Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Những món ăn sáng hấp dẫn ở Phan Rang

Tô bánh canh nóng hổi, chiếc bánh xèo bốc khói nghi ngút hay miếng sứa giòn sực... là những món quà sáng thơm ngon dễ dàng chinh phục được du khách.
Xem thêm: 8 điểm đến hấp dẫn ở Phan Rang
Nói đến xứ sở Phan Rang, nhiều người hình dung đến khung cảnh màu xanh thơ mộng của bãi biển, những dải cát dài hoang sơ quyến rũ. Thế nhưng, vùng đất đầy nắng gió này còn sở hữu ẩm thực đa dạng cuốn hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bánh canh chả cá

Là món ăn được bày bán nhiều ở Phan Rang nên du khách có thể tìm thấy dễ dàng. Một tô bánh canh nóng hổi sẽ gồm sợi bánh, chả cá, cá dầm, ngò thơm, hành lá và phía trên rắc thêm chút tiêu đen. Thực khách khi thưởng thức sẽ pha thêm chút mắm ớt cay cay và vắt thêm miếng chanh cho vừa miệng. Sợi bánh canh to vừa phải, cọng bánh bản mỏng đặc trưng, khi ăn cảm nhận rõ độ mềm, mịn và dẻo, khác lạ rõ rệt so với những vùng khác.
Với giá 10.000 đến 15.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức tô bánh canh chất lượng đầy hấp dẫn. Ảnh: Văn Trãi

Trong tô bánh canh phải nhắc đến những miếng chả cá tươi ngon. Chả được làm từ loại cá của vùng biển địa phương như nhồng, rựa, thác lác... Cá này phải được mua từ sáng sớm tinh mơ ở các cảng biển. Người làm sẽ lóc phần thịt cá ra để làm chả, phần xương đem đi cho vào nồi nước lèo để thêm vị ngọt. Để thưởng thức món ăn tròn vị, bạn có thể đến quán Nhường trên đường Ngô Gia Tự.

Bánh xèo

Du khách đến Phan Rang đừng nên bỏ qua món bánh xèo. Vị của bánh xèo Phan Rang khác hẳn với loại bánh ở vùng đất Nam bộ. Bánh được làm từ bột gạo, đổ bằng khuôn của gốm Chăm Bàu Trúc, nhân bánh là thịt, trứng và các loại hải sản như tôm, mực... Chiếc bánh được đổ một lớp mỏng, nhỏ xinh, phủ lên trên là giá đỗ và nhân. Chờ tới khi bánh chín vàng rụm, mùi thơm phức bốc lên, người bán sẽ dùng vá dẹp để cạy bánh.
Bánh xèo Phan Rang chỉ có giá từ 2.000 đến 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Khánh Hòa.

Vào những ngày trời se mát, mọi người ngồi quây quần bên lò than hồng rực, thưởng thức chiếc bánh xèo nóng hổi, vàng giòn... giúp thực khách cảm nhận được nét tinh túy của ẩm thực Phan Rang. Bạn có thể thưởng thức món bánh xèo dọc vỉa hè đường Quang Trung.

Bánh căn

Có hình dáng bé nhỏ như chiếc bánh khọt Nam bộ, bánh căn là món ăn dân dã ở đây. Phần nhân bánh được chế biến với nhiều hương vị đặc trưng hấp dẫn. Nguyên liệu chính là bột gạo. Từ cách ngâm bột, pha trộn thêm cơm nguội khi xay nhuyễn cho đến đo lường lượng nước và gạo đều được thực hiện kỹ lưỡng để bánh không bị nhão hoặc cháy khi nướng.
Bạn có thể bắt đầu bữa sáng với món đặc sản Phan Rang với giá chỉ 20.000 đồng. Ảnh: Tiêu Phong.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, người làm đã tất bật quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng. Khi khuôn bánh tỏa ra hơi nóng, họ sẽ đổ bột vào. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân bánh cho thêm mực, trứng, thịt, tôm... tùy theo ý thích người ăn. Bánh vừa chín tới, người bán sẽ cạy ra rồi thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh được điểm thêm màu sắc nên nhìn càng ngon hơn. Bánh căn phải được ăn kèm với nước cá kho, cho thêm xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...

Bún sứa

Sứa bắt đầu xuất hiện vào mùa đông và gia tăng số lượng nhiều vào mùa xuân, những mùa còn lại khá hiếm hoi. Chính vì vậy, không phải lúc nào thực khách cũng được thưởng thức món ăn này. Một tô bún sứa đầy đủ sẽ có bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, điểm xuyết thêm những cọng ngò xanh và bên trên rắc thêm vài hạt đậu phộng.
Bạn có thể thưởng thức món này trên đường Lê Lợi ở Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Bún sứa được ăn kèm với bắp chuối, rau muống bào, giá sống và quan trọng nhất là mắm ruốc. Đây chính là gia vị làm cho tô bún thêm phần thi vị hài hòa. Trộn tô bún sứa đều tay và chậm rãi thưởng thức từng miếng sứa, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị giòn sực của sứa, vị béo của đậu phộng, đậu hũ hay vị mằn mặn của mắm ruốc. Tất cả pha trộn tạo nên món ăn đậm đà bản sắc.

