Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Ngôi chùa nổi tiếng với những pho tượng đất nung

Chùa Nôm ngự ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là tỉnh Hưng Yên.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương
Cổng tam quan của chùa Nôm hiện nên với nét đẹp của kiến trúc cổ kính. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên có tên “Linh thông cổ tự”.

Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa. Ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên như một âm vang trong trẻo điểm xuyết vào sự yên bình của ngôi chùa cổ.

Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga với cây cầu đá dẫn lối vào với cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ.

Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất.

Các pho tượng cổ tại chùa Nôm mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét dân dã, thuần Việt, rất gần gũi với đời sống con người.

Dọc hai bên mỗi hành lang có đến 20 pho tượng lớn nhỏ, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật. Các pho tượng đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất với đủ các dáng hình mập, ốm, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên…và nhiều kích cỡ khác nhau. Có những pho tượng nhỏ xíu chỉ bằng nắm tay, ngược lại cũng có pho tượng khổng lồ.

Tượng Nam tào trên Đại hùng Bảo Điện.


Vườn mộ tháp bằng đá ong. Dù chùa đã trải qua mấy lần đổ nát, trùng tu, song những tháp đã vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Giếng đá cổ bên hông chùa.

Tháng 9/1998, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại Đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa. Từ đó đến nay, Đại Đức đã cùng nhân dân xây dựng lại ngôi chùa ngày càng khang trang, phù hợp với cảnh quan và quần thể di tích tại ngôi làng cổ.

Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa. Chiếc cầu đá bắc qua bờ sông này đã tồn tại trên 200 năm.

Lê Bích (VnExpress)

Lịch trình phượt bốn điểm hút khách mùa hè

Bên cạnh những thành phố biển nổi tiếng thì các hòn đảo như Bình Ba, Lý Sơn, Nam Du, hay điểm cực Mũi Đôi đang được nhiều du khách yêu thích khi lựa chọn đi du lịch hè.
Xem thêm: Những cung đường Việt Nam tuyệt đẹp trong mắt phượt thủ Nga

Lý Sơn, Quảng Ngãi

Những chiếc thuyền thúng của ngư dân ở Lý Sơn nhìn từ cổng Tò Vò.

Thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn là hòn đảo được rất nhiều du khách săn đón trong mùa hè này. Chỉ sau 1h45 phút đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ bạn sẽ tới đảo. Ra Lý Sơn bạn có thể lặn ngắm san hô, tắm biển, hoặc thuê thuyền ra Đảo Bé. Ngoài ra, du khách còn được ăn hải sản và qua đêm ở nhà nghỉ trên đảo. Chi phí khoảng 700.000 đồng một người.

Lịch trình gợi ý: Bạn có thể đi tàu hoặc máy bay ra Quảng Ngãi, sáng 6h bắt xe buýt tới cảng Sa Kỳ, 6h30 bắt đầu bán vé, 8h tàu chạy, ở lại Lý Sơn và Đảo Bé hai đêm để tham quan và tắm biển.

Bình Ba, Khánh Hòa

Bình Ba là hòn đảo có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, đồng thời được nhiều du khách quan tâm. Chỉ cần bước chân lên Bình Ba là bạn có thể thuê xe máy chạy vòng quanh đảo, xuống những bãi tắm nước xanh biếc và lặn ngắm san hô.

Lịch trình gợi ý: Để đi Bình Ba bạn có thể đi máy bay, ô tô, tàu hỏa ra Nha Trang rồi thuê xe máy chạy vào cảng Ba Ngòi, đi tàu ra Bình Ba. Thời gian chơi trên đảo là hai ngày một đêm với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/người.
Đường ở Bình Ba được bê tông hóa có nhiều đoạn dốc và khúc cua đáng để các tay phượt thử nghiệm xe máy.

Mũi Đôi, Khánh Hòa

Vào dịp hè những bạn sinh viên thích du lịch bụi thường quan tâm tới trekking các điểm cực trong đó có Mũi Đôi, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Để ra được Mũi Đôi bạn phải đi qua 4 km sa mạc cát và 8 km đường rừng, ở lại Mũi Đôi một đêm sau đó buổi sáng đón bình minh và đi trek điểm cực.

