Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Ảnh chợ nổi Ngã Năm được yêu thích trên báo Anh

Chợ nổi và phụ nữ thu hoạch hoa súng là những bức hình được trang chia sẻ ảnh Picfair của Roughguides đánh giá ấn tượng nhất trong hai năm qua.
Xem thêm: Ảnh về Việt Nam vào top ấn tượng trên báo Anh
Tháng 8/2015 là tròn hai năm ra đời của Picfair, trang chia sẻ ảnh từ các du khách trên khắp thế giới. Do đó, thay vì lựa chọn các bức hình ấn tượng trong tháng, Roughguides tập hợp các tác phẩm nổi bật trong hai năm qua. Ảnh trên là chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng lúc sáng sớm của nhiếp ảnh gia JetHuynh.

Một tác phẩm khác của JetHuynh miêu tả chân thực cuộc sống miền sông nước với hình ảnh một phụ nữ thu hoạch hoa súng. Loài hoa này thường phát triển mạnh vào mùa nước nổi và hái để làm nguyên liệu chế biến các món ăn.

Đây không phải lần đầu tiên các tác phẩm của anh được Roughguides đưa vào danh sách những bức ảnh ấn tượng. Tháng trước, bức ảnh được bình chọn ấn tượng của anh ghi lại hình ảnh một phụ nữ lớn tuổi say sưa làm nón.

Bức ảnh mang tên Về nhà của tác giả Irwan Setiawan ghi lại hình ảnh hai mẹ con trên cánh đồng lúa ở Indonesia. Benji Lanyado, người sáng lập Picfair cho biết năm nay khoảng một triệu bức ảnh đã được đăng tải lên trang này.

Tác phẩm Núi Bàn, Nam Phi của Muhammed. Đây là ngọn núi có đỉnh bằng phẳng, nhìn ra thành phố Cape Town. Du khách có thể đi bộ hoặc cáp treo để lên đỉnh núi.

Những chàng cao bồi Brazil đang lùa đàn gia súc trên đường ở Pantanal. Ảnh được chụp bởi Amanda Dawes. Hiện các nhiếp ảnh gia thường xuyên chia sẻ hình lên Picfair đến từ 120 nước trên thế giới.

Một tác phẩm khác của Amanda Dawes là Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc.

Tác giả của bức ảnh mô tô lướt trên đụn cát trong sa mạc ở Morocco là Jack Schofield.

Một góc khác ở Morocco là khu chợ và quảng trường Jemaa el-Fna, Marrakech lúc hoàng hôn. Tại đây, du khách có cơ hội được gặp những người kể chuyện rong, dụ rắn và phiên chợ kiểu Ba Tư đầy màu sắc huyền bí.

Các em bé mà nhiếp ảnh gia Wilfred Seefeld gặp trên đường ở Jodhpur, Rajsthan, Ấn Độ.

Những tia chớp trong cơn bão mùa xuân ở Melbourne, Australia. Tác giả - Amy Williams viết: "Vào 1h30 sáng ngày 27/10, một loạt bão tràn qua bang Victoria. Khoảng 80.000 tia sét được ghi lại trên khắp tiểu bang".

Vy An (theo Roughguides)

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Vẻ đẹp của ngôi nhà xưa giữa lòng phố cổ

Ngôi nhà số 87 Mã Mây được xây dựng cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội
  Nằm trên phố Mã Mây, địa chỉ số 87 là một trong số ít những ngôi nhà cổ được bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, cung cấp thông tin về lịch sử con người cũng như mảnh đất Hà Thành.

Đây loại nhà ở truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội với kiến trúc hình ống, hai tầng được làm bằng gỗ lim kết hợp với gạch đất nung, mái lợp ngói vẩy rồng. Phòng ngoài cùng sát mặt phố có những khung cửa lớn mà xưa kia chủ nhà dùng làm nơi buôn bán và bày hàng hóa.

Một sân nhỏ nằm chính giữa ngôi nhà được lót bằng gạch Bát Tràng. Sân là nơi lấy ánh sáng cho các phòng trong nhà. Với cách thiết kế này, ngôi nhà được thông gió và chiếu sáng tốt hơn.

Đi vào từng lớp cửa, bạn sẽ cảm nhận được sự cổ kính, trầm mặc của ngôi nhà. Hiện nơi đây vẫn còn giữ được những đồ vật cổ. Chính điều này làm tăng thêm giá trị văn hóa cho di tích.

Vật dụng trong nhà chủ yếu là đồ gỗ, gốm sứ và mây tre đan truyền thống đã nhuộm màu thời gian.

Cách sắp đặt ngày nay tái hiện phần nào không gian của căn nhà xưa. Đứng trong căn nhà cổ, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, tĩnh lặng và hoài niệm về một Hà Thành xưa.

Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, có chiều dài đất 28 m, chiều rộng mặt tiền 5 m và chiều rộng của mặt hậu là 6m.

Bạn phải đi qua một chiếc cầu thang bằng gỗ cũ kỹ để lên tầng. Bên trong là trường kỷ và một bộ ấm trà bằng đất nung đặt phía trên. Đây là nơi gia chủ xưa kia dùng để tiếp khách.

Hiện nay, nhà cổ Mã Mây thu hút đông đảo khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Vào các buổi tối cuối tuần, nơi đây diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật như ca trù, hát đối.

Ngoài ra, gian nhà chính còn trưng bày và quảng bá nhiều mặt hàng thủ công truyền thống: tranh giấy gió, sơn mài, tranh Đông Hồ, hay một số nhạc cụ dân tộc,...