Văn Trãi (VnExpress)

Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Ngoài bánh canh hẹ, bột lọc, Phú Yên còn nổi tiếng với món bánh bèo chén hấp dẫn mà chỉ có gạo xứ Nẫu mới cho ra món ăn chơi thơm và dẻo đến vậy. 
Xem thêm: Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Cách làm bánh bèo khá đơn giản, đầu tiên gạo thơm được đem xay nhuyễn đến khi thành bột. Thêm một chút muối vào bột, đổ từ từ nước lạnh và khuấy thật đều tay. Tiếp tục đổ vào nước sôi, khuấy đến khi bột tan đều mới thôi. Sau đó, ngâm bột qua đêm hoặc khoảng 4 đến 6 tiếng. Việc này giúp bánh khi ăn không có mùi bột chua và dai hơn.
Một khay bánh bèo khoảng 10 chén có giá 10.000 đến 15.000 đồng. Ảnh: Khánh Bình

Khi gần đổ bánh, người làm sẽ gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi nhằm giúp bột trong hơn. Đổ đi bao nhiêu nước trắng thì thay vào đó bấy nhiêu nước ấm và khuấy nhẹ tay.

Sau đó, họ múc từng muỗng bột vào chén nhỏ và làm chín bằng cách hấp cách thủy. Khoảng 7 đến 8 phút, khi thấy chén bánh đổi sang màu trắng đục cũng là lúc bánh chín. Quyện vào từng chén nhỏ là hương bột gạo thơm nồng nàn lan tỏa.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Riêng bánh mì sau khi chiên giòn được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn.

Sau khi hoàn thành, người làm sẽ rắc ít chà bông, bánh mì và cả mỡ hành lên từng chiếc bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là nước mắm chua ngọt.

Trong tiết trời buổi tối se mát ở Phú Yên, cầm chén bánh bèo nóng hổi trên tay rưới lên từng muỗng nước mắm có vị cay khá đậm sẽ làm bạn cảm thấy món ăn chơi này ngon đến lạ lùng. Để thưởng thức được bánh bèo đúng vị, thực khách có thể tìm đến các hàng quán dưới chân núi Nhạn.

Lan Thoa (VnExpress)

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

48h chinh phục nóc nhà Mộc Châu

Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) vào mùa xuân không chỉ là thiên đường của các nhiếp ảnh gia săn hoa mận, đào mà còn là điểm đến thách thức cho nhiều tay phượt trẻ.
Xem thêm: 6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Với độ cao hơn 2000 m, Pha Luông hay Bờ Lung (tiếng Thái nghĩa là núi lớn) được coi là nóc nhà của Mộc Châu, cách trung tâm thị trấn chừng 40 km và nằm trong khu vực biên giới Việt - Lào. Quãng đường chinh phục Pha Luông không hề dễ dàng nhưng càng ngày càng có nhiều người muốn tới đây thử thách bản thân.

Thời gian

Khám phá Pha Luông chỉ cần 2 ngày nên du khách có thể chọn dịp nghỉ cuối tuần. Thời điểm đầu xuân (khoảng tháng 2 -3) trùng với các mùa hoa như mơ, mận, đào... nên bạn có thể dành thời gian để kết hợp vui chơi và "săn" ảnh hoa ở Mộc Châu.
Pha Luông cũng chính là địa danh nổi tiếng trên đường đi của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ảnh: Mèo Già.

Phương tiện di chuyển

Bạn đón xe khách chạy tuyến Hà Nội - Mộc Châu tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, giá vé một chiều dao động từ 130.000 đến 160.000 đồng. Sau đó thuê xe máy (giá khoảng 200.000 đồng một ngày, tự đổ xăng) để di chuyển từ Mộc Châu tới đồn biên phòng Pha Luông và gửi xe, bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách.

Nếu thể lực và khả năng lái tốt bạn cũng có thể đi xe máy từ Hà Nội lên thẳng Mộc Châu (chừng 4h cho đoạn đường gần 200 km) trước khi chạy tiếp chặng Mộc Châu - Pha Luông gần 40 km.

Hành trang

Trước khi đi bạn phải rèn luyện thể lực bằng các bài tập tăng sức bền cho cơ thể, đặc biệt là đôi chân. Bạn cần đảm bảo sức khỏe ổn định trong suốt hành trình vì nếu đuối sức bạn sẽ phải dừng leo núi giữa đường, ảnh hưởng tới lịch đi của đoàn.

Các đồ dùng cần thiết gồm: quần áo, thuốc men, dao nhỏ, bật lửa, đồ ăn... và cả giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân) để làm thủ tục với đồn biên phòng Pha Luông. Ngoài ra để dễ dàng cho việc di chuyển, leo núi, đi bộ xuyên rừng, bạn nên mang giày leo núi, áo mưa, hay túi nilon bọc giày.

Ăn uống

Do trên đường đi từ trung tâm thị trấn Mộc Châu tới Pha Luông không có hàng quán, bạn nên mang đồ ăn theo để nghỉ chân lấy sức và ăn tại đồn biên phòng. Lưu ý mang thêm nước và thức ăn nhẹ để phòng tránh mất sức trên đường leo núi.

