Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi

Vài chiếc thuyền máy đi sâu vào rừng khiến đàn chim đậu trên cành tung cánh bay lên tạo thành bức tranh sống động ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 7.000 ha giữ vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.

Vì miền tây đang vào mùa nước nổi nên các đàn chim đã lần lượt di trú, chỉ còn một số ở lại thám thính để tìm bãi ăn, nơi nghỉ và môi trường tốt để gọi đàn về. Vào mùa xuân, các đàn chim sẽ trở về đây để tìm kiếm thức ăn.


Khi những chiếc thuyền máy tiến sâu vào rừng tràm, những con chim nghe âm thanh bị động sẽ tung cánh bay lên cao.

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp, ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng" tại Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD.

Dự án giúp bảo vệ các loài chim quý hiếm, cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phát triển thủy sản và phục hồi thảm thực vật.


Chim đậu trên các cành cây rất an nhiên. Nếu có dịp ngồi trên thuyền chầm chậm quan sát, bạn sẽ thấy những tổ chim được "xây" ở khắp nơi. Theo thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 cò trắng đến sinh sống, sinh sản ở Tràm Chim.


Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến sẽ trở thành tuyến điểm du lịch đặc biệt trong mùa nước nổi. Năm 2014, có hơn 60.000 lượt khách tham quan Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Tràm Chim cũng được tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý mùa nước nổi, trung bình thêm khoảng 1.460.000 đồng/ tháng mỗi hộ dân.


Dự kiến từ 25 đến 27/9, ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra ở vườn quốc gia này với chủ đề "Tràm chim mùa nước nổi".


Ông Hoàng Quốc Việt, điều phối dự án của WWF cho biết: "Dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Hy vọng việc quản lý và bảo tồn Tràm Chim tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar và trở thành bài học kinh nghiệm cho các vùng ngập nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long".


Về lý do chọn vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, đầu tư, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng nước giải khát chia sẻ: "Ở Việt Nam có rất nhiều rừng quốc gia, nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu vì nằm ngay lưu vực sông Me Kong. Do đó việc theo đuổi dự án này giúp bảo tồn môi trường sinh thái, trả lại hiện trạng tự nhiên tốt nhất để người dân và các động vật quý hiếm quay trở lại sinh sống".

Tường Ý

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Thịt trâu nhúng mẻ - món ăn dân dã miền Tây

Thịt trâu dai, mềm quyện lẫn cùng nước mẻ được pha khéo léo với vị chua, mặn ngọt, cay tới hốc mũi khiến bạn vừa ăn vừa muốn hít hà.

Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Trâu nhúng mẻ là món ăn đặc sản của miền Tây, được các nhà hàng biến tấu và chế biến theo nhiều cách với hương vị khác nhau.

Trâu nhúng mẻ muốn ngon phải chọn loại thịt tươi, được cắt ngang thớ rồi ướp các gia vị như sả, ớt, tỏi, muối, bột ngọt, đường trong vòng một giờ cho ngấm.

Nước mẻ được nhúng thịt trâu cũng được pha chế sao cho đủ chua, không bị gắt, và có vị cay của ớt, thơm của sả. Thịt trâu được bày lên đĩa, bên trên là những lát hành tây xắt mỏng.
Thịt trâu nhúng mẻ với thứ nước dùng chua, thanh, có vị thơm thơm của sả. Ảnh:khuyenmaivang

Món ăn này không thể thiếu được các loại rau của miền Tây như bông điên điển, bông so đũa hay những mầm cải nhỏ, bông súng, kèo nèo, rau ngổ... Chính những loại rau này sẽ góp phần làm nên hương vị cho món trâu nhúng mẻ.

Khi ăn chỉ cần nhúng qua thịt trâu vào nồi nước mẻ kèm các loại rau bày sẵn, vừa có tác dụng thanh nhiệt, vừa bổ dưỡng. Các quán tại miền Tây còn kèm thêm đọt nhãn lồng, lá tai tượng ăn cùng với bún tươi. Giá một nồi lẩu khoảng 250.000 đồng.

