Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

8 trung tâm mua sắm tại Bangkok - Thái Lan

Đi du lịch Thái Lan ngoài việc xem kiến trúc chùa vàng các bạn còn được mua sắm thỏa thích, hôm này mời bạn tham khảo một số trung tâm mua sắm tại Bangkok như: Gaysorn Bangkok, MBK, Siam Paragon,...

Gaysorn Bangkok

Địa chỉ: 999 Ploenchit Road, Ratchaprasong Junction
Giờ mở cửa: 10:00 - 20:00
trung tâm mua sắm tiêu chuẩn quốc tế nổi bật với các nhãn hiệu nổi tiếng của Thái và quốc tế cùng các nhà hàng thanh lịch, một điểm phải đến đối với những ai thích các nhãn hiệu thời trang.

MBK (MahBoonKrong)

Địa chỉ: cnr Th Phra Ram I & Th Phayathai Siam Sq
Giờ mở cửa: 10:00 - 22.00
Trung tâm MBK là một tòa nhà 8 tầng lớn, được coi là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất Châu Á. Nơi đây có khoảng hơn 2000 cửa hàng và dich vụ, bao gồm 150 điểm ăn uống và nhiều phòng chiếu phim lớn. MBK vẫn tấp nập hơn cả so với những trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok, phần vì tại đây hàng hóa phong phú, "thượng vàng", "hạ cám" đều đa dạng.

MBK đã nổi tiếng từ rất lâu với du khách Việt. MBK dành cho khách thích hàng giá rẻ (ví dụ như giày giá 7 dollar Úc), đây là nơi tốt nhất cho khách thích mua sắm trong không khí phố chợ nhưng được trang bị máy điều hoà. Cửa hàng có vô số quầy bán mọi mặt hàng từ áo quần, hàng da, đồ trang sức, thời trang đến đồ điện, đồ gỗ, mỹ phẩm và các mặt hàng quà lưu niệm. Đây là điểm đến không thể bỏ lỡ.

Siam Paragon

Địa chỉ: 991/1 Th Phra Ram I, Siam Sq
Giờ mở cửa: 10:00 - 22:00
Từ ngày khai trương vào cuối năm 2005 đến nay, Siam Paragon - niềm tự hào Bangkok là khu mua sắm có diện tích lớn nhất (80.000m²), gian hàng shopping to nhất (2.000m²) Thái Lan.

Siam Paragon nằm trên phố Sukhumvit tại quảng trường Siam BTS Skytrain, gần trung tâm Siam và các gian hàng mua sắm Siam Discovery. Khu mua sắm này hội tụ vô số các thương hiệu cao cấp nhất như Chanel, Dolce & Gabbana, Escada, Gucci, Versace... Với hơn 40 nhãn hiệu thời trang quốc tế và trong nước, các nhãn hiệu đồng hồ và kim hoàn nổi tiếng, các bể nuôi cá khổng lồ, khu phức hợp 5 tầng này đã nhanh chóng trở thành trung tâm mua sắm chính của thành phố. Ngoài ra trung tâm còn có nhà hát Siam Opera 1.600 ghế.

Central World

Central World là trung tâm mua sắm lớn nhất ở khu thương mại Bangkok là một mê cung các cửa hàng, nhà hàng và điểm giải trí gồm có rạp chiếu phim, sân trượt patin và cửa hàng Thái miễn thuế. Central World chuyên dành cho mua sắm hàng xa xỉ nổi tiếng ở Bangkok, cách Pratunam 15-20 phút đi bộ. Trung tâm mua sắm này rất rộng nhưng không đông khách lắm, có lẽ vì mặt hàng chủ yếu tại đây là hàng thương hiệu. Nếu bạn tìm mua đồ Zara, G2000, SWatch... thì không thể không đến đây.

Nhìn từ bên ngoài, Central World trông giống như một khối hình hộp chữ nhật lớn. Tòa nhà không phải là sự kết hợp của một vẻ đẹp hay kiến trúc phức tạp, nhưng kiểu cách cấu trúc xây dựng rất bắt mắt. Ở phía trước của Central World, có một quảng trường hình chữ nhật rộng lớn. Vào buổi tối, các đám đông lớn thường tập hợp tại đây để hóng mát, thưởng thức thức uống ở các quầy bar mở.

