Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Mùa nước nổi, về miền Tây ăn lẩu cá linh bông điên điển

Khi cánh đồng miền Tây vàng rực bông điên điển, những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về là lúc người dân ở đây được thưởng thức món ăn đậm chất hương đồng gió nội.
Xem thêm: Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây
Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... nước đã ngập trắng đồng. Đó cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh, những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, để rồi kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc.
Những con cá linh béo tròn bằng ngón tay người lớn, tươi roi rói trông thật hấp dẫn. Ảnh: Tiêu Phong.

Cá linh đánh bắt được người dân bán cho các thương lái, hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây mỗi khi nước lũ về.
Ngoài bông điên điển, ăn kèm món lẩu này còn có rau muống, rau nhút... Ảnh: Tiêu Phong.

Tên gọi của món ăn cũng là hai thành phần chính tạo nên món lẩu thơm ngon này. Đầu tiên là cá linh, những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Đầu tiên, phi thơm tỏi, cho nước dùng vào nấu sôi. Tùy theo khẩu vị mà nước dùng có vị chua ngọt khác nhau.
Nồi lẩu bốc khói với hương thơm thoang thoảng khiến thực khách không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của món ăn. Ảnh: Tiêu Phong.

Sau khi chuẩn bị xong các bước, món lẩu được dọn lên bàn để mọi người cùng thưởng thức. Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút... tùy theo ý thích của từng người. Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm.

Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà. Nếu có dịp du ngoạn miền Tây vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng của người dân xứ bưng biền.

Tiêu Phong

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tràm Chim, thiên đường mùa nước nổi

Hàng năm, mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên
Xem thêm: Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Đến với Tràm Chim, du khách có thể bắt đầu từ khu A1 để khám phá. Sẽ rất khó khăn để đi hết hơn 7.000 ha diện tích chỉ trong một ngày. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu.


Vầng thái dương khổng lồ đỏ rực bắt đầu lặn dần sau những rừng tràm bạt ngàn. Những cánh chim về tổ chao mình trong bóng hoàng hôn làm bức tranh thiên nhiên thêm sống động mà bình yên.


Chiếc xuồng con chầm chậm lướt đi trong muôn sắc màu của ráng chiều rực rỡ khắp vùng đầm nước mênh mông.


Trên cánh đồng năng kim, vạn cánh cò trắng đang bay về chuẩn bị cho giấc ngủ yên sau một ngày dài sải cánh rong chơi trên khắp cánh đồng.


Cánh chim cuối cùng cũng về tổ sau một ngày dài “mưu sinh” mệt mỏi.


Buổi tối ở Tràm Chim, điều thú vị nhất là đi gỡ lưới và giăng cầu đêm. Giăng lưới mùa nước nổi thật đơn giản, cứ chèo xuồng con đi thẳng một đường rồi thả lưới. Chừng một tiếng sau quay lại, thế nào cùng có món ngon cho nồi cháo khuya. Đêm nhẹ nhàng trôi qua trong giấc ngủ say hứa hẹn một ngày mới đầy thú vị.


Để khám phá vương quốc loài chim này, bạn phải dậy thật sớm khi bình minh vẫn còn “e ấp” rồi chạy xuồng vào sâu trong rừng tràm. Nằm im lặng và chờ đợi.


Thời điểm ánh dương chiếu những tia sáng đầu tiên từ phía chân trời cũng là lúc điều mong chờ đã đến. Phóng xuồng thật nhanh giữa dòng kênh xanh, vạn cánh chim còn ngái ngủ chợt bừng tỉnh giấc và tung cánh đón chào ngày mới.


Khung cảnh thiên nhiên đến choáng ngợp hiện ra trước mắt, ngàn vạn cánh chim giăng kín bầu trời, tung cánh liệng trên mặt nước rồi vút xa mãi đến khuất dần.


Càng tiến gần, hình ảnh càng tuyệt diệu. Giữa mênh mông đồng cỏ xanh, vây quanh xa xa là rừng tràm, một bàu nước lớn với hàng ngàn chú cò trắng muốt đang săn cá. Vô số loài khác như diệc, trích cồ, cò xám, cò bợ cùng nhau nô đùa nhảy múa. Trên đọt cao từng đàn giang sen quý hiếm thực hiện những vũ khúc đón chào ngày mới.


Giang sen là loài chim quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn. Việc được ngắm chúng trong tự nhiên là một điều rất may mắn. Những chú chim cổ rắn sải cánh “tập thể dục” trước khi bắt đầu một ngày đi săn.


Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen nở rộ khắp nơi. Rảo bước dạo chơi trên những bờ đê hay khua mái chèo rẽ nước lướt giữa hương sen thoang thoảng để thấy lòng thật thuần khiết. Bao lo âu tất bật cuốn trôi theo giớ tự lúc nào.


Về Tràm Chim mùa nước nổi, bạn đừng quên thưởng thức các đặc sản đầy quyến rũ như cá chạch lấu phơi khô chấm mắm mặn, lẩu cá linh với bông điên điển, chuột đồng quay lu, cá óc nướng trui cuốn đọt sen non…

Quỷ Cốc Tử

Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi

Vài chiếc thuyền máy đi sâu vào rừng khiến đàn chim đậu trên cành tung cánh bay lên tạo thành bức tranh sống động ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 7.000 ha giữ vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.

Vì miền tây đang vào mùa nước nổi nên các đàn chim đã lần lượt di trú, chỉ còn một số ở lại thám thính để tìm bãi ăn, nơi nghỉ và môi trường tốt để gọi đàn về. Vào mùa xuân, các đàn chim sẽ trở về đây để tìm kiếm thức ăn.


Khi những chiếc thuyền máy tiến sâu vào rừng tràm, những con chim nghe âm thanh bị động sẽ tung cánh bay lên cao.

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp, ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng" tại Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD.

Dự án giúp bảo vệ các loài chim quý hiếm, cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phát triển thủy sản và phục hồi thảm thực vật.


Chim đậu trên các cành cây rất an nhiên. Nếu có dịp ngồi trên thuyền chầm chậm quan sát, bạn sẽ thấy những tổ chim được "xây" ở khắp nơi. Theo thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 cò trắng đến sinh sống, sinh sản ở Tràm Chim.


Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến sẽ trở thành tuyến điểm du lịch đặc biệt trong mùa nước nổi. Năm 2014, có hơn 60.000 lượt khách tham quan Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Tràm Chim cũng được tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý mùa nước nổi, trung bình thêm khoảng 1.460.000 đồng/ tháng mỗi hộ dân.


Dự kiến từ 25 đến 27/9, ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra ở vườn quốc gia này với chủ đề "Tràm chim mùa nước nổi".


Ông Hoàng Quốc Việt, điều phối dự án của WWF cho biết: "Dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Hy vọng việc quản lý và bảo tồn Tràm Chim tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar và trở thành bài học kinh nghiệm cho các vùng ngập nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long".


Về lý do chọn vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, đầu tư, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng nước giải khát chia sẻ: "Ở Việt Nam có rất nhiều rừng quốc gia, nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu vì nằm ngay lưu vực sông Me Kong. Do đó việc theo đuổi dự án này giúp bảo tồn môi trường sinh thái, trả lại hiện trạng tự nhiên tốt nhất để người dân và các động vật quý hiếm quay trở lại sinh sống".

Tường Ý

Bài đăng phổ biến