Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

5 điểm hẹn ăn uống cuối tuần thú vị ở Hà Nội

Phố Hàng Bồ, Ao Sen hay Trần Huy Liệu là những nơi bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon như bánh tôm, há cảo chiên, dimsum hay xôi gà quay.
Cuối tuần là thời điểm nhiều người thường tụ tập ở các quán quen. Nếu đang băn khoăn chưa biết đi đâu ăn gì, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội / Hà Nội 120 năm trước

1. Phố Hàng Bồ - bánh tôm, há cảo chiên

Giá một đĩa há cảo chiên và bánh tôm là 26.000 đồng. Quán mở cửa từ 14h hàng ngày. Ảnh: Vân Anh.

Những chiếc há cảo nhỏ xinh được chiên giòn là món ăn "ngôi sao" tại số nhà 55. Món này có vỏ mỏng, giòn và vàng ruộm. Đặc biệt, chiếc nào chiếc nấy được nhồi nhân đầy đặn. Một phần ăn chừng 20 chiếc được dọn cùng đĩa rau sống và bát nước chấm chua ngọt. Ngoài ra, bạn có thể gọi thêm bánh tôm, món ăn cũng được ưa chuộng không kém. Bánh này lớn hơn há cảo một chút và có vị bùi của tôm chín tới cùng béo ngậy từ bột chiên giòn.

Xem thêm: Lời khuyên khám phá Hà Nội

2. Đường Trần Huy Liệu - dimsum


Mức giá dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng mỗi phần.. Ảnh: Ngoisao.
Thực khách đến phố Trần Huy Liệu thường mất khá nhiều thời gian để tìm ra địa chỉ bán dimsum này. Tuy nhiên, bạn chỉ cần nhớ kỹ phòng 45, tầng 1, B2 tập thể Giảng Võ là có thể nhờ người dân xung quanh chỉ đến. Khi có khách, chủ quán mới lấy những chiếc bánh gói sẵn đem hấp.

Món này ở đây nhỏ xinh, hệt như một nụ hoa chúm chím. Phần nhân bên trong gồm tôm bóc vỏ, thịt và rau. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại khác nhau, tùy theo sở thích của mình.

3. Đường Xuân Thủy - katsudon

Bạn nên cho thêm nước xốt được phục vụ kèm để món này thêm đậm vị. Ảnh: lozi.
Số nhà 241 là địa chỉ bán món katsudon, một loại cơm thịt heo chiên xù kiểu Nhật. Một suất đầy đủ có màu vàng ruộm từ thịt chiên, trắng của hành tây, và lấm tấm của vừng. Khi ăn, bạn có thể cảm nhận được vị béo mềm và ngọt tự nhiên của các thành phần quyện đều. Giá một phần trung bình là 100.000 đồng.

Xem thêm: 4 món cơm ngoại hấp dẫn ở Hà Nội

4. Đường Trường Chinh - xôi gà quay

Phần rau chống ngấy ở đây hơi ít. Ảnh: lozi.
Phố Trường Chinh nhỏ và luôn đông đúc xe nhưng được tín đồ ẩm thực nhớ tới với những món gà ngon, một trong số đó là xôi gà quay. Địa chỉ bán là số nhà 604. Món này có màu vàng của xôi nếp dẻo, thịt gà quay chín đều và hành phi thơm lừng. Bạn có thể ăn thêm cà rốt và dưa chuột dọn kèm để chống ngấy. Giá một phần hiện nay là 80.000 đồng.

Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

5. Phố Ao Sen - bánh mỳ bò xào

Một suất ăn có giá 40.000 đồng.  Ảnh: lozi.
Ngõ 4K5, phố Ao Sen (Hà Đông) từ lâu nổi tiếng với món bánh mỳ bò xào. Món này được chế biến khéo léo khiến nhiều thực khách yêu thích. Cụ thể, thịt bò tẩm ướp gia vị kỹ càng, xào chín trên lửa lớn rồi dọn cùng một chiếc bánh mỳ giòn. Bạn nên cho thêm quất, tương ớt để hương vị được hài hòa. So với nhiều loại quen thuộc, bánh mỳ bò xào chính là cái tên khá mới mẻ, đổi gió cho ngày cuối tuần lang thang của bạn.

