Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Món ăn nhất định phải thử ở Đà Nẵng

Đến thành phố sông Hàn, ngoài việc trải nghiệm những bãi biển xanh ngát, cây cầu lung linh về đêm, bạn sẽ khó lòng bỏ qua các món đặc sản hấp dẫn ngay từ vẻ ngoài. 

Mì Quảng

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng được chế biến từ gạo nhưng lại có hương vị riêng biệt từ cách trình bày. Đầu tiên cho vào tô rau sống đủ loại, tiếp đến là mì sợi và chan nước, sau đó thêm hành và ngò lá xanh, đậu phộng rải đều. Nước lèo có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm, ngọt. Giá một tô từ 15.000 - 25.000 đồng.

Bánh bèo

Bánh bèo Đà Nẵng thường được đổ trong những chén vừa. Nhân gồm thịt ba rọi, tôm lột vỏ, nấm mèo, đầu hành lá, gia vị và một chút nước màu. Khi bánh bèo chín, người chế biến thêm nhân sệt vào, chan ít nước mắm đã pha, rắc hành phi, đậu phộng giã rồi. Một phần bánh bèo chén cho một người ăn khoảng 20.000 đồng.


Bánh tráng cuốn thịt heo

Món cuốn dân dã này có được hương vị khó quên là nhờ khâu chọn lọc nguyên liệu. Bánh tráng phải là loại phơi sương, thơm mùi gạo. Thịt heo chọn loại ngon, luộc vừa tới rồi ngâm trong nồi nước dùng, sao cho miếng thịt có độ dẻo, phần mỡ trong, phần thịt trắng nõn nà, bì mềm. Nếu có dịp đến thành phố Đà Nẵng, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn đậm đà này ở các nhà hàng đặc sản (hệ thống Trần, quán Mậu…) hay các quán vỉa hè, chợ Cồn, chợ Hàn… với giá dao động từ 50.000- 80.000 đồng một phần.


Ốc hút

Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào xả ớt. Ốc trước khi xào được đập thông hai đầu, khi thưởng thức chỉ cần hút nhẹ ở miệng vỏ sẽ cảm nhận được ngay thịt ốc vừa béo vừa chắc, ăn cùng xoài và đu đủ ngâm chua cay. Vừa ăn vừa hít hà vị cay đặc trưng của các món ăn Đà thành sẽ khiến bạn có trải nghiệm khó quên. Hãy tìm đến các quán vỉa hè bán đồ ăn khuya hoặc quán hải sản gần bãi biển, một đĩa ốc hút có giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng.

Mít trộn

Đây là món ăn vô cùng thân thuộc với giới trẻ Đà Nẵng. Mít trộn có vị bùi và ngọt của mít non, giòn của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon hấp dẫn. Một đĩa mít trộn có giá 10.000 - 20.000 đồng.

Cá khô rang chua ngọt

Vùng biển Đà Nẵng mang đến nhiều món hải sản ngon, đặc biệt là các món từ cá. Từ lâu, cá khô là một món dân dã của người dân miền biển. Cá khô xào cay, hay cá khô rang chua ngọt chất chứa hương vị biển mặn mòi. 25.000 đồng là giá một đĩa cá khô đầy đặn.

Chíp chíp xào cay

Đây là loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Ngoài việc hấp, xào cay chíp chíp cũng là cách làm phổ biến. Hương vị ngọt dịu của chíp chíp cộng thêm mùi hăng của sả, cay của ớt, đậm đà của gia vị làm nên một món ăn nhất định phải thử khi đến Đà Nẵng. Món này bán ở mọi quán ăn hải sản, với giá 25.000-30.000 đồng đĩa.

Gỏi sứa

Gỏi sứa có cách chế biến đơn giản. Sau khi rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, vắt ráo nước, đem trộn sứa với chuối xanh, xoài xanh, đậu phộng, thêm chút rau thơm. Có thể ăn kèm cùng với bánh đa, chấm nước tương hoặc muối tiêu chanh đều rất ngon. Gỏi sứa cũng đặc biệt hợp với thời tiết mùa hè nóng nực vì vị thanh mát, không gây cảm giác ngán, được bán ở gần bãi biển, trong các chợ Cồn, chợ Hàn.... với giá 20.000-30.000 đồng một đĩa.

