Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Phú Yên mùa hè không chỉ cho du khách cơ hội đắm mình vào biển xanh mà còn là điểm săn ảnh lý tưởng của các nhiếp ảnh gia cũng như chốn phiêu lưu các tay phượt trẻ.
Là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có ba mặt giáp núi và hệ thống sông, đầm, vịnh, hải đảo... đa dạng. Điểm đến này hiện vẫn còn nhiều những thắng cảnh đẹp, hoang sơ và đầy bí ẩn.

Dưới đây là lịch trình hai ngày cho du khách đến Phú Yên.

Ngày 1: Di chuyển ra Phú Yên

Nếu di chuyển từ Sài Gòn, bạn có thể bắt xe khách ở bến xe miền Đông chuyến 17h hoặc 18h tối để đến Phú Yên vào buổi sáng sớm. Giá vé xe khứ hồi là 540.000 đồng một người. Thời gian di chuyển khoảng 12 tiếng.

Nếu di chuyển từ Hà Nội, bạn sẽ phải đi chặng đường xa hơn với khoảng 1.250 km, tổng thời gian di chuyển là 26 tiếng, giá vé trung bình 1.300.000 đồng khứ hồi. Ngoài ra, bạn có thể chọn phương tiện máy bay để tiết kiệm thời gian, giá vé khoảng 5.000.000 đồng cho đi và về.

Bạn sẽ đến nơi tầm 5h hoặc 5h30, hãy sắp xếp, kiểm tra đồ đạc và bắt đầu hành trình khám phá. Bạn có thể nhận phòng vào lúc 14h00 theo quy định của khách sạn. Ngoài ra, để tiện cho việc di chuyển, bạn nên thuê xe máy với giá 80.000 đến 120.000 chiếc/ ngày.

Dùng điểm tâm sáng với món lẩu cháo mực tươi - đặc sản xứ biển. Sau đó bạn xuất phát đến ngọn hải đăng Đại Lãnh.

Đón bình minh trên ngọn hải đăng

Đại Lãnh (hay Mũi Điện) có những triền cát rất đẹp. Men theo đường mòn bạn có thể lên ngọn hải đăng, từ đây phóng tầm mắt ôm trọn cảnh biển bao la, nhìn những con tàu ngược xuôi trên biển. Đây chính là nơi nhìn thấy bình minh sớm nhất ở Việt Nam. Ngọn hải đăng này có tuổi đời lên tới 100 năm và vẫn còn hoạt động. Phí tham quan khoảng 10.000 đồng một người.

10h ngang qua Đèo Cả, ngắm vịnh Vũng Rô

Trên đường trở về Tuy Hòa, bạn có thể dừng lại ngắm vịnh Vũng Rô và nghe kể thêm về Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Kế đó, nếu vẫn còn thích thú khám phá, hãy tìm hiểu cách thức bắt tôm hùm của dân địa phương và quan sát nhịp sống của ngư dân.

11h trở về Tuy Hòa ăn trưa

Đặc sản Phú Yên có món hấp dẫn như cơm gà, cá ngừ, cháo hàu, bánh canh hẹ... Bạn cũng nên thử qua gỏi cá mai, bún mực hoặc các loại hải sản tươi ngon.




Vẻ đẹp bình dị của Phú Yên. Ảnh: Khánh Bằng.

14h tham quan núi Nhạn

Đây là ngọn núi cao khoảng 60 m so với mặt nước biển, nhìn từ xa trông như con chim nhạn đang sải cánh bay. Trên núi có ngôi tháp cổ kính được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật của người Chăm. Đứng từ đỉnh, bạn có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những mảng xanh của biển, cây cỏ và nhà cửa.

16h lang thang thành phố Tuy Hòa

Buổi chiều là thời điểm phù hợp để đi hóng gió biển. Bạn có thể ghé qua khu quảng trường 1/4 để uống nước, ăn vặt và cảm nhận nhịp sống của người dân vùng biển nơi đây.

