Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Trái chuối nướng ngòn ngọt được bọc bên ngoài lớp bột nếp, chan nước cốt dừa thơm lừng và rắc thêm một ít đậu phộng tạo thành món ăn dân dã ở miền Tây.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Người dân miền Tây vốn hảo ngọt, nên những món ăn như bánh, chè, xôi, rau câu được bày bán rất phong phú. Trong đó, du khách không thể bỏ qua món chuối nếp nướng.

Nguyên liệu làm chuối nếp nướng rất đơn giản. Bạn chọn loại chuối xiêm, vừa chín tới, chặt đem về ủ. Vài hôm sau chuối vàng ươm mới dùng để chế biến. Chuối được lột vỏ, ướp chút đường và muối để có vị đậm đà. Đặc biệt, chuối phải được nướng trên bếp than hồng và để nguyên trái mới đúng điệu.
Người nướng phải trở luôn tay cho đều các mặt. Khi lá chuối cháy sém vàng, lớp vỏ ngả màu và mùi thơm bốc lên là bánh chín. Ảnh: Liêu Lãm

Món chuối nếp nướng này sẽ không thể đạt được hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo thành món ăn đơn giản mà níu chân du khách.

Có rất nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối được bọc bên ngoài lớp bột nếp trộn trước với nước cốt dừa rồi đem bọc trong lá chuối. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giưc được hương vị.

Với 5.000 - 7.000 đồng, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của món ăn này mà ít nơi đâu có được. Địa chỉ nổi tiếng với chuối nếp nướng là quán trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy món này ở một số nơi khác như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ...
“Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài hoà quyện với nước cốt dừa béo ngậy, và miếng chuối ngọt bùi, tôi cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác” – chia sẻ của bạn Liêu Lãm trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Liêu Lãm
Phong Vinh (VnExpress)

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Du khách không chỉ được ngồi thuyền xuôi theo các con kênh, rạch chằng chịt, đến với những miệt vườn hoa trái xum xuê, mà còn được thưởng thức nền ẩm thực phong phú.
Xem thêm: Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Mỗi ngày du khách sẽ được khám phá một phần của miền Tây sông nước với những trải nghiệm khác biệt.

Ngày 1: Khám phá Cần Thơ, ngắm hoàng hôn trên bến Ninh Kiều

Buổi sáng

Từ Hà Nội, du khách mất khoảng 2 tiếng đến sân bay Cần Thơ. Từ TP HCM, ôtô là phương tiện chủ yếu được hầu hết du khách sử dụng, mất khoảng 3 tiếng và có nhiều chuyến của các hãng xe Phương Trang, Victoria Mekong Coach...

Buổi chiều

Là trung tâm của các tỉnh miền Tây, Cần Thơ mang đầy đủ nét đặc trưng của một vùng sông nước. Bạn có thể lang thang ở khu trung tâm thành phố, ghé chợ Tân An thưởng thức các loại cây trái. Cuối giờ chiều, bạn hãy dừng chân ở bến Ninh Kiều ngắm hoàng hôn và xuồng ghe đi lại tấp nập, cảm nhận cuộc sống sinh động nhưng vẫn rất đơn sơ, thuần khiết.

Buổi tối

Nền ẩm thực địa phương phong phú, tràn đầy sắc màu và hương vị. Bạn có thể thưởng thức các món ăn từ ốc, cá, vịt, bò và nhiều loại rau, hoa trái tươi ngon.

Ngày 2: Thăm chợ nổi Cái Răng, làng sản xuất hủ tiếu

Buổi sáng

Cuộc sống thường nhật trên chợ nổi Cái Răng.

Mất khoảng 30 phút từ bến Ninh Kiều, du khách ngồi trên tàu máy xuôi theo dòng sông Hậu đến chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Chợ hoạt động từ 5 đến 10h sáng và thường tấp nập lúc 7h. Nơi đây chủ yếu bán hàng nông sản, các loại trái cây, thực phẩm... Xuồng ghe lớn nhỏ từ khắp các tỉnh lân cận, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ xa, du khách có thể nhìn thấy những cây "bẹo" treo mặt hàng bán. Thú vị nhất là có thể thưởng thức bữa ăn ngay trên tàu và ngắm cảnh mua bán tấp nập.

Sau khi tham quan, mua bán trên chợ, du khách quay về làng sản xuất hủ tiếu nằm bên bờ sông, cách bến Ninh Kiều khoảng 10 phút đi tàu. Bạn có thể học cách làm bánh, quan sát cuộc sống ven sông của dân địa phương hoặc trò chuyện với những người dân hồn hậu, dễ mến.

Ghé thăm các vườn trái cây là một hoạt động không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền Tây sông nước. Dọc bên bờ sông là những vườn cây trĩu quả, với sầu riêng, xoài, chôm chôm, dâu, thanh long xanh mướt mát. Bạn có thể thưởng thức hoa trái theo mùa, tận hưởng không gian thoáng mát, yên bình; hoặc leo qua các cây cầu khỉ bắc qua những dòng kênh nhỏ, tận hưởng vẻ đẹp đơn sơ của miền Tây.

Buổi chiều

Sau một buổi trưa nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng, du khách di chuyển từ Cần Thơ xuống Châu Đốc (tỉnh An Giang). Trên đường đi, bạn có thể ghé thăm nhà cổ Bình Thủy, được xây dựng với lối kiến trúc Á - Âu, từng là bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng.

Buổi tối

Khám phá ẩm thực nổi tiếng ở Châu Đốc, đi chợ đêm và thú vị nhất là thưởng thức ly cà phê ngay bên khách sạn nằm ở ngã giữa ngã ba sông Tiền, sông Hậu. Bạn có thể lặng nghe tiếng tàu chạy, tiếng chèo khua nước khi người dân trở về sau một ngày lao động.

Ngày 3: Làng chăm Vĩnh Tế, chùa trên núi Sam

Buổi sáng

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có khá nhiều cộng đồng sinh sống như Chăm, Khmer. Đi tàu dọc theo dòng kênh Vĩnh Tế, bạn sẽ đến thăm ngôi làng của người Chăm với vẻ hoang sơ thuần khiết. Bạn có thể mua những món quà lưu niệm là chiếc khăn rằn Nam Bộ được dệt thủ công...

Ngoài ra, du khách đừng bỏ lỡ các đền chùa, đặc biệt là miếu bà Chúa Xứ, một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc. Đây là một trong những địa danh linh thiêng, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt khách đến cúng bái, tham quan và cầu tài lộc.

Buổi chiều

Thăm rừng Tràm Trà Sư là một trải nghiệm thú vị.

Bạn nhớ ghé qua khu bảo tồn chim Trà Sư nằm trong rừng ngập nước thanh bình, kỳ ảo. Ngồi trên chiếc thuyền ba ván truyền thống, lướt qua chiếc thảm nước xanh rờn đẹp như tranh và quan sát cuộc sống hoang dã nguyên thủy của các loài chim là một trải nghiệm thú vị.

Buổi tối

Thú vị nhất là ngắm hoàng hôn từ trên sườn núi Sam. Từ trên khách sạn Victoria núi Sam, bạn có thể thả tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn với những cánh đồng lúa chín vàng óng hay lúa xanh ngắt đương thì con gái tùy theo mùa. Bạn như được chìm đắm vào cuộc sống thanh bình và chậm rãi nơi đây.

Anh Phương (Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến