Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Hồng Ngài - bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Con nắng vàng trải dài trên các đỉnh đồi, ngọn núi hùng vĩ cùng những đồng ruộng bậc thang nối nhau trùng điệp sẽ đưa bạn đến bản Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, Sơn La.
 
Bản Hồng Ngài nằm giữa huyện Bắc Yên, cách trung tâm thành phố Sơn La 100 km về hướng đông. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của những bản làng người Mông vẫn còn giữ được những nét hoang sơ vốn có.


Những con đường đất dài chừng vài km sẽ dẫn du khách vào bản. Hai bên đường bạn sẽ được tận hưởng quang cảnh thiên nhiên hữu tình và không khí tươi mát. Nơi đây còn là quê hương của "vợ chồng A Phủ". Nhiều người ghé thăm động A Phủ đã không khỏi bồi hồi nhớ lại câu chuyện xưa nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.


Hồng Ngài hiện nay khác trước nhiều. Đường đi dễ hơn, khách du lịch biết đến và ghé thăm vùng này cũng nhiều. Vì thế những phiên chợ họp không chỉ có đông đảo bà con dân tộc mà còn cả những vị khách vãng lai.


Con đường dốc với cảnh vật thiên nhiên mênh mông nối dài hai bên đường sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Bạn sẽ bắt gặp những người dân địa phương khi đi vào bản, nhớ hỏi thăm đường để tránh bị lạc.


Ghé thăm bản nhỏ, bạn không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà còn ấn tượng với ẩm thực trứ danh như: chè Tà Xùi, cơm Lam, Pa pỉnh tộp (cá nướng), bánh ngô,...


Bạn có thể tự túc mang theo những vật dụng cắm trại và tận hưởng một đêm giữa chốn đất trời rộng mở.


Vào tháng 8, tháng 9, khi mùa táo mèo bắt đầu, đâu đâu cũng thoang thoảng hương táo quyến rũ. Bạn nên một lần ngủ lại trong rừng hoặc trên những cao nguyên và thức dậy sớm để ngắm Hồng Ngài hiện ra trong bình minh. Những thung lũng ngập hơi sương cùng cô gái Mông thấp thoáng với những đóa hoa dại lưng lửng bên sườn dốc sẽ làm bạn khó quên nơi đây.


Vùng núi Tây Bắc với cảnh sắc hoang sơ, cùng sự hòa quyện của thiên nhiên phong phú như thể đưa người ta đến một thế giới khác. Với đặc điểm địa hình đồi núi và khí hậu đa dạng nên bạn đến tham quan vào dịp nào cũng thích hợp. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, nhưng mùa xuân và mùa thu Tây Bắc mới thực sự rực rỡ nhất.
Phong Vinh - Ảnh: Sơn Trương Ngọc (VnExpress)

Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Thấy khách ghé vào, chủ nhà niềm nở đón chào rồi tiến ra vườn chọn những trái chín thơm ngon nhất, hái xuống cho mọi người thưởng thức ngay tại chỗ.  

Cù Lao Dài là tên gọi xa xưa của vùng đất do phù sa bồi đắp, nay thuộc hai xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sở dĩ có cái tên này vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Tuy nhiên người miền Tây thường đọc trại từ, nên "giày" biến thành "dài".

Để đến được Cù Lao Dài, bạn có thể đi bằng hai cách là dùng đò ở bến đò Vũng Liêm với giá 20.000 đồng hoặc chạy xe máy qua phà. Người dân địa phương chủ yếu lựa chọn cách thứ hai vì rút ngắn thời gian di chuyển. Chỉ cần qua phà là đến địa phận Cù Lao Dài. Nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc của thôn quê, với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng. 


Người dân Cù Lao Dài có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê và sẵn sàng hái xuống để mời khách. Ảnh: Thảo Nghi

Đặt chân đến xã Thanh Bình, bạn có thể chạy xe dọc con đường nhỏ và xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương. Có rất nhiều loại khác nhau như sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, bưởi...

Chủ vườn người miền Tây đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Bạn có thể vừa ngồi trên chiếc võng đu đưa, vừa ăn miếng mít thơm lừng và trò chuyện rôm rả. Nhiều người có thể mua trái cây ngay tại vườn và được người dân chỉ cách chọn loại ngon trên thị trường.

Sau khi thưởng thức các loại trái cây ngon ngọt, du khách có thể đến quán của dân địa phương là Vườn Dừa để thưởng thức những món ăn hấp dẫn đặc trưng, hay tự tay đổ chiếc bánh xèo vàng giòn trên chảo gang.


Bánh xèo miệt vườn ở Cù Lao Dài vừa dai vừa mềm. Nhiều lúc thực khách cứ dùng tay xé ra rồi ăn mãi không ngừng được. Ảnh: Thảo Nghi

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên mà không cần dầu. Nếu chảo quá khô, họ có thể lấy miếng mỡ di một vòng trên chảo rồi lấy ra, sau đó đổ bột, cho thêm giá, hành, tôm, hến... Chiếc bánh xèo được đặt trên lá chuối, ăn cùng các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.

Ngoài ra, ở đây còn nhiều món gắn bó với miền Tây như gỏi gà nấu rịu, ốc nướng tiêu xanh, lẩu trái bần và cơm thịt kho tàu...

Nếu chỉ ăn uống, du khách chưa thể trải nghiệm hết cuộc sống của người dân miền Tây. Đến đây, nhiều người còn bị mê mẩn bởi những giai điệu đơn ca tài tử như "Lan và Điệp", "Dạ cổ hoài lang"... Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử là các nghệ nhân không đứng hát hay mặc áo dài, mà cứ tự nhiên ngồi trên ghế cất cao giọng ngân trong trang phục giản dị. 


Những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" đang cất cao giọng hát với những khúc nhạc như Tâm sự Huyền Trân, Vọng Kim Lang... Ảnh: Bảo Thu

Hành trình về miền Tây luôn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cách sống phóng khoáng, chân tình của người dân. Bạn có thể tự mình khám phá vùng đất bằng xe máy, hoặc đăng ký đi tour các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Cù Lao Dài (hai ngày một đêm) với chi phí 1.590.000 đồng.

Thảo Nghi (VnExpress)

Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Đến miền Tây vào mùa con nước, chuyện trò rôm rả với người dân địa phương và thưởng thức cháo vịt sóng sánh, béo ngậy là một trải nghiệm thú vị dành cho lữ khách.
 

Với người miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước tháng 9 âm lịch, những cánh đồng chỗ nào cũng trắng xóa. Mùa nước về cũng là lúc nơi đây bước vào vụ thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào, hàng trăm đàn vịt tràn xuống ruộng. Những con vịt xiêm béo tròn, kêu quang quác cả một vùng rộng lớn.

Người dân sau vụ lúa cũng rảnh rang và thường đãi nhau những món ngon từ vịt. Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng, họ bắt lại và làm món nướng, luộc, nấu chao... Nhưng dễ làm và dễ ăn hơn cả là món cháo vịt, lai rai làm mồi nhậu ấm bụng mỗi buổi tối.

Vịt được chọn là những con nhỏ, khoảng hơn một kg vừa chắc thịt lại thơm ngon. Để khử bớt mùi hôi, vịt sau khi làm sạch lông sẽ dùng gừng hoặc rượu trắng sát nhẹ. 


Vịt được chặt thành miếng, rắc thêm chút hành phi thơm vàng óng, chấm với nước mắm tỏi là món ăn dân dã ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: giamua

Thịt vịt được cho vào nồi nước luộc cùng chút gừng, muối, và hành củ đã được nướng chín và đập dập. Khi nước sôi phải giảm nhỏ lửa và hớt hết bọt để nước luộc vịt được trong.

Muốn cháo vịt ngon phải chọn loại gạo thơm, thêm một nắm gạo nếp cho dẻo, vo sạch rồi cho vào chảo rang lên đến khi ngả sang màu vàng nhạt. Khi luộc vịt chín vớt ra cho gạo vào nồi đun trên bếp để hạt gạo nở bung, tỏa ra mùi thơm nức.

Thịt vịt luộc được chặt ra thành từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm pha chua ngọt, cùng tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm vài sợi gừng thái nhỏ, gia giảm cho vừa miệng.

Cháo nóng được rắc thêm hành lá, tía tô hay rau mùi thái nhỏ, thêm chút tiêu xay cho dậy vị, ăn kèm với thịt vịt luộc chấm mắm tỏi. Bạn sẽ cảm nhận những miếng thịt ngọt, béo mà không ngấy, lẫn trong bát cháo sóng sánh.

Anh Phương (VnExpress)

Bài đăng phổ biến