Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Địa chỉ cho bữa ăn khuya ở Hong Kong

Lily & Bloom, Loyal Dining hay The Woods đều là những nhà hàng mở từ đêm đến sáng sớm hôm sau phục vụ các thực khách chơi khuya và thích ăn thêm bữa muộn.

Xem thêm:  Vẻ đẹp Đông Tây hội ngộ ở Hong Kong

Dưới đây là 5 nhà hàng Hong Kong chuyên phục vụ bữa ăn muộn cho du khách.

Lily & Bloom

Muốn có một bữa ăn nửa đêm tinh tế, du khách hãy đặt bàn tại khu mái của Lily & Bloom. Thực đơn gồm những món ăn xa xỉ như thịt bò kiểu Pháp, phi lê bò Mỹ với gan ngỗng, thịt heo Iberico... nhà hàng này là điểm hẹn lý tưởng cho người sành ăn. Giờ mở cửa của Lily & Bloom thứ 2 - 7 mở từ 18h - 23h; riêng thứ 6, 7 có thêm bữa ăn đêm từ 23h - 2h.

Lily & Bloom có thiết kế sang trọng, thực đơn phong phú và nhất là nhiều món Âu tinh tế cho các thực khách sành ăn lựa chọn.

Loyal Dining

Nếu bạn đang tìm nơi phục vụ đồ ăn ngon của Hong Kong, Loyal Dining là một lựa chọn tuyệt nhất. Nhà hàng được thiết kế theo phong cách cổ điển kết hợp Đông - Tây. Loyal Dining phục vụ thực khách từ 11h tới 2h sáng hôm sau trong các ngày thứ 2 - 5, thứ 6 từ 11h - 4h, thứ 7 từ 9h - 4h và chủ nhật 9h - 2h. Những món ăn du khách thường lựa chọn là chim bồ câu giòn, cánh gà với nước sốt đậu nành, thịt lợn nướng và cơm. Bạn cũng đừng quên thử món đồ uống kỳ lạ của Hong Kong là coca kèm kem socola.

The Woods

Còn gì tuyệt vời hơn một ly cocktail kèm đồ ăn sau nhiều giờ vui chơi. The Woods là một địa điểm có nhiều loại đồ uống được pha chế rất tinh tế, hấp dẫn bằng những nguyên liệu cập nhật theo mùa, đảm bảo bạn sẽ tìm được món ưa thích. Nếu đói bụng, bạn hãy gọi một bữa ăn 4 món cùng những ly cocktail tao nhã để thưởng thức. Không gian ấm cúng với các đồ ăn thức uống ngon miệng, chắc chắn du khách không muốn rời bước. Nhà hàng mở cửa từ 18h đến 2h sáng hôm sau các ngày trong tuần.
Phong cách pha chế đồ uống tinh tế của The Woods.

The Flying Pan

Nếu muốn ăn pancake vào 2h sáng, du khách hãy tìm đến The Flying Pan. Nhà hàng này phục vụ các món ăn cổ điển và phổ biến như trứng Benedict với món rán kiểu Pháp cùng nhiều lựa chọn có sự kết hợp thú vị khác. Bạn cũng có thể chọn món trứng nấu bằng 7 cách khác nhau. Bữa ăn muộn nửa đêm cũng có thể trở thành bữa sáng của ngày hôm sau. The Flying Pan hoạt động 24h nên bạn không cần băn khoăn mấy giờ nhà hàng đóng cửa.

ToTT's & Roof Terrace

Với tầm nhìn rộng ra phía cảng Victoria cùng đường chân trời xa xa, ToTT & RoofTerrace là một trong những điểm hẹn đêm hấp dẫn nhất Hong Kong. Nhà hàng nằm trên tầng 34 của khách sạn Excelsior, ngoài vị trí đẹp thì thức ăn ở đây cũng làm bạn phải bất ngờ. Du khách có thể lựa chọn những món như súp tôm hùm, thịt bò wagyu nướng, tráng miệng cùng kẹo mềm socola Valrhona. Đây sẽ là trải nghiệm ẩm thực mà bạn khó quên nhất. Giờ mở cửa của nhà hàng vào thứ 2 - 5 là 18h - 1h, thứ 6 là 18 - 2h, thứ 7 là 17h - 2h và chủ nhật là 18h30 - 23h.
Vị trí của nhà hàng ToTT & Roof Terrace rất lý tưởng cho một đêm muộn ở Hong Kong.