18h tiếp tục khám phá ẩm thực tối

Nếu bạn không muốn ăn no mà đang tìm kiếm các món đặc sản vùng miền, hãy thử đi dọc biển chọn các món hải sản nướng, đừng bỏ lỡ cá ngừ đại dương - món ăn nổi tiếng gắn liền với vùng đất Phú Yên.

20h dạo chơi

Sau khi ăn tối, địa chỉ để thư giãn là Sky Lounge trên tầng thượng khách sạn Cendeluxe. Tại đây bạn có thể uống cà phê, ngắm cảnh thành phố về đêm. Giá một đồ uống khoảng 80.000 đồng.

21h - 22h về khách sạn nghỉ ngơi


Gành Đá Đĩa rộng 50 m và trải dài hơn 200 m. Ảnh: Lê Cao Trí

Ngày 2: Gành Đá Đĩa - Nhà thờ Mằng Lăng - Đầm Ô Loan

5h đón bình minh trên biển

Để ngắm toàn cảnh bình minh, bạn nên dậy sớm và di chuyển tới biển ngay tại Tuy Hòa. Lúc này mặt trời mới lên, nắng chiếu nhẹ xuống biển tạo nên những vệt sáng rất đẹp mắt.

7h ăn sáng ở những quán gần biển hoặc dọc đường

Bạn tiếp tục đến những quán ven đường để thưởng thức các món ngon nóng hổi của Phú Yên.

8h khởi hành về phía Bắc Tuy Hòa và đi tham quan Gành Đá Đĩa

Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Phú Yên. Nhìn xa Gành Đá Đĩa giống một tổ ong khổng lồ với những khối trụ vuông vức xếp liền nhau vươn mình ra biển. Bãi đá được ví như hàng nghìn viên ngọc đen nổi bật giữa biển xanh và sóng trắng. Bạn còn bắt gặp những chiếc thuyền thúng của ngư dân neo đậu thấp thoáng tạo nên sự hài hòa, yên ả cho bức tranh miền biển nên thơ.

11h tham quan nhà thờ Mằng Lăng

Đây là một trong những nhà thờ cổ lâu đời nhất ở Việt Nam, tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ (dân địa phương gọi là sông Cái). Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic có nhiều hoa văn trang trí kết hợp với màu xanh xám giản dị tạo nên nét cổ kính, huyền bí. Đây là nơi lưu giữ quyển sách Tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ do linh mục Alexandre de Rhodes biên soạn.

13h đi ăn trưa

Để tiện cho việc di chuyển và tiết kiệm thời gian, bạn có thể chuẩn bị đồ ăn mang theo như như bánh mì, nước suối, đồ hộp...


Bao tử cá ngừ hầm tiêu xanh đậm đà tại Phú Yên. Ảnh: Huấn Phan

14h tham quan Đầm Ô Loan

Ở đây bạn có thể thưởng thức món hàu và sò huyết có tiếng tại đây. Dạo chơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp say lòng người của phong cảnh đầm. Bạn có thể chờ đến chiều để ngắm hoàng hôn. Trong ánh sáng chập choạng cuối ngày, cảnh hoàng hôn trên đầm Ô Loan tạo cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn không chuyên.

18h về trung tâm thành phố ăn tối, sau đó về Sài Gòn hoặc Hà Nội. Kết thúc chuyến đi.

Xem thêm: 7 thiên đường nghỉ dưỡng hấp dẫn mùa hè

Lan Thoa (Theo VnExpress)

Kinh nghiệm du lịch Sihanoukville bằng xe máy

Chỉ với 3 triệu đồng và một chiếc xe máy, du khách đã có thể tự mình lên lịch cho chuyến khám phá biển đảo ở thành phố biển Sihanoukville, Campuchia.
Koh Rong và Koh Rong Samloem là hai hòn đảo thuộc thành phố Sihanoukville. Để tới được đây bạn phải đi bằng tàu thủy neo đậu ở bến tàu thành phố.
Xem thêm: Sihanouk Ville thiên đường biển Campuchia

Lưu ý trước chuyến đi

Đổi trước tiền Việt sang USD, mang theo nhiều nhất là loại 1 USD và 5 USD.

