Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Sắp có tour ngắm Đà Nẵng từ trực thăng

Dòng trực thăng cao cấp EC130 T2 của Pháp sẽ được sử dụng để chở khách du lịch bay tham quan Đà Nẵng.

Ngày 10/2, Tổng công ty trực thăng Việt Nam đã ra mắt tour du lịch bay tham quan Đà Nẵng bằng trực thăng. Đơn vị khai thác dịch vụ này là Công ty trực thăng miền Trung, đóng tại Đà Nẵng. Hai chuyến đầu tiên đã cất cánh trong sáng cùng ngày để lãnh đạo Đà Nẵng và các hãng tour trải nghiệm. 


Ông Phạm Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty trực thăng miền Trung, cho biết chuyến bay chở khách du lịch đầu tiên dự kiến vào ngày 24/4 tới. Chi phí sẽ từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng cho mỗi hành khách thăm thú bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân trong khoảng thời gian từ 15 đến 25 phút. 

Một góc bán đảo Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông. 

"Dịch vụ này nằm trong tầm tay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Trước đây Tổng công ty triển khai một số tour ở vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc, Nha Trang... nhưng dùng máy bay dầu khí và một số máy bay chuyên dụng khác nên chưa phù hợp. Tới đây chúng tôi sẽ sử dụng máy bay chuyên về du lịch, đó là trực thăng EC130 T2 cao cấp của Pháp", ông Điệp nói. 


Trực thăng EC130 T2 có một chỗ của phi công và 6 chỗ cho khách ngồi với góc nhìn rộng, phù hợp cho tham quan du lịch. Hiện tại Công ty trực thăng miền Trung dùng một máy bay cho tour khám phá Đà Nẵng, xuất phát từ sân bay Nước Mặn. "Rất nhiều công ty lữ hành và đơn vị du lịch đăng ký bao tour, tuy nhiên đến giờ công ty chưa quyết định đơn vị nào là đại lý", ông Điệp thông tin. 

Sau khi đi vào hoạt động, ngoài gói tham quan Đà Nẵng, Công ty trực thăng miền Trung cũng tung ra gói bay lữ hành đến các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay bay trên hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình), núi Bà Nà (Đà Nẵng)... 


Tại buổi làm việc sáng 10/2, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng muốn Công ty bay trực thăng miền Trung duy trì gói sản phẩm bay tham quan thành phố từ trên cao, đồng thời đề nghị xem xét hạ giá thành. Tuy nhiên, theo ông Điệp, nếu giảm giá quá thấp thì doanh nghiệp khó làm được. 

"Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tiễn để đưa ra mức giá phù hợp giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ. Giá như dự kiến hiện nay là rất sát với thực tế. Một số nước trên thế giới đã làm dịch vụ này và đưa ra đơn giá cao hoặc thấp hơn phía công ty chút ít", ông Điệp nói thêm. 

Nguyễn Đông

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Bí kíp tránh bị chặt chém khi ăn nhà hàng

Tham khảo ý kiến trên mạng, giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn có thể giúp bạn thoát khỏi các tình huống mất tiền oan.

Khách du lịch luôn là "miếng mồi béo bở" cho các chủ cửa hàng, quán ăn tranh thủ "chém đẹp" khi những người này không thực sự biết rõ về giá tiền cũng như chủng loại các sản phẩm. Cách đây ít lâu, một nhà hàng ở Vũng Tàu vừa bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn vì thanh toán bằng thẻ tín dụng cho khách Nhật gấp 10 lần giá trị hóa đơn.


Dưới đây là các tuyệt chiêu giúp bạn giảm được tối thiểu các nguy cơ này, đặc biệt là khi đi du lịch dịp Tết, vốn dĩ rất đắt đỏ:

Trước khi đi:

Các phượt thủ sành sỏi luôn sử dụng các tham khảo các thông tin trên mạng, diễn đàn trước khi quyết định chọn bất cứ một nhà hàng nào. Không chỉ quan tâm đến số điểm được đánh giá mà bạn nên bỏ chút thời gian đọc các nhận xét phía dưới. Tuy nhiên, việc này cũng mang tính chất tương đối bởi nhiều khi khen chưa chắc đã đúng hoặc phù hợp với mình, và chê thì chưa chắc đã dở. Trang web càng uy tín thì độ tin cậy càng cao. Tốt nhất vẫn là hỏi ý kiến người thật việc thật từ những bạn bè người thân từng trải nghiệm.

Ngoài ra, một cách khác, bạn có thể hỏi trực tiếp hướng dẫn viên hoặc khách sạn nơi bạn lưu trú chỉ giùm địa chỉ ngon tại địa phương đó. Ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị của bạn, tuy nhiên, những địa chỉ do nhân viên khách sạn tư vấn thường khá an toàn về hầu bao với dân du lịch.