Lịch trình gợi ý: Bạn có thể đi tàu ra Tuy Hòa, thuê xe máy đi qua đèo Cả rồi chạy vào Đầm Môn. Sau khi gửi xe máy rồi đi vào nhà chú Hai để dẫn đường ra Mũi Đôi. Ở lại Mũi Đôi một đêm, hôm sau về lại Đầm Môn, chạy xe về Tuy Hòa. Kinh phí khoảng 1,2 triệu một người.

Nam Du, Kiên Giang

Đây là quần đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đang rất được chú ý trong thời gian gần đây. Đặc biệt với người dân TP HCM thì đây là một điểm đến thích hợp cho những ngày cuối tuần. Chỉ cần 3 ngày nghỉ là bạn có thể đi Nam Du.

Lịch trình gợi ý: Tối thứ 6 lên xe về Rạch Giá, 5h sáng tới nơi, đi xe trung chuyển ra bến tàu Rạch Giá. Sau đó bạn đi tàu cao tốc ra Hòn Lớn, thuê thuyền đi tham quan các hòn nhỏ, ăn ngủ vào đêm thứ 7, chủ nhật về lại đất liền. Đi chuyến xe khách chiều lúc 16h tới TP HCM là khoảng 11h đêm. Tổng kinh phí khoảng 1,5 triệu một người.

Phạm Quang Tuân (VnExpress)

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Xứ sở cối xay gió thanh bình ở Hà Lan

Ở phía bắc Hà Lan có một ngôi làng bảo tồn các nhà máy cổ dùng cối xay gió, nằm bên dòng sông thanh bình ở thị trấn Zaandam.
Xem thêm: Hà Lan - Thiên đường của mùa xuân

Zaanse Schans là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hà Lan, cách thủ đô Amsterdam khoảng 18 km.

Di chuyển tới Hà Lan

Từ TP HCM hoặc Hà Nội bạn có thể mua vé của các hãng hàng không Etihad Airways, Malaysia Airlines, Aeroflot... để bay tới Amsterdam, Hà Lan với giá từ 835 euro (khoảng 20 triệu đồng).

Du khách hạ cánh ở sân bay Amsterdam Schipho rồi vào thành phố bằng cách bắt taxi hoặc tàu điện. Khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Amsterdam là 18 km.
Cối xay gió cổ ở làng Zaanse Schans.

Di chuyển đến Zaanse Schans

Nhà ga xe lửa trung tâm cũng là bến buýt, xe điện chính của Amsterdam. Du khách nên chọn xe buýt để đến Zaanse Schans vì thuận tiện và giá rẻ.

Từ cửa nhà ga trung tâm bạn có thể đón xe buýt 391. Khoảng 30 phút sẽ có một chuyến đến làng cối xay gió với giá 3,5 euro. Thời gian di chuyển khoảng 40 phút. Xuống trạm cuối của chuyến buýt bạn tới luôn cổng vào làng Zaanse Schans.

Hoặc bạn có thể đi xe lửa đến ga Koog Zaamdijk sau đó thong thả đi bộ khoảng 1,6 km đến làng Zaanse Schans.

Ngôi làng cối xay gió

Bước vào làng, bạn sẽ thấy thấp thoáng những chiếc cối xay gió từ đằng xa. Hiện nay, làng có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là 6 chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây. Một số cối xay gió ở đây có tuổi đời hơn 300 năm.

Trong thế kỷ 17 và 18, có hàng nghìn chiếc cối xay gió dọc theo đê điều hỗ trợ nền kinh tế của Hà Lan bằng cách cung cấp năng lượng cho các nhà máy cưa, nhuộm, dầu... Đến thế kỷ 20, nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, những nhà máy dùng cối xay gió dần biến mất.

Đến năm 1961, Hà Lan bắt đầu phục dựng các kiến trúc truyền thống như những ngôi nhà gỗ màu xanh có khung cửa sổ trắng, một số nhà máy dùng cối xay gió với kích cỡ khác nhau tại ngôi làng Zaanse Schans.
Một đôi guốc gỗ được chế tác tỉ mỉ.

