Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Bún ốc Hàng Chai - đậm đà hương vị gia truyền

Vị nước dùng chua thanh, thêm chút cay của ớt chưng quyện vào mùi béo ngậy của từng con ốc sẽ làm bạn khó quên.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Từ một gánh hàng nhỏ rong ruổi trên khắp con phố Hà Nội, giờ đây hàng bún của cô Thêm trở thành điểm đến nổi tiếng cho những thực khách yêu thích món bún ốc. Dù không gian chật hẹp, chỉ đơn giản là những chiếc ghế nhựa, hàng bún ốc duy nhất ở phố Hàng Chai này luôn chật kín người.

Cô Thêm là thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề này và đã bán được hơn 25 năm. Với bí quyết chế biến gia truyền, hương vị của món bún ốc của quán khó có thể tìm được ở nơi khác.
Tuy được nhiều người biết đến, cô Thêm vẫn giữ hình ảnh gánh bún truyền thồng như cách để nhớ đến bà và mẹ mình. Đây cũng là cách gợi nhớ hình ảnh về Hà Nội một thời xưa cũ. Ảnh: Phong Vinh

Những con ốc nhỏ, to trong tô bún nóng hổi, vàng giòn béo múp, cắn một miếng vừa ngậy, vừa dậy lên vị ngọt. Bún ăn theo kiểu chan nước dùng nóng vào bát, có thêm vài cọng hành lá, mấy miếng cà chua… kèm rau sống thơm ngọt lại mát. Món ăn này sẽ không ngon nếu thiếu đi chút ớt chưng.

Điều đặc trưng của tô bún Hàng Chai là chỉ gồm có bún, ốc và vài gia vị đi kèm như hành lá, cà chua, nhưng không vì vậy mà thiếu đi hương vị. Bù lại, nước dùng trong vắt, có phần chua hơn so với bún ốc khác nhưng vẫn rất thanh, đậm đà và vừa miệng, tạo nên hương vị quyến rũ khó cưỡng lại.

Tô bún ốc được bưng ra bắt mắt với màu xanh của lá hành, đo đỏ của cà chua và vàng ươm của những con ốc. Tùy theo khẩu vị, bạn có thể cho thêm gia vị cho vừa miệng như chanh, sa tế,... Để đáp ứng nhu cầu thực khách, quán còn có cho thêm thịt bò trần nếu được yêu cầu, nhờ đó vị cũng đậm đà hơn.
Tô bún ốc Hàng Chai chỉ với giá 30.000 đồng. Nếu ăn thêm thịt bò trần, bạn sẽ trả khoảng 15.000 đồng cho 1 lạng. Ảnh: Phong Vinh

Quán mở cửa từ 7h sáng đến 13h trưa. Đến với hàng bún lúc nào cũng tấp nập này, bạn phải tự tìm cách để xe và chỗ ngồi rồi đợi đến lượt ăn bún. Nghe có vẻ "cực nhọc" nhưng bạn sẽ khó quên hương vị gia truyền của tô bún nơi đây.

Phong Vinh

Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, khám phá làng hoa Tân Quy Đông hay du ngoạn khu sinh thái Gáo Giồng và thưởng thức món ăn đậm chất miệt vườn Nam bộ là những trải nghiệm thú vị trong dịp nghỉ lễ sắp đến.
Ngôi làng 'có bốn mùa xuân' ở Đồng Tháp / Bí quyết giúp du khách nắm rõ Đồng Tháp như lòng bàn tay

Với những dòng sông hiền hòa, cánh đồng sen bát ngát và nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn, Đồng Tháp là điểm đến lý tưởng cho bạn và gia đình thực hiện chuyến nghỉ mát cuối tuần hay dịp lễ dài ngày.

Tùy vào điều kiện và thời gian bạn có thể sắp xếp chuyến đi trong 2 hay 4 ngày để thưởng thức cảnh đẹp và nhiều món ăn địa phương.
Làng hoa Tân Quy Đông, nơi hội tụ sắc hoa bốn mùa. Ảnh: Duy Kòy.

Xuất phát

Bạn sẽ mất khoảng 3 giờ chạy xe từ TP HCM tới Đồng Tháp với quãng đường 150 km. Điểm có thể mua vé là bến xe miền Tây (Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) với giá 100.000 đồng một người của các hãng uy tín như Mai Linh, Phương Trang… Du khách cũng có thể di chuyển bằng xe máy để tiện lịch trình riêng hoặc đi theo tour của các trung tâm lữ hành ở Sài Gòn.

