Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Vẻ đẹp của ngôi nhà xưa giữa lòng phố cổ

Ngôi nhà số 87 Mã Mây được xây dựng cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội
  Nằm trên phố Mã Mây, địa chỉ số 87 là một trong số ít những ngôi nhà cổ được bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, cung cấp thông tin về lịch sử con người cũng như mảnh đất Hà Thành.

Đây loại nhà ở truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội với kiến trúc hình ống, hai tầng được làm bằng gỗ lim kết hợp với gạch đất nung, mái lợp ngói vẩy rồng. Phòng ngoài cùng sát mặt phố có những khung cửa lớn mà xưa kia chủ nhà dùng làm nơi buôn bán và bày hàng hóa.

Một sân nhỏ nằm chính giữa ngôi nhà được lót bằng gạch Bát Tràng. Sân là nơi lấy ánh sáng cho các phòng trong nhà. Với cách thiết kế này, ngôi nhà được thông gió và chiếu sáng tốt hơn.

Đi vào từng lớp cửa, bạn sẽ cảm nhận được sự cổ kính, trầm mặc của ngôi nhà. Hiện nơi đây vẫn còn giữ được những đồ vật cổ. Chính điều này làm tăng thêm giá trị văn hóa cho di tích.

Vật dụng trong nhà chủ yếu là đồ gỗ, gốm sứ và mây tre đan truyền thống đã nhuộm màu thời gian.

Cách sắp đặt ngày nay tái hiện phần nào không gian của căn nhà xưa. Đứng trong căn nhà cổ, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, tĩnh lặng và hoài niệm về một Hà Thành xưa.

Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, có chiều dài đất 28 m, chiều rộng mặt tiền 5 m và chiều rộng của mặt hậu là 6m.

Bạn phải đi qua một chiếc cầu thang bằng gỗ cũ kỹ để lên tầng. Bên trong là trường kỷ và một bộ ấm trà bằng đất nung đặt phía trên. Đây là nơi gia chủ xưa kia dùng để tiếp khách.

Hiện nay, nhà cổ Mã Mây thu hút đông đảo khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Vào các buổi tối cuối tuần, nơi đây diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật như ca trù, hát đối.

Ngoài ra, gian nhà chính còn trưng bày và quảng bá nhiều mặt hàng thủ công truyền thống: tranh giấy gió, sơn mài, tranh Đông Hồ, hay một số nhạc cụ dân tộc,...

Nhà cổ mở cửa hàng ngày từ 8h đến 20h. Giá vé tham quan là 10.000 đồng một lượt. Thời gian nghỉ buổi trưa là 12h - 13h30, du khách nên tránh đến vào giờ này.

Phong Vinh (VNExpress)

Thăm “xóm nướng” đêm Lý Sơn


Đêm xuống, khu vực ngã ba gần cầu cảng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) điện sáng trưng. Tại những quán nướng hải sản đơn sơ vừa xuất hiện, khách ngồi ghế xúp hít hà với các món hải sản còn tươi nồng vị biển...
Xem thêm: Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn
Hải sản tươi được bày bán ở "xóm nướng" đêm Lý Sơn - Ảnh: Võ Quý Cầu


Những hàng quán đó, theo dân đảo, mới “mọc” lên khi du khách từ mọi miền đất nước đổ về. Bởi cách đây chừng năm năm, người đến thăm thú đất đảo theo kiểu du lịch “bụi” như bây giờ muốn thưởng thức món ngon từ biển cũng chẳng dễ dàng.

Lý do, những con tàu của Lý Sơn dù đánh bắt ngoài khơi xa hay vùng biển quanh đảo (và cả cánh thợ câu) sau đêm đánh bắt chỉ để lại một phần nhỏ đem về cho gia đình ăn, còn phần lớn chuyển vào đất liền bán chứ để nơi đất đảo thì "biết bán cho ai".

Cũng vì vậy mà trước đây nhiều người cứ nghĩ ra đảo thiếu gì cá tôm, không điện thoại nhờ dân “thổ địa” đặt trước hoặc không làm khách của các ban ngành thì khó lòng kiếm được hải sản tươi sống cho ra hồn để nhậu.

Thậm chí dân xứ Quảng quanh năm ghé đảo vài ba chuyến còn kháo nhau: “Ra đảo là đi công chuyện, còn muốn nhậu mồi ngon thì ghé các quán nhậu ở vùng cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - khu vực tàu Lý Sơn cập đất liền".

Nhưng bây giờ đã khác, đất đảo mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch trong nước và nước ngoài nên nhu cầu ẩm thực của du khách tăng cao. Người dân đất đảo Lý Sơn nhận ra điều này nên sẵn lòng chiều khách.

Từ sáng sớm, những chủ quán đi vét cá tươi từ những thợ câu, những con tàu ghé đảo. Những con cá dìa, cá hồng, mực ống, cá mú, nhum biển, bạch tuộc, cả tôm hùm đang cựa quậy... được thu gom chờ đêm xuống là bày ra trên sạp gỗ, nổi lửa hồng chờ khách.


Tôm hùm còn sống - Ảnh: Võ Quý Cầu


Du khách sau một ngày lang thang nơi đất đảo ngắm những di tích lịch sử của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, những thắng cảnh, miếu mạo chùa chiền trở về tắm táp thì trời cũng vào đêm. Lúc này những hàng quán dân dã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi.

Khách cứ việc đến hỏi mua theo ký, sau đó các chủ quán nhanh tay làm cá, làm mực. Dưới lửa than hồng, những con nhum biển và cá nướng bốc mùi thơm nức mũi. Đặc biệt ở Lý Sơn có cơ man các loài nhuyễn thể. Nào ốc u, ốc đụn đến sò huyết, sò lông đều được bày bán khá nhiều.

Theo yêu cầu của thực khách, chúng được đem nướng hoặc luộc rồi chấm mắm gừng hoặc muối ớt. Nhiều thực khách bị hấp dẫn với món râu bạch tuộc nướng hoặc luộc cho đậu phộng giã nhỏ và rau húng quế chấm với nước mắm ngon rồi đưa cay bằng bia, bằng rượu.

Một số thực khách có bạn bè quen thân còn rủ nhau ngược đường ra phía chùa Hang, đến gần sườn núi nơi có quán xá đã bày bán cho du khách từ khi chiều xuống.

Nhiều chủ quán cứ hít hà nếu du khách ra đảo trong dịp cuối năm âm lịch còn có thể thưởng thức món gỏi tỏi đặc trưng của xứ đảo với dư vị cay cay thơm nồng.

Trong gió biển lồng lộng, trong mồi ngon, khách cứ việc thong thả nhấm nháp và đưa cay bằng rượu ngâm hải sâm, cá ngựa. Khi men đã bốc lên, những câu chuyện về biển khơi, về bão tố, về đội hùng binh đất đảo can trường bắt đầu râm ran...

Khách trả giá xong là... nướng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Nhum, cá biển nướng trên than hồng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Đêm càng về khuya, gió biển càng lồng lộng. Một số du khách ngẫu hứng còn ôm đàn hát những bài hát biển khơi. Để khi kết thúc đêm nhậu lại gọi thêm món cháo cá mú, cháo hàu ăn cho nhẹ người.

Hải sản ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ mới được đánh bắt, còn tươi nguyên. Những hàng quán không sử dụng nhiều gia vị như trong đất liền mà chủ yếu là nướng mộc chấm muối ớt, mắm gừng.

Lượt qua những hàng quán, chủ quán đa số là dân đất đảo. Họ không quen “chém chặt" du khách, bởi khách chọn lựa mồi nhậu, mặc cả giá tiền rồi mới đem chế biến thành mồi
Võ Quý Cầu (Theo TTO)

Dọc ngang Myanmar trên những chuyến bus đêm

Nếu không bị bó buộc về thời gian và muốn tiết kiệm chi phí thì những chiếc bus liên tỉnh chạy đêm là sự lựa chọn phù hợp để bạn khám phá Myanmar.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Myanmar

Những chuyến xe bus đường dài thường khiến hành khách ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến, bởi lẽ nó không chỉ “ngốn” thời gian mà những tiện nghi trên xe cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu đã thích hình thức du lịch bụi thì việc di chuyển bằng xe bus là lựa chọn bạn không thể bỏ qua khi đến một đất nước mới.

