Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Mùa hạ sương trắng trên đỉnh Mẫu Sơn

Dù đến đây vào ngày hè oi bức, bạn vẫn được tận hưởng khí hậu mát mẻ với những cơn gió lồng lộng, đôi khi sương giăng trắng xóa.
Xem thêm: Xôi trắng khâu nhục, món ăn của người xứ Lạng

Mẫu Sơn nằm cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 30 km về hướng đông bắc, nơi đây được ví như một "nàng công chúa" đang say giấc trong rừng sâu. Thong dong trên triền dốc cùng con nắng ươm vàng, bạn sẽ thấy trước mặt phía xa xa là khung cảnh hùng vĩ của những ngọn núi nối tiếp nhau.
Bạn sẽ tận mắt chứng kiến màu xanh bạt ngàn phủ đầy trên những ngọn núi. Ảnh:Phong Vinh

Tại đây, những ngôi biệt thự xây từ thời Pháp hiện bị bỏ hoang, thu hút du khách với nhiều câu chuyện huyền bí. Bước vào một căn nhà bất kỳ bên sườn dốc, bạn sẽ cảm nhận được vẻ cổ kính và rêu phong.

Mẫu Sơn cũng là nơi sinh sống của một số dân tộc Dao, Tày, Nùng. Thử đi sâu vào trong các bản làng, du khách sẽ tìm được cho mình những trải nghiệm mới mẻ. Tại đây, những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán nguyên sơ vẫn còn được giữ gìn. Bạn có thể hỏi đường đến bản Khuổi Cấp, nơi cư trú lâu đời của đồng bào người Dao và nhớ quan sát quy trình nấu rượu của họ.

Trên quãng đường uốn lượn quanh co lên đỉnh Mẫu Sơn, bạn còn bắt gặp những rừng thông xanh ngắt chạy tít tắp hai bên. Đây là một đặc trưng của vùng đất này, mang đến không gian lãng mạn như ở thành phố hoa Đà Lạt.
Thả bộ trên những con đường có hàng thông thẳng dài trong màn sương sẽ làm bạn quên đi cảm giác chật chội náo nức nơi phố thị. Ảnh: Phong Vinh

Thưởng thức ẩm thực địa phương với nhiều món ăn hấp dẫn cũng là điều bạn không nên bỏ qua. Mẫu Sơn có món gà 6 ngón và ếch hương nổi tiếng. Trong đó, ếch hương hay còn gọi là ếch đại gia, có dáng vẻ to con bệ vệ và rắn chắc hơn ếch thường. Vào mùa sinh nở và tìm kiếm bạn tình, ếch kêu vang khắp cả núi rừng Mẫu Sơn. Lâu dần, người dân địa phương xem đây là một phần thân thuộc không thể thiếu.

Vào buổi tối trời lạnh, cảm giác ấm áp khi ngồi bên nồi lẩu gà nghi ngút khói hay đĩa ếch chiên giòn nóng hổi cùng vài chén rượu nồng sẽ làm bạn khó quên nơi này.

Mẫu Sơn còn nhiều địa điểm thú vị khác để du khách khám phá như núi Phật Chỉ, một trong ba đỉnh lớn thuộc dãy núi phía tây nam của vùng Mẫu Sơn. Những thảm cỏ xanh rì trải dài bên sườn đồi cùng hệ động thực vật phong phú, cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi và đủ loại hoa đua sắc ven đường như đưa bạn lạc vào thế giới cổ tích.

Hay bạn cũng có thể liên hệ người dân địa phương hướng dẫn đi sâu vào trong rừng để khám phá thiên nhiên hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh bí ẩn hay con thác với vẻ đẹp tự nhiên,...
Tuy trời nắng, mây mù vẫn bao quanh đỉnh núi. Ngồi bên một ban công nhỏ ngắm nhìn những áng mây trôi tự do là điều du khách không nên bỏ lỡ. Ảnh: Phong Vinh

Hiện nay, những khu nhà nghỉ ở vùng núi Mẫu Sơn khá tiện nghi. Hầu hết đều có các dịch vụ cơ bản phục vụ khách du lịch. Với vị trí lưng chừng núi, những nhà nghỉ này phù hợp với khách thích không gian riêng tư và một chút phiêu lưu.

Trong không gian sương trắng, những hàng thông, bông hoa cùng vài người bạn đồng hành sẽ mang đến cảm giác bình yên, ung dung và tự tại mà bạn chỉ muốn yên lặng để cảm nhận.

