Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Bí quyết có bức ảnh đẹp dưới lòng đại dương

Dù bạn dùng máy ảnh chuyên chụp dưới nước, compact hay DSLR, một bức ảnh ấn tượng về đại dương huyền bí không còn là điều xa vời.

Xem thêm: Cầu Mây Sapa điểm du lịch lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia

Hãy chuẩn bị một chiếc máy ảnh, bộ dụng cụ bảo vệ dưới nước và ghi nhớ những lời khuyên dưới đây, bạn sẽ mang về cho mình bức ảnh ưng ý.

Kỹ thuật lặn biển

Lời khuyên đầu tiên cho chuyến chụp ảnh dưới biển: Sự an toàn của bản thân luôn là điều quan trọng nhất. Đừng mải mê chụp ảnh mà quên mất rằng bạn đang ở dưới nước và thở bằng dụng cụ lặn. Thêm vào đó, hãy luôn để mắt đến vị trí chiếc tàu của mình. Bạn hẳn sẽ không muốn bị lạc, hay tệ hơn là bị bỏ quên giữa một đại dương mênh mông.
Dưới biển là hàng vạn sinh vật với đủ màu sắc đang chờ bạn khám phá.

Hãy hiểu rõ chiếc máy ảnh của mình

Điều này nghe có vẻ không cần thiết, nhưng những thao tác khi chụp ảnh dưới nước sẽ khó khăn hơn khi bạn “tác nghiệp” trên bờ.

Đầu tiên, đừng quên sạc đầy pin và kiểm tra độ chắc chắn của phụ kiện bảo vệ dưới nước. Khi chuẩn bị xong, hãy chụp thử một vài tấm ảnh trên cạn và nhớ kỹ vị trí đèn flash, nút bấm,.. Sau khi xuống biển, hãy luôn thử nghiệm bằng vài bức ảnh chụp san hô rồi căn chỉnh tốc độ màn chập, khẩu độ và ISO trước khi theo những động vật đang bơi lội tung tăng phía dưới.

Kiểm soát sự thăng bằng và tốc độ bơi

Trong lòng đại dương, những dòng nước liên tục xoay chuyển khiến bạn phải bơi liên tục, đồng thời giữ thăng bằng chiếc máy của mình. Tuy vậy, chỉ cần kiên nhẫn và khéo léo một chút, việc có được bức ảnh đẹp sẽ dễ dàng hơn bạn nghĩ.

Với những bức ảnh chụp cận cảnh (ảnh macro), hãy chú ý không bơi quá gần các rặng đá, san hô bởi chúng có thể làm xước máy ảnh và làm bạn bị thương.
Chú rùa biển hiếu kì trước ống kính nhiếp ảnh gia.

Để chụp những sinh vật bơi sát vùng cát đáy biển, hãy cố gắng đừng làm xao động vùng nước này. Bởi lẽ, với đèn flash luôn bật sáng, bạn sẽ không muốn có một bức ảnh chỉ toàn những đốm cát sáng li ti.

Hãy bơi chậm và có những động tác thật nhẹ nhàng. Những sinh vật biển sẽ “chạy trốn” hết nếu bạn có những hành động nhanh và bất ngờ, gây náo động vùng nước vốn tĩnh lặng.

Điều chỉnh đèn flash

Trong lòng đại dương, ánh sáng tự nhiên thường không đủ để chụp được một bức ảnh đẹp và rõ ràng. Chính vì thế, đèn flash trong máy là sự lựa chọn tiện lợi nhất.

Tuy vậy, đối với những ảnh chụp sinh vật ở xa, đây không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Bởi trên ảnh của bạn sẽ xuất hiện nhiều chấm trắng, vốn là hình ảnh bọt biển sau khi được chiếu sáng bằng ánh đèn flash. Ngoài ra, nếu bạn để máy ở chế độ thiếu sáng (Under-exposure), tác động của ánh flash lên phông nền sẽ được giảm đi, khiến ảnh trông nhẹ nhàng và tự nhiên hơn.
Sinh vật trở nên nổi bật trên nền nước tối và xanh thẫm.

Chụp thật nhiều ảnh

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Hãy chụp càng nhiều bức ảnh càng tốt. Dưới biển, điều kiện ánh sáng đôi khi khiến bạn nhầm tưởng rằng mình đã có một bức ảnh như ý. Hãy chụp thật nhiều ảnh với nhiều góc độ khác nhau để có được một tấm hình như mong muốn.