Khi bộ dọc bờ sông Zaan và khám phá những chiếc cối xay gió bạn sẽ được tham quan khu vực bán guốc gỗ truyền thống của Hà Lan. Du khách có thể mua một đôi nhỏ nằm trong lòng bàn tay để đính vào tủ lạnh hoặc làm móc chìa khóa với giá khoảng 2 - 3 euro, đôi lớn hơn để trưng bày trong tủ kính 5 - 6 euro.

Clog là một loại guốc được làm một phần hay toàn bộ bằng gỗ. Có lẽ chỉ ở Hà Lan, guốc gỗ mới đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần đến thế. Theo chuyện xưa kể lại, người nông dân Hà Lan nghèo đến mức phải khoét những miếng gỗ lớn làm thành guốc, với mũi vểnh lên như chiếc thuyền.

Một số lại cho rằng do địa hình Hà Lan trước đây nằm thấp hơn so với mặt nước biển nên vùng đất này luôn ẩm ướt. Thay vì đi giày da như người dân những nước châu Âu khác, người Hà Lan sử dụng guốc gỗ. Trông chúng giống như những chiếc thuyền nhỏ.

Guốc gỗ Hà Lan còn có tên gọi khác là Klomp. Màu sắc cơ bản của họa tiết vẽ trên giày thường là màu đỏ để mô phỏng giày da. Gỗ được chọn để đóng guốc thường là dương tía, liễu hay tần bì… Ngày nay, mặc dù ngành công nghiệp da giày ở Hà Lan đã phát triển song nhiều người nông dân và ngư dân vẫn giữ thói quen đi guốc gỗ.

Phô mai trong cửa hàng De Catherina Hoeve.

Ngoài các cối xay gió và guốc gỗ, điểm hấp dẫn khác của Zaanse Schans là cửa hàng phô mai "De Catherina Hoeve". Du khách sẽ được nghe giới thiệu về cách làm hàng trăm loại phô mai khác nhau. Cửa hàng còn bán cả socola, bánh quế, da cừu… cùng nhiều món quà lưu niệm khác nhau.

Nếu tham quan những bảo tàng mở về đời sống của người Hà Lan, bạn hãy đến xem buổi trình diễn làm giày gỗ bên trong các cửa hàng. Các buổi trình diễn cách nhau một tiếng, thường là miễn phí dành cho du khách. Bạn sẽ được xem cách thức làm nên những chiếc giày thú vị như thế nào.

Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ lỡ trải nghiệm chụp ảnh lưu niệm với các đôi giày trong công viên, vườn hoa, khu du lịch. Đây là một cách “đánh dấu” thú vị nhắc bạn về những kỷ niệm khi đến với Hà Lan.

Thời tiết Hà Lan

Nơi đây có khí hậu đại dương ôn đới, nhiệt độ trung bình 10 - 25 độ C. Mùa đông không quá lạnh, bắt đầu từ gần cuối tháng 12 đến tháng 2, hiếm khi xuống dưới 0 độ C và ít có tuyết. Mùa xuân từ cuối tháng 3 đến tháng 6, mùa hè từ cuối tháng 6 đến tháng 9, trời không quá nóng. Mùa thu từ gần cuối tháng 9 đến giữa tháng 12.Với sự dễ chịu và ôn hòa quanh năm, du khách đến thăm đất nước này dường như không gặp nhiều trở ngại liên quan đến thời tiết.

Lưu ý

Không có nhiều nhà hàng ăn uống tại làng Zaanse Schans nên khi tham quan ở đây cả ngày, du khách nhớ đem theo đồ ăn.

Giá cả quà lưu niệm và phô mai ở làng Zaanse Schans cao hơn bên ngoài.

Ở Amsterdam, trong các cửa hàng lưu niệm thường xảy ra nạn móc túi nên du khách cần chú ý tới tư trang.

Hà Lan là thành viên trong khối Schengen, nếu du khách có visa Schengen thì không phải xin visa Hà Lan khi du lịch ở đây.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Bài đăng phổ biến