Phong Vinh

Lẩu thả - đặc sản của dân miền biển Phan Thiết

Bỏ những con cá mai nhỏ vào tô, xung quanh bày trứng chiên xắt sợi, thịt luộc, rau, xoài, dưa leo..., sau đó thêm nước chấm, trộn lên là có ngay món lẩu thả.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch mũi Kê Gà

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... Phan Thiết còn đặc sản không kém phần nổi bật là lẩu thả.

Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.
Tùy khẩu vị thành phần phụ của món lẩu thả có thể thêm hay bớt. Ảnh: Thảo Nghi

Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.

Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ.
Khi ăn, độ giòn của bánh tráng hòa cùng vị ngọt nước chấm và thơm mát từ rau xanh, xoài sống... Ảnh: Thảo Nghi

Món này có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần trụng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Phương thức này giống việc ăn gỏi của người Nhật Bản.

Cách làm thứ hai dành cho những thực khách muốn ăn chín. Với tô nguyên liệu ban đầu, bạn múc nước lèo sôi đưa vào tô, thêm bánh tráng và dùng ngay.

Sau khi thưởng thức lẩu thả, chị Lê Khanh, trú tại quận 10, TP HCM đánh giá ngoài cá mai, cá suốt, tinh túy nhất của món này là chén nước mắm đậu phộng rất thơm. "Dù đã no, tôi vẫn muốn ăn nữa vì sợ về Sài Gòn lại thèm", chị chia sẻ.

Nước chấm của món lẩu thả là loại đặc biệt, chế biến bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn... Tỷ lệ pha chế là bí quyết mà thông thường các đầu bếp ít khi chia sẻ.

Thảo Nghi

Bánh quai vạc - món đặc sản khó quên ở Phan Thiết

Cắn miếng bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị dai sần sật từ lớp vỏ, vị mặn của tôm thịt trong phần nhân và chua chua ngọt ngọt của chút nước mắm vương trên đầu lưỡi.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Núi Tà Cú

Người Phan Thiết thường gọi bánh quai vạc thành bánh quai dạc do cách phát âm của địa phương. Mỗi lần về Phan Thiết, đi dọc trên những con đường, bạn đều có thể vô tình bắt gặp món ăn này được bày bán. Những chiếc bánh dinh dính, có màu trắng trong và đỏ, được xếp chồng lên nhau trong một cái thau che kỹ lưỡng bởi lớp ni-lon phía trên.

Bạn có thể ăn tại chỗ, mua về để thưởng thức hay thậm chí tự làm tại nhà. Khi mua về nhà, người bán sẽ dùng một chiếc nĩa nhỏ, xiên vào từng chiếc bánh để kéo nó lên và cho vào hộp, rắc lên phía trên chút hành thái nhỏ và hành phi thơm. Kèm theo đó là một bịch nước mắm được cột kỹ.

Không ai biết chính xác món bánh quai vạc xuất hiện từ khi nào ở Phan Thiết, chỉ biết rằng nó gắn liền với ẩm thực địa phương và đến đây mà không ăn bánh quai vạc thì vẫn chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực.
Bánh quai vạc là món ăn rất quen thuộc với người dân Phan Thiết.

Cách chế biến món bánh quai vạc không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh phải được làm từ bột lọc, chế nước sôi vào sao cho bột chín tới. Sau đó, người làm bánh sẽ nhồi bột cho thật dẻo, điều này đòi hỏi sự khéo léo vì bột lúc này rất nóng. Rồi họ sẽ bứt thành từng viên bột nhỏ ra, dùng chai thủy tinh cán mỏng.

Phần nhân của bánh thì gồm tôm và thịt ba rọi được cắt nhỏ, cho nước mắm, muối tiêu, đường vào trộn chung và đem đi xào chín. Múc một chút nhân vừa phải cho vào giữa miếng bột đã được cán mỏng và xếp đôi chiếc bánh lại. Khi hoàn tất, bánh sẽ được cho vào nồi nước sôi luộc và sau đó bánh chuyển màu trong thì vớt ra xả nước lạnh, trộn chung với chút dầu ăn để bánh không bị dính.

Linh hồn của món bánh quai vạc chính là nước mắm. Nước mắm được pha hơi kẹo (sệt sệt) với nguyên liệu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt mỏng và nêm gia vị khác cho đậm đà.

Khi ăn, bạn chỉ việc chan chút nước mắm vào bánh quai vạc, cho thêm hành phi và hành lá lên trên. Món này có thể ăn không, nhưng cũng có người mua bánh mì về ăn kèm, hương vị rất hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức món này trên đường phố ở Phan Thiết, Bình Thuận, giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một hộp.

Thảo Nghi (VnExpress)

Bài đăng phổ biến