Tuy nhiên, giống như Siam Paragon không nhộn nhịp và tấp nập như các địa điểm khác do phân khúc cho các sản phẩm thời trang cao cấp.

Central Department Stores

Một loạt các cửa hàng tổng hợp trung tâm là đầu mối bán lẻ lớn nhất ở Thái Lan với các cửa hiệu bách hoá, cửa hàng đặc sản, siêu thị, siêu thị mini, và cửa hàng lớn đa dạng dịch vụ.

Emporium

Địa chỉ: 622 Th Sukhumvit, cnr Soi 24
Giờ mở cửa: 10:00 - 22:00
Cung ứng các nhãn hiệu nổi tiếng với giá đặc biệt. Đây là trung tâm mua sắm thời trang và đắc tiền có các cửa hàng bán nhiều loại sản phẩm đặc biệt giúp bạn có thể mua đủ mọi thứ tại một nơi mà thôi. Eporium có các cửa hiệu hàng thời trang, quán cà phê, siêu thị, các cửa hàng sách và một số nhà hàng bán thức ăn ngon.

Trung tâm thời trang Platinum

Là một trung tâm mua sắm mới, Platinum mang đến cho khách hàng của mình những xu hướng thời trang với nhiều lựa chọn và mọi mức giá, phù hợp với đại đa số tầng lớp xã hội, tuổi tác…

Platinum cung cấp các sản phẩm ở mức giá phải chăng, đặc biệt khi bạn mua nhiều (từ 3 sản phẩm) và nếu có đông bạn bè, người thân để mua quà, đây là một nơi hoàn toàn thích hợp. Có những cửa hàng cho phép bạn kết hợp nhiều sản phẩm với nhau, chứ không nhất thiết mua cùng một sản phẩm với số lượng nhiều. Giá mỗi mặt hàng ở đây thường rẻ hơn 30% so với thị trường bên ngoài.

Trung tâm tin học Pantip Plaza

Đây là một siêu thị phức hợp với nhiều tầng, bán tất cả những gì liên quan đến tin học. Tại đây, bạn có thể tìm thấy những phần mềm với phiên bản mới nhất, chuột không dây, ổ CD-Rom... của tất cả các hãng nổi tiếng trên toàn thế giới hay ở Thái Lan, từ cao cấp đến bình dân với các thang giá rất đa dạng. Ngoài ra bạn còn có thể mua các đồ điện tử khác


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Một lần trải nghiệm du lịch Hy Lạp

Người Hy Lạp uống loại cà phê đen, đậm và xay mịn gọi là kafedaki. Thứ thức uống truyền thống này được pha trong bình có tay cầm dài gọi là briki. Những bình briki được rót vào hai, bốn hoặc sáu cốc. Cà phê Hy Lạp không nên rót nhiều vì nó có lớp bọt nổi lên trên, thứ bọt đó được cho là mang theo may mắn, nhưng lại rất dễ tan ra. Cà phê được uống không đường, ngọt vừa hoặc rất ngọt và kèm theo một ly nước lạnh
Một hòn đảo của Hy Lạp trong vùng biển Ionian.

Một và thông tin cần biết khi đến Hy Lạp:


1. Chuẩn bị ổ cắm nếu bạn mang theo sạc điện thoại hay máy tính xách tay, dao cạo râu điện.... Ổ cắm ở Hy Lạp thụt tít vào trong tường đến 3 - 4cm. Chỉ có loại ổ cắm dẹt dẹt mới chui vào được.

2. Khi đặt KS, đi TX v.v.v... đều phải thoả thuận trước giá cả rõ ràng, hoặc có confirm bằng email nếu KS bạn đặt có email. Nhiều khi họ hay bất ngờ tăng giá 1 cách lạ lùng.

3. Khi đến SB bạn có thể lấy bản đồ tàu điện và Metro. Vì Athens cũng nhỏ nên đi lại rất tiện, Ga thường ở sát những trung tâm giải trí hoặc thắng cảnh.

4. Ở Athens chỉ nên ở 2 đến 3 ngày, arrival ngày T1 đi chơi rồi tối hoặc chiều hôm sau đi ra cảng mua vé Ferry mà đi chơi.
LE ở đến 4 ngày, chẳng có việc gì làm, chân tay thừa thãi thành ra lại mua bán ăn uống nhiều quá, tốn tiền.