Nếu đi bằng xe máy bạn xuất phát lúc 5h sáng để tránh tắc đường và nắng nóng của miền Nam. Từ Sài Gòn bạn đi thẳng đến cầu Mỹ Thuận theo quốc lộ 1A, sau đó đi tiếp quốc lộ 80 để đến Sa Đéc. Từ đây bạn bắt đầu di chuyển theo lịch trình dự định. Dưới đây là gợi ý cho du khách hành trình khám phá Sa Đéc – Cao Lãnh trong hai ngày.

Ngày 1: Sài Gòn – Sa Đéc

Buổi sáng:

Bạn dành thời gian cho việc di chuyển, xen kẽ với việc thưởng thức đặc sản địa phương dọc chuyến đi. Hãy dừng chân ở Mỹ Tho, Tiền Giang để thưởng thức tô hủ tiếu thơm ngon. Đây là một trong 3 món hủ tiếu hấp dẫn của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang.

Đặc điểm của hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai, giòn và thơm ngon đặc trưng không lẫn với các nơi khác. Nguyên liệu ăn kèm là thịt nạc, lòng heo, xương và hải sản. Sau khi căng bụng với hủ tiếu bạn tiếp tục di chuyển theo lịch trình. Đến Sa Đéc bạn nghỉ ngơi, ăn trưa và chuẩn bị đi đến các điểm tham quan.

Buổi chiều:

Chùa cổ Kiến An Cung: Đây là một ngôi chùa cổ do người Hoa Phúc Kiến trong quá trình di cư đến sinh sống đã xây dựng nên. Chùa nằm ở trung tâm thành phố Sa Đéc. Hàng năm chùa có hai ngày lễ tế là ngày 22/2 và 22/8 âm lịch. Đến đây bạn như được tĩnh tâm xua tan mọi muộn phiền.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê: Được xây dựng từ năm 1895 do thương gia người Hoa - Huỳnh Cẩm Thủy (cha của Huỳnh Thủy Lê) làm chủ. Ngôi nhà không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc Đông – Tây hòa hợp mà còn nổi tiếng vì liên quan đến một cuộc tình không biên giới của một cô gái Pháp với Huỳnh Thủy Lê.

Cô gái sau này trở thành nữ văn hào Marguerite Duras đã kể lại mối tình đầu đầy ngang trái của mình qua tác phẩm Người Tình. Sau khi tác phẩm được chuyển thể thành phim và quay tại Việt Nam năm 1990, ngôi nhà trở nên nổi tiếng. Đến đây du khách sẽ được nghe thuyết minh về chuyện tình lãng mạn và đẫm lệ này.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở số 255A Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc. Ảnh: Phan Lộc.

Làng hoa Tân Quy Đông: Là một trong những làng hoa nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, nơi đây cung cấp nhiều giống hoa cảnh cho các vùng lân cận và cả xuất khẩu. Đến đây, bạn như lạc vào thế giới của muôn sắc hoa, những đàn ong, bướm chao lượn cùng hương thơm ngây ngất. Bất cứ thời điểm nào trong năm bạn cũng được chiêm ngưỡng các loại hoa rực nở.Làng thuộc xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc.

Buổi tối:

Bạn thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc thơm ngon nổi tiếng, sau đó di chuyển đến Cao Lãnh thuê phòng và nghỉ ngơ. Bạn có thể dạo chợ đêm Cao Lãnh, ăn món bánh cống đặc trưng và đĩa trái cây hấp dẫn vì có thêm si rô, lạc (đậu phộng) và đá bào.

Ngày 2: Cao Lãnh – Tràm Chim – Gáo Giồng

Buổi sáng:

Sau khi dùng bữa sáng bạn di chuyển đến vườn quốc gia Tràm Chim, nằm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Với diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, đây là nơi có hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Tại đây có nhiều loài động vật có trong Sách đỏ như: sếu đầu đỏ, ngang cánh trắng, bồ nông chân sám, giang sen…

Du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, thỏa sức ngắm nhìn những sinh cảnh đặc biệt trên chiếc thuyền ba lá đầy thú vị. Từ tháng 12 đến tháng 4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các loài sếu đầu đỏ bay rợp trời, những tổ chim lơ lửng trên cành tràm, hay cảnh chim mẹ mớm mồi và tập bay cho chim con. Hơn nữa, bạn cũng được thưởng thức hương hoa hoa tràm, súng, sen, mùi cỏ hay lúa mạ.

Buổi trưa du khách dùng bữa với các món ăn dân đã đặc trưng theo mùa như: lẩu cháo lươn, cá trê nướng chấm mắm gừng, canh chua cá lóc đồng, bông điên điển xào tép…

Cá lóc nướng lá len, món ngon nổi tiếng của miền sông nước Cửu Long. Ảnh:Dacsanmientay.

