Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Những người gùi hàng cho tour thám hiểm Sơn Đoòng

Phạm Luân vừa trở về từ chuyến gùi hàng cho đoàn làm phim về hang Sơn Đoòng của hãng ABC News. Người đàn ông da rám nắng, dáng người đậm và chắc cho biết mỗi lần vào hang anh cõng 40 kg hàng, vất vả nhưng bù lại có thu nhập tốt.

Anh Luân tròn 40 tuổi, nhà ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vốn là dân sơn tràng có hàng chục năm đi rừng.

Một nhóm porter chụp hình lưu niệm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis

Chuyến gùi hàng cho hãng tin ABC vừa rồi là chuyến đặc biệt, khi hàng trăm porter được huy động để chuyển cả tấn thiết bị, máy móc từ trung tâm xã vào hang Én.

Sống ở vùng ruộng ít, chỉ toàn rừng và núi đá vôi nên từ nhỏ, anh Luân đã thấy rất nhiều đàn ông trong thôn xóm vào rừng kiếm miếng cơm manh áo. Lớn lên, anh Luân cũng theo con đường này. Những lúc nông nhàn, anh lại vào rừng, đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng cuộc sống không cải thiện là bao.


Từ năm 2014, anh Luân được tuyển vào làm porter tại công ty Chua Me Đất, phục vụ du khách trong những chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng.

“Mỗi chuyến đi, tôi phải vác khoảng 35-40 kg hàng. Đi rừng lâu năm nên tôi quen mang vác nặng, chừng đó không là gì”, anh Luân cười nói. 40 kg trên gồm đồ ăn, túi ngủ, dụng cụ leo núi… được những porter như anh Luân gùi vượt suối băng rừng để hỗ trợ du khách thám hiểm.

Mỗi tháng, các porter thường đi 2-3 tour, mỗi tour kéo dài 5 ngày, mang về cho họ thu nhập từ 6 triệu đồng. Ông Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, nay là tổ trưởng tổ porter, cho hay mỗi tour thám hiểm Sơn Đoòng thường có 24 người phục vụ, gồm tổ trưởng, người gùi đồ, đầu bếp, dẫn đường, trợ lý hướng dẫn viên…

Ngoài dụng cụ phục vụ thám hiểm, đồ ăn được đông đá sử dụng trong 3 ngày. Khi đoàn khách trở ra sẽ có nhóm khác gùi đồ tươi vào hang Én ở giữa chặng để phục vụ du khách."

 Các porter diễn tập cứu nạn trước khi tham gia phục vụ tour Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Hồ Khanh tâm sự, trước ông nghề làm nông và đi rừng có thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định, đó là chưa kể rủi ro, nguy hiểm.

“Từ khi tour thám hiểm Sơn Đoòng đi vào hoạt động, cuộc sống của tôi tốt lên rất nhiều”, ông nói. Ngoài làm tổ trưởng porter, những năm gần đây, ông Hồ Khanh còn làm thêm 6 gian nhà homestay phục vụ khách du lịch.

Chung niềm vui được nhận làm porter, anh Nguyễn Hữu Linh, 21 tuổi, bộc bạch nghề porter vất vả nhưng giúp anh trang trải cuộc sống gia đình.


“Để làm porter trước hết cần có sức khỏe. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản và đầy đủ về ứng xử, tiếng Anh, sử dụng thiết bị leo núi, sơ cấp cứu… Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra. Từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc mỗi người đều có túi riêng để đựng”, anh Linh nói về sự chuyển biến ý thức khi chuyển sang làm nghề porter.

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc công ty Chua Me Đất, cho hay để phục vụ tour thám hiểm Sơn Đoòng, công ty tuyển dụng khoảng 100 người địa phương, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng trở lên. Mỗi porter được đào tạo sơ cứu, thái độ phục vụ, bảo tồn môi trường. Họ bắt buộc ký cam kết không vào rừng chặt cây, săn bắt thú… nếu vi phạm có thể bị đuổi việc.