Kiểm tra xe kỹ trước khi đi. Đem theo hộ chiếu và đầy đủ giấy tờ xe chính chủ.

Ngày 1: TP HCM - Cửa khẩu Xà Xía - Sihanoukville

Từ TP HCM bạn đi tuyến đường N2 về Tràm Chim rồi qua bến phà Hồng Ngự đến thành phố Châu Đốc. Từ đây bạn đi tiếp về Tịnh Biên men theo đường biên giới với Campuchia tới cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên. Cung đường này vắng xe và đẹp nên bạn sẽ lái xe đỡ mệt hơn. Tổng chiều dài hành trình trên là khoảng 340 km.


Khu dịch vụ ở đảo Koh Rong. Ảnh: Phạm Quang Tuân.

Sau khi tới cửa khẩu, bạn dắt xe vào làm giấy tờ xuất nhập cảnh phía Việt Nam và đưa hộ chiếu. Nhân viên cửa khẩu hỏi đi đâu bạn cứ trả lời đi du lịch, tương tự với phía cửa khẩu Campuchia, nhân viên ở đây nói được tiếng Việt nên bạn đừng lo lắng.

Từ của khẩu Xà Xía bạn chạy thẳng về thành phố biển Sihanoukville, tổng hành trình khoảng 140 km. Lưu ý khi qua cửa khẩu bạn sẽ bị mất sóng điện thoại và 3G từ Việt Nam. Do đó, bạn nên cài ứng dụng chỉ đường Map.me không cần 3g mà vẫn tiện di chuyển. Để dùng 3G ở Campuchia, nên mua sim Metfone với giá 7 USD.

Tổng hành trình từ TP HCM đi Sihanoukville khoảng 480 km. Những người chạy xe đường dài không quen thì có thể ở lại một đêm ở Hà Tiên, sáng hôm sau qua cửa khẩu đến Sihanoukville.

Du khách nên thuê khách sạn ở gần bến tàu hoặc bùng binh có hai con sư tử. Giá giao động từ 7 USD đến 15 USD một giường loại dorm (phòng nghỉ tập thể). Trước khi đi bạn nên tham khảo trên các trang web đặt phòng để không mất thời gian hỏi giá. Ở Sihanoukville có quán ăn Nice Food giá rất hợp túi tiền, đồ ăn khá ngon và chỉ cách bến tàu 400 m.

Sihanoukville là thành phố biển, từ bến tàu đi về nhìn phía bên tay trái có nhiều khu giải trí pub, buổi tối ở đây ghế lười được bày ra bãi biển có hoạt động giải trí bắn pháo hoa, thả đèn lồng. Ngoài ra bạn có thể leo lên Bokor để ngắm cảnh núi rừng.

Ngày 2: Di chuyển ra đảo Koh Rong

Du khách làm thủ tục check out và rời khách sạn lúc 12h, có thể gửi xe máy lại khách sạn rồi di chuyển ra bến tàu. Ngay sát bên trái bến là phòng bán vé tàu TBC, chọn đi chuyến 14h30. Đảo Koh Rong dành cho dân bụi, ở đây khá nhộn nhịp với nhiều dịch vụ như bar, pub và các hàng ăn. Còn đảo Koh Rong Samloem là nơi để nghỉ ngơi và tận hưởng sự yên tĩnh. Trên đảo không có dịch vụ ăn uống nhiều chỉ có những nhà hàng bên trong các khu nhà nghỉ.

Nếu bạn muốn đi cả hai đảo, hãy mua vé khứ hồi đi Koh Rong Samloem giá 25 USD. Khi tàu cập bến Koh Rong bạn lên đảo ở lại một đêm, hôm sau ra lại bến tàu bắt chuyến đi Koh Rong Samloem, tốn thêm một khoản phí nhỏ để qua đảo.