Để di chuyển giữa các thành phố tại Myanmar, có hai phương tiện phổ biến nhất, một là máy bay và hai là xe bus liên tỉnh. Với máy bay, bạn sẽ tiết kiệm đáng kể được thời gian và bảo đảm được sức khỏe bởi các điểm thăm quan nổi tiếng của Myanmar ở những thành phố cách nhau rất xa. Tuy nhiên, vé máy bay nội địa ở đất nước này giá cao và cách đặt vé chưa được thuận tiện. Hiện nay, chỉ có 1 đến 2 hãng hàng không cho phép đặt vé trực tuyến. Ngoài ra, bạn sẽ phải nhờ các đại lý du lịch đặt hộ.
Nhà chờ xe bus của hãng Elite tại Yangon.

Di chuyển bằng xe bus phổ biến hơn và thường được du khách chọn lựa khi đến Myanmar. Các hãng xe mới hoạt động nhưng chất lượng phục vụ đều rất chuyên nghiệp và bài bản. Những chiếc xe bus được nhập từ nước ngoài nên còn rất mới, trên xe được trang bị đầy đủ các tiện nghi như màn hình để xem phim, nghe nhạc, ghế ngồi thiết kế thoải mái, rộng rãi.

Bạn cũng có thể yên tâm về chất lượng, độ an toàn khi di chuyển xe bus ở Myanmar. Xe đều có tiếp viên riêng trên mỗi chuyến, hành khách được chuẩn bị sẵn chăn, nước uống, đồ vệ sinh cá nhân (khăn mặt, bàn chải đánh răng). Hệ thống đường giao thông của Myanmar không phải nơi nào cũng tốt, dù vậy đường đi khá vắng vẻ và các trạm dừng chân rất sạch sẽ, quy củ.

Thông thường, để khám phá được hết Myanmar, bạn nên đi một vòng theo trình tự sau: Yangon - Bagan - Mandalay - Inle - Yangon. Hai tuyến dài nhất là Yangon - Bagan và Inle - Yangon, cách nhau khoảng 600 km và mất khoảng 10-12 tiếng. Các chặng Bagan - Mandalay - Inle gần nhau hơn, khoảng 5-6 tiếng.
Bên trong xe bus của hãng Elite. Ảnh: Elite Express.

Những hướng dẫn cụ thể hơn cho bạn khi di chuyển bằng xe bus ở Myanmar:

Chặng Yangon - Bagan

Nếu bạn di chuyển từ Việt Nam bằng Vietnam Airlines, các tuyến thường từ Hà Nội lúc 16h50 và đến sân bay quốc tế Yangon International Airport lúc 18h10. Các chuyến từ TP HCM khởi hành sớm hơn, 11h45 và đến nơi lúc 13h15. Bạn sẽ mất khoảng 45 phút đến một tiếng để làm thủ tục nhập cảnh, đổi tiền và lấy hành lý. Sau khi đến Yangon, để tiết kiệm thời gian nên chuyển tiếp đến Bagan ngay trong ngày. Chặng này mất khoảng 10 tiếng với quãng đường dài 600km.
Nhà nghỉ dừng chân trên chặng đường từ Yangon đi Bagan.

Ở Myanmar hiện nay có nhiều hãng xe du lịch, nhưng nổi tiếng nhất là JJ Express và Elite Express. Với hành trình Yangon - Bagan, bạn có thể lựa chọn một trong hai. Các chuyến đều khởi hành từ bến xe Aung Mingalar Bus station, cách sân bay 20-30 phút di chuyển.

Với JJ Express, giờ khởi hành tại bến là 20h, giá vé 18.500 kyat, trong khi đó hãng Elite Express có giá vé 14.200 kyat, giờ khởi hành muộn hơn vào 21h30. Về chất lượng phục vụ, hai hãng tương đương nhau.

