Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Mai anh đào Đà Lạt rực rỡ đón xuân

Còn hơn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhưng thời điểm này hoa mai anh đào đã rực hồng, mang sắc xuân về với Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sắc mai anh đào đầy quyến rũ

Mai anh đào là loài hoa đặc trưng làm nên thương hiệu riêng của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Theo các vị cao niên ở thành phố này thì hoa thường nở vào mùa xuân và nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán.


Nhiều thập kỷ qua, loài hoa có cánh mỏng manh phơn phớt hồng này cứ lặng lẽ bung hoa đón Tết và níu chân nhiều du khách gần xa. Năm nay cũng vậy, dù là năm nhuận nhưng dường như mai anh đào cũng biết “nhịn” lại một thời gian để khoe hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền góp xuân cho phố núi.

Hồ Xuân Hương – không gian lý tưởng để ngắm mai anh đào 

Mai anh đào khoe sắc trên một triền đồi Đà Lạt 

Ruộng vườn Đà Lạt cũng ngập sắc hoa


Hai bên đường Trần Hưng Đạo rực sắc mai anh đào

Phố phường Đà Lạt thắm sắc hoa 

Mai anh đào trên đường phố Đà Lạt


Đường phố ngợp hoa 

Vào những ngày này, trên khắp các đường phố Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Phù Đổng Thiên Vương, Tương Phố, Nguyễn Du, Trần Quốc Toản, Trương Công Định,…đều đã rực rỡ sắc mai anh đào.


Trên đường Trần Hưng Đạo, dọc 2 bên đường của khu biệt thự cổ Cadasa, mai anh đào đã nở bung. Đây là một trong những địa điểm lý tưởng cho những du khách hay những đôi tình nhân để ghi lại dấu ấn của một chuyến đi hay lưu lại một kỷ niệm ngọt ngào trong mùa cưới. Chính vì vậy mà cung đường này trong những ngày qua luôn tấp nập du khách đến thưởng lãm hoa và chụp hình lưu niệm. 


Nụ xuân

Đường quê rực rỡ với mai anh đào 

Vẻ đẹp khó quên

Điểm nhấn ấn tượng nhất cho du khách ngắm hoa có lẽ là không gian quanh thắng cảnh hồ Xuân Hương thơ mộng. Quanh bờ hồ này, du khách có thể thả bộ, hít thở không khí trong lành để ngắm hoa, hoặc chọn cho mình những chỗ ngồi lý tưởng trong các quán cà phê ven hồ rồi chiêm ngưỡng sắc đẹp khó quên của loài hoa đầy quyến rũ này.

Còn trên các cung đường vào Đà Lạt như đường ĐT 723, đèo Ngoạn Mục, đèo D’ran, đèo Prenn hay quanh khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Thung lũng vàng… mai anh đào đều rực hồng sắc hoa chờ đón bước chân lữ khách.

Gia Bình – Võ Trang

Sắp có tour ngắm Đà Nẵng từ trực thăng

Dòng trực thăng cao cấp EC130 T2 của Pháp sẽ được sử dụng để chở khách du lịch bay tham quan Đà Nẵng.

Ngày 10/2, Tổng công ty trực thăng Việt Nam đã ra mắt tour du lịch bay tham quan Đà Nẵng bằng trực thăng. Đơn vị khai thác dịch vụ này là Công ty trực thăng miền Trung, đóng tại Đà Nẵng. Hai chuyến đầu tiên đã cất cánh trong sáng cùng ngày để lãnh đạo Đà Nẵng và các hãng tour trải nghiệm. 


Ông Phạm Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty trực thăng miền Trung, cho biết chuyến bay chở khách du lịch đầu tiên dự kiến vào ngày 24/4 tới. Chi phí sẽ từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng cho mỗi hành khách thăm thú bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân trong khoảng thời gian từ 15 đến 25 phút. 

Một góc bán đảo Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông. 

"Dịch vụ này nằm trong tầm tay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Trước đây Tổng công ty triển khai một số tour ở vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc, Nha Trang... nhưng dùng máy bay dầu khí và một số máy bay chuyên dụng khác nên chưa phù hợp. Tới đây chúng tôi sẽ sử dụng máy bay chuyên về du lịch, đó là trực thăng EC130 T2 cao cấp của Pháp", ông Điệp nói. 


Trực thăng EC130 T2 có một chỗ của phi công và 6 chỗ cho khách ngồi với góc nhìn rộng, phù hợp cho tham quan du lịch. Hiện tại Công ty trực thăng miền Trung dùng một máy bay cho tour khám phá Đà Nẵng, xuất phát từ sân bay Nước Mặn. "Rất nhiều công ty lữ hành và đơn vị du lịch đăng ký bao tour, tuy nhiên đến giờ công ty chưa quyết định đơn vị nào là đại lý", ông Điệp thông tin. 

Sau khi đi vào hoạt động, ngoài gói tham quan Đà Nẵng, Công ty trực thăng miền Trung cũng tung ra gói bay lữ hành đến các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay bay trên hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình), núi Bà Nà (Đà Nẵng)... 