Hương Chi (theo skyscanner)

Những món ăn sáng hấp dẫn ở Phan Rang

Tô bánh canh nóng hổi, chiếc bánh xèo bốc khói nghi ngút hay miếng sứa giòn sực... là những món quà sáng thơm ngon dễ dàng chinh phục được du khách.
Xem thêm: 8 điểm đến hấp dẫn ở Phan Rang
Nói đến xứ sở Phan Rang, nhiều người hình dung đến khung cảnh màu xanh thơ mộng của bãi biển, những dải cát dài hoang sơ quyến rũ. Thế nhưng, vùng đất đầy nắng gió này còn sở hữu ẩm thực đa dạng cuốn hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bánh canh chả cá

Là món ăn được bày bán nhiều ở Phan Rang nên du khách có thể tìm thấy dễ dàng. Một tô bánh canh nóng hổi sẽ gồm sợi bánh, chả cá, cá dầm, ngò thơm, hành lá và phía trên rắc thêm chút tiêu đen. Thực khách khi thưởng thức sẽ pha thêm chút mắm ớt cay cay và vắt thêm miếng chanh cho vừa miệng. Sợi bánh canh to vừa phải, cọng bánh bản mỏng đặc trưng, khi ăn cảm nhận rõ độ mềm, mịn và dẻo, khác lạ rõ rệt so với những vùng khác.
Với giá 10.000 đến 15.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức tô bánh canh chất lượng đầy hấp dẫn. Ảnh: Văn Trãi

Trong tô bánh canh phải nhắc đến những miếng chả cá tươi ngon. Chả được làm từ loại cá của vùng biển địa phương như nhồng, rựa, thác lác... Cá này phải được mua từ sáng sớm tinh mơ ở các cảng biển. Người làm sẽ lóc phần thịt cá ra để làm chả, phần xương đem đi cho vào nồi nước lèo để thêm vị ngọt. Để thưởng thức món ăn tròn vị, bạn có thể đến quán Nhường trên đường Ngô Gia Tự.

Bánh xèo

Du khách đến Phan Rang đừng nên bỏ qua món bánh xèo. Vị của bánh xèo Phan Rang khác hẳn với loại bánh ở vùng đất Nam bộ. Bánh được làm từ bột gạo, đổ bằng khuôn của gốm Chăm Bàu Trúc, nhân bánh là thịt, trứng và các loại hải sản như tôm, mực... Chiếc bánh được đổ một lớp mỏng, nhỏ xinh, phủ lên trên là giá đỗ và nhân. Chờ tới khi bánh chín vàng rụm, mùi thơm phức bốc lên, người bán sẽ dùng vá dẹp để cạy bánh.
Bánh xèo Phan Rang chỉ có giá từ 2.000 đến 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Khánh Hòa.

Vào những ngày trời se mát, mọi người ngồi quây quần bên lò than hồng rực, thưởng thức chiếc bánh xèo nóng hổi, vàng giòn... giúp thực khách cảm nhận được nét tinh túy của ẩm thực Phan Rang. Bạn có thể thưởng thức món bánh xèo dọc vỉa hè đường Quang Trung.