5. Đi du lịch Hy Lạp vào mùa offseason thì giá cả rất rẻ, đặc biệt là đến các đảo. Tránh tháng 7, 8 rất đông, ngoài ra vào tầm T3,4 và đầu tháng 5 bạn có thể kiếm được những căn nhà nghỉ cực ngon lành, hoặc căn hộ gia đình có bếp tự nấu ăn với giá ~ 50EUR (Cho 2 - 3 người nếu bạn đi theo nhóm)

Trải nghiệm du lịch Hy Lạp

Đi chơi thôi, cái đầu gọi cái chân...sau khi xem xét lịch trình tôi lên máy bay đi Hy Lạp

Sau 4 ngày ở Athens cũng tù túng nên quyết định tiếp tục hành trình. Đi tàu du lịch Ý thì không có xiền nên LE quyết định đi Sifnos, một hòn đảo tít tắp ngoài khơi của Hi Lạp, . Đi thì đi ngán gì đời gái. Chuyến đi này thành công dữ dội nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là chuyện leo trèo thám hiểm không mang bản đồ

Đảo nào ở Hi Lạp cũng là núi cả, Sifnos cũng vậy. Ngoài khu cảng ra các thành phố đều ở lưng chừng núi hoặc ở những mỏm núi hiên ngang chĩa thẳng ra biển.
Sau 3h đi biển bằng speed boat LE đã hạ cánh an toàn ở Sifnos. Thuê 1 con xe máy bự tổ chảng, chằng kỹ hành lý ở sau xe rồi phi thẳng từ Agia Marina (cảng) về Appolonia - Thủ đô của Sifnos - cũng là đỉnh cao nhất của hòn đảo.

Chiếc xe Suzuki gào rú khi đi loanh quanh các sườn núi, như 1 con thú hoang được xổng chuồng. Thường những con đường thế này được gọi là đường cổ điển ở Châu âu vì hầu hết những con đường mới xây đều có cầu vượt, đào hào thông qua núi..vv.. chứ không ngoằn nghèo cheo leo như thế này. Châu Âu vào mùa hè phải đến 8 -9 h mới bắt đầu tối, nên khi LE đặt chân lên đảo lúc 6h thì vẫn đủ thời gian để ngắm cho đã mắt những cảnh vật khoẻ mạnh, vững chãi, mạnh mẽ của thiên nhiên nơi đây.

Vào đến TT của Apolonia thì có 1 cái trạm thông tin KS, nhà hàng vvvv ở lưng chừng đồi, tớ vớ bừa 1 cái KS có tên rất Ý là Mama-mia, nằm trên 1 khu đất đầy cây ôliu và hoa xương rồng. Giá phòng 20EUR 1 đêm có bếp để nấu ăn, có 1 phòng khách 1 phòng ngủ, ban công rộng bao quanh nhà., ngoài ra còn có 1 đống trang thiết bị khác như bàn ghế uống trà ngoài sân,. ghế tắm nắng vvv., đúng là sướng quá thế mới gọi là giá cả chứ. Đường lên “nhà mới” khá là cao, phải leo chừng 10’ mới đến nếu đi theo những bậc thang đá trắng, còn nếu phi xe máy theo đường xi măng lên thì chừng 5’. Ngồi trên lan can nhà có thể nhìn thấy biển đằng xa và sau lưng là núi non hung vĩ. Ngôi nhà màu xanh lá cây nhạt, bàn ghế trắng, đệm trắng, chăn xanh, cả phòng ngủ 3 mặt là cửa kính,. phòng khách cũng tràn ngập ánh nắng., đây đúng là nơi lý tưởng nếu đôi vợ chồng nào muốn ở tuần trăng mật, tuy nhiên LE sở hữu căn nhà 1 mình.

Những ngày nghỉ ngơi bắt đầu, chiều chiều đi mua bánh mỳ, mứt, rau và gạo để sang có thể nấu ăn, trưa là vác xe máy đi chiến đấu. Đến tối mịt mới về nhà, nấu 1 nồi cháo pha 1 ấm trà bê ra sảnh ngồi đọc sách. KS không có TV, chẳng có đài đóm gì nhưng bù lại tớ đang có trong tay đến 5 quyển sách mới chẳng có gì ngăn cản mình đọc sách cả.