Để thực hiện chuyến lặn biển của mình, bạn có thể đến với bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Hòn Mun, vịnh Vĩnh Hy (Nha Trang), Côn ĐảoPhú Quốc để khám phá và tận hưởng vẻ đẹp trong lòng đại dương

Vân Giang (theo Petitesbullesdailleurs)

Đường đến danh hiệu Di sản thế giới của Tràng An

Không chỉ phải thuyết phục Ủy ban Di sản thế giới, Tràng An còn phải bảo vệ hồ sơ trình UNESCO với hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên trước nhiều ý kiến trái chiều.

Xem thêm: Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ ngày 23/6/2014. Để được công nhận, đoàn đại diện tỉnh Ninh Bình đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Hữu Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, khó khăn đầu tiên và lớn nhất là lựa chọn tiêu chí. Vì lựa chọn tiêu chí về thiên nhiên (như giá trị thẩm mỹ, hoặc địa chất địa mạo) hay tiêu chí về văn hoá, Tràng An đều có vẻ “non”. Ví dụ, về tuổi địa chất, Tràng An kém Vịnh Hạ Long cả trăm triệu năm.

“Chúng tôi đã phải loại hàng loạt nhà tư vấn trong nước để tìm đến những chuyên gia hàng đầu thế giới, giúp tỉnh xây dựng hồ sơ. Cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn tiêu chí hỗn hợp, cả thiên nhiên và văn hoá”, ông Bình chia sẻ.

Ý kiến trên được lãnh đạo này ví là chấp nhận thi ba môn (ba tiêu chí), trong khi có người cho rằng chỉ cần thi một môn (một trong mười tiêu chí của UNESCO), cũng có thể được công nhận là di sản thế giới. Thực tế, trong 1.007 di sản UNESCO trên thế giới, chỉ có 31 di sản hỗn hợp.

Khi đoàn tới thủ đô Qatar để bảo vệ hồ sơ, vẫn còn những góp ý của các chuyên gia hàng đầu, cả trong đoàn và trong nước điện sang, yêu cầu bỏ tiêu chí văn hoá, chỉ bảo vệ một tiêu chí thiên nhiên cho an toàn. Năm 2014, không quốc gia nào đệ trình hồ sơ di sản hỗn hợp như Tràng An. “Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì quan điểm Tràng An xứng đáng là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới”, ông Bình kể.
Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 của thế giới. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng.

Hồ sơ của Tràng An đệ trình lên UNESCO được nghiên cứu và xây dựng trong vòng chưa đầy một năm, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho biết. Đó là chưa kể 1,5 năm thẩm định và xét duyệt hồ sơ của các cơ quan tư vấn UNESCO.

Với các hồ sơ đề cử khác trên thế giới và ở Việt Nam, thời gian từ khi nghiên cứu, lập hồ sơ đến khi được vinh danh thường kéo dài 3- 5 năm, thậm chí có hồ sơ tới 7 năm như trường hợp Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trong 2,5 năm này, những người làm hồ sơ Tràng An còn phải giải quyếtvấn đề tranh chấp vùng nguyên liệu với các nhà máy xi măng nằm liền kề với vùng đệm của khu di sản đề cử. Quần thể danh thắng Tràng An có khu vực bảo vệ rộng 12.000 ha, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh xi măng, khai thác vật liệu xây dựng, làm du lịch và nông nghiệp, có hàng ngàn hộ dân đang sống… Họ tồn tại trước khi Ninh Bình có ý định trình UNESCO công nhận Tràng An là di sản thế giới.

Ông Mạnh còn tiết lộ, hồ sơ Tràng An từng bị đánh giá ở mức D, tức hoãn xem xét trong 2 năm để bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các khuyến nghị đánh giá của cơ quan tư vấn UNESCO, "chúng tôi thấy rằng có nhiều điểm đánh giá chưa đầy đủ, thiếu khách quan và khoa học nên đã giải trình và phản biện".

Bên cạnh đó, đoàn công tác còn tận dụng mọi thời gian, cơ hội tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đoàn chuyên gia các nước thành viên Ủy ban Di sản trong và bên lề kỳ họp (15-25/6/2014) để giới thiệu và giải thích về hồ sơ cũng như những vấn đề khuyến nghị.

