Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Chả dông - hương vị nắng gió Phú Yên

Một đĩa chả dông ngon đi kèm với bát nước chấm thơm lừng là lựa chọn thú vị cho hành trình khám phá ẩm thực Phú Yên.
Xem thêm: Mùa hè khám phá các hòn đảo yến ở Việt Nam 
Ẩm thực Phú Yên có sự giao thoa giữa các vùng khác nhau, hòa quyện với hương vị địa phương tạo nên những món ăn khó quên trong lòng du khách. Nhắc đến ẩm thực Phú Yên, chả dông dường như đã thành “thương hiệu” của mảnh đất này.

Nhìn từ bên ngoài, món ăn này cũng giống như các loại chả khác với màu vàng ươm đặc trưng. Điều đặc biệt là thay vì nhân thịt lợn hay thịt bò, người dân địa phương ở đây lấy thịt từ con dông, trông tựa như rắn mối hay kỳ nhông, làm nguyên liệu chính.
Thực khách có thể ăn chả Dông kèm với ớt xanh, tỏi và các loại rau sống. Ảnh:Minh Đức.

Người dân Phú Yên bắt dông trên những cồn cát có cỏ ven biển. Thông thường có hai phương pháp chính là đào cát và câu. Những người đi bắt dông phải dùng cuốc xẻng để đào tới tận cùng của hang mới bắt được. Cách thứ hai đơn giản hơn, người đi câu chỉ cần đặt bẫy trước hang và chờ dông đi ra ngoài kiếm ăn. Trung bình một ngày, những người đi bắt dông thu được vài chục con.

Một chủ quán ở Phú Yên chia sẻ, hè là mùa thích hợp nhất để thưởng thức món này vì dông nhiều và thịt thơm ngon. Dông được lột da, lấy thịt làm sạch, chặt đuôi và bốn chân. Sau đó, người đầu bếp sẽ băm nhuyễn và trộn với các gia vị như ớt bột, hành tiêu. Muốn món chả dông ngon và có mùi vì đặc trưng, người dân nơi đây thường trộn thêm với nấm mèo và bách thảo, cuốn trong bánh tráng rồi bỏ vào chảo dầu rán.

Thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn tan và mùi thơm của miếng chả dông khi thưởng thức. Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Mùi vị của dông hòa quyện với các hương liệu và gia vị, như sự pha trộn của biển với núi rừng. Chả dông thường được ăn kèm với các loại rau sống và dưa chuột để át đi vị ngậy của dầu mỡ.

Du khách có thể thưởng thức chả dông như những món ăn vặt hàng ngày. Các quán chả dông rất dễ tìm ở thành phố Tuy Hòa. Bên vỉa hè, hay trong thực đơn của những nhà hàng lớn cũng đều có món ăn này. Nổi tiếng nhất là khu vực ngã tư Trần Quý Cáp và Nguyễn Công Trứ với những cửa hàng chả dông gia truyền và có tiếng. Giá một đĩa chả dông thường dao động 30.000 - 35.000 đồng.

Món này cũng được dùng trong các bữa cơm gia đình. Khách phương xa tới Phú Yên thường được gia chủ thiết đãi món chả dông và nhâm nhi chén rượu như một lời chào đón nồng hậu.

Nếu du khách có dịp đi ngang qua mảnh đất Phú Yên đầy nắng gió, đừng quên dừng chân ở Tuy Hòa và tìm ăn chả dông - món ngon dân dã đậm đà làm nên bản sắc của "xứ Nẫu".

Minh Đức (VnExpress)

Sò huyết đầm Ô Loan 'danh bất hư truyền' đất Phú Yên

Về miền đất Phú Yên có hai món du khách nhất định không thể bỏ qua là mắt cá ngừ đại dương và sò huyết đầm Ô Loan. Trong đó, món sò huyết ở đây hiếm chỗ nào có thể sánh bằng.
Xem thêm: Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu... nhưng điều làm nên thương hiệu ở đây chính là sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan có thịt dày, ngon ngọt và đậm đà. Danh tiếng của món này không chỉ gói gọn riêng đất Phú Yên, mà nhiều du khách từ tỉnh khác hay nước ngoài khi ghé đến cũng đều tìm sò huyết để thử qua.

Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và cháo...
Sò huyết có thể được chế biến thành nhiều món như mỡ hành, rang muối ớt hay nấu cháo... Ảnh: Shutterstock

Để thưởng thức đủ vị ngon trứ danh của món này, bạn nhất định phải tìm đến đúng nơi để mua sò. Sò khi đó vừa được bắt lên, đem đi rửa sạch, chà lớp vỏ bên ngoài để không bị đóng cát, cặn. Tiếp đó tùy theo món mà chế biến hợp lý, nhưng nhiều người dân Phú Yên thường chọn rang muối ớt do vừa giữ được con sò nguyên vẹn, vừa có vị đậm đà dễ ăn.