Để tớ kể cho mọi người nghe về Sifnos,. nếu ai đã đến Hi Lạp chắc không còn ngạc nhiên vì những màu sắc nữa, trắng và xanh, những ngôi nhà vườn, biển, trời, cối xay gió.vv.
Sifnos cũng vậy, nhưng mạnh mẽ hơn với kiến trúc dựa vào núi, vượt lên độ cao của đồi.

Chiếc xe máy nhiều khi cũng vô dụng. LE phải nhờ đến đôi xăng đan, sang nai nịt gọn gàng mới có thể leo lên để khám phá, cả nửa ngày phải làm quen với động từ leo lên. Những bậc thang đá nối nhau không mệt mỏi, ngoằn nghèo lên cao hơn cao hơn dẫn qua những ngôi làng, khi hết làng thì lại gặp đường đất tít mít, những con la, lừa lầm lũi thồ những bọc hàng cho chủ.

Lần đầu tiên leo bộ LE đã say Sifnos như điếu đổ., say từ cái màu trắng mênh mang, những mái vòm xanh da trời, chú thích thêm là những mái vòm đó là mái nhà thờ, chỉ có mái nhà thờ mới được sơn xanh, ngoài ra các cửa sổ cũng có màu xanh ngăn ngắt ấy… Chấm phá trong sắc màu con người tạo nên, điều kỳ lạ ở Sifnos là do thiên nhiên chấm phá., những cây chanh vàng trĩu trịt sai đến nỗi có cảm giác là cây nhựa ( và chắc chắn bài Lemon tree được viết ở Sifnos), những bông hoa xương rồng tím ngắt đến kỳ lạ, màu của hoa cúc dại vàng rực hai bên đường…Khi đi qua làng thì LE chạm đến đỉnh núi, trên đỉnh núi gió thổi hoang dại, cây cối cũng hoang dại, những phiên dậu bằng đá dẹt chồng lên nhau, những ngôi nhà bằng đá dẹt hoang phế…nhưng sau chỗ ngoặt 1 ngôi nhà trắng hiện ra với Pin mặt trời, khói quấn quít trên nóc nhà…Sự hiện hữu của ngôi nhà làm tôi ngạc nhiên đến nỗi gần như bước vào sân nhà. Ngạc nghiên hơn là người chủ nhà bước ra và cười tươi đến nỗi tôi nghĩ đó là mặt trời vậy, người phụ nữ trẻ có mái tóc vàng mặc quần “sịp” áo phông đỏ và bế 1 thằng nhóc mắt xanh biếc đang cười hi hi …Đặc biệt hơn nữa đó là 1 gia đình nguời Đan Mạch, người phụ nữ đó là con gái của 2 vị chủ nhà, Nana và Piere, Piere đã xây ngôi nhà trên đồi này cách đây 14 năm, sau khi Nana ( luật sư) nghỉ hưu thì họ chuyển về đây sống. 3 hôm nữa là SN Piere nên cả gia đình bay từ Đan Mạch sang. Họ là những người rất nồng ấm, thậm chí còn hơi lôi thôi, nhà cửa như người sống trong hang, quần áo vắt khắp nơi, cô con gái là kỹ sư hàng không nên trông càng máu lửa… tôi bị nghẽn ở gia đình họ đến gần trưa, trèo lên mái nhà đọc Stepen King, ăn bánh mỳ, chơi với thằng cu con. Hôm đó là T7, ngày hôm sau sẽ là CN, CN ở Đảo tất cả các gia đình sẽ nghỉ làm việc, các cửa tiệm sẽ đóng, các du khách khi đến các đảo nên biết quy luật này.

Tôi tiếp tục lên đường lúc 11h trưa, Piere vác thằng cháu lên vai, tay xách cái niêu đất cùng đi với tôi xuống mé đồi bên kia. Trong niêu đất mà Piere xách có thịt, đậu cứng, hành tây xẳt nhỏ và 1 số gia vị khác như ớt, cheese… Đây là 1 truyền thống thú vị ở đảo. Các lò bánh mỳ sẽ dừng nướng bánh vào trưa T7 vì CN là ngày nghỉ nhưng tất nhiên lò bánh vẫn nóng than, chính vì thế các gia đình cứ trưa T7 lại chuận bị nón ninh đem xuống lò bánh mỳ trong làng để đút nhờ,. đến sáng CN sau khi đi lễ nhà thờ sẽ qua lò bánh lấy nồi ninh nhà mình về ăn trưa. Tôi rất háo hức được nếm thử món này vì thế sau khi chia tay Piere tôi đã có cái hẹn ăn trưa cho ngày CN… Đi theo hướng Piere chỉ đường lên 1 quả đồi khác rồi đi xuyên qua thành phố
Artemonas để về nhà, theo ông thì quãng đường này sẽ chiếm 3h đi bộ của tôi.

