Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Lịch trình phượt bốn điểm hút khách mùa hè

Bên cạnh những thành phố biển nổi tiếng thì các hòn đảo như Bình Ba, Lý Sơn, Nam Du, hay điểm cực Mũi Đôi đang được nhiều du khách yêu thích khi lựa chọn đi du lịch hè.
Xem thêm: Những cung đường Việt Nam tuyệt đẹp trong mắt phượt thủ Nga

Lý Sơn, Quảng Ngãi

Những chiếc thuyền thúng của ngư dân ở Lý Sơn nhìn từ cổng Tò Vò.

Thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn là hòn đảo được rất nhiều du khách săn đón trong mùa hè này. Chỉ sau 1h45 phút đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ bạn sẽ tới đảo. Ra Lý Sơn bạn có thể lặn ngắm san hô, tắm biển, hoặc thuê thuyền ra Đảo Bé. Ngoài ra, du khách còn được ăn hải sản và qua đêm ở nhà nghỉ trên đảo. Chi phí khoảng 700.000 đồng một người.

Lịch trình gợi ý: Bạn có thể đi tàu hoặc máy bay ra Quảng Ngãi, sáng 6h bắt xe buýt tới cảng Sa Kỳ, 6h30 bắt đầu bán vé, 8h tàu chạy, ở lại Lý Sơn và Đảo Bé hai đêm để tham quan và tắm biển.

Bình Ba, Khánh Hòa

Bình Ba là hòn đảo có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, đồng thời được nhiều du khách quan tâm. Chỉ cần bước chân lên Bình Ba là bạn có thể thuê xe máy chạy vòng quanh đảo, xuống những bãi tắm nước xanh biếc và lặn ngắm san hô.

Lịch trình gợi ý: Để đi Bình Ba bạn có thể đi máy bay, ô tô, tàu hỏa ra Nha Trang rồi thuê xe máy chạy vào cảng Ba Ngòi, đi tàu ra Bình Ba. Thời gian chơi trên đảo là hai ngày một đêm với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/người.
Đường ở Bình Ba được bê tông hóa có nhiều đoạn dốc và khúc cua đáng để các tay phượt thử nghiệm xe máy.

Mũi Đôi, Khánh Hòa

Vào dịp hè những bạn sinh viên thích du lịch bụi thường quan tâm tới trekking các điểm cực trong đó có Mũi Đôi, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Để ra được Mũi Đôi bạn phải đi qua 4 km sa mạc cát và 8 km đường rừng, ở lại Mũi Đôi một đêm sau đó buổi sáng đón bình minh và đi trek điểm cực.

Lịch trình gợi ý: Bạn có thể đi tàu ra Tuy Hòa, thuê xe máy đi qua đèo Cả rồi chạy vào Đầm Môn. Sau khi gửi xe máy rồi đi vào nhà chú Hai để dẫn đường ra Mũi Đôi. Ở lại Mũi Đôi một đêm, hôm sau về lại Đầm Môn, chạy xe về Tuy Hòa. Kinh phí khoảng 1,2 triệu một người.

Nam Du, Kiên Giang

Đây là quần đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đang rất được chú ý trong thời gian gần đây. Đặc biệt với người dân TP HCM thì đây là một điểm đến thích hợp cho những ngày cuối tuần. Chỉ cần 3 ngày nghỉ là bạn có thể đi Nam Du.

Lịch trình gợi ý: Tối thứ 6 lên xe về Rạch Giá, 5h sáng tới nơi, đi xe trung chuyển ra bến tàu Rạch Giá. Sau đó bạn đi tàu cao tốc ra Hòn Lớn, thuê thuyền đi tham quan các hòn nhỏ, ăn ngủ vào đêm thứ 7, chủ nhật về lại đất liền. Đi chuyến xe khách chiều lúc 16h tới TP HCM là khoảng 11h đêm. Tổng kinh phí khoảng 1,5 triệu một người.