"Chúng tôi cũng khuyến khích những người này mở thêm các dịch vụ tại nhà như homestay, quán nước hay lò bánh mì bán cho du khách và công ty”.

Những người phục vụ chụp chung với du khách trước cửa động Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Ngoài làm porter cho công ty Chua Me Đất, một số người này còn giúp đỡ trong các chuyến thám hiểm, tìm hang động mới của đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, do ông Howard Limbert dẫn đầu. Ông Limbert cho biết mỗi chuyến khám phá hang động phải mang theo rất nhiều trang thiết bị, gồm dây thừng, máy móc đo bằng laser…


“Những thành công trong khám phá hang động sẽ không có được nếu như không có sự giúp sức của những người bản địa. Họ là những người đầy thân thiện và làm việc chăm chỉ mà tôi từng gặp trong đời. Kỹ năng đi rừng của họ là tài nguyên quý giá đối với nhóm thám hiểm”, ông Limbert nhận xét và nói lời cảm ơn đến những người đi rừng khỏe mạnh.

Với sự trợ giúp của những porter, hai năm qua có hàng trăm du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng thành công và an toàn tuyệt đối. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ nhóm chuyên gia của Anh thám hiểm các hang động mới, ngày càng xa và khó khăn hơn.


Hoàng Táo

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Ngôi làng không điện, nước nổi tiếng ở Uruguay

Dù là ngôi làng duy nhất của Uruguay sống trong điều kiện không có điện lưới và nước máy, Cabo Pilonio vẫn thu hút nhiều du khách tới tham quan. 


Cabo Pilonio là một làng chài nhỏ bên mé biển, ở phần đất nhô ra phía Đại Tây Dương, thuộc bờ đông Uruguay. Do bị ngăn cách bởi cồn cát rộng lớn nên Cabo Polonio nằm biệt lập với các vùng khác. Ngôi làng cách đường cao tốc chính chỉ 7 km nhưng không có đường dẫn vào. Cách duy nhất để đến làng là đi bộ hoặc xe hai cầu (xe truyền động 4 bánh) qua các cồn cát. 


Không một nhà dân nào ở Cabo Pilonio có điện lưới và nước máy, kể cả hệ thống thoát nước. Chỉ một số ít doanh nghiệp sử dụng điện từ máy phát, pin năng lượng mặt trời, năng lượng gió để thắp sáng. Ở điểm xa nhất của ngôi làng là một ngọn hải đăng đang hoạt động, nơi duy nhất của Cabo Pilonio được kết nối với điện lưới. Người dân cũng có thói quen lấy nước sạch để sinh sống từ những chiếc giếng tự đào hoặc trữ nước mưa. 

Ngọn hải đăng là nơi duy nhất trong làng được nối điện lưới để hoạt động. Từ đây du khách có thể quan sát được hai hòn đảo ở phía đông và bắc và quan sát được hải cẩu sinh sống trên đảo.

Điều hấp dẫn nhất của Cabo Polonio chính là bãi biển với làn nước xanh trong, cát mịn màng và khu bảo tồn sư tử biển. 


Ngôi làng này là một trong những nơi có nhiều sư tử biển sinh sống nhất khu vực Nam Mỹ. Chúng chủ yếu cư ngụ trên hai hòn đảo nằm ở phía đông và bắc của làng với phần mũi bán đảo, nên khi mọi người đứng trên ngọn hải đăng sẽ rất dễ thấy. Ngoài ra, vào tháng 9, 10 hàng năm, du khách cũng có thể quan sát được những chú cá voi đi tìm nơi ẩn náu dưới làn nước biển tĩnh lặng. 

Làng có tới vài trăm ngôi nhà nhưng hiện tại chưa có điện lưới, những hộ kinh doanh dùng pin năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió để có điện thắp sáng.