Chặng Yangon - Mandalay

JJ Express cũng khai thác chặng đi từ Yangon đến Mandalay, thành phố nổi tiếng có cây cầu gỗ teak U Bein dài và cổ xưa nhất thế giới. Xe khởi hành từ Yangon vào 9h và 21h30, giá vé hạng bình thường là 11.000 kyat. Hạng vé cao cấp khởi hành vào 21h, giá vé 18.500 kyat. Từ Yangon đi Mandalay, bạn sẽ mất khoảng 10 tiếng di chuyển với quãng đường gần 650 km.

Chặng Mandalay - Taunggyi (hồ Inle)

Xe bus của hãng JJ Express khởi hành vào 22h hàng ngày, đến Taunggyi (hồ Inle) vào 5h sáng với giá vé là 11.000 kyat. Quãng đường này khá gần chỉ 250km, thời gian di chuyển từ 4 đến 5 tiếng.

Chặng Bagan - Taunggyi (hồ Inle)

Với chặng này, bạn có thể nhờ khách sạn hoặc nhà nghỉ đặt hộ vé của hãng xe bus Bagan Minthar với giá 11.000 kyat. Có hai giờ khởi hành cho bạn lựa chọn là 7h30 và 19h30. Bạn không cần phải ra bến xe bus vì hãng sẽ cho xe đến khách sạn để đón khách. Chặng này mất khoảng 7 tiếng di chuyển, bạn sẽ đến nơi vào khoảng 3h sáng.

Chặng Taunggyi (Inle) – Yangon

Từ Taunggyi (Inle) về Yangon, bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe của JJ Express, giờ khởi hành từ 17h30 tại Taunggyi, giá vé 18.500 kyat bao gồm cả bữa ăn tối. Đây là chặng di chuyển dài nhất, bạn sẽ ở trên xe bus trong khoảng 12 tiếng và đến Yangon vào sáng sớm hôm sau. Mặc dù chặng này đi đường đèo núi nhưng xe chạy rất êm và bạn hoàn toàn yên tâm có thể ngủ ngon đến sáng.

Một số lưu ý khi di chuyển bằng bus tại Myanmar:
- Bạn có thể đặt vé của JJ Express qua Facebook của hãng (JJ-Express Highway Bus). Hãng xe sẽ cần họ tên và số hộ chiếu của các hành khách. Sau khi đặt xong, hãng sẽ thông báo giờ và địa điểm chờ xe bus cùng những chỉ dẫn cụ thể khác. Bạn nên liên hệ trước từ 1 đến 2 tuần. Đối với Elite Express, bạn có thể nhờ taxi đưa đến đại lý chính của hãng để mua vé.

- Các xe bus ở Myanmar đều bật điều hòa khá lạnh, vì vậy bạn nên chuẩn bị thêm chăn nỉ, áo khoác mỏng, khăn choàng, gối cổ hoặc tất.

- Nhà chờ của các hãng xe đều có nhà vệ sinh sạch sẽ, có quán ăn để phục vụ du khách.

- Từ bến xe Aung Mingalar Bus station (Yangon) về trung tâm, đi taxi giá từ 6.000 đến 8.000 kyat; từ bến xe Nyaung Oo Station (Bagan), bạn có thể đi xe ngựa 1.000 kyat/người về nhà nghỉ, khách sạn tại Old Bagan, New Bagan và di chuyển mất khoảng 15 đến 20 phút; từ bến xe Nyaung Shwe (Inle) về khách sạn, bạn có thể thuê xe tuk tuk giá từ 500 đến 1.000 kyat/người. Theo tỷ giá vào tháng 10/2014, 1 USD đổi được 985 kyat.

- Bạn nên đi những chuyến xe bus đêm để tiết kiệm thời gian cũng như một đêm nghỉ tại khách sạn.

- Giá vé và thời gian khởi hành được tính đến tháng 10/2014 và có thể thay đổi.

- Bạn có thể vào trang web tại đây để tham khảo trước giờ khởi hành và giá vé.

- Nếu đi một số chặng khác hoặc theo chiều ngược lại, bạn nên hỏi khách sạn, nhà nghỉ hoặc các đại lý du lịch để biết giờ khởi hành và giá vé mới nhất.

Bài đăng phổ biến