Hồ hởi tôi bắt tay đi ngay, qua những vườn ô liu đầy hoa, qua những ngôi nhà thờ hoang vắng… tôi lại nhìn thấy biển trước mặt, máu đi ra biển tôi hăm hở dấn bước… nhưng đi mãi mà không đến biển cho đến khoảng 30’ sau thì tôi đến đường cái con đuờng men theo mép vực ngoằn nghèo dẫn lên lưng chừng núi rồi mất hút theo chỗ ngoặt… Quay lại đường cũ để về thì không phải tính cách của tôi nên tôi dấn bước đi men theo đường cái, tự đánh giá hướng đi để có thể về nhà. Vì vụ đi lạc này mà tôi đuợc chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp tuyệt vời của mé bên này hòn đảo, thầm hứa nếu tôi về được nhà nhất định sẽ lôi xe quay lại đây…chặng đường về nhà thật chẳng mấy dễ dàng, trời nắng chang chang, chỉ có 1 chai nước với mẩu bánh mì tôi nghiến ngấu hết để có sức leo.. càng leo con đường càng dài hun hút trước mặt dài đến nản chí,, khi chạm đến ngôi làng đầu tiên cheo leo trên núi tôi quết định nhảy vào làng, công nhận phong cảnh trong làng đẹp quên sầu luôn nên thân tôi cũng đỡ mệt, mắt không ngừng tìm kiếm mái nhà thờ quen thuộc của Apolonia…

Cũng may là tôi đã đi qua được 1 ngôi làng nên lòng tự tin được củng cố. Tôi tiếp tục định hướng theo ngọn núi cao nhất đảo mà từ cửa sổ phòng ngủ tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ trên đỉnh để đi về…
Lê lết thân tôi qua thêm 1 ngôi làng đẹp hơn cả trong mơ nữa thì tôi bắt đầu đổ dốc., như vậy có nghĩa là tôi đã đi qua 2 ngọn núi và nhiệm vụ của tôi là phải tìm được ngọn núi T3 là Apolonia.Nhưng cứ men theo sườn đồi mãi thì tôi cũng vẫn chưa tìm được apolonia thân yêu của tôi. Xin chú thích là đây là ngày T2 tôi ở đảo, chưa đi hết đảo được. Âu cũng là cái dại của tôi. Lúc này đã là 5h chiều, thú thực là tôi đã phải dừng lại nạp năng lượng 1 lần ở 1 siêu thị trong làng bằng kem và nước ưống. Khi đi đến 1 ngã 3 có biển chỉ về Kastrop, 1 biển chỉ thẳng ra Vitha nhìn trước mặt là mênh mông làng xóm xanh trắng như nhau, tôi gần như phát điên., lúc này còn điên thật vì tôi chợt nhớ ra là đã bỏ quên cái túi đeo hông ở nhà Piere khi tôi tháo nó ra trong nhà tắm, mà trong túi lại có chìa khoá KS.

Tôi ngôì giữa ngã 3 đường, mệt mỏi, chân mỏi nhừ nhừ thì đúng lúc ấy tôi nhìn thấy Philipo ông chủ nhà hàng Mamamia, tôi lao ra đường hét ầm lên Philipo, có lẽ ông ta chưa bao giờ thấy khách hàng nào lại yêu quý mình như thế nên cười rất tươi. Khi lao đến chỗ ông ta dừng xe tôi len lén nhìn lên, đó chính là con đường dẫn lên KS, cha mẹ ơi, tôi cười rất tuơi và nói “ Tối tôi xuống ăn Pizza nhé” Philipo cười và phóng đi. Cũng lạ, chỉ cách 1 vách núi nhô ra mà tôi không nhận ra đường về nhà… Leo lên đồi tôi nằm phịch ngoài sân đến hơn 1 tiếng rồi lại lụi hụi leo lên đỉnh núi để lấy chìa khoá vào nhà… Đêm ấy sau khi ăn 1 cái Pizza to đùng, tôi về nhà leo lên giưòng ngủ 1 mạch. Mệt mỏi và sung sướng…. Lại sẵn sàng cho 1 ngày mới sắp đến….