Khi ăn nhà hàng, ý kiến của những người đi trước rất có giá trị. Ảnh: Nguyên Chi

Khi đi ăn:

Khi gọi món, nhớ xem kỹ giá tiền, nếu giá đắt hơn giá đã được mách nước thì nên hỏi rõ lý do: "Vì giá lại cao như vậy? Tôi được biết, giá chỉ khoảng ngần này..." để hy vọng có thể được giảm giá. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ về các phụ phí "trên trời" có bị tính kèm không như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng (nếu ngồi ngoài sân), tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ...

Một thói quen được nhiều người sử dụng gần đây là luôn giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn thanh toán, phòng trường hợp có sự cố xảy ra. Những bức hình minh họa món ăn ít hay nhiều, chất lượng ra sao có vẻ như vô nghĩa nhưng khi được sử dụng để đăng lên các diễn đàn trong tình huống bạn bị chặt chém, nó lại có hiệu quả bất ngờ.

Khi thanh toán:

Tốt nhất là nên chọn những quán ăn hay nhà hàng cho phép thanh toán trước để bạn có thể yên tâm thưởng thức món ăn và không phải nín thở khi nhận hóa đơn.

Lúc thanh toán bằng tiền mặt, cần kiểm tra kỹ tiền thừa được trả lại. Khi đi nước ngoài, nhiều chủ nhà hàng có thể lợi dụng việc khách du lịch không thân thuộc với ngoại tệ mà đưa cho những tờ tiền giả, sờn hay rách.

Khi thanh toán bằng thẻ, hạn chế tối đa việc đưa thẻ của mình cho người khác quẹt và khuất tầm quan sát. Cố gắng quan sát kỹ nhưng thật lịch sự khi nhân viên nhà hàng quẹt thẻ của bạn. Đối chiếu giá tiền trên hóa đơn và số tiền bạn bị trừ có khớp nhau hay không. Việc này luôn luôn không thừa.

Trong tình huống xấu:

Khi bị hét giá quá cao lúc thanh toán tiền, bạn nên bình tĩnh xử lý tình huống, yêu cầu gặp chủ nhà hàng để đề nghị giải trình về điều bất thường. Mất bình tĩnh luôn khiến sự việc tồi tệ hơn, cố gắng ghi âm hay chụp hình cuộc nói chuyện này.

Trong tình huống không thể thương thuyết, bạn cần nhanh chóng đưa các bằng chứng cho cơ quan quản lý địa phương hoặc công an (khi số tiền bị lừa lớn) ngay khi có thể.

Nguyên Chi

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ

Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Kênh rạch cũng là “đường phố”, nó mang vẻ đẹp cho một đô thị lớn từng được mệnh danh là Tây Đô. Cần Thơ lại có vẻ đẹp bình dị nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú núp dưới bóng dừa.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu

Cầu Cần Thơ
Xem thêm: Một ngày khám phá vườn ca cao miền Tây

Đi khi nào?

Khí hậu Cần Thơ điều hoà dễ chịu, ít bão. Quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung binh là 27ºC.

Phương Tiện đi lại

Xem thêm: Một hành trình - hai sắc xuân

Hầu hết việc di chuyển ở khu vực miền Tây đều di chuyển bằng Ôtô. Các bạn có thể ra bến xe miền Tây (địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, Quận Bình Tân Tp.HCM) để mua vé hoặc liên hệ các xe chuyên chạy tuyến Sài Gòn – Cần Thơ như:

Xe Phương Trang: 

Sài Gòn:  272 Đề Thám, quận 1. ĐT: (08) 38375570. Khởi hành tại bến xe miền Tây từ 7h sáng đến 10 giờ tối.

Cần Thơ: Khởi hành tại bến xe Nguyễn Trãi (ngã tư đường Hùng Vương) cứ nửa tiếng là có một chuyến. Giá vé khoảng 80.000đ, chạy 4 tiếng.

Xe Hoàng Long

Sài Gòn: Phòng vé Bến Xe Miền Đông, ĐT – (08)35113113. Văn phòng 47Phạm Ngũ Lão Q1 (08)39151818.

Cần Thơ: Bến xe lộ 91B

Xe Mai Linh

Tổng đài đặt vé tại Sài Gòn: (08) 39 29 29 29. Đường dây nóng: 0985 29 29 29.

Tuyến  Sài Gòn – Cần Thơ: Xe 15 chỗ và 45 chỗ chạy đan xe nhau 15 phút xuất bến một chuyến hàng ngày, 24/24. Giá vé 75.000đ.

Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt.

Phương tiện di chuyển của người dân Cần Thơ chủ yếu là ghe thuyền

Khách Sạn, nơi lưu trú

Một số khách sạn ở Cần Thơ bạn có thể tham khảo

– Khách sạn Ninh Kiều – 2A Hai Bà Trưng, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 676

– Khách Sạn Victoria Cần Thơ – Khu Du lịch Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. ĐT: 0710 3810 111

– Khách Sạn Tân – 5 Thủ Khoa Huân, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3812 750

– Khách Sạn Kim Thơ – 1 Ngô Gia Tự, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 517

– Khách Sạn 31 – 31 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 287

– Khách Sạn Hòa Bình, Nhà Hàng 38 -5 Hoà Bình, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ.

