy mà phải dừng xe lại, nếu bạn bỏ chạy thì cảnh sát có quyền bắt bạn bỏ tù khi mà họ điều tra ra bạn.

* Tội đụng xe mà bỏ chạy nặng hơn là tội bạn lỡ đụng xe làm chết một người mà bạn đứng lại để chờ cảnh sát đến lập biên bản.

- Nếu bạn có đụng xe ở chỗ đậu xe (parking) mặc dầu không có ai trên xe bạn cũng không được quyền bỏ đi. Bạn phải để tên hay số điện thoại của bạn lại bằng cách viết lên giấy, sau đó ghim mảnh giấy dưới cần quạt nước phía trước. Chuyện gì xảy ra khi bạn bỏ đi mà không để tên hay là số điện thoại lại? Tất nhiên là cảnh sát sẽ tìm đến bạn, do ai đó đã nhìn thấy bạn đụng xe mà bỏ đi báo cho cảnh sát. Tội bạn sẽ nặng hơn, bạn sẽ ra hầu toà không chừng, và nên nhớ chỗ parking bên Mỹ có camera nhiều lắm. Đã có người đánh con ngoài xe chỗ đậu parking, đã bị camera thu hình, tất nhiên người này đã bị bắt ngồi tù.

Nói chung bạn phải thật cẩn thận khi lái xe ở một nơi chưa quen biết đường xá và luật lệ.

Hồng Phương

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tháng 11 đi đâu ngắm hoa nở

Tháng 11 là một tháng đặc biệt đối với phượt thủ, bởi núi rừng thảo nguyên tràn ngập hoa nở: hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa dã quỳ. Với nắng vàng dịu của thu vẫn còn vương vấn cùng với tiết trời lành lạnh chớm đông thì không gì tuyệt vời hơn là được lang thang cuối tuần ngắm hoa nở và trải nghiệm văn hoá miền cao.

Dưới đây là những loài hoa nở vào tháng 11 và những địa điểm bạn có thể đi để ngắm chúng trong chương trình du lịch trong nước.

Hoa dã quỳ

Đà Lạt là nơi người ta nghĩ tới đầu tiên khi nhắc đến dã quỳ. Cứ đến tháng 11, dã quỳ lại nở rộ trên cao nguyên Lang Biang, vàng rực rỡ và căng tràn sức sống. Đoạn đường từ Đà Lạt đến D’ran là đoạn đường đẹp nhất cao nguyên Lang Biang. Hai bên là rừng thông, thung lũng sâu, đườn đèo uốn lượn. Nếu đi vào sáng sớm tinh mơ, bạn sẽ có cảm giác bồng bềnh trong mây và màu vàng của dã quỳ sẽ dẫn đường cho bạn vượt qua biển mây đó.




Ngoài Bắc, dã quỳ cũng nở nhiều trên những vạt đường Tây Bắc. Trong thị trấn nông trường Mộc Châu, khi đến Tân Lập, bạn sẽ nhìn thấy những cánh đồng hoa cải cùng với dã quỳ nở rộ.

Nếu không có điều kiện đi quá xa, bạn có thể tới Vườn Quốc gia Ba Vì để ngắm loài hoa báo đông luôn đúng hẹn này. Dã quỳ tại Ba Vì chỉ nở rộ trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần, từ giữa tháng 11.

Tam giác mạch

Cuối mùa thu trên những sườn núi ở vùng cao nguyên đá Hà Giang khi mùa vàng của ruộng bậc thang đã gần gặt xong, có một sắc màu khá lạ - màu hồng tím của hoa tam giác mạch. Nở rộ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, tam giác mạch có vòng đời khoảng 1 tháng, khi mới nở hoa có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm.

Xem thêm: Sự tích hoa Tam giác mạch




Tam giác mạch có ở Lào Cai (Mường Khương, Simicai, Bắc Hà, Bát Xát) và Cao Bằng nhưng đặc sắc nhất vẫn là ở Hà Giang – nơi có nhiều địa danh phủ sắc hoa tam giác mạch như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé… Hiện nay, có một số nơi trồng hoa (toàn bộ khu vực từ đường rẽ Sà Phìn vào Lũng Cú), nằm trong quy hoạch của tỉnh, có thu phí tham quan, chụp ảnh theo đoàn.

Hoa cải

Thời điểm cuối thu đầu đông là lúc Mộc Châu khoác lên mình sắc trắng của hoa cải. Cải được bà con gieo hạt vào khoảng đầu tháng 11 và nở hoa đẹp nhất từ cuối tháng 11 cho đến tận đầu mùa xuân (khoảng cuối tháng 12).