Cẩm nang du lịch Thái Lan

Dưới đây là kinh nghiệm du lịch Thái Lan được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet. Du khách muốn đi du lịch Thái Lan có thể tham khảo.

Mấy điều cơ bản cần nhớ: 

1. Luôn mang theo hộ chiếu bên người, để ở nơi kín nhất, không để chung với tiền bạc hoặc những giấy tờ hay rút ra rút vào khác.

2. Ghi sẵn điện thoại của Đại sứ quán VN tại Thái Lan, phòng khi xảy ra trường hợp không mong muốn. Hoặc liên lạc với TAT (cơ quan quản lý du lịch ở Thái Lan), tổ chức này khá cởi mở và nhiệt tình.

Địa chỉ ĐSQ VN tại Thái Lan: 83/1 Wireless Road, Pathumwan, BKK 10330; Tel: 0-2251-5836-7-8; Fax: 0-2251-7203;
Email: [email protected].

3. Người Thái Lan nói tiếng Anh tốt và theo cách rất dễ hiểu, không cần quá căng thẳng khi dùng tiếng Anh. Trong trường hợp không nói được tiếng Anh, có thể nói… tiếng Việt, đôi khi họ cũng hiểu.

4. Khi trả giá, chỉ cần bấm số trên máy tính (bất kỳ shop, cửa hàng, ki ốt nào cũng có máy tính). Nói chung họ nói thách ít, trừ một số chợ “nổi tiếng” như Patpong.

5. Luôn mang theo bản đồ để không bị tuk tuk chặt chém. Bản đồ phát miễn phí không hạn chế số lượng ở ngay sân bay, xuống máy bay nên cầm ngay 2-3 tờ bản đồ (phòng khi giở ra nhiều quá mà nát cả bản đồ.

Đặt vé:


Vé máy bay giá rẻ hiện giờ rất nhiều hãng cung cấp. Các bạn có thể chọn Air Asia (www.airasia.com) hoặc Nok Air (www.nokair.com), càng đặt sớm vé càng rẻ. Đặt online rẻ hơn đặt tại phòng vé rất nhiều, nhưng muốn đặt online thì phải có thẻ tín dụng (tốt nhất là Visa credit card) hoặc thẻ debit. Giá vé khoảng từ 80$-160$/người khứ hồi, tùy thời gian và tùy hãng. Nếu đi máy bay giá rẻ, bạn nhớ mang theo ít đồ ăn vì trên máy bay không có suất ăn (thực ra họ không cho phép ăn đồ mà mình mang theo, nhưng nếu mình giở ra ăn rồi thì họ cũng không nói gì).

Nếu đi máy bay giá rẻ, bạn nên lưu ý ra sớm mà xếp hàng để được chọn chỗ ngồi trước, vì trên máy bay và trên vé không có ghi số ghế, lỡ phải ngồi ở đuôi máy bay thì sẽ mệt hơn. Một lưu ý quan trọng khác là kích thước hành lý và tiền quá cước. Mỗi vé chỉ được 15kg hành lý gửi và 2 túi xách tay theo người thôi (túi xách tay không hạn chế kg, chỉ hạn chế kích thước, vì vậy cái gì nặng thì nên cố gắng xách tay để đỡ phải chịu phí quá cước).

Đặt phòng


Có thể đặt phòng online ở rất nhiều trang, ví dụ www.bangkok.com. Chỉ cần có thẻ credit, debit. Nên đặt phòng trước, giá rẻ hơn nhiều so với sang tới nơi mới đặt. Phòng đôi từ 20-25$/đêm là ở được (không đẹp lung linh đâu nhưng cũng không quá tệ, giá trên bao gồm ăn sáng). Nên đặt phòng bao gồm ăn sáng, đề phòng không ăn được mỳ hè phố ở Thái (bên đó chủ yếu ăn sáng là một loại mỳ, không giống mỳ Việt Nam).

Đi shopping ở đâu:


Ghi nhớ: tất cả các shop và siêu thị chỉ mở cửa từ khoảng 10-10h30 sáng (một số ít có thể mở từ 9h30), đừng đi sớm quá mà phải đứng ngoài chờ. Chợ thì mở sớm hơn.