"Đến ngày thứ 6, hầu hết các thành viên trong đoàn đều bị ốm do thời tiết nóng và cường độ làm việc cao, căng thẳng, đều đặn hàng ngày từ 9h sáng đến 12h đêm. Chuyên gia tư vấn của đoàn do nói nhiều quá nên bị mất tiếng, phải đưa đi viện chữa để kịp trở lại họp với các đoàn đã đặt lịch", ông Mạnh kể.

Cuối cùng, Việt Nam đã thuyết phục được hầu hết các nước trong Ủy ban Di sản ủng hộ hồ sơ Tràng An trên cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Ngày 23/6/2014, Ủy ban Di sản Thế giới công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đây là di sản thứ 1.004 của thế giới, thứ 11 ở châu Á Thái Bình Dương và di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Trần Hằng - Vy An (VnExpress)

Vùng đất của loại thịt bò đắt hơn cả ở Kobe

Gifu là một tỉnh ở khu vực trung tâm Nhật Bản nổi tiếng với dâu tây, hồng Phú Hữu và đặc sản bò Hida, đắt đỏ hơn cả thịt bò Kobe trứ danh.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Những sản vật, danh lam thắng cảnh của tỉnh Gifu vừa được Tỉnh trưởng Hajime Furuta giới thiệu tại Việt Nam. Trong ảnh, đầu bếp của Đại sứ Nhật đang nướng thịt bò Hida, được mang từ tỉnh Gifu tới, chỉ ướp qua muối và hạt tiêu.

 
Đặc điểm của thịt bò Hida là những vân mỡ trắng phân bố xen kẽ giữa các thớ thịt hồng với tỷ lệ tương đồng. Một con bò Hida đã mổ xong có giá vào khoảng 10 triệu yên (1,7 tỷ đồng). Mỗi con bò tách được khoảng 300 kg thịt. Những miếng thịt được mang tới Việt Nam giới thiệu lần này có giá bán buôn là 18.000 yen một kg (hơn 3 triệu đồng). Trong khi thịt bò Hida đem đi thi đấu với các loại thịt bò khác ở Nhật có giá lên tới 50.000 yen một kg (gần 9 triệu đồng).

Trong ảnh là những lát thịt Hida nóng hổi sau khi nướng được rưới sốt rượu vang, ăn kèm với các loại rau. Dù đã qua công đoạn nướng, từng miếng thịt như tan chảy trong miệng người thưởng thức. 

Những con bò tại tỉnh Gifu được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên phong phú, nguồn nước tinh khiết. Chỉ loại thịt từ những con bò lông đen Nhật, được nuôi dưỡng tại tỉnh Gifu, đã vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, thời gian và giai đoạn vỗ béo mới được gắn thương hiệu "thịt bò Hida". Ông Furuta, thịt bò Hida sẽ nhận được cấp giấy phép vào Việt Nam trong năm sau.


Một cách chế biến thịt bò Hida khác gọi là tataki, tức nướng tái.

Đầu bếp hướng dẫn về các loại nước sốt ăn kèm cho Đại sứ Australia Hugh Borrowman.

Ngoài thịt bò Hida, nhiều món đặn sản của Nhật cũng được giới thiệu tới các Đại sứ ở Việt Nam, trong đó không thể thiếu sushi.

Cá nướng tái theo kiểu tataki ăn kèm rau.

Phong cách bài trí kết hợp giữa Nhật Bản và Việt Nam với những cánh sen hồng mùa hạ.

Các món tôm, cá, rau chiên kiểu Tempura vàng ruộm.

Các món ngọt được bày trí tỉ mì với bố cục màu sắc hài hòa.

Bên cạnh đó, ông Furuta cũng giới thiệu hồng Phú Hữu, dâu tây mềm, ngọt lịm và ngôi làng Shirakawa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới cách đây 20 năm. "Vào mùa đông, tuyết phủ trắng xóa ngôi làng, du khách đến đây như lạc vào thế giới thần thoại", ông nói. Tỉnh Gifu cũng có rất nhiều điểm chuyên để ngắm hoa anh đào mùa xuân, nổi tiếng trên toàn nước Nhật.

Ông Furuta cũng cho hay lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm tỉnh Gifu mỗi năm tăng gấp đôi năm trước.

Trọng Giáp (VnExpress)

Bài đăng phổ biến