Mời các bạn xem các chương trình du lịch Hà Nội trên website travel.com.vn
Diệu Linh - VNExpress

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Ngất ngây trước những mùa hoa xuân miền Bắc

Đến các tỉnh vùng núi phía Bắc đầu xuân, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa mận Mộc Châu, hoa ban Điện Biên hay hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan.

Hoa mơ, hoa mận trắng


Từ nhiều năm nay, Mộc Châu trở thành điểm hẹn cho những người thích du lịch và mê chụp ảnh mỗi mùa hoa nở. Ảnh: hachi8.

Những ngày nắng ấm cuối đông đầu xuân, cả cao nguyên Mộc Châu được bao phủ bởi màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa mận. Du khách sẽ được nhìn ngắm những ngọn đồi trồng toàn mận nở hoa trắng muốt pha sắc lá xanh non. Hoa mận đẹp một cách mong manh và tinh khiết. Các bản Lóng Luông, Thông Cuông, Pa Phách, Tân Lập, bản Áng… là nơi tập trung nhiều đồi hoa nhất, và bạn phải vào sâu trong bản để có những khung hình đẹp. Đầu tháng 2 là thời điểm hoa nở đẹp nhất trong năm.

Hoa đào vùng cao


Đào rừng Sapa như viên hồng ngọc khảm lên bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Viết Mạnh.

Khi mùa xuân ấm áp bắt đầu chạm ngõ cũng là lúc những cánh hoa đào Tây Bắc bắt đầu bung nở trên khắp các lưng núi, sườn đồi. Dù khoe sắc khắp vùng cao Tây Bắc nhưng hoa đào Sa Pa vẫn được du khách háo hức nhiều hơn cả. Đào Sa Pa bông to, cánh dày, nở bừng ngay cả trong trời rét buốt và nở rộ nhất từ tháng 12 đến tháng 2. Đào rừng cũng được trồng trong sân nhà, cành hoa vươn mình chìa xuống ngang mái hiên, thả những cánh hoa mỏng xuống sân, tạo thành một khung cảnh đẹp như tranh mà chẳng có máy ảnh nào ghi lại được một cách trọn vẹn.

Hoa ban


Hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên. Ảnh: abay.

Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa có 4 - 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong, bướm. Có hai loại ban là ban trắng và ban đỏ, nhưng ban trắng chiếm đa số ở vùng này. Đầu tháng hai Âm lịch là thời điểm hoa ban lác đác nở, rộ nhất và đẹp nhất là đầu tháng ba, đến đầu tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Lúc nở rộ, trông cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Với sắc trắng tinh khôi, những cánh hoa ban đã tạo nên vẻ đẹp trong trẻo cho núi rừng Tây Bắc. Nhờ vậy mà hành trình gian nan theo quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên bỗng nên thơ và xao xuyến tâm hồn.

Hoa đỗ quyên


Hoa đỗ quyên nở rộ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: iviet.

Hoa đỗ quyên nở quanh năm nhưng đẹp nhất là khoảng tháng 4. Là loài cây mọc tự nhiên nhưng hoa có vẻ đẹp rực rỡ bởi bông lớn, màu sắc nổi bật và đa dạng như đỏ, hồng, vàng, trắng... Để chiêm ngưỡng loài hoa này, không đâu có thể lý tưởng hơn vườn quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai - nơi được mệnh danh là "vương quốc hoa đỗ quyên". Hoa nở rộ cũng là lúc tiết trời khô ráo, thuận lợi cho chuyến leo núi Fansipan. Bởi thế, kết hợp chinh phục nóc nhà Đông Dương và ngắm đỗ quyên là lựa chọn tuyệt vời cho những người đam mê thử thách.

Trần Quỳnh tổng hợp

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

6 nét đặc sắc trong cách đón Tết của các nước châu Á

Người Mông Cổ thường dậy sớm trước cả bình minh và mặc quần áo mới, nhóm lửa vào sáng mùng 1 trong khi dân Hàn Quốc lại treo một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.