Tại buổi làm việc sáng 10/2, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng muốn Công ty bay trực thăng miền Trung duy trì gói sản phẩm bay tham quan thành phố từ trên cao, đồng thời đề nghị xem xét hạ giá thành. Tuy nhiên, theo ông Điệp, nếu giảm giá quá thấp thì doanh nghiệp khó làm được. 

"Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tiễn để đưa ra mức giá phù hợp giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ. Giá như dự kiến hiện nay là rất sát với thực tế. Một số nước trên thế giới đã làm dịch vụ này và đưa ra đơn giá cao hoặc thấp hơn phía công ty chút ít", ông Điệp nói thêm. 

Nguyễn Đông

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Bí kíp tránh bị chặt chém khi ăn nhà hàng

Tham khảo ý kiến trên mạng, giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn có thể giúp bạn thoát khỏi các tình huống mất tiền oan.

Khách du lịch luôn là "miếng mồi béo bở" cho các chủ cửa hàng, quán ăn tranh thủ "chém đẹp" khi những người này không thực sự biết rõ về giá tiền cũng như chủng loại các sản phẩm. Cách đây ít lâu, một nhà hàng ở Vũng Tàu vừa bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn vì thanh toán bằng thẻ tín dụng cho khách Nhật gấp 10 lần giá trị hóa đơn.


Dưới đây là các tuyệt chiêu giúp bạn giảm được tối thiểu các nguy cơ này, đặc biệt là khi đi du lịch dịp Tết, vốn dĩ rất đắt đỏ:

Trước khi đi:

Các phượt thủ sành sỏi luôn sử dụng các tham khảo các thông tin trên mạng, diễn đàn trước khi quyết định chọn bất cứ một nhà hàng nào. Không chỉ quan tâm đến số điểm được đánh giá mà bạn nên bỏ chút thời gian đọc các nhận xét phía dưới. Tuy nhiên, việc này cũng mang tính chất tương đối bởi nhiều khi khen chưa chắc đã đúng hoặc phù hợp với mình, và chê thì chưa chắc đã dở. Trang web càng uy tín thì độ tin cậy càng cao. Tốt nhất vẫn là hỏi ý kiến người thật việc thật từ những bạn bè người thân từng trải nghiệm.

Ngoài ra, một cách khác, bạn có thể hỏi trực tiếp hướng dẫn viên hoặc khách sạn nơi bạn lưu trú chỉ giùm địa chỉ ngon tại địa phương đó. Ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị của bạn, tuy nhiên, những địa chỉ do nhân viên khách sạn tư vấn thường khá an toàn về hầu bao với dân du lịch.


Khi ăn nhà hàng, ý kiến của những người đi trước rất có giá trị. Ảnh: Nguyên Chi

Khi đi ăn:

Khi gọi món, nhớ xem kỹ giá tiền, nếu giá đắt hơn giá đã được mách nước thì nên hỏi rõ lý do: "Vì giá lại cao như vậy? Tôi được biết, giá chỉ khoảng ngần này..." để hy vọng có thể được giảm giá. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ về các phụ phí "trên trời" có bị tính kèm không như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng (nếu ngồi ngoài sân), tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ...

Một thói quen được nhiều người sử dụng gần đây là luôn giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn thanh toán, phòng trường hợp có sự cố xảy ra. Những bức hình minh họa món ăn ít hay nhiều, chất lượng ra sao có vẻ như vô nghĩa nhưng khi được sử dụng để đăng lên các diễn đàn trong tình huống bạn bị chặt chém, nó lại có hiệu quả bất ngờ.

Khi thanh toán:

Tốt nhất là nên chọn những quán ăn hay nhà hàng cho phép thanh toán trước để bạn có thể yên tâm thưởng thức món ăn và không phải nín thở khi nhận hóa đơn.

Lúc thanh toán bằng tiền mặt, cần kiểm tra kỹ tiền thừa được trả lại. Khi đi nước ngoài, nhiều chủ nhà hàng có thể lợi dụng việc khách du lịch không thân thuộc với ngoại tệ mà đưa cho những tờ tiền giả, sờn hay rách.

Khi thanh toán bằng thẻ, hạn chế tối đa việc đưa thẻ của mình cho người khác quẹt và khuất tầm quan sát. Cố gắng quan sát kỹ nhưng thật lịch sự khi nhân viên nhà hàng quẹt thẻ của bạn. Đối chiếu giá tiền trên hóa đơn và số tiền bạn bị trừ có khớp nhau hay không. Việc này luôn luôn không thừa.

Trong tình huống xấu:

Khi bị hét giá quá cao lúc thanh toán tiền, bạn nên bình tĩnh xử lý tình huống, yêu cầu gặp chủ nhà hàng để đề nghị giải trình về điều bất thường. Mất bình tĩnh luôn khiến sự việc tồi tệ hơn, cố gắng ghi âm hay chụp hình cuộc nói chuyện này.

Trong tình huống không thể thương thuyết, bạn cần nhanh chóng đưa các bằng chứng cho cơ quan quản lý địa phương hoặc công an (khi số tiền bị lừa lớn) ngay khi có thể.

Nguyên Chi

Bài đăng phổ biến