Ngày 3 và 4: Đảo Koh Rong Samloem

Thời gian tốt nhất để khám phá Koh Rong Samloem là hai đêm, nhà nghỉ trên đảo được làm đa phần từ gỗ, mái lợp ngói hoặc tranh. Giá phòng có loại 10 USD dành cho hai người. Trước mỗi khu nhà nghỉ đều có ghế, võng và xích đu ngồi ngắm biển.

Trên Koh Rong Samloem ít bán đồ ăn nên bạn nhớ mua thêm đồ ăn từ Sihanoukville qua. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các món ăn tại nhà hàng của các khu nghỉ mát với giá dao động 2-5 USD một món.

Với đường bờ biển trải dài hơn 2 km, nước biển trong và cát mịn rất thích hợp cho việc đi dạo và tắm biển. Trên Koh Rong Samloem bạn thuê thuyền đi xung quanh đảo với mức giá khoảng 35 USD. Tối đến du khách và bạn bè có thể tổ chức đốt lửa trại bên bờ biển, ngồi trò chuyện, ăn uống và hát ca rất thú vị.


Du khách có thể ngồi xích đu ngắm biển ngay trước các nhà nghỉ trên đảo Koh Rong Samloem. Ảnh: Phạm Quang Tuân.

Ngày 5: Trở lại Shihanoukville

Sáng ngày thứ 5 ra lại bến tàu để về thành phố biển Sihanoukville. Bạn nên xem giờ tàu chạy trên vé để đi kịp chuyến. Quay lại Sihanoukville để nghỉ ngơi.

Ngày 6: Về Việt Nam

Buổi sáng bạn thu dọn đồ và check out khách sạn, xuất phát về lại Việt Nam. Nếu muốn tìm hiểu thêm Phnom Penh, bạn có thể chạy xe lên Phnom Penh rồi về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp bí ẩn của Campuchia

Kinh phí

Xăng xe cả đi và về vào khoảng 600.000 đồng.

Khách sạn: 50-70 USD cho 5 đêm.

Ăn uống: 40-50 USD cho 5 ngày, trung bình mỗi ngày khoảng 7-10 USD.

Vé tàu khứ hồi ra đảo: 25 USD.

Tổng kinh phí vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng.
Phạm Quang Tuân (Theo VnExpress)

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

24h trải nghiệm vẻ bình yên của Đường Lâm

Đạp xe chầm chậm qua từng ngõ nhỏ hay dừng chân dưới gốc đa xum xuê ở làng cổ Đường Lâm sẽ giúp bạn tìm lại sự bình tâm sau một tuần học tập, làm việc căng thẳng.
Đường Lâm là một xã thuộc Sơn Tây, Hà Nội gồm 9 làng, trong đó Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm liền kề nhau. Từ lâu, điểm đến này được nhiều du khách yêu thích vì sự cổ kính và thanh bình. Bạn có thể dành một ngày cuối tuần để dạo chơi.

7h: Xuất phát

Từ Hà Nội bạn xuất phát theo đại lộ Thăng Long hoặc đường 32 đi Nhổn để tới Đường Lâm với chiều dài quãng đường khoảng 44 km.

8h: Thăm làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng

Trên hành trình, bạn có thể dành thời gian ghé qua làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng nằm tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ, sản phẩm làm ra có mặt trong nhiều ngôi chùa, đình làng Bắc Bộ cũng như một số nước trên thế giới.

Bạn nên tới các cơ sở chế tác để quan sát quy trình tạo ra một bức tượng. Nếu có ý định mua quà lưu niệm, bạn nên lùi lại tới khi ngược về để không phải mang nặng. Sau khoảng nửa tiếng bạn tiếp tục hành trình đến Đường Lâm.

9h15: Dừng chân tại cổng làng

Công trình này xây dựng từ đời vua Lê Thần Tông theo kiến trúc "Thượng gia hạ môn" có nghĩa trên là nhà, dưới cổng.

Cổng làng Mông Phụ xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế. Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh. Trước kia, đây là nơi trú cho người đi tuần hay vài nông dân gánh lúa nghỉ ngơi. Khi dừng lại, bạn có thể thấy rõ không gian lao động và sinh sống tách biệt ở đầu làng.
Từ đây, bạn tiếp tục tiến sâu vào làng cổ. Vé tham quan là 20.000 đồng, gửi xe khoảng 5.000 đồng.