Xem thêm: Địa điểm du lịch Tết / Rực rỡ tết Phương Nam

Giây phút tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin và hy vọng được xem là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong lòng nhiều người. Mỗi quốc gia, dân tộc lại có những truyền thống đón Tết mang nét đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên sự độc đáo riêng biệt từng vùng.

1. Mông Cổ 

Theo tập quán, vào ngày Tết Tsagaan, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Thời khắc giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun, có nghĩa “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Họ sẽ ăn thật no vì tin rằng nếu không làm vậy thì suốt cả năm mới sẽ bị đói.

Vào ngày đầu năm, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ tới đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh.

Dịp lễ đặc biệt này, họ thường tụ tập ở nhà người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong đó, các thành viên gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Kết thúc nghi thức, tất cả mọi người cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao nhau những món quà cầu chúc năm mới thịnh vượng, ấm no.


Tết Tsagaan của người Mông Cổ. Ảnh: Hunnutour.com

2. Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollal, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dọn sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa nhằm xua đuổi tà ma vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc

Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu làm vậy thì khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri”, một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.


Gia đình quây quần trong ngày Tết Seollah của Hàn Quốc. Ảnh: koreaherald.com

3. Trung Quốc 

Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian". Theo truyền thuyết, “Nian” là tên một con quỷ luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành. Người Trung Quốc phát hiện ra con quỷ rất sợ màu đỏ và tiếng động mạnh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Từ đó, cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, họ thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối, đèn lồng, dán giấy đỏ và đốt pháo để xua đuổi quỷ sứ, đồng thời cầu mong muốn một cái Tết vui vẻ, năm mới an lành. Người Trung Quốc cũng bắt chước tiếng chim cuốc kêu. Loài vật này vốn được coi là chim báo hiệu mùa xuân, nhắc nhở mọi người gieo trồng. Bên cạnh đó, họ còn tung hạt giống lên trời với ước mong được mùa trong năm mới.


Sắc đỏ tràn ngập trong những ngày Tết tại Trung Quốc. Ảnh: lifevancouver.jp

4. Singapore

Singapore đón tết nguyên đán khá giống với Trung Quốc. Người dân nơi đây cũng có những truyền thống như trang trí nhà cửa, đường phố với màu đỏ, lì xì trẻ em trong ngày đầu năm hay đến chúc Tết họ hàng, bạn bè.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Singapore

Họ rất quan trọng việc đoàn tụ gia đình vào dịp năm mới. Con cháu dù ở xa tới đâu cũng đều tụ họp đông đủ để cùng nhau đón năm mới. Vào dịp này, người ta hay tặng nhau dứa và cam vì trong tiếng Trung Quốc, chúng được phát âm giống với từ giàu có, hạnh phúc và con cái.


Yu Sheng, món ăn may mắn không thể thiếu trong ngày Tết của người Singapore.

5. Triều Tiên

Trước kia, Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và 11, gần đây mới chuyển sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch như một số nước Đông Á khác. Tết của người Triều Tiên cũng kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman (phù thủy) đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc…

Vào sáng ngày 1 Tết, đàn ông phải tới hàng xóm chúc mừng nhau trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này. Người Triều Tiên cho rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo cả năm nếu người xông đất nhà họ là phụ nữ. Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát, nhảy múa.


Cơm thuốc, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Triều Tiên. Ảnh: airasia.com

6. Việt Nam

Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt. Phần "lễ" cũng như "hội", đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo sẽ chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi thế, mọi gia đình Việt Nam đều làm mâm cơm tiễn đưa "ông Táo” vào đúng ngày này. Đây được xem như hoạt động đầu tiên của Tết Nguyên đán.

Hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có mai, tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài ra còn có quất với quả chín vàng mọng, biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và lòng biết ơn với tổ tiên, không thể thiếu mâm ngũ quả. Đây được xem là lộc trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.


Gói bánh chưng là một nét văn hóa đẹp trong phong tục ngày Tết của người Việt.

Selina Nguyễn - VNExpress

Bài đăng phổ biến