- Quần áo bình dân, trang sức bình dân, đồ điện tử: Pratunam. Khu này có hàng lố đại siêu chợ chen chúc nhau bán quần áo và trang sức bình dân; hầu như không niêm yết giá nhưng cũng ít nói thách. Đại siêu thị Platinium mới mở cũng khá ổn. Pantip Plaza thì quá nổi tiếng rồi, bán linh kiện máy tính, đồ điện tử

- Quần áo và trang sức cao cấp, đồ gia dụng cao cấp: Siam. Khu này có chuỗi siêu thị sang trọng, đẹp, mua thì chắc ít nhưng đáng để ngắm như Siam Center, Siam Paragon, Central World… Riêng khu Central World em ko nhớ rõ là ở Siam hay khu khác nhưng chắc chắn loanh quanh khu Siam thôi, có đủ các loại hàng hiệu trên thế giới ở đây nhá: Marks and Spencer, CK, Zara, Next, Miss 60, Guess, MNG, Axara… Khu này rộng lắm, đi cứ gọi là mỏi cả cẳng, nhìn cứ gọi là mờ cả mắt.

- Có thể xem thêm hàng cao cấp ở The Emporium, khu Sukhumvit. Chủ yếu là ngắm cho sướng mắt thôi.

- Các khu siêu thị lớn: có thể thấy trên bản đồ, ở nhiều nơi có tập trung vài ba siêu thị, dễ dàng đi bộ từ siêu thị nọ tới siêu thị kia. Một siêu thị không thể không đến là MBK, bán nhiều mặt hàng từ quần áo, trang sức, đồ gia dụng, nội thất cao cấp và trung bình, đồ điện tử…, và các đồ trang trí rất xinh xắn đáng yêu, bán ở tầng trên cùng, giá rẻ.

Các siêu thị khác rất nên đến (mỗi loại có vài ba cái ở Bangkok, vị trí đều ghi rõ trên bản đồ): Lotus Texaco, Center, Robinson, Big C

- Chợ cuối tuần Chatuchak, cũng có trên bản đồ. Rất nhiều đồ trang trí nhà cửa và trang sức (đặc biệt là bạc). Đẹp và hơi đắt tí (mặc dù chợ thì khá là bình dân). Không nên chọn đồ sứ đồ gỗ đồ sắt thích quá khuân về là chết tiền quá cước đó. Các cửa hàng mở cửa từ khoảng 8h-18h thứ 6,7,CN (riêng thứ 6 là bán buôn). Từ trung tâm Bangkok đi Chatuchak nên đi bằng Skytrain (tàu điện trên không), vừa nhanh lại vừa rẻ. Mỗi tội phải xếp hàng nếu đi vào giờ cao điểm.

- Chợ đêm Suan Lum Night bazzar, không thể không đến. Mở từ khoảng 18h30-24h hàng ngày. Riêng cái chợ này đi là phải nhìn bản đồ. Chợ này bán nhiều đồ bơi nhái mẫu châu Âu, giá hợp lý lại khá đẹp. Nhược điểm là hầu như không có chỗ thử quần áo. Lưu ý, thấy cái gì thích thì bạn nên mua luôn chứ không quay lại mà xem lần 2 được đâu vì có thể bạn lạc đường.

- Patpong: chợ họp hàng đêm, đi để ngắm thôi, toàn hàng giả bằng giá hàng thật. tất nhiên nếu biết mặc cả thì cũng được.

- Chinatown và chợ Pahurat: khu chợ phục vụ cho những ai có nhu cầu mua linh kiện ôtô, xe máy. Nhưng lưu ý là cuối tuần hầu như chợ này nghỉ, ít tiệm mở cửa bán hàng.

- Khao San Road: bán nhiều đồ “dân tộc”, đồ bạc, nhưng phải mua buôn mới có giá rẻ, còn mua lẻ thì đắt hơn mua ở Việt Nam.

Mua bán ở Thái nói chung rất dễ chịu. Câu cửa miệng của họ là “have a look first” (cứ xem đi đã), xem và thử thoải mái, ko mua thì thôi, họ vẫn tiễn bằng câu “thank you”.

Ăn gì


- Đừng cố thử ăn món Thái mà vừa ăn vừa khó. Bạn cũng không nên vào Pizza Hut hay Mc Donald vì Việt Nam đã có sẵn.

