Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

10 điều nên làm trước mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài


Du lịch luôn là một món quà ngọt ngào cho bản thân sau những ngày làm việc chăm chỉ và hãy đừng để thành quả ấy có “vị đắng” vì những thiếu sót cơ bản sau. Và, sau đây là 10 điều nên làm trước mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài.


Xem thêm: Những cử chỉ cần tránh khi đi du lịch nước ngoài

1. Kiểm tra hộ chiếu


Nếu bạn không chắc lần cuối cùng mình nhìn vào hộ chiếu của mình khi nào thì hãy mở ra ngay và chú ý vào ngày hết hạn. Rất nhiều quốc gia yêu cầu du khách xuất và nhập cảnh phải có hộ chiếu với trên 6 tháng trước ngày hết hạn.


Visa luôn là vấn đề nhiều người quan tâm, hãy đảm bảo bạn sẽ xin visa ở những nước cần thiết và đặc biệt chú ý đến những thông tin về việc nếu sở hữu visa của nước A bạn sẽ có thể vào nước B mà không cần xin visa hoặc những thông tin về việc xin visa khi hạ cánh (arrival visa). Tùy từng quốc gia và lãnh thổ mà người mang hộ chiếu Việt Nam sẽ có những chính sách khác nhau. Nếu cảm thấy không an tâm, hãy đừng ngại ngần gọi điện thoại trực tiếp lên các đại/lãnh sự quán của các nước mà bạn dự định đến để biết thêm thông tin chi tiết. Hãy nhớ rằng, làm visa luôn tốn chi phí và thời gian nên bạn phải kiểm tra thông tin này thật sớm trước ngày khởi hành.

2. Mang thuốc hoặc tiêm ngừa phòng bệnh


Tùy thuộc vào từng quốc gia hay điểm đến, bạn sẽ cần phải tiêm ngừa một số loại vắc-xin (vaccine) hay uống một số loại thuốc trước khi lên đường để nhằm phòng tránh bệnh.

Đọc thông báo về những thông tin liên quan đến vấn đề y tế của nơi bạn dự định đặt chân tới đặc biệt là những điểm đến xa xôi như rừng rậm, sa mạc, cao nguyên. Ngoài ra, luôn dự trữ đủ hoặc hơn số thuốc trong suốt thời gian bạn đi du lịch để không bị bị động trong các trường hợp khẩn cấp. Các loại thuốc nhức đầu, đau bụng, giảm đau, dị ứng luôn rất cần thiết đặc biệt là những hành trình đi xa và lâu đến các vùng xa thành thị. Nếu đang mang các chứng bệnh phải dùng thuốc hàng ngày hàng tuần thì nhất định không thể quên thuốc đặc trị theo cùng.

3. Kiểm tra các cảnh báo hoặc lời khuyên rồi hãy đặt chỗ


Trước khi lên đường, hãy theo dõi những thông tin về tình trạng an ninh và du lịch tại điểm đến trước khi ấn nút đặt chỗ máy bay, khách sạn hay các tour tham quan. Bạn cũng cần viết địa chỉ và số điện thoại của đại/lãnh sự quán Việt Nam nếu đang đi du lịch nước ngoài.

Tự thiết lập lịch trình cho bản thân từ ngày giờ, chuyến bay, khách sạn và địa chỉ điện thoại, tuyến tàu điện, bus, phà…nếu là hành trình tự túc hoặc đề nghị công ty du lịch chuẩn bị nếu bạn đi tour.

4. Chuẩn bị về tài chính


Trước khi du lịch nước ngoài, hãy chắc là bạn sẽ gọi cho ngân hàng mà mình đang sở hữu thẻ tín dụng để đảm bảo rằng nơi bạn sẽ đến có thể sử dụng thẻ ngân hàng và hỏi họ trong trường hợp trục trặc bạn nên làm gì. Nên mang theo hơn 1 thẻ tín dụng nếu có thể và cất ở hai nơi an toàn khác nhau.

Trước khi khởi hành, hãy chắc rằng bạn nắm rõ tỉ giá khi đổi tiền và giá cả ước lượng nơi mình sẽ đến. Đổi một ít tiền mặt và kiểm tra thông tin về mạng lưới cũng như sự phổ biến của máy ATM tại điểm đến trước khi lên đường cũng sẽ giúp bạn chủ động về tiền bạc hơn.

5. Photo tất cả các giấy tờ liên quan đến chuyến đi.


Quan trọng nhất là bản photo màu hộ chiếu trang có dán ảnh và số hộ chiếu, chứng minh nhân dân, vé, booking khách sạn, tàu, thuyền… Cất riêng các loại giấy tờ photo này vào một nơi khác trong hành lý.

Ngoài ra, với thời đại công nghệ số, bạn có thể lưu toàn bộ các thông tin trên dưới dạng file ảnh hay file văn bản vào máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh mà không cần dùng đến internet.

Nếu bạn lưu thông tin cá nhân trong điện thoại hay các thiết bị cầm tay khác, hãy chắc rằng bạn đặt mã số bí mật để hạn chế sự xâm nhập từ người ngoài.

6. Lấy giấy phép lái xe quốc tế


Bằng lái ô tô tại Việt Nam có thể không được chấp nhận tại hầu hết các quốc gia và vì thế nếu bạn muốn vi vu ôm vô lăng thì nên xin giấy phép lái xe quốc tế. Quy trình và thủ tục cũng tốn thời gian và tất nhiên cả tiền bạc nên bạn cũng cần phải hoàn thành sớm trước khi lên đường.