Phạm Quang Tuân (VnExpress)

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Xứ sở cối xay gió thanh bình ở Hà Lan

Ở phía bắc Hà Lan có một ngôi làng bảo tồn các nhà máy cổ dùng cối xay gió, nằm bên dòng sông thanh bình ở thị trấn Zaandam.
Xem thêm: Hà Lan - Thiên đường của mùa xuân

Zaanse Schans là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hà Lan, cách thủ đô Amsterdam khoảng 18 km.

Di chuyển tới Hà Lan

Từ TP HCM hoặc Hà Nội bạn có thể mua vé của các hãng hàng không Etihad Airways, Malaysia Airlines, Aeroflot... để bay tới Amsterdam, Hà Lan với giá từ 835 euro (khoảng 20 triệu đồng).

Du khách hạ cánh ở sân bay Amsterdam Schipho rồi vào thành phố bằng cách bắt taxi hoặc tàu điện. Khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Amsterdam là 18 km.
Cối xay gió cổ ở làng Zaanse Schans.

Di chuyển đến Zaanse Schans

Nhà ga xe lửa trung tâm cũng là bến buýt, xe điện chính của Amsterdam. Du khách nên chọn xe buýt để đến Zaanse Schans vì thuận tiện và giá rẻ.

Từ cửa nhà ga trung tâm bạn có thể đón xe buýt 391. Khoảng 30 phút sẽ có một chuyến đến làng cối xay gió với giá 3,5 euro. Thời gian di chuyển khoảng 40 phút. Xuống trạm cuối của chuyến buýt bạn tới luôn cổng vào làng Zaanse Schans.

Hoặc bạn có thể đi xe lửa đến ga Koog Zaamdijk sau đó thong thả đi bộ khoảng 1,6 km đến làng Zaanse Schans.

Ngôi làng cối xay gió

Bước vào làng, bạn sẽ thấy thấp thoáng những chiếc cối xay gió từ đằng xa. Hiện nay, làng có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là 6 chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây. Một số cối xay gió ở đây có tuổi đời hơn 300 năm.

Trong thế kỷ 17 và 18, có hàng nghìn chiếc cối xay gió dọc theo đê điều hỗ trợ nền kinh tế của Hà Lan bằng cách cung cấp năng lượng cho các nhà máy cưa, nhuộm, dầu... Đến thế kỷ 20, nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, những nhà máy dùng cối xay gió dần biến mất.

Đến năm 1961, Hà Lan bắt đầu phục dựng các kiến trúc truyền thống như những ngôi nhà gỗ màu xanh có khung cửa sổ trắng, một số nhà máy dùng cối xay gió với kích cỡ khác nhau tại ngôi làng Zaanse Schans.
Một đôi guốc gỗ được chế tác tỉ mỉ.

Khi bộ dọc bờ sông Zaan và khám phá những chiếc cối xay gió bạn sẽ được tham quan khu vực bán guốc gỗ truyền thống của Hà Lan. Du khách có thể mua một đôi nhỏ nằm trong lòng bàn tay để đính vào tủ lạnh hoặc làm móc chìa khóa với giá khoảng 2 - 3 euro, đôi lớn hơn để trưng bày trong tủ kính 5 - 6 euro.

Clog là một loại guốc được làm một phần hay toàn bộ bằng gỗ. Có lẽ chỉ ở Hà Lan, guốc gỗ mới đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần đến thế. Theo chuyện xưa kể lại, người nông dân Hà Lan nghèo đến mức phải khoét những miếng gỗ lớn làm thành guốc, với mũi vểnh lên như chiếc thuyền.

Một số lại cho rằng do địa hình Hà Lan trước đây nằm thấp hơn so với mặt nước biển nên vùng đất này luôn ẩm ướt. Thay vì đi giày da như người dân những nước châu Âu khác, người Hà Lan sử dụng guốc gỗ. Trông chúng giống như những chiếc thuyền nhỏ.