Lịch trình

Du khách nên bắt xe khách đi từ 21, 22 h tối hôm trước để sáng sớm tới Mộc Châu.

Ngày 1:

5h - 5h 30: Sắp xếp, kiểm tra đồ đạc, rời xe khách và ăn sáng.

7h 30: Nhận và kiểm tra xe máy, chuẩn bị cơm trưa đem đi Pha Luông.

Pha Luông cách Mộc Châu khoảng 40 km, nên khởi hành sớm theo quốc lộ 43 hướng đi cửa khẩu Loóng Sập khoảng 20 km, sau đó rẽ vào lối đi Mường Ve thêm chừng 7 km đường nhựa đẹp. Bắt đầu từ đây là 10 km off-road gian nan, đường đất xen lẫn đá tảng nằm ngổn ngang, liên tiếp dốc cao, một bên núi một bên vực thẳm.
Đoạn đường đến được đồn biên phòng Pha Luông rất dễ trơn trượt nếu đi vào ngày mưa. Ảnh: Nguyễn Đắc Hòa.

10h 30: Chạm đích đồn biên phòng, nghỉ ngơi lại sức, ăn trưa, chuẩn bị đồ lên leo núi và làm thủ tục ở đồn biên phòng.

Bạn có thể gửi lại các vật dụng nặng hoặc không cần thiết tại đồn, chú ý bảo quản đồ có giá trị và quan trọng như tiền bạc, máy ảnh... Ăn trưa xong phải dọn dẹp rác để không gây ô nhiễm và tạo hình ảnh xấu với người dân địa phương. Đoàn nên thuê người dân địa phương dẫn đường, đảm bảo thực hiện đúng thời gian cho phép.

11h 30: Bắt đầu leo lên núi.

Cung đường leo Pha Luông rất nhiều cảnh đẹp nhưng cũng không kém phần nguy hiểm vì liên tục là các dốc lên xuống, đường mòn nhỏ khiến bạn phải luồn lách. Đầu xuân leo núi bạn sẽ bắt gặp những cây đào, mận bung nở giữa rừng, nếu may mắn đoàn còn được thấy lá phong đỏ sót lại.

Chặng đường cuối cùng hoàn toàn là dốc đứng, trơn trượt, hiểm trở tới mức bạn gần như không có gì để bám mà phải bò nên cần cẩn trọng từng bước. Nếu chặng đầu bạn có thể dùng gậy để leo thì đoạn cuối này phải bỏ lại, nhưng chú ý không vứt bừa bãi làm chắn đường người đi sau.

14h 30: Tới đỉnh núi nghỉ ngơi, ngắm cảnh chụp ảnh kỷ niệm khoảng 30 - 45 phút.

Đây là thời điểm vui và hào hứng nhất vì bạn đã đạt được mục tiêu chuyến đi. Trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng, rộng rãi rất phù hợp để cắm trại hoặc vui chơi tập thể. Tuy nhiên do chưa đảm bảo về an ninh an toàn (vì đây là khu vực biên giới Việt - Lào) nên hiện nay việc cắm trại ngủ qua đêm chưa được cho phép.

Ngoài ra, trên đỉnh Pha Luông có các mỏm đá chìa ra phía vực sâu là nơi chụp ảnh kỷ niệm độc đáo nhưng mọi người cũng cần chú ý an toàn. Nếu mệt bạn có thể ăn nhẹ ngay trên đỉnh và tất nhiên phải dọn rác sạch sẽ sau khi ăn.

15h 15: Bắt đầu xuống núi, về đồn biên phòng Pha Luông.

Vì mất nhiều sức cho chặng leo lên và hành trình về cũng nhiều dốc nên bạn hãy cẩn trọng để không gặp các chấn thương như chuột rút, căng cơ, trẹo chân...
Đầu năm còn là thời điểm hoa mận phủ trắng núi đồi Mộc Châu. Ảnh: Hương Chi.

17h 15: Về đến đồn biên phòng nghỉ ngơi chừng 30 phút.

Nếu điều kiện trời quang và chưa có sương mù dày thì đoàn nên đi xe máy trở về Mộc Châu. Trong trường hợp thời tiết xấu hoặc không cán đích đúng giờ, mọi người sẽ phải xin ngủ tại đồn biên phòng.

21h: Tới trung tâm thị trấn Mộc Châu, ăn tối nghỉ ngơi tại phòng khách sạn.

Đoàn phải liên hệ và đặt phòng trước khi đi. Một phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ dao động từ 300.000 - 350.000 đồng, tuy nhiên giá này có thể thay đổi vào mùa du lịch cao điểm.

Ngày 2:

7h 30: Kết hợp ngắm hoa mận, đào và xuất hành trở về Hà Nội.

Trên đường về đoàn dừng chân ăn trưa và kết hợp mua quà là các đặc sản của Mộc Châu (cải mèo, sữa, chè, thịt lợn, các loại thuốc từ lá, thân cây...).

Hương Chi (VnExpress)

Bài đăng phổ biến