9h30: Tham quan đình làng Mông Phụ

Đây là di tích cấp quốc gia, xây dựng năm 1684 tại vị trí trung tâm và cao nhất làng. Đình xây theo kiểu chữ Công gồm Nghi môn (cổng chính), sân đình, Tả Mạc (nhà bên trái), Hữu mạc (nhà bên phải), và Đại đình (tòa chính). Hai bên hông có hai giếng cổ, được coi như mắt rồng. Nhiều bức hoành phi, câu đối được treo bên trong.

Sau khi tham quan xong, bạn có thể tới quán đối diện để nhấp thử chén nước chè, nhâm nhi cùng vài miếng chè lam, kẹo lạc - đặc sản của làng.

10h: Đạp xe khám phá

Nếu không thích đi bộ, bạn có thể thuê một chiếc xe đạp để khám phá với mức giá 40.000 đồng một ngày. Ảnh: Cao Anh Tuấn.

Hiện nay, Đường Lâm có hơn 900 nhà truyền thống, tập trung chủ yếu ở Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Tất cả đều được xây bằng đá ong, tre, gỗ, xoan, nứa... Nhà nào khá giá hơn thì dùng gỗ quý như đinh, lim, sến, táu.

Kiến trúc các công trình này là nội tự, ngoại khách tức sân nhà thấp hơn mặt đường, Vì lẽ đó, khi trời mưa, nước từ ngoài dồn vào sân rồi mới chảy thoát ra đường cổng.

11h: Chùa Mía

Chùa Mía hay Sùng Nghiêm Tự được xây dựng trên một khu đất cao ở thôn Đông Sàng. Đây là nơi lưu giữ hàng trăm pho tượng Phật làm từ đồng, gỗ, đất sét cùng nhiều di vật quý.

Vào những ngày thường, chùa trở nên tĩnh mịch. Không gian phảng phất khói hương khiến lòng người như trầm lắng lại, nhẹ nhàng và bình an hơn.

11h30: Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh xây dựng từ thời vua Tự Đức. Công trình này có diện tích khoảng 400 m2, dựng theo hình chữ Nhị. Tòa nhà quay hướng đông với kiến trúc cùng họa tiết trang trí đặc trưng. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ một số di vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng.

12h: Ăn trưa

Đây là thời gian để bạn thưởng thức các món đặc sản dân dã của làng cổ như gà mía, thịt kho tàu, canh cua rau đay, cà pháo muối, rau muống luộc chấm tương...

14h: Học cách làm chè lam, kẹo lạc

Đường Lâm nổi tiếng với chè lam, kẹo lạc và tương. Sau thời gian thăm thú, tìm hiểu dấu ấn lịch sử, bạn có thể tới một số hộ gia đình để học làm đặc sản trên. Giá vé một lần là 50.000 đồng. Ở đây, bạn được hướng dẫn cách làm ra một thanh kẹo, gói chè đúng điệu. Nhiều du khách tỏ ra thích thú vì được hòa mình với cuộc sống của người dân địa phương.

16h30: Đạp xe ra ngoài làng ngắm cảnh


Hình ảnh quen thuộc trong ngày mùa ở làng cổ. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh.

Trời chiều mát mẻ, thích hợp cho việc đạp xe ngắm cảnh. Đường Lâm đang vào mùa gặt nên mùi lúa chín bao trùm khắp nơi. Bạn có thể quan sát từng chiếc xe cải tiến chở thành quả lao động để sau đó một vài nhánh lúa rớt lại.

Khi mệt, bạn hãy chọn một góc dưới tán cây xanh để dừng chân. Hít đầy một lồng ngực mùi lúa thơm, nhắm mắt cảm nhận yên bình, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên.

18h: Lên xe trở về Hà Nội nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tuần làm việc mới


Diệu Huyền

Bài đăng phổ biến