- Bạn nên tranh thủ ăn luôn tại các đại siêu thị. Tầng 4 hoặc 5 thường là các food town với hàng chục loại đồ ăn, kể cả đồ Việt Nam; có đủ đồ tráng miệng và đồ uống. Nói chung tầm 30-45k/người là ăn ngon; rẻ hơn cũng được. Hầu như thanh toán bằng coupon, mua coupon khi vào ăn và nếu ko tiêu hết có thể refund lại.

- Cuối ngày nên làm vài ba cốc sữa chua và 1 chai La Vie thật to ở Seven 11 (chuỗi minimart có ở khắp nơi trong Bangkok, giá rẻ, mở cửa tới 23h đêm hàng ngày) về khách sạn ăn, bổ sung vitamin.

- Trên đường đi bộ có thể mua hoa quả bán trên phố, ngon bổ rẻ và mát.

- Kem ở Thái rất ngon bạn có thể ăn ở các khu trung tâm thương mại đều có cả.

Đổi tiền:


- Quầy đổi tiền có ở khắp nơi, tỷ giá có thể chênh lệch chút nhưng nói chung chẳng đáng bao nhiêu. Em thì hay đổi ở Siam Commercial bank, tỷ giá có vẻ ổn. Xuống máy bay nên đổi luôn 1 ít để có tiền trả taxi về khách sạn và để boa cho người khuân đồ của khách sạn.

- Tiêu tiền đến đâu đổi đến đó, tránh đổi nhiều không tiêu hết khi về lại phải đổi ngược thành USD.

- Nếu có thể credit hoặc debit thì tốt nhất mang theo thẻ, mang nhiều tiền mặt có thể rơi, mất hoặc nhầm lẫn. Tất nhiên vẫn phải có tiền mặt để thanh toán ở những nơi không có máy cà thẻ.

Đi bằng gì


- Nếu chưa quen đường xá, bạn cứ đi taxi. Taxi ở Thái Lan rẻ và dễ chịu hơn Việt Nam nhiều. Đi từ sân bay về khách sạn và ngược lại tất nhiên nên đi taxi, hết khoảng 300-400bath. Bạn để í đồng hồ tính tiền, không nên trả giá trước, thường đắt hơn để đồng hồ đó.

- Nếu quen đường, đi tuk tuk cũng là một điều thú vị. Tuy nhiên các bác tuk tuk rất hay gạ mình đến một số trung tâm bán đồ trang sức vì họ dẫn khách đến là sẽ được coupon xăng dầu. Cần nói rõ với họ là mình chỉ đến điểm mình cần đến thôi, ko đi lòng vòng đâu sất.

Nếu đi tham quan:


- Hoàng cung là một điểm rất đáng để đi xem, đẹp và rộng, xem cũng hết 1 buổi. Khi vào Hoàng cung, đền, chùa, lưu ý nên mặc quần áo dài, đừng “hở” nhiều quá mà họ nhắc nhở.

Một số lưu ý khác:


- Khi đi mua sắm, nhớ mang theo: card của khách sạn (lúc về chỉ cần đưa cho lái xe, đỡ giải thích nhiều), đi giầy gót thấp (tốt nhất là giầy thể thao loại nhẹ), ba lô to (có thể khóa lại bằng 1 chiếc khóa con), 1 chai nước, 1 chiếc ô (một ngày có thể nhiều lần mưa và nắng xen kẽ nhau).

- Khi đi ra khỏi khách sạn, vali để ở phòng nên khóa lại. Chìa khóa phòng luôn luôn gửi lại khách sạn. Buổi tối trước khi về KS nên mua hẳn chai nước to mà uống cho thỏa thích, đừng uống đồ trong tủ lạnh của khách sạn, đắt gấp 3.

- Gọi điện: có thể mua sim và thẻ, bán ở khắp nơi, khoảng hơn 100k là có thể gọi về Việt Nam rồi (tất nhiên với số tiền ấy chỉ gọi được vài phút thôi).

- Tôn trọng quy định về xếp hàng: đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên khi ngay cả ở trong…. toilet người ta cũng xếp hàng một cách… vui vẻ. Đừng cố chen lấn nhé, họ sẽ nhìn mình với con mắt thiếu thiện cảm đấy.

- Trước khi đi, in sẵn vé máy bay khứ hồi và voucher check in khách sạn.

Hy vọng với những lưu ý này sẽ giúp cho bạn có một chuyến đi vui vẻ và có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ từ đất nước chùa vàng. Đất nước của du lịch.

Bài đăng phổ biến