Gỏi cá mai

Cá mai có hình dáng tương tự cá cơm nhưng có một lớp vẩy bạc lấp lánh bao quanh và đặc biệt là không có máu nên không có mùi tanh. Cá mai đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu đuôi, dùng dao mổ dọc theo lườn cá, rút bỏ xương sống, làm tái bằng nước cốt chanh, vắt ráo và để riêng. Các loại rau như cá rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ, đậu phộng rang... để trộn gỏi, tạo nên món ăn mang đậm hương vị miền Trung. Các quán ăn gần cầu Rồng, hoặc bãi biển Phạm Văn Đồng có bán nhiều gỏi cá mai, giá khoảng 30.000-40.000 đồng một đĩa cho 4 người ăn.

Má Lúm (VnExpress)

Kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ

Mùa leo núi Phú Sĩ ở Nhật (từ tháng 7 đến tháng 8) là thời điểm mong chờ nhất của những người thích chinh phục đỉnh Phú Sĩ huyền thoại. Để có một chuyến đi an toàn, bạn nên lưu ý những điều sau.

Xem thêm: 10 'thiên đường hạ giới' của Nhật Bản khiến bạn ngây ngất

Hàng năm, núi Phú Sĩ được mở cửa trong vòng hai tháng: từ ngày 1 tháng 7 tiến hành nghi thức làm lễ mở cửa và kết thúc mọi hoạt động vào ngày 31 tháng 8. Ðây cũng là thời gian du khách tìm đến Phú Sĩ nhiều nhất để chinh phục đỉnh núi huyền thoại và ngắm bình minh trên núi.



Mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8

Núi Phú Sĩ có đến 10 trạm, để lên được đến đỉnh ngắm mặt trời mọc, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm sau:

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết



Nên có những bài tập vận động trước, tham khảo các trang web về kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ (có rất nhiều thứ tiếng)

Trước khi đi, nên kiểm tra lại mọi vật dụng cần thiết: Ba lô du lịch gọn nhẹ, đèn pin, chai nước (loại nước giúp bổ sung ion, các chất điện giải), cơm nắm gói trong rong biển (phòng khi không ăn được thức ăn của nhà hàng), điện thoại pin có độ trữ lâu và chống thấm nước, kính bảo vệ mắt, bình thở oxy loại dành cho người leo núi không chuyên…

Chọn trang phục phù hợpQuần áo ấm loại dành cho người leo núi, loại áo mưa mặc vào người - gồm quần và áo có mũ (Trạm trên núi có bán, nhưng giá cao hơn và không có nhiều để lựa chọn).

Giày leo núi có độ bám tốt.

Gậy chống để leo núi (rất hữu ích khi bạn lên và xuống).

Mang theo thuốc cảm


Khi leo núi, bạn có thể gặp mưa, để phòng bệnh nên mang theo thuốc cảm

Thời tiết ở núi Phú Sĩ rất khó đoán vì đây là vùng núi, chung quanh lại có hồ, nên có thể gặp mưa và không mưa. Nếu đi vào lúc trời mưa thì có thuận lợi là vắng người hơn ngày không mưa, leo lên rồi đi xuống không nóng bụi nhiều. Nhưng nếu quần áo không tốt, nước mưa thấm vào quần áo, bạn sẽ lạnh run và cảm sốt ngay. Vì thế lúc nào cũng cần có thuốc giảm sốt.

Đừng nên đi một mình


Đừng nên tách nhóm vì rất dễ bị lạc đường

Đoạn đường leo núi rất dài nên bạn đừng bao giờ quá tự tin để đi một mình, sẽ dễ bị nhầm đường. Dù đi khoảng 30 phút sẽ thấy một trạm dừng, thường là quán có bán thức ăn nước giải khát, đồ lưu niệm và các vật dụng cần thiết.

