Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Xôi trắng khâu nhục, món ăn của người xứ Lạng

Những hạt nếp trắng dẻo thơm, bóng mượt ăn cùng với khâu nhục vàng ruộm, đậm đà, thơm mùi mật ong là món ăn bạn không thể quên được nếu lên xứ Lạng.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

Để làm xôi khâu nhục ngon, người ta phải chọn loại gạo nếp nương mới, vo sạch rồi ngâm qua đêm, sau đó đem đồ cho chín, hạt gạo mềm, bóng, thơm. Món này thường có trong những dịp lễ tết, đám hỏi quan trọng của người dân xứ Lạng. Về tên gọi, người dân nơi đây giải thích, khâu có nghĩa là hấp chín đến mềm gục, nhục là thịt.

Thịt để làm khâu nhục phải là thịt ba chỉ, vừa có nạc nhưng cũng có lớp mỡ. Sau khi được rửa sạch, thịt luộc sơ qua rồi dùng tăm đâm nhiều lỗ trên miếng bì cho ngấm gia vị đem quay vàng cùng mật ong. Khi bỏ ra miếng thịt vàng ươm, bì giòn và đậm đà hương vị.
Khâu nhục là món ăn nổi tiếng của người xứ Lạng. Ngoài ăn kèm với xôi trắng, khâu nhục còn được ăn cùng với bánh mì, cơm trắng. Ảnh: mienbiengioi

Gia vị để nấu khâu nhục gồm hành tỏi, gừng băm nhuyễn, húng lìu, tiêu, đường, dầu hào, ngũ vị hương, rượu trắng và không thể thiếu là tàu soi, một loại rau của người dân Tày, Nùng. Nhiều nơi cho thêm khoai môn cắt khúc, ăn cũng rất thú vị.

Thịt ba chỉ quay được thái, ướp cùng với các nguyên liệu trên rồi cho vào đĩa, phía dưới cùng là lá tàu soi,khoai môn ở giữa. Các miếng thịt được đặt sao cho thịt ôm trọn khoai và các gia vị trong lòng. Cho bát thịt vào nồi hấp cách thủy trong vòng 4 tiếng đến khi thịt mềm tơi.

Món khâu nhục ngon có lẽ do khâu tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Khi thưởng thức, miếng thịt thơm, mềm như tan trong miệng, ngấm các gia vị và phần bì mềm ngậy, thơm mùi mật ong, ăn mà không thấy ngán. Khâu nhục ăn kèm với xôi trắng là món ăn mà du khách lên xứ Lạng thường thưởng thức.

Món xôi khâu nhục rất dễ tìm trong các quán ăn nổi tiếng ở xứ Lạng, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một suất.
Anh Phương (VnExpress) 

Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Bài đăng phổ biến