Ngôi làng tương đối yên tĩnh vào khoảng tháng 5 - 9. Chỉ một số ít những người yêu động vật, nhà khoa học nghiên cứu cá voi, hải cẩu và ngư dân mới tìm đến đây. Nhưng tới mùa hè, ngôi làng yên tĩnh ven biển lại trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Uruguay. 


Cabo Polonio cũng là nơi có bầu trời tối nhất và đêm trăng sáng nhất trong số các vùng ở bờ biển của Uruguay. Nguyên nhân là ngôi làng hiếm cây xanh và không có đèn đường vào ban đêm.

Tuy gần như không có điện và nước, làng vẫn phát triển một loạt các nhà hàng và nhà nghỉ để phục vụ du khách, nhưng phần lớn họ lựa chọn thuê lại nhà dân để ở. Ngày nay ở Cabo Polonio đã có thêm dịch vụ gọi điện thoại và Internet.

Với vẻ đẹp tự nhiên và nên thơ cùng điều kiện sống không điện nước, ngôi làng Cabo Polonio là một trong những điểm đến ưa thích của dân hippie Argentina và Brazil vào mùa hè.

Nơi duy nhất để du khách sạc điện thoại là cửa hàng tạp hóa và chỉ khi máy phát điện chạy. Vào ban đêm ở làng mọi người sẽ được trải nghiệm cuộc sống dưới những ánh nến.


Hương Chi (theo Amusingplanet)

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Du lịch một ngày ở Bali

Một tuần ở Bali có khi cũng không đủ để khám phá hết, nhưng nếu chỉ có một ngày và một lịch trình phù hợp, bạn vẫn có thể cảm thấy hài lòng. 

Nếu bạn chỉ có một ngày ở đảo Bali (Indonesia), có một số nơi và một số việc bạn nhất định không thể bỏ qua. Hãy sẵn sàng cho 24 tiếng và chắc chắn bạn vẫn đủ thời gian để tận hưởng được cả nắng vàng, biển xanh, cát trắng, những khu rừng nhiệt đới, hàng loạt ngôi đền đạo Hindu, thác nước và nhiều điều tuyệt vời khác nữa.


Vị trí các điểm tham quan và ăn uống trên bản đồ đảo Bali cho một ngày của bạn. 

Để chuẩn bị cho chuyến đi, nên sắp xếp trước với một tài xế hoặc hướng dẫn viên địa phương. Đảo Bali rộng và đường đi lại khó khăn. Nếu chỉ có một ngày, bạn sẽ không đủ thời gian để tự lọ mọ.

Nhớ mang theo tiền địa phương, đồng Rupee Indonesia (viết là IDR, tỷ giá 1 IDR = khoảng 1,8 VND) vì chỗ rút tiền và các quầy đổi tiền không nhiều. 


Tiền tip là không bắt buộc, nhưng nếu có thể bạn hãy "boa" một chút ở quán ăn hoặc các dịch vụ khác (phí dao động từ 10 đến 50 nghìn IDR), đặc biệt là những nơi không thu phí dịch vụ (Service charges) của bạn. 

Khi vào đền, nên nhớ là đầu gối và vai không được để trần. Nên mang theo sarong (hoặc váy áo che tay), nếu không, có thể mượn (thuê) ở các cửa đền. Khi thấy có nhóm người đang cầu nguyện, nhớ đi phía đằng sau họ.

Người Bali không quan tâm đến việc bạn chụp ảnh họ, dù vậy sẽ thoải mái hơn nếu xin phép họ trước khi chụp.

Giờ thì bạn đã có thể sẵn sàng cho một ngày ở Bali, theo hướng dẫn của Tripadvisor:

Điểm đến đầu tiên: đền Pura Luhur Batukaru (thời gian lưu lại: 1 tiếng)

Nằm dưới chân ngọn núi Batukaru, ngôi đền này rất thiêng liêng đối với người theo đạo Hindu ở Bali. Được xây dựng từ thế kỷ 11, nơi đây là sự giới thiệu lý tưởng nhất cho khách du lịch về văn hóa bản địa. Một số khu vực trong đền sẽ đóng cửa vào các ngày kỷ niệm đặc biệt trong năm của người Hindu. 