Ngay cả trạm cuối thứ 10 - nằm gần bên cạnh miệng núi lửa, cũng có hai quán phía đường đi lên, và phía đường đi xuống. Nhưng nếu bạn bị sốt, lạnh, chuột rút thì khó có thể cầu cứu nếu như đó là đêm khuya. Các quán sẽ đóng cửa, tắt đèn để ngủ.

Nên dùng xe vận chuyển đến tầng 5


Đoạn đường từ chân núi lên tới đỉnh Phú Sĩ được chia thành 10 tầng (hay 10 trạm). Xe ở trạm dưới chân núi sẽ đưa du khách lên tầng 5 - trạm dừng đầu của núi để bạn chuẩn bị mọi thứ trước khi leo bộ đến tầng 10.


Bạn nên đi xe đến tầng 5 và bắt đầu leo núi từ tầng 6 để tiết kiệm sức lực


Bạn không nên phá kỷ lục là đi từ chân núi lên vì vừa mất sức vừa mất thời gian (có nhóm đã mất một ngày khi quyết định đi bộ từ tầng 3 và kết quả là đuối sức khi chưa đến tầng 5). Đi xe để tiết tiệm sức lực, vì thực tế chặng đường leo núi từ tầng 5 trở lên rất khó khăn với những thử thách sau:

- Phải đối mặt với giá lạnh (cái lạnh từ gió, hơi ẩm, và mưa) rất không dễ chịu.

- Nam giới to khỏe có thể đi trong 5 đến 7 giờ. Nhưng nếu trong đoàn có nữ, các bạn nữ có thể sẽ phải dừng lại nghỉ. Nên bạn cứ thong thả đi chậm, hít thở và ngắm khung cảnh chung quanh. Đi quá nhanh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu oxy, lúc đó còn mất thời gian hơn.

- Từ tầng 5 lên tầng 6 là đoạn dễ đi nhất. Sang tầng 7 là vách đá dựng đứng. Đến tầng 8, 9, 10 thì khoảng cách giữa các trạm dừng chân ngày càng xa, bắt buộc bạn phải đi không ngừng vì sườn dốc không có chỗ ngồi lại để nghỉ. Nếu ngồi bạn sẽ lạnh cóng vì lúc đó thường là 2-3g sáng. Ngoài ra không khí rất loãng, bạn phải cần dùng đến bình thở oxy.

Một điều quan trọng là bạn phải luôn giữ ấm cơ thể. Mang theo cơm nắm trong hộp giữ ấm và nước uống có khoáng chất để giữ sức đi hết đoạn đường dài.
(Theo PNO)

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Những điểm đến được nhiều khách Tây gợi ý ở Hà Nội

Khu phố cổ, nhà hát múa rối Thăng Long hay lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là những cái tên được nhiều du khách gợi ý nên ghé thăm khi tới Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Hà Nội là một trong nhiều thành phố của Việt Nam được khách quốc tế yêu thích. Các điểm tham quan ở đây đa dạng như phố cổ, hồ Tây, cầu Long Biên... Tuy nhiên trong đó, nhiều du khách dành tình cảm đặc biệt cho một vài nơi. Dưới đây là một số địa chỉ du lịch nhận được nhiều lượt đánh giá trên trang Tripadvisor.

Khu phố cổ


Hiện nay, để bảo tồn, nhiều phương án được đưa ra khiến phố cổ càng hấp dẫn du khách hơn. Bạn có thể tới đây vào ba ngày cuối tuần để thưởng thức nghệ thuật dân gian hay hòa mình trong không khí tươi mới của người trẻ tại các khu ăn uống. Ảnh: Hương Chi.

Tại phố cổ Hà Nội, tên mỗi con đường thường tương ứng với mặt hàng truyền thống bán ở đó như Hàng Mã, Hàng Đường, Hàng Thiếc... Một đặc điểm khác cũng khiến nơi này trở nên hấp dẫn là những ngôi nhà cổ. Kiến trúc các công trình này là mái ngói nghiêng, cửa hàng buôn bán ở mặt tiền và thò thụt không đều.