Guốc gỗ Hà Lan còn có tên gọi khác là Klomp. Màu sắc cơ bản của họa tiết vẽ trên giày thường là màu đỏ để mô phỏng giày da. Gỗ được chọn để đóng guốc thường là dương tía, liễu hay tần bì… Ngày nay, mặc dù ngành công nghiệp da giày ở Hà Lan đã phát triển song nhiều người nông dân và ngư dân vẫn giữ thói quen đi guốc gỗ.

Phô mai trong cửa hàng De Catherina Hoeve.

Ngoài các cối xay gió và guốc gỗ, điểm hấp dẫn khác của Zaanse Schans là cửa hàng phô mai "De Catherina Hoeve". Du khách sẽ được nghe giới thiệu về cách làm hàng trăm loại phô mai khác nhau. Cửa hàng còn bán cả socola, bánh quế, da cừu… cùng nhiều món quà lưu niệm khác nhau.

Nếu tham quan những bảo tàng mở về đời sống của người Hà Lan, bạn hãy đến xem buổi trình diễn làm giày gỗ bên trong các cửa hàng. Các buổi trình diễn cách nhau một tiếng, thường là miễn phí dành cho du khách. Bạn sẽ được xem cách thức làm nên những chiếc giày thú vị như thế nào.

Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ lỡ trải nghiệm chụp ảnh lưu niệm với các đôi giày trong công viên, vườn hoa, khu du lịch. Đây là một cách “đánh dấu” thú vị nhắc bạn về những kỷ niệm khi đến với Hà Lan.

Thời tiết Hà Lan

Nơi đây có khí hậu đại dương ôn đới, nhiệt độ trung bình 10 - 25 độ C. Mùa đông không quá lạnh, bắt đầu từ gần cuối tháng 12 đến tháng 2, hiếm khi xuống dưới 0 độ C và ít có tuyết. Mùa xuân từ cuối tháng 3 đến tháng 6, mùa hè từ cuối tháng 6 đến tháng 9, trời không quá nóng. Mùa thu từ gần cuối tháng 9 đến giữa tháng 12.Với sự dễ chịu và ôn hòa quanh năm, du khách đến thăm đất nước này dường như không gặp nhiều trở ngại liên quan đến thời tiết.

Lưu ý

Không có nhiều nhà hàng ăn uống tại làng Zaanse Schans nên khi tham quan ở đây cả ngày, du khách nhớ đem theo đồ ăn.

Giá cả quà lưu niệm và phô mai ở làng Zaanse Schans cao hơn bên ngoài.

Ở Amsterdam, trong các cửa hàng lưu niệm thường xảy ra nạn móc túi nên du khách cần chú ý tới tư trang.

Hà Lan là thành viên trong khối Schengen, nếu du khách có visa Schengen thì không phải xin visa Hà Lan khi du lịch ở đây.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Cẩm nang khám phá xứ Thanh

Vùng đất vừa có biển xanh vừa có núi cao và những món ăn độc đáo sẽ khiến bạn hài lòng với những trải nghiệm khó quên.
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp bí ẩn của Campuchia

Thanh Hóa là tỉnh rộng, ở mỗi vùng biển, đồng bằng, vùng núi đều có những điểm đến hấp dẫn.

Di chuyển

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa khá thuận tiện cho việc di chuyển đến. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bạn có thể đi xe khách, tàu hỏa.

Từ các tỉnh phía Nam, có các chuyến bay mỗi ngày đến sân bay Thọ Xuân (cách TP Thanh Hóa 30 km).

Di chuyển trong thành phố và các huyện lân cận đều có các tuyến xe bus để lựa chọn.

Các điểm tham quan

Biển Sầm Sơn cách trung tâm TP Thanh Hóa 16 km, mỗi hè đều đón đông đảo khách tới, các bãi tắm rộng, sóng to, cát mịn. Đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, núi Trường Lệ cũng là những điểm tham quan nổi tiếng.
Biển Sầm Sơn ngày hè thu hút khách du lịch. Ảnh: Mạnh Cường

Biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) mới được khai thác du lịch, vẫn giữ được những nét hoang sơ. Đặc biệt bạn có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân chài nơi đây.

Biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) có dịch vụ du lịch tương đối phát triển nhưng không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Hãy đi chợ sớm và mua hải sản tươi ngon với giá rẻ, nhờ dịch vụ của nhà dân, bạn sẽ thấy yêu thích nơi này.

Cầu Hàm Rồng bắc qua Sông Mã là một biểu tượng của ý chí và sự kiên cường của xứ Thanh anh hùng, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử như điện Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng... Vùng đất Thọ Xuân này có món nem nướng và bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng có thể mua về làm quà.

Thành nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới, thuộc huyện Vĩnh Lộc, được xem là điểm đầu của con đường di sản miền Trung. Tham quan di tích thành cổ sừng sững cùng năm tháng, đừng quên thưởng thức món chè lam Phủ Quảng thơm giòn làm từ gạo nếp, mật mía, lạc, gừng... cùng ly nước chè xanh.
Thành nhà Hồ ngày nắng. Ảnh: Má Lúm

Từ Thành nhà Hồ đi thêm 40 km, bạn sẽ đến suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Đây là dòng suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh, có hàng nghìn con cá chen chúc, gắn với những câu chuyện lưu truyền của người dân nơi đây. Gần suối có hang núi rất đẹp, gọi là động Cây Đăng. Trong động có thạch nhũ mang nhiều hình thù đẹp mắt.

Dọc theo cung đường miền tây xứ Thanh có nhiều điểm đến thu hút dân xê dịch như Pù Luông, Kho Mường, bản Nủa, Phố Đòn, Thác Hươu, Cổ Lũng... cùng khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, Thái, Dao...

Ở phía tây nam, cách trung tâm thành phố 36 km, vườn quốc gia Bến En là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với núi, rừng, sông, hồ đa dạng. Đặc biệt ở đây có hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Đi thuyền trên sông và thưởng thức những món ăn từ cá mè, khám phá phong tục tập quán của người Thái là những trải nghiệm đáng nhớ ở Bến En.

Ngoài ra những huyện miền biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn cũng có những nét đẹp riêng, những lễ hội của ngư dân và những làng nghề truyền thống như làm chiếu cói Nga Sơn, làm mắm tép...

Ẩm thực

Cũng như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực xứ Thanh đa dạng với các món ăn mang đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau.

Ở các huyện phía tây, có canh lá đắng, cá suối nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc. Ở các huyện bán sơn địa như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn có bánh gai, nem nướng, bánh răng bừa, chè lam...

Các huyện vùng biển có mắm tép Hà Yên, gỏi cá nhệch Nga Sơn, mực khô, các món từ hải sản.

TP Thanh Hóa được xem là “thiên đường” ăn vặt với các món nem chua, chả tôm, bánh khoái, cháo canh, bánh cuốn, ốc hút, chè... ở phố Nhà Thờ, Trường Thi, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành...

Lưu ý

Khi đến các huyện vùng cao, hãy hỏi người dân về phong tục, thói quen sinh hoạt để tránh những hiểu lầm không mong muốn.

Thanh Hóa là vùng đất rộng, bạn cần lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi và các điểm đến để có thể đủ thời gian.

Một số cung đường tham khảo

Hà Nội - Ninh Bình - Nga Sơn - Hậu Lộc - biển Hải Tiến - TP Thanh Hóa - Vườn quốc gia Bến En.

Hà Nội - TP Thanh Hóa - Lam Kinh - Thành nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương - Thạch Thành - Hà Trung - Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) - Trung Lý (Mường Lát) - Quan Hóa - Bá Thước - Cẩm Thủy - TP Thanh Hóa.

Má Lúm (VnExpress)

Bài đăng phổ biến