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu


Mặc dù hoa cải nở phủ kín các thung lũng và sườn đồi, nhưng hoa cải khu vực rừng thông Bản Áng mới là nơi đẹp nhất. Tại đây, hàng chục hecta cải nở hoa trắng xóa, chạy hút tầm mắt khiến cho ai lần đầu chạm mắt phải ngỡ ngàng. Khắp không gian rộng đến hàng chục hecta bao trùm một màu hoa cải trắng tinh khôi chen lẫn màu ngô non xanh biếc, điểm xuyết thêm sắc đỏ ấm áp của hoa trạng nguyên và màu nâu trầm của đất.

Ngoài hoa cải, lên Mộc Châu, bạn còn có thể ngắm màu xanh của các đồi chè và màu vàng ấm áp của dã quỳ. Với vẻ đẹp dịu dàng của núi đồi vùng cao và sắc trắng tinh khiết của hoa cải, nhiều đôi đã chọn nơi đây làm khung cảnh cho album ảnh cưới của mình.

Theo MASK

Kinh nghiệm một lần du lịch Hà Nội

Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến luôn cuốn hút du khách bởi nét cổ kính, yên bình lạ kỳ. Một chuyến tham quan quanh Hà Nội sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm khó quên về 36 khu phố nghề cổ kính của Hà Nội xưa, Văn miếu Quốc Tử Giám – biểu trưng của một thủ đô giàu truyền thống hiếu học, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn – trái tim của Tràng An Hà Nội, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Q. Tây Hồ – nơi an nghỉ ngàn thu của Bác Hồ kính yêu…

Hà nội đẹp nên thơ vào mùa thu

Khí hậu

Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho vùng Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều; mùa đông lạnh, ít mưa. Ở Hà Nội, từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa. Từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa đông thời tiết khô ráo. Giữa hai mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng.

Thời gian du lịch

Thời gian tuyệt nhất để du lịch ở Hà Nội là từ tháng 9 đến tháng 11 hay từ tháng 3 đến tháng 4 lúc thời tiết êm dịu và ấm áp. Từ tháng 11 đến tháng 3 ít mưa hơn nhưng thời tiết có khi rét đậm rét hại, nhất là vào buổi tối. Còn từ tháng 5 đến tháng 9, tiết trời oi bức, thỉnh thoảng có mưa lớn.

Di chuyển

Từ TP.HCM, bạn có thể đi ra Hà Nội bằng tàu hỏa, ô tô hoặc máy bay.
Đặt vé tàu từ TP.HCM ra Hà Nội tại ga Sài Gòn: 01 Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TPHCM, ĐT: 08. 39 318 952. Hiện nay có nhiều loại vé cho bạn chọn (ghế cứng, ghế mềm, giường nằm có máy lạnh…), giá từ khoảng 782.000VND/vé/người trở lên. Tàu dừng tại ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn.

Nếu đi ô tô, bạn có thể chọn các hãng như Hoàng Long (ĐT: 0988 259 568), xe Mai Linh (08 39292929), xe Tân Đạt ((08) 218.1056 – 090.66.88.567)… Xe khởi hành từ bến xe Miền Đông, ghế ngồi và giường nằm giá từ 550.000VND/vé, đã bao gồm thức ăn và nước uống. Thời gian đi ô tô khoảng dưới 60 giờ do xe phải dừng lại vào các bữa ăn nên sẽ lâu hơn tàu hỏa.

Máy bay là phương tiện di chuyển nhanh nhất ra Hà Nội đồng thời giá cũng cao nhất. Thời gian bay là 1h45 phút, thời gian chờ đợi làm thủ tục khoảng 2 giờ, tổng thời gian bạn di chuyển từ TP.HCM đến trung tâm Hà Nội khoảng 5 tiếng đồng hồ. Giá vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội có nhiều mức, dao động từ 1,2 triệu đồng/vé/người trở lên.

Cách di chuyển từ sân bay về trung tâm Hà Nội

1. Đi bằng xe ô tô của sân bay

- Xe ô tô khách của sân bay có giá 35.000VND/người xe về đến số 1 phố Quang Trung, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội (xe của sân bay Nội Bài hoặc xe hãng đỗ tại đó – mình ko nhớ tên).

- Nếu bạn đi Jestar, hãng này có ô tô đưa về đến số 204 Trần Quang Khải, giá cũng 30.000 – 35.000VND/người

Từ 2 điểm trên bạn có thể bắt xe taxi hoặc xe ôm để về địa điểm mong muốn. Nhớ hỏi kỹ giá cả ngay từ đầu.