Bánh căn

Có hình dáng bé nhỏ như chiếc bánh khọt Nam bộ, bánh căn là món ăn dân dã ở đây. Phần nhân bánh được chế biến với nhiều hương vị đặc trưng hấp dẫn. Nguyên liệu chính là bột gạo. Từ cách ngâm bột, pha trộn thêm cơm nguội khi xay nhuyễn cho đến đo lường lượng nước và gạo đều được thực hiện kỹ lưỡng để bánh không bị nhão hoặc cháy khi nướng.
Bạn có thể bắt đầu bữa sáng với món đặc sản Phan Rang với giá chỉ 20.000 đồng. Ảnh: Tiêu Phong.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, người làm đã tất bật quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng. Khi khuôn bánh tỏa ra hơi nóng, họ sẽ đổ bột vào. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân bánh cho thêm mực, trứng, thịt, tôm... tùy theo ý thích người ăn. Bánh vừa chín tới, người bán sẽ cạy ra rồi thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh được điểm thêm màu sắc nên nhìn càng ngon hơn. Bánh căn phải được ăn kèm với nước cá kho, cho thêm xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...

Bún sứa

Sứa bắt đầu xuất hiện vào mùa đông và gia tăng số lượng nhiều vào mùa xuân, những mùa còn lại khá hiếm hoi. Chính vì vậy, không phải lúc nào thực khách cũng được thưởng thức món ăn này. Một tô bún sứa đầy đủ sẽ có bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, điểm xuyết thêm những cọng ngò xanh và bên trên rắc thêm vài hạt đậu phộng.
Bạn có thể thưởng thức món này trên đường Lê Lợi ở Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Bún sứa được ăn kèm với bắp chuối, rau muống bào, giá sống và quan trọng nhất là mắm ruốc. Đây chính là gia vị làm cho tô bún thêm phần thi vị hài hòa. Trộn tô bún sứa đều tay và chậm rãi thưởng thức từng miếng sứa, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị giòn sực của sứa, vị béo của đậu phộng, đậu hũ hay vị mằn mặn của mắm ruốc. Tất cả pha trộn tạo nên món ăn đậm đà bản sắc.

Văn Trãi (VnExpress)

Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Ngoài bánh canh hẹ, bột lọc, Phú Yên còn nổi tiếng với món bánh bèo chén hấp dẫn mà chỉ có gạo xứ Nẫu mới cho ra món ăn chơi thơm và dẻo đến vậy. 
Xem thêm: Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Cách làm bánh bèo khá đơn giản, đầu tiên gạo thơm được đem xay nhuyễn đến khi thành bột. Thêm một chút muối vào bột, đổ từ từ nước lạnh và khuấy thật đều tay. Tiếp tục đổ vào nước sôi, khuấy đến khi bột tan đều mới thôi. Sau đó, ngâm bột qua đêm hoặc khoảng 4 đến 6 tiếng. Việc này giúp bánh khi ăn không có mùi bột chua và dai hơn.
Một khay bánh bèo khoảng 10 chén có giá 10.000 đến 15.000 đồng. Ảnh: Khánh Bình

Khi gần đổ bánh, người làm sẽ gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi nhằm giúp bột trong hơn. Đổ đi bao nhiêu nước trắng thì thay vào đó bấy nhiêu nước ấm và khuấy nhẹ tay.

Sau đó, họ múc từng muỗng bột vào chén nhỏ và làm chín bằng cách hấp cách thủy. Khoảng 7 đến 8 phút, khi thấy chén bánh đổi sang màu trắng đục cũng là lúc bánh chín. Quyện vào từng chén nhỏ là hương bột gạo thơm nồng nàn lan tỏa.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Riêng bánh mì sau khi chiên giòn được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn.

Sau khi hoàn thành, người làm sẽ rắc ít chà bông, bánh mì và cả mỡ hành lên từng chiếc bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là nước mắm chua ngọt.

Trong tiết trời buổi tối se mát ở Phú Yên, cầm chén bánh bèo nóng hổi trên tay rưới lên từng muỗng nước mắm có vị cay khá đậm sẽ làm bạn cảm thấy món ăn chơi này ngon đến lạ lùng. Để thưởng thức được bánh bèo đúng vị, thực khách có thể tìm đến các hàng quán dưới chân núi Nhạn.

Lan Thoa (VnExpress)

Bài đăng phổ biến