7. Chuẩn bị ổ cắm đa năng


Các thiết bị điện tử thường khác nhau tùy theo từng vùng miền và quốc gia. Đo đó bạn cũng nên tự sắm cho mình một ổ cắm đa năng để sẵn sàng phục vụ bản thân bất cứ lúc nào. Bạn cũng cần kiểm tra điện năng tại điểm đến nhằm để tránh trường hợp thiết bị của mình không tương thích. Máy tính xách tay và điện thoại thường có ổ sạc tương thích với nhiều nguồn điện từ 100V – 220V. Nếu bạn có các đồ điện tử quá hoặc thấp hơn chuẩn cho phép ghi chú trên đó, hãy tìm mua dụng cụ chuyển đổi điện năng để sử dụng. Hiện tại những cục sạc di động cho máy ảnh, máy điện thoại đang được bán khá nhiều và bạn đừng ngại ngần đầu tư để mua một chiếc cho mình nhằm sẵn sàng bổ sung năng lượng bất cứ lúc nào.

8. Học vài câu, từ bản địa đơn giản


Tập nhớ những từ ngữ đơn giản như “Xin chào”, “Cám ơn” và “Toilet nằm ở đâu”, ngoài ra, nhờ được càng nhiều sẽ càng tốt để bạn thích nghi với môi trường mới hơn.

Nếu bạn biết mình hay bị dị ứng bởi các món ăn nào, dễ bị xảy ra tình trạng gì với cơ thể, thường dùng loại thuốc gì,… hãy đảm bảo bạn biết cách giai thích với người đối diện bằng tiếng Anh đơn giản hoặc ngôn ngữ hình thể. Nếu cảm thấy lo lắng, hãy đừng ngại ngần hỏi mọi người xung quanh đánh máy/viết những câu mô tả về tình trạng bệnh cơ bản của bạn trước khi khởi hành.

9. Kiểm tra phí nhập và xuất cảnh


Có khá nhiều quốc gia yêu cầu bạn phải xin visa trước khi hạ cánh nhưng cũng có những quốc gia dù đã có visa bạn vẫn phải trả phí hoặc thuế phi trường hay phí xuất nhập cảnh… Kiểm tra kỹ thông tin nếu bạn đặt vé trên mạng hay qua các đại lý về việc nhập và xuất cảnh tại sân bay cùng những loại phí phải đóng để có thể chủ động trước.

10. Mua bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch


Mua bảo hiểm gần như là việc bắt buộc gồm cả bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch. Hãy đừng tiếc vài chục usd bởi bạn không chắc là hành trình của mình sẽ xuôn sẻ một cách hoàn hảo. Bảo hiểm là cách tự bảo vệ bản thân và cả chuyến đi của bạn. Tuy vậy có rất nhiều loại bảo hiểm cũng nhưng quy định về bồi thường mà bạn cần nắm rõ trước khi quyết định mua đặc biệt là các vấn đề về khám chữa bệnh tại nước ngoài hay bị hủy chuyến bay…

Chúc các bạn có những ngày nghỉ tràn đầy niềm vui. (Theo An Nam/Một thế giới)

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Những ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam

Chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) tọa lạc trên ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông thơ mộng, người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà, tức ấn trời triện trên sông.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình - Tour Vũng Chùa

Chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự

Đây là ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại nằm trên địa phận ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nói đến chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, những kỷ lục về Phật giáo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập cũng xuất hiện. Một số danh hiệu gồm chùa có ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam (năm 2006), nhiều tượng Phật nhất (năm 2007), tượng Bồ tát Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam (năm 2007)...

Chùa Hang

Chùa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tuổi đời khoảng 300 năm, nổi tiếng với những cảnh đẹp như tranh vẽ làm mê hoặc lòng người. Nơi đây có tên chữ là "Thiên Khổng Thạch Tự" (chùa do trời sinh ra). Ngôi chùa chính là một hang đá sâu 24m, rộng 20m và cao hơn 3m với nhiều ngóc ngách bên trong.

Phía trước chùa là pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát to lớn hướng ra biển cả như luôn che chở và phù hộ những chuyến đi biển bình an.

Chùa Phật Lớn

Chùa có tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, tọa lạc trên núi Thiên Cấm, cao hơn 710 m so với mực nước biển, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nằm trong quần thể chùa Phật Lớn có tượng Phật Di Lặc cao gần 34 m, đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả. Năm 2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã công nhận đây là tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á.

Chùa núi Châu Thới

Nằm trên ngọn núi Châu Thới cao 82m so với mặt nước biển, bốn phía chùa là đồng bằng với nhiều hồ nhân tạo rất nên thơ. Ngôi chùa cách thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) khoảng 4 km và TP HCM khoảng 24 km, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương,

Hơn 300 năm trước, thiền sư Khánh Long trên bước đường hoằng dương chánh pháp lên núi Châu Thới thấy cảnh non nước hữu tình đã cất một thảo am nhỏ đặt tên là chùa Hội Sơn, sau đổi thành chùa núi Châu Thới. Nơi đây ghi nhận là ngôi chùa xưa nhất ở Bình Dương.

Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên thế đất thiêng, thuộc núi Thiên Ấn cao hơn 100 m so với mực nước biển tại Quảng Ngãi. Nhìn từ xa theo bốn phía, ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông Trà thơ mộng nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời triện trên sông).

Trong khuôn viên chùa có chiếc giếng Phật linh thiêng sâu 2m cho những dòng nước mát trong được đào từ khi khai sơn phá thạch. Giai thoại về giếng còn lưu truyền trong dân gian và được gìn giữ lại trong các thư tịch cổ.

TADO

Nơi ra đời câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh'

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
 
Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh".

Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo.

Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót.

Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh.

Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.


Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.

Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.


Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa.


Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa.

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa.
 
Phong Vinh (VnExpress)

Bài đăng phổ biến