2. Đi bằng xe taxi


Ra khỏi sân bay rẽ tay phải là có rất nhiều xe taxi đỗ ở đó, bạn nên chọn hãng có tên biển gắn tại chỗ dành cho xe taxi. Trước khi lên xe, hãy hỏi giá và yêu cầu trả trọn gói từ sân bay về đến địa điểm bạn mong muốn. Về đến trung tâm Hà Nội thì hiện nay giá khoảng 300.000VND.

3. Đi bằng xe buýt

- Bạn ra đường lớn bắt xe buýt sỗ 7 về bãi chung chuyển Cầu Giấy hết khoảng 4.000VND. Tiếp đó bắt xe 32 hoặc 25 từ đây về bến xe Giáp Bát hết khoảng 4.000VND nữa.

- Bạn cũng có thể bắt xe số 17 từ sân bay Nội Bài về Long Biên giá khoảng 4.000 – 6.000VND.

Đi xe buýt có ưu điểm là giá rẻ nhưng phải chờ đợi, hên xui là lâu hoặc nhanh nhé! Ngoài ra nếu mà nhiều hành lý thì cũng không tiện lắm đâu.

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Xe máy là phương tiện di chuyển thuận lợi nhất ở Hà Nội

Đi lại tham quan ở Hà Nội

Các điểm tham quan ở Hà Nội không quá xa nhau nên bạn có thể thuê xe máy và tự lái đi tham quan. Muốn thuê được xe bạn phải đặt chứng minh thư và từ 4 – 10 triệu đồng (tùy xe). Giá thuê từ 10.000 – 15.000 VND/giờ và 60.000 – 100.000 VND/ngày. Một số địa chỉ: Số 5 Đinh liệt, 53 Trần Hưng Đạo, 23 E Hai Bà Trưng…

Tất nhiên bạn cũng có thể chọn phương tiện khác là xe ôm hay taxi. Mẹo nhỏ cho bạn là nên hỏi giá và trả giá trước khi đi bất cứ đâu.

Khách sạn

Số lượng khách sạn ở Hà Nội trên iVIVU là gần 300. Bên cạnh những khách sạn 5 sao sang trọng với giá phòng lên đến vài triệu đồng/đêm cũng có rất nhiều khách sạn 1 và 2 sao giá rẻ – giá thấp nhất từ 92.000 VND/phòng/đêm. Khu vực phố cổ tập trung mật độ khách sạn dày đặc, rất tiện cho bạn nghỉ ngơi và lên lịch trình thăm thú tất cả những địa danh nổi bật tại Hà Nội.

Một số điểm tham quan thú vị khi đến Hà Nội

Một số địa danh chỉ cách trung tâm Hà Nội một vài km như: Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà hát lớn Hà Nội, di tích nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long

Cổng vào làng cổ Đường Lâm

Xa hơn thì có bảo tàng dân tộc học Việt Nam, làng cổ Đường Lâm (thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km), làng lụa Vạn Phúc (thuộc P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 10 km), làng gốm Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km), thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương (cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), Chùa Hương (quần thể nhiều ngôi chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km), Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km)…

Các khu mua sắm

1. Phố Hàng Bạc

Là một trong những con phố lâu đời nhất ở thủ đô Hà Nội có truyền thống làm bạc từ thế kỷ XIII khi các miếng bạc được mang tới đây từ các ngôi làng nông thôn theo sắc lệnh của vua Lê Thánh Tông. Các hàng hóa làm bằng bạc vẫn còn được sản xuất ở đây với các công nghệ chế tạo bí mật được truyền từ nhiều thế hệ. Đây là một con phố quyến rũ có bề dày lịch sử và văn hóa để du khách khám phá về kim hoàn Việt Nam. Thời gian mở cửa: 10:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

2. Phố Hàng Gai


Hay còn được gọi là phố tơ lụa, nhiều sản phẩm được dệt nên bởi bàn tay những thợ thủ công tài hoa. Kinh nghiệm khi mua là nên bắt đầu trả giá khoảng 50% so với mức giá người bán đưa ra và trả tiền không quá 70% giá ban đầu. Đây cũng là con phố tuyệt vời để mua các sản phẩm làm bằng giấy như tranh vẽ, quyển sổ, đèn…Thời gian mở cửa: 09:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