ĐT: 0710 3825 417

– Khách Sạn Huy Hoàng – 33 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 833

Ăn gì?

Cần Thơ có rất nhiều quán ăn ngon và rẻ, buổi tối bạn có thể ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông hậu rất thú vị.

– Cá sông ở Cần Thơ to, thịt chắc, lại rẻ.

- Bánh cống Cần Thơ: Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên dòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.

- Bánh xèo: Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt… Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.

- Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức.

- Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ không thể không thưởng thức món ốc nướng tiêu. Ốc được luộc sơ rồi cho lên nướng, vừa nướng vừa cho nước mắm, tiêu, tỏi vào trong cho đến khi nước bên trong hơi cạn xuống thì dọn ra là ăn.

– Bún tôm khô – Cái Răng: Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích.

Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.

– Chuột nướng chao: nghe thì ghê nhưng lại là món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở miền sông nước này. Chuột nướng chao là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp… để thưởng thức món ăn dân dã ngon, lạ và giá cả cũng rất bình dân.

– Để thưởng thức những món trên, có thể ghé bất kỳ nhà hàng nào ở Cần Thơ. Ngoài ra còn có một số con đường gắn với những món ăn đặc trưng như:

+ Lẩu mắm – quán Dạ Lý trên đường 3/2. Đây là quán mở khá lấu và có thâm niên trong việc nấu lẩu mắm. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa đến Cần Thơ”.

+ Đường Lý Tự Trọng: ở hẻm 1 có quán Lẩu Vịt Nấu Chao rất ngon. Nếu muốn ăn Phở thì bạn đến quán OANH cũng trên đường Lý Tự Trọng

+ Đường Lê Lai ( ngay công viên Lưu hữu Phước, bên tay phải, vào 20 mét là thấy), nổi tiếng về Bánh Bèo, bánh cuốn, bánh tăm bì….. nơi đây rất có uy đó, phải lại sớm nếu không thì không có chổ ngồi hoặc hết hàng.

+ Đường Lê Lợi, nổi tiếng về ” rau má Đâu” tức là rau má xay với đậu xanh, rất ngon; hoặc hủ tiếu “bèo” sau lưng hai quán trên (chỉ bán buổi tối).

+Nếu các bạn nữ thì buổi tối còn có thể vào trong bảo tàng quân khu 9, nằm ngay trên đại lộ Hòa Bình (đối diện K/S Ninh Kiều 2) để thưởng thức món gỏi khô bò và uống sữa đậu nành.

+ Món ” tàu hủ đá” và bánh bột chiên buổi tối bán trong chùa Khmer.

+  Đường 30 tháng 4: mỗi khi đêm xuống có bán rất nhiều thức ăn hủ tiếu, bún bò Huế, chè, hột vịt lộn… Nhưng món ăn đại diện cho con đường này là cháo trắng hột vịt muối hay ăn với cá kho hoặc ăn cả với 2 thứ tùy theo khẩu vị của bạn.

Điểm Tham Quan

Chợ nổi: 

Đến Cần Thơ muốn đi chợ nổi thì ra bến Ninh Kiều đón tàu, bến Ninh Kiều có rất nhiều tàu du lịch để chọn. Không nhất thiết đi tàu Victoria giá khá cao. Tốt nhất là bạn nên đặt từ chiều hôm trước để sáng hôm sau bạn có thể khởi hành đi ngay.

Từ Ninh Kiều bạn đi Phong Điền và Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều 30′ bằng canô là nơi chuyên mua bán nông sản, các loại trái cây của vùng.

Vườn cò Bằng Lăng

Thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ. Nơi đây là một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông.

Du lịch vườn Cần Thơ: 

Vườn Cần Thơ có trên khắp các tuyến đường bộ, đường thuỷ ở Tp. Cần Thơ. Các vườn du lịch xanh tươi đã và đang thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến thăm.

Nhà cổ Bình Thuỷ: 

Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa phường Bình Thuỷ, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Ngôi nhà cổ năm gian hai mái, kiến trúc kiểu Pháp được gia đình họ Dương xây vào năm 1870.

Chùa Nam Nhã: 

Nằm ở 612 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Chùa do ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng năm 1895, theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi là chùa Minh Sư.

Chùa Ông: 

Nằm ở đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, Quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ. Chùa Ông là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa tại Cần Thơ. Chùa được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993.

Chợ đêm Tây Đô – chợ văn hóa du lịch: 

Cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ.

Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Theo ivivu

Vietravel thường xuyên mở tuyến du lịch Cần Thơ, các bạn có thể tham khảo tại website www.travel.com.vn

Bài đăng phổ biến