Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Bữa sáng đúng chất phố biển Nha Trang

Thưởng thức tô bún chả cá sứa kết hợp, xôi cá cơm hay những chiếc bánh xèo mực…bạn sẽ cảm nhận rõ rệt hương vị mặn mòi trong những món ăn sáng ở thành phố biển Nha Trang.
Nhắc đến thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) không thể quên đưa món bún chả cá vào danh sách những món ăn ngon và phổ biến nhất. Tô bún chả cá đúng điệu thường có phần nước dùng rất trong với vị thanh ngọt được nấu lọc từ cá liệt, cá bò và vị chua nhẹ của cà chua, thơm.

Bạn có thể gọi kết hợp chả cá, cá bò và sứa trong cùng một tô bún để cảm nhận đủ vị ngọt từ cá và vị dai, giòn sần sật từ sứa. Khi ăn thêm chút mắm ruốc, vắt miếng chanh và gắp kèm rau sống để tô bún tăng thêm phần đậm đà.

Với nhiều thế hệ người Nha Trang, hàng xôi cá cơm của cô Loan trên đường Huỳnh Thúc Kháng từ lâu trở thành một món ăn sáng quen thuộc.

Món này tuy đơn giản mà cầu kỳ. Phần cá cơm và xôi được kho nấu nhiều nguyên liệu. Trong đó nước dừa được cô Loan tiết lộ là “bí quyết” để tạo nên hương vị đậm đà và riêng biệt cho món ăn.

Một đĩa xôi ngon đến từ sự kết hợp giữa vị mằn mặn của cá cơm kho, mùi thơm của xôi nếp dẻo và một chút vị béo của mỡ hành rưới trên mặt. Chỉ với 10.000 đồng, bạn có thể khởi đầu ngày mới với một đĩa xôi cá cơm ngon lành và chắc bụng.

Ở một góc phố khác, những chảo đổ bánh xèo vui tai được biến tấu với mực tươi đem lại sự mới mẻ đầy hấp dẫn trong hương vị của món ăn sáng miền biển.

Những chiếc bánh xèo mực khi chín thường có lớp bột vàng ươm, giòn rụm, bên trong mực chín tới, ăn còn giữ nguyên vị thơm ngọt.

Một miếng bánh xèo mực ngon không thể thiếu rổ rau sống, chấm kèm cùng mắm nêm hoặc mắm ớt tỏi mặn mà.

Kết thúc bữa sáng, bạn có thể tìm đến những quán cà phê hướng biển, hoặc mua ly cà phê vừa nhâm nhi vừa đi dạo dọc theo con đường Trần Phú. Trong không gian của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, ly cà phê sánh đặc theo khẩu vị của người dân Nha Trang sẽ lưu lại trọn vẹn một bữa sáng khó quên.
Đức Thành (VnExpress)

Những nguyên tắc ăn uống cần lưu ý trên thế giới

Không chĩa đũa vào người khác khi ăn ở Trung Quốc hay chai rượu rỗng phải được đặt dưới sàn ở Nga... là những điều có thể bạn chưa biết.
Xem thêm: 9 điều cấm kỵ khi du lịch Hàn Quốc

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những nguyên tắc ăn uống riêng biệt. Bạn nên nhập gia tùy tục để tránh gây những hiểu lầm đáng tiếc xoay quanh bàn ăn.

Trung Quốc: Nguyên tắc thứ nhất cần nhớ là đừng bao giờ chĩa đũa vào người đối diện, đó là biểu hiện của sự khiếm nhã. Nguyên tắc thứ hai đó là không bao giờ cắt sợi mì khi ăn. Họ quan niệm rằng sợi mì càng dài tượng trưng cho việc sống thọ, cắt mì đồng nghĩa với chết sớm.
Người Trung Quốc tin rằng sợi mì càng dài nghĩa là sống càng thọ. Cắt mì là điều không nên làm. Ảnh: Weirdhood.

Hàn Quốc: Người nhỏ trong nhà không được tự ý dùng bữa nếu người lớn chưa bắt đầu ăn.

Chile: Bạn đừng bao giờ dùng tay để ăn bất kỳ món nào ngay cả khi đó là pizza.

Italy: Khi bạn từ chối lần đầu lời mời dùng bữa của một người Italy, điều đó có thể vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong lời mời thứ hai, bạn nhất định phải nhận lời nếu không muốn tình cảm rạn nứt.

Pháp: Người Pháp ăn uống rất từ tốn, thậm chí là chậm chạp. Khi dùng bữa, bạn cũng đừng vội vàng ăn quá nhanh. Họ cho rằng những người ăn nhanh sở hữu tính cách không tốt. Bạn không nên bỏ lại thức ăn thừa, họ sẽ nghĩ rằng mình nấu ăn dở tệ.
Dùng bữa với người bạn Pháp, hãy ăn sạch sẽ chứ đừng để lại đồ thừa. Ảnh:Weirdhood.

Tanzania: Nếu được một gia đình Tanzania mời dùng tiệc tối, bạn nên đến trễ 20 phút thay vì đến sớm vì có thể khiến chủ nhà khó chịu.

Nga: Chỗ dành cho những chai rượu vodka rỗng là dưới sàn nhà, nếu đặt trên bàn là dấu hiệu của chuyện không hay sắp xảy ra. Họ cũng không dùng dao khi thưởng thức món ăn.

Ai Cập: Nếu món ăn bạn đang dùng có phần nhạt hơn so với khẩu vị quen thuộc, đừng rắc thêm muối vì đây là hành động có ý chê trách đầu bếp không nấu ăn ngon.
Rắc thêm muối vào món ăn sẽ khiến người Ai Cập nghĩ bạn chê họ nấu dở. Ảnh:Weirdhood.

Kazakhstan: Trong một bữa ăn có phục vụ trà, tách của bạn thường sẽ chỉ được châm một nửa. Người Kazakhstan cho rằng nếu tách trà được châm đầy nghĩa là chủ nhà đang muốn tiễn khách.

Tường Ý (theo Weirdhood)

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Bài đăng phổ biến