3. Chợ Đồng Xuân


Là ngôi chợ lớn nhất ở Hà Nội và luôn nằm trong danh sách các điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến đây. Chợ thường bán đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc quần áo… Chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt thứ 7 còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ đặc sắc. Suốt dọc tuyến phố đi bộ Hàng Đào và chợ đêm Đồng Xuân, du khách có thể khám phá một phố cổ Hà Nội lung linh trong ánh đèn và mua sắm những hàng lưu niệm. Thời gian mở cửa: 07:00 – 21:00 giờ. Địa điểm: Số 1 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 900m về hướng Bắc. Chợ đêm Hà Nội họp từ: 7h00 – 12h00, tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Địa điểm: Dọc phố Hàng Đào và quanh chợ Đồng Xuân

Món ngon Hà Nội


Ẩm thực Hà Nội đặc trưng bởi vị thanh, ngọt, nhẹ nhàng như phong thái người Tràng An xưa nay. Song cùng với sự phát triển về mọi mặt, ẩm thực Hà Nội cũng du nhập những tinh hoa của nhiều vùng miền trên cả nước, biến đổi theo phong cách riêng. Những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất ở Hà Nội gồm có: Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, nộm bò khô, các món ăn từ vịt, kem Tràng Tiền, ốc luộc, chân gà nướng, bún ốc, nem tai Bà Hồng…

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Bánh tôm Hồ Tây


Ngoài ra, một số món ăn ít phổ biến hơn nhưng cũng rất đặc trưng cho ẩm thực thủ đô gồm: Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh dày Quán Gánh, Bánh Tôm Hồ Tây, bún thang, bún mọc, đậu phụ Mơ, giò chả Ước Lễ, bún đậu mắm tôm…

Xem thêm: 10 món ngon không thể bỏ qua ở Hà Nội

Mua quà Hà Nội cho bạn bè và người thân

Cốm làng Vòng


Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng. Cốm thường có vào đầu mùa thu. Nếu được bạn nên nhờ người quen ở Hà Nội mua dùm để mua đúng loại cốm ngon, giá hợp lý.

Cốm làng Vòng

Ô mai Hàng Đường


Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như: mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít… Trên phố hàng Đường có nhiều hiệu ô mai lâu đời và nổi tiếng như: Tiến Thịnh (số 21 Hàng Đường), Gia Lợi (16 Hàng Đường), Gia Thịnh (13 Hàng Đường), Hồng Lam (11 Hàng Đường). Ngoài ra, hiệu ô mai Vạn Lợi ở 38A phố Hàng Da (Q. Hoàn Kiếm) cũng rất nổi tiếng. Giá ô mai các loại dao động từ 7.000 – 12.000 VND/lạng, bạn có thể mua theo lạng hoặc mua các hộp đã đóng sẵn.

Bánh cốm Hàng Than


Để có một chiếc bánh cốm thơm ngon tinh khiết, người làm bánh phải chọn những hạt cốm đuợc làm từ hạt thóc nếp già, cho ra loại cốm già loại một, cốm đều, mịn màng, thơm, tinh khiết, không mốc, không chua. Cốm được làm ra cho vào hũ tránh mốc, ẩm để có thể làm bánh được quanh năm. Tuy nhiên, bánh cốm ngon nhất vẫn là bánh được làm vào mùa thu, mùa cốm. Bánh cốm nổi tiếng nhất Hà Nội được bày bán trên phố Hàng Than, nổi tiếng nhất là cửa hàng Nguyên Ninh số 11 dốc Hàng Than. Hiện nay giá bánh từ 5.000 – 6.000 VND/chiếc.

Lụa Hàng Gai, lụa làng Vạn Phúc


Một số cửa hàng bán lụa có uy tín ở phố Hàng Gai gồm: Khai silk, Công Silk, Hà Đông silk, Thao Silk, Lê Minh, Tân Mỹ. Tại mỗi cửa hàng đều niêm yết giá, giá ở đây nhỉnh hơn so với tại làng lụa Vạn Phúc.

Khăn lụa Vạn Phúc

Ở làng Vạn Phúc, bạn có thể trả giá để giảm từ 20%-30%. Tuy nhiên, một số cửa hiệu lớn trong làng đã niêm yết giá nên bạn khó lòng được giảm. Cửa hàng lụa nổi tiếng nhất tại làng lụa Vạn Phúc là Dung Từ. Có thể đến tận xưởng để mua lụa xịn, khổ rộng, giá khoảng 100 – 200.000 VND/mét.

Tại Hàng Gai cũng như làng Vạn Phúc cũng có nhiều cửa hàng bán lụa giá rẻ nhưng chất lượng khó bảo đảm. Mẹo kiểm tra lụa là thử kéo mạnh mép vải, lụa không bị xô hoặc rút sợi lụa xịn ra đốt sẽ có than rơi lả tả, chứ không còn nguyên hình sợi vải.


Bài đăng phổ biến