Đặt chảo muối ớt lên bếp vặn lửa, đổ khoảng 20-30 con sò vào rang. Đảo liền tay cho đến khi muối khô lại, bám vào những con sò huyết và chúng cũng há miệng ra dần. Lúc này, người chế biến chỉ việc bắc chảo xuống, cho sò huyết vào đĩa và đem ra phục vụ khách.

Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ven đường thuộc tỉnh Phú Yên hoặc đi về phía bắc đầm Ô Loan, có khu ẩm thực cầu An Hải với nhiều kiểu nhà hàng nổi trên mặt nước. Giá một đĩa sò huyết vào khoảng 20.000-30.000 đồng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử theo thuyền câu của ngư phủ ra chơi đầm khi màn đêm buông xuống. Sò huyết có thể được bắt và nướng ngay trên thuyền. Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể nói đủ thứ chuyện và ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.

Tường Ý (VnExpress)

Những con đường chia đôi đại dương nổi tiếng thế giới

Những con đường giữa lòng đại dương bao la, lúc ẩn lúc hiện tùy theo sóng thủy triểu sẽ đưa du khách ra những hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi.

Xem thêm: Những con đường mòn thơ mộng như tranh

Con đường giữa đảo Jindo và Modo (Hàn Quốc)

"Con đường đại dương" tại Hàn Quốc không nối liền đảo và đất liền, mà kết nối đảo Jindo và Modo. Mỗi năm hai lần vào khoảng tháng 3 và 6, khi mực nước thủy triều rút xuống cực đại, người Hàn Quốc cùng khách du lịch có thể dễ dàng đi lại giữa hai hòn đảo và nhìn ngắm cảnh đại dương mênh mông nhờ con đường dài khoảng 3 km. Tuy con đường chỉ hiện ra trong vòng một giờ nhưng cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp giữa biển khơi rộng lớn. Ảnh:wordpress.



Đường giữa đất liền và đảo Mont Saint-Michel (Pháp)

Để đến Mont Saint-Michel, du khách phải đi qua một con đường dài khoảng một km. Ngày trước, khi thủy triều lên, nơi đây trông cổ kính và huy hoàng như một pháo đài cô độc giữa biển khơi. Ngày nay, con đường xi măng dành cho cả ô tô và người đi bộ đã thay thế đường đất và cát xưa kia. Tuy nhiên với 15 m chênh lệch lúc thủy triều lên và xuống, nước vẫn tràn lên đường đi, biến Mont Saint-Michel thành một hòn đảo cổ tích giữa đại dương. Ảnh: lefigaro.




Con đường dẫn đến đảo Cramond (Anh)

Đảo Cramond là nơi có thể chiêm ngưỡng rõ nhất cảnh “con đường giữa đại dương” lúc ẩn lúc hiện. Cách đất liền khoảng một km và được nối bằng một con đường thẳng tắp, từ trên cao nhìn xuống, đảo Cramond hiện ra như một chú cá đang bị mắc vào dây câu. Mỗi khi thủy triều lên, con đường nối đảo và đất liền hoàn toàn biến mất. Du khách chỉ có thể nhìn thấy những cột đá chặn sóng được xếp thành hàng đều tăm tắp, trải dọc con đường vừa chìm xuống dưới mặt nước biển. Ảnh: wikipedia.




Đường bãi biển ở Ko Nang Yuan (Thái Lan)

Ko Nang Yuan là một đảo nhỏ nằm về phía tây bắc của Ko Tao, Thái Lan. Đây là đảo có kết cấu rất đặc biệt bởi là tập hợp của cụm 3 khối đá lớn, nối liền với nhau nhờ một đường cát trắng trải dài. Đường cát này cũng chính là nơi tắm biển của khách du lịch. Mỗi ngày, khi thủy triều lên cao, đường cát lại biến mất hoàn toàn, khiến nơi đây trông như 3 hòn đảo riêng biệt. Với cảnh biển đẹp thơ mộng cùng hiện tượng "con đường đại dương", Ko Nang Yuan những năm gần đây thu hút được rất nhiều khách, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thái Lan. Ảnh: touropia.





Đường đến đảo Charles (Mỹ)

Không những nổi tiếng bởi là một trong những con đường giữa biển đẹp nhất hành tinh, nơi đây còn được biết đến với truyền thuyết về lời nguyền phù thủy hay kho báu bị chôn giấu. Mỗi khi thủy triều xuống, con đường được vun đắp bởi cát và sỏi dần dần hiện mình từ dưới mặt nước, nổi lên trên màu xanh thẫm của đại dương bao la, tạo nên cảnh tượng khó quên cho những ai được chiêm ngưỡng. Ảnh:ctpost.

Vân Giang (VnExpress)

Bài đăng phổ biến