Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Những ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam

Chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) tọa lạc trên ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông thơ mộng, người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà, tức ấn trời triện trên sông.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình - Tour Vũng Chùa

Chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự

Đây là ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại nằm trên địa phận ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nói đến chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, những kỷ lục về Phật giáo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập cũng xuất hiện. Một số danh hiệu gồm chùa có ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam (năm 2006), nhiều tượng Phật nhất (năm 2007), tượng Bồ tát Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam (năm 2007)...

Chùa Hang

Chùa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tuổi đời khoảng 300 năm, nổi tiếng với những cảnh đẹp như tranh vẽ làm mê hoặc lòng người. Nơi đây có tên chữ là "Thiên Khổng Thạch Tự" (chùa do trời sinh ra). Ngôi chùa chính là một hang đá sâu 24m, rộng 20m và cao hơn 3m với nhiều ngóc ngách bên trong.

Phía trước chùa là pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát to lớn hướng ra biển cả như luôn che chở và phù hộ những chuyến đi biển bình an.

Chùa Phật Lớn

Chùa có tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, tọa lạc trên núi Thiên Cấm, cao hơn 710 m so với mực nước biển, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nằm trong quần thể chùa Phật Lớn có tượng Phật Di Lặc cao gần 34 m, đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả. Năm 2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã công nhận đây là tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á.

Chùa núi Châu Thới

Nằm trên ngọn núi Châu Thới cao 82m so với mặt nước biển, bốn phía chùa là đồng bằng với nhiều hồ nhân tạo rất nên thơ. Ngôi chùa cách thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) khoảng 4 km và TP HCM khoảng 24 km, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương,

Hơn 300 năm trước, thiền sư Khánh Long trên bước đường hoằng dương chánh pháp lên núi Châu Thới thấy cảnh non nước hữu tình đã cất một thảo am nhỏ đặt tên là chùa Hội Sơn, sau đổi thành chùa núi Châu Thới. Nơi đây ghi nhận là ngôi chùa xưa nhất ở Bình Dương.

Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên thế đất thiêng, thuộc núi Thiên Ấn cao hơn 100 m so với mực nước biển tại Quảng Ngãi. Nhìn từ xa theo bốn phía, ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông Trà thơ mộng nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời triện trên sông).

Trong khuôn viên chùa có chiếc giếng Phật linh thiêng sâu 2m cho những dòng nước mát trong được đào từ khi khai sơn phá thạch. Giai thoại về giếng còn lưu truyền trong dân gian và được gìn giữ lại trong các thư tịch cổ.

TADO

Nơi ra đời câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh'

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
 
Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh".

Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo.

Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót.

Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh.

Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.


Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.

Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.


Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa.


Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa.

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa.
 
Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Vĩnh Hy - Vịnh Hạ Long của miền Trung

Nhờ những cung đường uốn lượn, màu nước trong xanh mà Vĩnh Hy còn được mệnh danh là vịnh Hạ Long của miền trung Việt Nam.
Xem thêm: 5 kiểu du khách thích đến vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy, thuộc Xã Vĩnh Hải, Huyện Ninh Hải, nằm về phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận. Chỉ với khoảng hơn một giờ di chuyển từ TP Phan Rang, du khách đã có thể hòa mình vào không gian biển trời xanh ngắt của vịnh.

Thời gian

Mùa hè là thời điểm thích hợp tổ chức các chuyến đi tới vịnh Vĩnh Hy. Chú ý tránh mùa bão, nhất là vào tháng 10, 11, 12 vì thuyền sẽ không ra vịnh được. Ngoài ra, du khách nên chọn đi các ngày cuối tuần vì do lượng khách đông nên tiền thuê tàu đáy kính ngắm san hô giá sẽ không cao.
Vĩnh Hy có màu nước xanh trong và cảnh vật tự nhiên tươi đẹp. Ảnh: Phương Thu Thủy.

Phương tiện di chuyển

Du khách có thể đến Ninh Thuận bằng ô tô riêng, xe khách, máy bay, tàu hỏa xuất phát từ Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng.

Tàu hỏa: Du khách có thể mua vé ở bất cứ ga nào trên các chuyến tàu Thống Nhất, điểm dừng chân là ga Tháp Chàm. Từ đây du khách bắt taxi vào trung tâm thành phố Phan Rang.

Ô tô: Nên chọn phương tiện này nếu xuất phát từ Sài Gòn. Du khách có thể mua vé tại bến xe miền Đông với giá 150.000 đồng, điểm dừng là bến xe Phan Rang.

Máy bay: Du khách đặt vé máy bay từ Hà Nội hoặc TP HCM và hạ cánh tại sân bay Cam Ranh cách Phan Rang khoảng 60 km.

Di chuyển tới Vĩnh Hy

Từ Phan Rang bạn có thể chọn trong 3 cách sau để đến vịnh Vĩnh Hy (khoảng 42 km):

Xe máy: Du khách thuê xe đã bao gồm 2 mũ bảo hiểm, giá tham khảo gồm: xe số có giá 130.000 đồng/ ngày (qua đêm phụ thu thêm 50.000 đồng) và xe tay ga giá 150.000 đồng/ ngày (qua đêm phụ thu thêm 60.000 đồng).

Từ Phan Rang bạn đi qua cầu Tri Thủy, theo đường tỉnh lộ 702 về phía đông bắc Ninh Thuận. Du khách di chuyển dọc theo những cung đường uốn lượn với một bên biển, một bên là cuộc sống yên bình của những chú cừa đang gặm cỏ. Vịnh Vĩnh Hy hiện ra trước mắt đẹp như bức tranh thủy mặc với màu nước xanh ngắt, điểm xuyết thêm bằng những chiếc tàu của ngư dân.
Từ Phan Rang đến Vĩnh Hy, du khách sẽ bắt gặp những chú cừu được chăn thả ven đường. Ảnh: Phạm Quang Tuân

Còn một lối đi khác dẫn đến vịnh Vĩnh Hy đó là xuất phát từ cầu Mỹ Thanh, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa theo đường Nước Ngọt. Đi theo đường này bạn sẽ không thấy những cánh đồng cỏ thay vào đó là những đồi núi nhiều hình thù cùng hàng dương nơi những bãi cát trải dài.

Xe buýt (30 phút sẽ có 1 chuyến): Ngoài việc tiết kiệm so với đi xe máy thì buýt giúp những người không quen lái xe đường dài an tâm. Xuất phát tại bến xe Phan Rang hoặc bạn có thể đón xe buýt tại các trạm đón trả khách trên đường đến Vĩnh Hy. Mất khoảng 1h15 phút các bạn sẽ đến vịnh Vĩnh Hy.

Taxi: Tại Phan Rang có một số hãng taxi uy tín để du khách tham khảo như Ngọc Hoa, Ninh Thuận, Mai Linh.

Lưu trú

Vĩnh Hy có nhiều dịch vụ nhà nghỉ giá rẻ từ khoảng 200.000 đồng một phòng hai giường.

Các bạn đi phượt có thể đem theo lều trại rồi thuê tàu ra các bãi biển cát mịn gần cảng để cắm lều ngủ qua đêm.

Hoạt động vui chơi

Du khách tới Vĩnh Hy có thể thuê thuyền ngắm san hô và lặn biển. Tại bến thuyến có nhiều đội cho các bạn chọn, có hai cách sau: Nếu đi từ 2-8 người thì bạn phải ghép chung với đoàn khác để đủ thuyền, giá được tính đầu người khoảng 60.000 đồng. Còn đi nhiều người hơn bạn có thể chọn hình thức thuê thuyền riêng với giá thuê nguyên tàu từ 600.000 đồng trở lên.

Loại tàu đáy kính sẽ đưa các bạn đến khu vực bảo tồn có rất nhiều san hô, tại đây du khách có thể ngồi trên thuyền tha hồ ngắm cảnh đẹp. Sau đó tàu sẽ đưa bạn đến bãi tắm Bà Điên hoặc đến Bãi Cóc đều cách bờ khoảng 30 phút để tắm hoặc lặn biển. Bạn cũng có thể thử sức leo lên những hòn đá cao với nhiều hình thù kỳ dị.

Đặc sản Phan Rang

Nho: do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên vùng đất Phan Rang có đặc sản đặc trưng rất giá trị là nho. Rượu vang nho, mật nho, mứt nho, nho khô... là những đặc sản rất riêng của mảnh đất này.
Hải sản tươi ngon là một điểm thu hút du khách đến Vĩnh Hy, bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên. Ảnh: Phạm Quang Tuân

Tỏi và táo Phan Rang cũng rất ngon, tỏi chắc, thơm, còn táo giòn và ngọt. Ngoài ra, du khách còn có thể tìm thấy các loại hải sản khô và nước mắm.

Nói riêng về hải sản tươi sống, Phan Rang có ghẹ xanh, cua Huỳnh Đế rất ngọt thịt và ngon, tôm hùm, mực tươi, ốc... Ngoài ra tôm, mực ở Ninh Thuận vừa tươi lại khá ngon.

Quà lưu niệm

Các sản phẩm từ thổ cẩm với hoa văn độc đáo và tinh tế, thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận như vải, quần áo, túi xách... là những món quà rất giá trị.

Vòng tay bằng đá, ốc biển, hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu của xứ biển Ninh Chữ, Phan Rang, Ninh Thuận cũng rất tinh tế và khéo léo. Những đồ này có thể tìm ở chợ Phan Rang.

Các loại trái cây du khách tìm mua ngay tại vườn cách trung tâm Phan Rang khoảng 5 km đi về hướng vịnh Vĩnh Hy và đồi cát Nam Cương. Các loại sản phẩm từ thổ cẩm có thể mua tại Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cách Phan Rang khoảng 10 km.

Lưu ý: Phan Rang là vùng đất của nắng và gió nên bạn nên đem theo đồ mặc nhẹ, chất liệu cotton, mỏng và mát, ngoài đồ bơi bạn nữ nhớ mang theo kem chống nắng và mũ rộng vành.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Bài đăng phổ biến