Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Những khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc

Bên cạnh những trung tâm thương mại sầm uất, các khu chợ truyền thống vẫn có sức hút riêng với du khách nhờ sản vật địa phương và mặt hàng độc đáo.
Dưới đây là 4 khu chợ truyền thống bạn nên ghé thăm khi đến xứ kim chi.
Xem thêm: Các chợ nhân sâm, nấm linh chi lớn ở Hàn Quốc

Jeonju Nambu



Điểm du lịch gần chợ Nambu là làng Hanok, nhà thờ Jeondong. Nơi đây cách Seoul hơn 200 km.


Bắt đầu hoạt động từ năm 1905, Jeonju Nambu nổi tiếng là khu chợ có lịch sử lâu đời và đồ ăn ngon. Vào năm 1980, nơi đây là một trong 5 khu chợ chính ở Hàn Quốc.

Với diện tích 18.840 m2, chợ có các cửa hàng bán đồ gia dụng, thực phẩm, thủy hải sản... Sôi động nhất là khu vực bán thực phẩm như kong-namul-gukbap (cháo giá đỗ), pi-sundae (xúc xích Hàn Quốc), và patjuk (cháo đậu đỏ)... Tại đây, du khách cũng có thể dễ dàng mua hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc).

Tầng 2 của chợ có không gian mới lạ, sáng tạo mang tên "Cheongnyeon (Youth) Mall", thu hút ngày càng đông du khách tham quan, mua bán. Bạn có thể mua những món đồ xinh xắn, độc đáo để làm quà cho người thân và bạn bè ở đây.

Gyeongju Jungang



Một số món nên thử trong chợ Jungang là Someori-gomtang (súp đầu bò), HANU (thịt bò Hàn Quốc), guksu (mì), gimbap, miyeok sujebi (súp rong biển). Chợ cách Seoul khoảng 370 km.


Thành phố Gyeongju được ví như một bảo tàng không tường với vô số di tích văn hóa lịch sử từ thời cổ đại vẫn còn nguyên vẹn. Nằm gần Donggung (Đông cung Thái tử) và khu lăng mộ Daereungwon là chợ Jungang, rất thuận tiện cho du khách ghé thăm. Hoạt động từ năm 1900, chợ được mở rộng và có nhiều thay đổi đến ngày nay. Ngoài các loại cá tươi sống, nơi đây cũng bày bán nhiều loại hải sản khô, trái cây, rau quả và thịt.

Chuncheon Nangman



Từ chợ, du khách có thể ghé thăm đảo Nami, công viên điêu khắc Gongjicheon hoặc vườn hoa Gangwon. Chuncheon cách Seouk khoảng 110 km.


Đây là khu chợ truyền thống lâu đời nhất ở Chuncheon, mở chính thức từ năm 1962. Để đối phó việc xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị và thay đổi thói quen tiêu dùng, những tiểu thương ở Chuncheon Nangman đã tìm cách khôi phục lại chợ truyền thống.

Thay vì xây dựng lại, họ quyết định giữ nguyên khu chợ 50 tuổi với những lối đi như ban đầu. Một số tác phẩm nghệ thuật được treo thêm ở lối đi trong khi trên tường xuất hiện những bức tranh hài hước. Nhờ đó Nangman đã có một khởi đầu mới vào năm 2010.

Bước chân vào chợ, bạn sẽ bắt gặp các cửa hàng bán tất, mũ, khăn quàng, kẹp tóc... Lối đi bên trái dẫn du khách đến các quầy bán thịt và cửa hàng phục vụ sundae-guk (súp xúc xích Hàn Quốc).

Không gian khu vực trung tâm chợ sử dụng như một nhà hát với nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ du khách. Thậm chí bạn có thể xem phim ở đây vào những buổi tối mùa hè. Ngoài ra, chợ cũng có một phòng chờ dành cho du khách nghỉ ngơi khi tham quan.

Jeju Dongmun



Một số món nên thử ở chợ là Omegi-teok (bánh truyền thống), Gogi-guksu (phở với thịt), jeju gamgyul (quýt)... Jeju cách Seoul gần một giờ bay.


Jeju, hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc, là một trong những điểm du lịch rất nổi tiếng nhờ khí hậu ấm áp và thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây có chợ Dongmun truyền thống với lịch sử lâu đời, cung cấp khoảng 80% nhu cầu thực phẩm của tất cả người dân trên đảo.

Mặt hàng chủ yếu gồm hải sản, hoa quả và rau xanh. Chợ lại nằm gần sân bay quốc tế Jeju, lúc nào cũng nhộn nhịp du khách ghé qua ăn uống hoặc mua quà lưu niệm. Với hơn 320 cửa hàng, chợ Dongmun đón tiếp khoảng 10.000 khách tham quan mỗi ngày.
Vy An (theo Visitkorea)

Lễ hội xây lâu đài và tắm cát bên bờ biển Busan

Ngoài chiêm ngưỡng và tự tay xây các tác phẩm bằng cát, du khách đến với Haeundae Sand Festival còn được thư giãn, tham gia những hoạt động thể thao bên bờ biển.
Xem thêm: Du lịch Hàn Quốc với mùa hoa Anh Đào


Lễ hội cát được tổ chức ở bờ biển Haeundae, Busan, từ ngày 29/5 đến 1/6. Đường bờ biển dài 1,5 km này là nơi sáng tác và trưng bày các tác phẩm tuyệt đẹp được làm hoàn toàn từ cát.