Anh Phương

Lợn cắp nách, pa pỉnh tộp vùng núi Tây Bắc mùa lúa chín

Những con lợn chỉ to chừng 10 kg, thịt thơm, chắc, nướng lên cùng lá mắc mật hay cá suối tươi ngon nướng trên bếp than hồng là món ăn bạn phải thử khi khám phá Tây Bắc mùa lúa chín.
Xem thêm: 6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Tháng 9, tháng 10, khắp Tây Bắc rực một màu vàng óng của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang. Đến đây, bạn cũng được thưởng thức những món ăn ngon.

Lợn cắp nách

Lên Tây Bắc, bạn dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh này trong các phiên chợ. Ảnh: Blogspot.

Là giống lợn nhỏ, chỉ chừng chục kg, con vật này được người dân miền núi nuôi theo kiểu thả rông. Chúng ăn ngô, khoai, sắn hay rễ cây, rau cỏ trong rừng. Lớn lên bằng thức ăn tự nhiên nên thịt rất sạch.

Thịt lợn cắp nách có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong quán ăn ở vùng cao, bạn dễ dàng thưởng thức những món thịt nướng được tẩm ướp kỳ công cùng gia vị đặc trưng của núi rừng như lá mắc mật, mắc khén... Đĩa thịt nướng được dọn ra có màu vàng ươm như mật ong, dậy mùi thơm, khi ăn cảm nhận vị ngọt, đậm đà.

Tại những phiên chợ trên vùng cao Tây Bắc, bạn có thể thấy người dân tộc gùi trên lưng những tảng thịt xuống chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa. Thịt lợn cắp nách được bán khoảng 130.000 đồng một kg.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp có vị nồng nồng của khói, vị bùi của trâu, vị cay của mắc khén. Ảnh: Blogspot.

Trong những bữa cơm đãi khách của người dân tộc thường có thịt trâu gác bếp. Bạn cũng dễ dàng tìm thấy món này trong các quán ăn ở miền núi.

Trâu gác bếp Tây Bắc được tẩm ướp kỳ công với muối, ớt, gừng, mắc khén và hạt dổi giã nhuyễn nên có mùi bị riêng biệt. Để chế biến món này, thường vào khoảng tháng 8, người dân mổ thịt trâu, chọn thăn, bắp ở vai, lưng... rồi thái thành từng miếng, ướp gia vị, treo lên gác bếp. Khói bếp, hơi nóng khiến thịt trâu khô dần và có mùi đặc trưng.

Xé miếng thịt trâu, bên ngoài trông khô, quắt nhưng bên trong vẫn có màu hồng tươi. Đưa miếng thịt trâu lên miệng, chậm rãi nhai, cảm nhận vị ngọt cứ lan dần. Thịt trâu được bán với giá khoảng 700.000 đồng một kg.

Pa pỉnh tộp

Cá nướng là món ăn được nhiều thực khách lên Tây Bắc thích thú. Ảnh:sonlatourism

Pa pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn đặc sắc của người dân Tây Bắc. Cá suối thường chỉ ăn rong rêu, lá cây và động vật giáp xác nên rất sạch, khi mổ ra không thấy mùi tanh. Khác với cách chế biến ở dưới xuôi, người ta không mổ bụng mà dọc sống lưng, móc hết phần ruột cá.

Pa pỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nào. Sau khi mổ lưng, người ta tẩm ướp gia vị, cho rau thơm thái nhỏ, mắc khén... vào rồi gập con cá cho lên bếp nướng. Khách lên đây thích thú khi nhìn thấy những con cá tươi rói được nướng trên bếp than hồng. Mùi cá quyện cùng hương mắc khén thơm nức, kích thích vị giác, khi ăn thịt béo ngậy, thơm ngon. Giá khoảng 70.000 đồng một kg.

Anh Phương

Bài đăng phổ biến