Buổi chiều:

Du khách tiếp tục tới khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Đến đây bạn được chèo xuồng tam bản cùng các cô gái miền Tây trong trang phục áo bà ba xinh đẹp. Bạn vừa xuôi mái chèo tận hưởng khung cảnh chim trời cá nước, vừa lắng nghe khúc vọng cổ ngân nga. Leo lên đài quan sát cao 18 m du khách có thể chiêm ngưỡng màu xanh bạt ngàn của rừng tràm và hàng trăm đàn cò trắng phía xa xa.

Thỏa sức với chuyến khám phá, du khách có thể nghỉ ngơi ở võng mắc trên sàn nhà đu đưa bởi những cơn gió đồng nội mát rượi. Hoặc vừa nghỉ ngơi vừa câu cá để có bữa tối dân dã với các món: cá lóc nướng trui cặp lá sen non, cá rô kho tộ, cá linh nấu chua với cơm mẻ bông súng…

Sau khi dùng bữa du khách nghỉ ngơi và lên xe ra quốc lộ 1A về lại Sài Gòn. Kết thúc chuyến khám miền quê sông nước đầy thú vị.

Văn Trãi

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, tắc kè xào lăn, canh lươn trứng kiến là những món đặc sản từng làm say mê nhiều thực khách khi đặt chân tới mảnh đất sen hồng.

Xem thêm: Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Dưới đây là một số món ăn du khách nên thử nếu có dịp ghé thăm Đồng Tháp.

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đấtĐây là món ăn được đánh giá ngon, mát, bổ và cách làm cũng khá đơn giản. Sau khi dùng nước sôi cạo vẩy cho sạch, bỏ lòng, bạn chặt rắn thành từng khúc dài chừng tấc tay, đem hầm cho nhừ để lấy nước ngọt rồi vớt ra để riêng.

Tiếp theo, đổ gạo và đậu xanh vào xoong nước hầm rắn, khi cháo chín nêm nếm cho vừa miệng. Xé thịt rắn hổ đất thành từng miếng nhỏ trộn với chanh và rau răm. Lấy một ít thịt rắn cho vào mỗi tô cháo, rắc thêm tiêu hành và trộn đều trước khi dùng.

Ngoài nấu cháo đậu, bạn có thể thưởng thức thêm món dồi rắn. Ảnh: phuotvietnam

Tắc kè xào lănKhông chỉ dùng để ngâm rượu chữa bệnh, tắc kè ở Đồng Tháp còn được biến tấu thành các món ăn ngon và trở thành đặc sản. Trước khi chế biến, đầu bếp chặt bỏ đầu tắc kè, nhúng sơ vào nước sôi để dễ cạo sạch lớp vảy. Sau đó chặt thành từng miếng nhỏ, ướp với đại hồi và tiểu hồi rồi xào cho săn lại. Cuối cùng cho một ít nước cốt dừa vào, để lửa liu riu để gia vị, nước cốt ngấm đều vào thịt.

Khi thấy nước dừa sắc lại, bạn múc thịt ra đĩa và rắc đậu phộng rang xay lên. Món này sẽ ngon hơn khi nhâm nhi cùng với rượu.



Vị cay nồng của rượu, béo ngậy của đuôi, mỡ và sụn tắc kè, ngọt của nước dừa và vị thơm đậu phộng sẽ đánh thức vị giác của bạn. Ảnh: thongtintieudung

Canh lươn nấu trứng kiếnCác món ăn từ lươn khá quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng canh lươn nấu với trứng kiến bạn chỉ có thể thấy ở xứ Đồng Tháp. Món ăn này có cách chế biến độc đáo và tạo vị giác cho người thưởng thức.

Lươn được làm sạch, sau đó cho nguyên con vào nồi nước sôi, đảo qua đảo lại vài vòng. Tiếp đến, bạn trút rau muống vào, nếu có thêm lá me non sẽ ngon hơn, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Bạn lựa chọn trứng kiến còn non, bóp nát cho ra sữa, rồi bỏ vào nồi. Gặp nước nóng, trứng kiến chín căng phồng lên, nước canh dần chuyển sang màu trắng đục và bắt đầu dậy mùi. Sau đó, bạn dùng muỗng múc canh nóng hổi vừa thổi vừa dùng.


Vị béo, chua hăng của trứng kiến hòa quyện với vị chua chua của lá me non, ngọt của lươn là những điểm độc đáo hấp dẫn thực khách ở món ăn này. Ảnh:tiepthigiadinh

Xuân Lộc (VnExpress)

Bài đăng phổ biến