Nhà cổ mở cửa hàng ngày từ 8h đến 20h. Giá vé tham quan là 10.000 đồng một lượt. Thời gian nghỉ buổi trưa là 12h - 13h30, du khách nên tránh đến vào giờ này.

Phong Vinh (VNExpress)

Thăm “xóm nướng” đêm Lý Sơn


Đêm xuống, khu vực ngã ba gần cầu cảng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) điện sáng trưng. Tại những quán nướng hải sản đơn sơ vừa xuất hiện, khách ngồi ghế xúp hít hà với các món hải sản còn tươi nồng vị biển...
Xem thêm: Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn
Hải sản tươi được bày bán ở "xóm nướng" đêm Lý Sơn - Ảnh: Võ Quý Cầu


Những hàng quán đó, theo dân đảo, mới “mọc” lên khi du khách từ mọi miền đất nước đổ về. Bởi cách đây chừng năm năm, người đến thăm thú đất đảo theo kiểu du lịch “bụi” như bây giờ muốn thưởng thức món ngon từ biển cũng chẳng dễ dàng.

Lý do, những con tàu của Lý Sơn dù đánh bắt ngoài khơi xa hay vùng biển quanh đảo (và cả cánh thợ câu) sau đêm đánh bắt chỉ để lại một phần nhỏ đem về cho gia đình ăn, còn phần lớn chuyển vào đất liền bán chứ để nơi đất đảo thì "biết bán cho ai".

Cũng vì vậy mà trước đây nhiều người cứ nghĩ ra đảo thiếu gì cá tôm, không điện thoại nhờ dân “thổ địa” đặt trước hoặc không làm khách của các ban ngành thì khó lòng kiếm được hải sản tươi sống cho ra hồn để nhậu.

Thậm chí dân xứ Quảng quanh năm ghé đảo vài ba chuyến còn kháo nhau: “Ra đảo là đi công chuyện, còn muốn nhậu mồi ngon thì ghé các quán nhậu ở vùng cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - khu vực tàu Lý Sơn cập đất liền".

Nhưng bây giờ đã khác, đất đảo mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch trong nước và nước ngoài nên nhu cầu ẩm thực của du khách tăng cao. Người dân đất đảo Lý Sơn nhận ra điều này nên sẵn lòng chiều khách.

Từ sáng sớm, những chủ quán đi vét cá tươi từ những thợ câu, những con tàu ghé đảo. Những con cá dìa, cá hồng, mực ống, cá mú, nhum biển, bạch tuộc, cả tôm hùm đang cựa quậy... được thu gom chờ đêm xuống là bày ra trên sạp gỗ, nổi lửa hồng chờ khách.


Tôm hùm còn sống - Ảnh: Võ Quý Cầu


Du khách sau một ngày lang thang nơi đất đảo ngắm những di tích lịch sử của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, những thắng cảnh, miếu mạo chùa chiền trở về tắm táp thì trời cũng vào đêm. Lúc này những hàng quán dân dã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi.

Khách cứ việc đến hỏi mua theo ký, sau đó các chủ quán nhanh tay làm cá, làm mực. Dưới lửa than hồng, những con nhum biển và cá nướng bốc mùi thơm nức mũi. Đặc biệt ở Lý Sơn có cơ man các loài nhuyễn thể. Nào ốc u, ốc đụn đến sò huyết, sò lông đều được bày bán khá nhiều.

Theo yêu cầu của thực khách, chúng được đem nướng hoặc luộc rồi chấm mắm gừng hoặc muối ớt. Nhiều thực khách bị hấp dẫn với món râu bạch tuộc nướng hoặc luộc cho đậu phộng giã nhỏ và rau húng quế chấm với nước mắm ngon rồi đưa cay bằng bia, bằng rượu.

Một số thực khách có bạn bè quen thân còn rủ nhau ngược đường ra phía chùa Hang, đến gần sườn núi nơi có quán xá đã bày bán cho du khách từ khi chiều xuống.

Nhiều chủ quán cứ hít hà nếu du khách ra đảo trong dịp cuối năm âm lịch còn có thể thưởng thức món gỏi tỏi đặc trưng của xứ đảo với dư vị cay cay thơm nồng.

Trong gió biển lồng lộng, trong mồi ngon, khách cứ việc thong thả nhấm nháp và đưa cay bằng rượu ngâm hải sâm, cá ngựa. Khi men đã bốc lên, những câu chuyện về biển khơi, về bão tố, về đội hùng binh đất đảo can trường bắt đầu râm ran...

Khách trả giá xong là... nướng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Nhum, cá biển nướng trên than hồng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Đêm càng về khuya, gió biển càng lồng lộng. Một số du khách ngẫu hứng còn ôm đàn hát những bài hát biển khơi. Để khi kết thúc đêm nhậu lại gọi thêm món cháo cá mú, cháo hàu ăn cho nhẹ người.

Hải sản ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ mới được đánh bắt, còn tươi nguyên. Những hàng quán không sử dụng nhiều gia vị như trong đất liền mà chủ yếu là nướng mộc chấm muối ớt, mắm gừng.

Lượt qua những hàng quán, chủ quán đa số là dân đất đảo. Họ không quen “chém chặt" du khách, bởi khách chọn lựa mồi nhậu, mặc cả giá tiền rồi mới đem chế biến thành mồi
Võ Quý Cầu (Theo TTO)

Bài đăng phổ biến