Điểm thứ hai: Ruộng bậc thang Jatiluwih (gần 1 tiếng)


Ruộng bậc thang nổi tiếng ở Bali. Ảnh: Mayong

Ruộng bậc thang này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi tuyệt vời để bạn tận hưởng thiên nhiên với tầm nhìn mở rộng, hoàn toàn thư giãn. Chắc chắn bạn sẽ chụp ảnh lia lịa khi đến đây. Hãy nhớ bảo hướng dẫn viên nói với bạn về "Subak" - một phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của người dân địa phương. 

Dùng bữa trưa tại nhà hàng Á J Terrace (khoảng 1-2 tiếng)

Hãy ăn trưa theo kiểu người Bali tại đây, vừa ăn và vừa ngắm cảnh. Nên gọi món "nasi goreng" (cơm rang) hoặc "nasi campur" (cơm trộn).

Điểm đến thứ ba: Chợ Pasar Merta Sari (khoảng 1 tiếng)

Khu chợ địa phương đầy màu sắc này bán rất nhiều loại hoa quả, gia vị, rau, hoa lan... được chính người dân địa phương trồng. Đây là nơi tuyệt vời để có được những món quà lưu niệm có một không hai. Hãy mua một một nải chuối và cho bọn khỉ, mà chắc chắn bạn sẽ gặp trên đường về, ăn nhé! 

Điểm đến thứ tư: Thác Gitfit (khoảng 1 đến 2 tiếng)

Còn được gọi là Thác sinh đôi, Gitgit nằm rất gần đường chính và chỉ mất 15 phút đi bộ. Đây là một nơi tuyệt vời để bạn tạm thời "hạ nhiệt" trong những ngày nắng nóng. Một hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn từng loài hoa và thực vật trên đường đi. Nhớ mang theo quần áo để thay nếu bạn có ý định bơi tại đây. 

Điểm đến thứ năm: Đền Ulun Danu (khoảng 1 tiếng)



Bạn sẽ không hối hận khi đến Ulun Danu. 

Đền Ulun Danu Bratan nằm bên bờ hồ Bratan, trên núi cao, có khí hậu rất dễ chịu. Đây là một trong những ngôi đền được nhiều khách du lịch viếng thăm, nên nếu có quá nhiều người chụp ảnh thì bạn cũng đừng cảm thấy khó chịu. Và đừng quên dành nhiều thời gian tham quanh các khu vực xung quanh, bởi ngoài hồ nước và đền chính, còn rất nhiều thứ thú vị mà bạn có thể khám phá. 

Điểm đến thứ sáu: Đền Tanah Lot (khoảng 1-2 tiếng)

Tanah Lot là hình ảnh mà bạn sẽ thấy ở mọi tờ rơi giới thiệu về du lịch Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được coi là những vị thần bảo vệ Bali khỏi những điều xấu. Bạn sẽ có cơ hội cùng người dân địa phương xếp hàng để được nhận ban phước lành. Hãy tính toán thời gian để đến đây khi thủy triều thấp để bạn có thể đi bộ ra đền. Đừng quên mang theo máy ảnh vì đây là một trong những nơi chụp ảnh hoàng hôn tuyệt vời nhất. 

Ăn tối ở nhà hàng hải sản Melasti (khoảng 1 tiếng)

Cho dù đây không phải là nhà hàng có tiếng ở Bali, nhưng bù lại, bạn sẽ có chỗ ngắm hoàng hôn lý tưởng. Đó sẽ là đoạn kết cho một ngày hoàn hảo của bạn ở hòn đảo đáng yêu này. Nhà hàng nằm ngay gần đền Tanah Lot. 

Minh Hương

Bài đăng phổ biến