Điểm đến này nhận được hơn 7.500 nhận xét từ du khách. Nhiều người xem đây như mê cung đầy sức cuốn hút hay nơi nhất định phải tới khi ghé thăm Hà Nội. Một số ý kiến khác còn chia sẻ trải nghiệm của mình như lang thang ở những con ngõ nhỏ, chen chân tại chợ đêm thứ bảy. Số khác thì dành thời gian thưởng thức nghệ thuật truyền thống ở khu vực đi bộ hay đơn giản hơn là ngồi uống một cốc bia ven đường.

Nhà hát múa rối Thăng Long

Với gần 4.500 đánh giá, nhà hát múa rối Thăng Long là điểm đến tiếp theo bạn nên ghé thăm. Mới bước vào, nhiều người thường ấn tượng bởi tiếng nhạc dân tộc vang lên nhẹ nhàng. Tới khi buổi diễn bắt đầu, bạn sẽ không quan sát được người nghệ sĩ ngoài các con rối được tô vẽ theo các tuyến nhân vật riêng. Qua sự điều khiển khéo léo, chúng sẽ truyền tải tới du khách những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của người Việt như sinh hoạt đời thường, lễ hội truyền thống: rước kiệu, đấu vật, chọi trâu...

Robby BNL, một du khách đến từ Hà Lan chia sẻ: "Nhìn có vẻ dễ nhưng thật khó để điều khiển chúng". Trong khi đó, một du khách Anh với tên tài khoản CTR lại thích thú khi được chứng kiến nhiều mảnh ghép nhỏ của văn hóa Việt Nam.

Hồ Gươm


Hồ Gươm hấp dẫn du khách cả ban đêm, khi những ánh đèn chiếu xuống tạo không gian huyền ảo, đẹp mắt. Ảnh: Diệu Huyền.

Hồ Gươm nhận được hơn 3.600 nhận xét. Trong con mắt của các vị khách nước ngoài, nơi này có diện tích nhỏ nhưng xanh mát và yên bình. Nhiều người thích đi bộ dưới những tán cây và tận hưởng không gian thoáng đãng mỗi sáng. Tuy nhiên, số khác lại thích dừng chân ở cầu Thê Húc để quan sát cuộc sống xung quanh. Còn theo Robtane đến từ Thụy Điển, ông thích ngồi trên một chiếc ghế đá và nhâm nhi một que kem mát lạnh.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám nhận được hơn 3.500 lượt đánh giá từ du khách. Quần thể di tích này gồm hồ Văn, vườn hoa Giám và khu nội tự. Trong đó, điểm nhấn được yêu thích nhất là khu vực đặt 82 tấm bia vinh danh các vị tiến sĩ dưới triều Lê.

Trong số các nhận xét của du khách để lại, nhiều người cho rằng đây là một công trình cổ, hấp dẫn nhưng nên có hướng dẫn viên đi cùng. Graham, vị khách đến từ vương quốc Anh chia sẻ anh khá may mắn khi có người hướng dẫn. Nhờ đó, anh cùng bạn bè như khám phá được một nơi yên bình, thú vị để tìm hiểu giữa phố xá náo nhiệt.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay lăng Bác khánh thành năm 1975. Trong số hơn 3.500 đánh giá của du khách, nhiều người bày tỏ sự trân trọng với không khí trang nghiêm nơi này. Thậm chí, một số du khách không biết nhiều thông tin cũng chia sẻ đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ.

Hiện tại, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa miễn phí cho du khách tham quan vào buổi sáng, trừ thứ hai. Khi vào viếng, bạn cần ăn mặc chỉnh tề, không mang theo máy ảnh, điện thoại, đồ ăn. Khách quốc tế vào tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh và nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích phải mua vé 25.000 đồng mỗi điểm.

Diệu Huyền (VnExpress)

Bài đăng phổ biến