Lễ hội gồm nhiều hoạt động được lấy cảm hứng từ cát của bờ biển Haeundae. Một trong số đó là triển lãm các tác phẩm điêu khắc bằng cát tinh xảo được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.


Bên cạnh việc khắc họa các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, nhiều tác phẩm trong lễ hội còn tái hiện nhân vật trong chuyện cổ tích, đem đến sự thích thú cho nhiều du khách, đặc biệt là khán giả nhí.


Một trong những điểm nhấn của lễ hội là trải nghiệm tắm cát nóng (vùi mình dưới cát từ đầu đến chân), vừa tốt cho sức khỏe, vừa giúp làm đẹp (ảnh phải). Du khách cũng có thể trượt cát từ trên dốc xuống (ảnh trái). Ảnh: travelingwithjc


Ngoài ra, lễ hội còn mang đến nhiều sự kiện vui nhộn như cuộc thi bóng chuyền bãi biển, trưng bày các loại cát khác nhau từ khắp mọi nơi trên thế giới, chạy marathon….


Du khách cũng có thể tự tay xây dựng những lâu đài bằng cát cho riêng mình ngay bên bờ biển. Ảnh: world-walk-about.


Tối đến, lễ hội rực rỡ với những màn trình diễn, hòa nhạc... Du khách thưởng thức xong có thể ghé thăm chợ cá Jagalchi nổi tiếng hay nếm thử món sushi truyền thống ngay tại những nhà hàng bên bờ biển.
Vy An (theo Visit Korea)

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Những điểm ngắm sen tại Hà Nội

Đến Hồ Tây, Xuân Đỉnh hay hồ Quan Sơn, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu nhẹ của sen hay thả mình trong không gian thanh khiết và thoáng đãng.
Cuối tháng 5, các đầm sen quanh Hà Nội bắt đầu nở rộ. Nhiều người không muốn bỏ lỡ dịp này. Ai ít thời gian thì mua vài bó từ các gánh hàng rong trên phố, ai thảnh thơi lại tới các khu vực trồng sen để ngắm những bông đầu mùa đầy hương sắc.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

Hồ Tây

Cảnh thu hoạch sen làm chè của người dân khu vực hồ Tây. Ảnh: Lê Bích.

Hồ Tây là điểm trồng sen lâu đời tại Hà Nội. Sen ở đây có đặc điểm lá to, xanh, dày và bông hồng tươi, mập mạp. Bên cạnh đó, chủ các khu vực trồng còn có nghề làm chè sen mỗi khi mùa về. Công việc này chỉ thực hiện vào sáng sớm, thời điểm hoa tươi nhất và còn đọng lại sương đêm. Vì vậy, bạn nên tới vào sáng sớm, để vừa có thể ngắm sen trong không khí trong lành, vừa tìm hiểu cách làm nghề của người dân.

Đường đi: Bạn đi theo lối đê Yên Phụ, Nhật Tân hoặc chợ Bưởi, Lạc Long Quân đến công viên nước Hồ Tây rồi hỏi đường ra đầm sen.

Giá vé: Khi muốn vào các đầm chụp ảnh bạn phải mất vé khoảng 30.000 - 50.000 đồng.

Xuân Đỉnh

Bạn nên tới vào lúc bình minh hay hoàng hôn để ngắm được cả mặt trời. Ảnh: Trịnh Hoàng Như.

Nằm sâu trong ngõ nên đầm sen Xuân Đỉnh (Từ Liêm) được nhiều người yêu thích nhờ yên tĩnh, tránh xa được sự ồn ào của phố thị. Không giống Hồ Tây, nơi này chủ yếu phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn và chụp ảnh của mọi người. Do vậy, chủ đầm nhanh chóng cung cấp nhiều dịch vụ liên quan như cho thuê trang phục, thuyền hoa...

Đường đi: Từ đường Phạm Văn Đồng, bạn chạy xe vào Xuân Đỉnh, tìm ngõ 408 và đi sâu vào trong hoặc rẽ đường Nguyễn Hoàng Tôn, vào ngõ 585.

Giá vé: Một người lớn là 40.000 đồng, sinh viên, học sinh và trẻ nhỏ là 20.000 đồng.

Hồ Quan Sơn

Hồ Quan Sơn không đông đúc như các điểm ngắm sen trong nội thành. Ảnh: Linh Phạm.

Hồ Quan Sơn thuộc huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội 50 km. Nơi đây được ví như Hạ Long trên cạn với khoảng 20 ngọn núi lớn nhỏ, nằm giữa hồ nước mênh mông. Để khám phá hết, bạn chỉ có thể thuê thuyền đi lại.

Vào mùa sen, sau khi đưa du khách thăm thú một vòng, chủ thuyền sẽ dừng lại khu vực trồng sen rộng lớn. Hoa ở đây không trồng kín mặt nước nhưng vẫn tạo nên khung cảnh hấp dẫn mọi người.

Đường đi: Từ Hà Nội, bạn đi qua Hà Đông, Ba La, hỏi đường đi chùa Hương sau đó chạy tiếp tới thị trấn Tế Tiêu. Ở đây, bạn hỏi lối rẽ vào hồ.

Giá vé: Bạn phải mua vé vào cửa khoảng 15.000 đồng một người, giá thuê thuyền tham quan là 140.000 đồng.

Lưu ý chung:

Khi ngắm sen, bạn không nên ngắt hoa.

Mang theo kem chống nắng, mũ nón.

Bạn nên đi vào sáng sớm để tránh đông đúc cũng như ngắm được ánh bình minh ngày mới.

Diệu Huyền (Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến